Vấn đề về xây dựng nâng cấp lối đi chung. Có bắt buộc phải đóng góp xây dựng, sửa chữa ngõ hẻm là lối đi chung không?
Tóm tