Trong quá trình thực hiện hợp đồng, vì lý do bất khả kháng hoặc vì lý do khác mà các bên có thể đơn phương chấm dứt hợp đồng. Vậy khi nào được đơn phương chấm dứt hợp đồng kinh tế? Mời bạn đọc tham khảo bài viết dưới đây:
Mục lục bài viết
- 1 1. Đơn phương chấm dứt hợp đồng là gì?
- 2 2. Khi nào được đơn phương chấm dứt hợp đồng kinh tế?
- 3 3. Thủ tục đơn phương chấm dứt hợp đồng kinh tế:
- 4 4. Hậu quả pháp lý của việc đơn phương chấm dứt hợp đồng kinh tế:
- 5 5. Những trường hợp ngoại lệ đơn phương chấm dứt hợp đồng không bị phạt vi phạm:
- 6 6. Mẫu văn bản thông báo đơn phương chấm dứt hợp đồng kinh tế:
1. Đơn phương chấm dứt hợp đồng là gì?
Hợp đồng được lập ra trên cơ sở là nguyên tắc tự nguyện thỏa thuận của các bên. Hành vi đơn phương chấm dứt hợp đồng được hiểu là một bên tự ý chấm dứt nghĩa vụ thực hiện hợp đồng trước thời hạn mà không có sự thỏa thuận, đồng ý của bên còn lại.
Hợp đồng kinh tế là một loại hợp đồng chịu sự điều chỉnh trên cơ sở của Bộ luật dân sự và các luật chuyên ngành khác. Có thể hiểu hợp đồng kinh tế là sự thỏa thuận giữa các bên về việc xác lập, thay đổi hoặc chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự trong hoạt động sản xuất, trao đổi hàng hoá, dịch vụ và các thỏa thuận khác có liên quan đến mục đích kinh doanh.
2. Khi nào được đơn phương chấm dứt hợp đồng kinh tế?
Khi thực hiện hợp đồng, một bên hoàn toàn có quyền được đơn phương chấm dứt hợp đồng trong trường hợp sau:
– Một bên vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ trong hợp đồng.
– Các bên trong hợp đồng kinh tế có sự thỏa thuận.
– Các trường hợp khác pháp luật quy định.
Như vậy nếu trong hợp đồng kinh tế đã ký kết các bên có thỏa thuận về điều kiện đơn phương chấm dứt hợp đồng thì khi áp dụng các bên cần tuân theo thỏa thuận này.
3. Thủ tục đơn phương chấm dứt hợp đồng kinh tế:
Khi đơn phương chấm dứt hợp đồng kinh tế, bên có yêu cầu cần thực hiện thủ tục sau:
Bước 1: Thực hiện đàm phán với bên còn lại và làm rõ những vấn đề còn vướng mắc và căn cứ để chấm dứt hợp đồng với đối phương.
Thông thường nội dung thỏa thuận hợp đồng luôn ghi nhận về ưu tiên thương lượng, đàm phán khi có tranh chấp phát sinh từ hợp đồng.
Bước 2: Ra văn bản thông báo đơn phương chấm dứt hợp đồng trước thời hạn.
Bước 3: Gửi thông báo đơn phương chấm dứt hợp đồng trước thời hạn đến cho đối phương.
Đây là quy định bắt buộc, giống với hủy bỏ hợp đồng, theo đó bên đơn phương phải thông báo ngay cho bên kia về việc chấm dứt hợp đồng.
Bước 4: Nếu còn tiền nợ hoặc các khoản thanh toán thì giải quyết nốt.
4. Hậu quả pháp lý của việc đơn phương chấm dứt hợp đồng kinh tế:
Theo quy định tại Khoản 4 Điều 428
– Hợp đồng kinh tế sẽ bị chấm dứt kể từ thời điểm bên đối tác nhận được thông báo chấm dứt.
– Khi hợp đồng kinh tế bị đơn phương chấm dứt thì các bên trong hợp đồng sẽ không phải tiếp tục thực hiện nghĩa vụ nữa, ngoại trừ thỏa thuận về phạt vi phạm, bồi thường thiệt hại và thỏa thuận về giải quyết tranh chấp.
– Bên nào thực hiện nghĩa vụ thì hoàn toàn có quyền yêu cầu bên kia thanh toán phần nghĩa vụ đã thực hiện.
Nếu như trường hợp đơn phương chấm dứt hợp đồng trái pháp luật sẽ phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại nếu như có thiệt hại xảy ra.
Căn cứ theo quy định tại Điều 351 Bộ luật dân sự năm 2015, nếu như có vi phạm nghĩa vụ thì phải chịu trách nhiệm dân sự sau:
– Bên có nghĩa vụ mà vi phạm nghĩa vụ thì phải chịu trách nhiệm dân sự đối với bên có quyền. Nếu như do lý do bất khả kháng mà bên có nghĩa vụ không thực hiện đúng thì sẽ không phải chịu trách nhiệm dân sự. Cụ thể, lý do được coi là bất khả kháng bao gồm: thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh,… xảy ra không lường trước được và không thể khắc phục được mặc dù đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết và khả năng cho phép.
Đồng thời, theo quy định tại Luật thương mại khi vi phạm nghĩa vụ sẽ phải bồi thường thiệt hại. Cụ thể theo căn cứ tại Điều 300
– Bên bị vi phạm hoàn toàn có quyền yêu cầu bên vi phạm trả một khoản tiền phạt do vi phạm hợp đồng nếu trong hợp đồng có thoả thuận.
– Mức phạt vi phạm sẽ do hai bên tự thỏa thuận trong hợp đồng. Tuy nhiên không được quá 8% giá trị phần nghĩa vụ hợp đồng bị vi phạm.
Ngoài ra, nếu như hành vi đơn phương chấm dứt hợp đồng trái pháp luật của một bên gây ra thiệt hại cho bên còn lại thì còn phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại. Cụ thể như sau:
– Bên vi phạm phải bồi thường những tổn thất do hành vi vi phạm hợp đồng gây ra cho bên bị vi phạm.
– Bồi thường thiệt hại sẽ căn cứ trên giá trị tổn thất thực tế, trực tiếp mà bên bị vi phạm phải chịu do bên vi phạm gây ra và khoản lợi trực tiếp mà bên bị vi phạm đáng lẽ được hưởng nếu không có hành vi vi phạm.
Như vậy, hành vi đơn phương chấm dứt hợp đồng kinh tế trái pháp luật sẽ phải chịu phạt vi phạm và bồi thường thiệt hại thực tế gây ra như thỏa thuận trong hợp đồng.
5. Những trường hợp ngoại lệ đơn phương chấm dứt hợp đồng không bị phạt vi phạm:
Theo quy định tại Điều 294 Luật Thương mại năm 2005, những trường hợp miễn trách nhiệm đối với hành vi vi phạm trong các trường hợp sau:
– Xảy ra trường hợp miễn trách nhiệm mà các bên đã thoả thuận.
– Có sự kiện bất khả kháng ví dụ như thiên tai, hỏa hoạn,…
– Hành vi vi phạm xuất phát từ lỗi bên kia hoàn toàn.
– Hành vi vi phạm của một bên do thực hiện quyết định của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền mà các bên không thể biết được vào thời điểm giao kết hợp đồng.
Khi nằm trong các trường hợp trên, bên vi phạm hợp đồng phải thực hiện thông báo bằng văn bản ngay cho bên đối tác về những trường hợp được miễn trách nhiệm và những hậu quả có thể xảy ra.
Bên vi phạm hợp đồng phải thông báo ngay cho bên kia biết khi trường hợp miễn trách nhiệm chấm dứt. Nếu bên vi phạm không thông báo hoặc thông báo không kịp thời cho bên kia thì phải bồi thường thiệt hại.
6. Mẫu văn bản thông báo đơn phương chấm dứt hợp đồng kinh tế:
TÊN CQ, TC CHỦ QUẢN TÊN CÔNG TY A Số: …/……-…… | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập – Tự do – Hạnh phúc ………, ngày …. tháng …. năm …. |
THÔNG BÁO ĐƠN PHƯƠNG CHẤM DỨT HỢP ĐỒNG
– Căn cứ …………
– Căn cứ tình hình thực tế thực hiện hợp đồng;
– Căn cứ quyền lợi và nghĩa vụ của các bên;
– Kính gửi: CÔNG TY ……………
– Địa chỉ: …………
– Đại diện theo pháp luật: …………
– Điện thoại: ……… Fax: …………
– Mã số thuế: …………
Công ty chúng tôi trên tinh thần hợp tác và thiện chí, kính thông báo đến Quý công ty về việc giải quyết hợp đồng …………… số: …../20…. như sau:
1. Chúng tôi đơn phương chấm dứt hợp đồng ………… số:…../20…. kể từ ….. giờ …… ngày …. tháng. …. năm …… Vì những lý do sau:
a) Lý do chủ quan (yếu tố lỗi):…..
b) Lý do khách quan (sự kiện bất khả kháng..)
2. Về quyền và nghĩa vụ của các bên sẽ được giải quyết như sau:
a) Đối với Bên A
b) Đối với Bên B
c) Đối với Bên thứ ba
3. Cảnh báo về phương thức giải quyết tranh chấp:
Trên tinh thần cơ sở của Điều … của Hợp đồng số:…/20….; Điều….. Luật
Thương mại 2005; Điều…….
Trong trường hợp, Quý công ty không hợp tác, một trong các bên có quyền đưa sự vụ đến cơ quan tài phán có thẩm quyền theo sự thỏa thuận trong hợp đồng hoặc theo quy định pháp luật về tố tụng như sau:
a) Cơ quan tài phán giải quyết tranh chấp……
b) Luật áp dụng giải quyết tranh chấp……
4. Liên hệ giải quyết
Với tất cả thiện chí đàm phán, mọi thắc mắc hoặc các vấn đề phát sinh mà chúng tôi chưa đề cập, Quý công ty vui lòng liên hệ qua:
Hotline:………
Email:………
Địa chỉ: ……, gặp ……Phụ trách bộ phận…../.
Nơi nhận: – Như Điều…. ; – ………..; – Lưu VT. | QUYỀN HẠN, CHỨC VỤ CỦA NGƯỜI KÝ (Chữ ký của người có thẩm quyền, dấu/chữ ký số của cơ quan, tổ chức) |
Hướng dẫn soạn thảo mẫu thông báo đơn phương chấm dứt hợp đồng kinh tế:
Trên thực tế, mẫu văn bản thông báo chấm dứt hợp đồng kinh tế trước thời hạn không được pháp luật hiện hành quy định cụ thể. Tuy nhiên vẫn phải đảm bảo các điều kiện sau đây:
– Quốc hiệu và tiêu ngữ; số và ký hiệu, địa danh và ngày tháng năm lập văn bản.
– Thông tin của các bên trong hợp đồng kinh tế bao gồm: tên; địa chỉ trụ sở; SĐT; thông tin người đại diện theo pháp luật;…
– Nêu rõ lý do chấm dứt hợp đồng hợp đồng kinh tế trước thời hạn.
– Quyền và nghĩa vụ của các bên khi chấm dứt hợp đồng.
– Đề ra những phương thức giải quyết tranh chấp (nếu có).
– Cuối cùng ký hợp đồng và ghi rõ họ tên.
CÁC VĂN BẢN PHÁP LUẬT ĐƯỢC SỬ DỤNG TRONG BÀI VIẾT:
Bộ luật dân sự năm 2015.
Luật thương mại năm 2005.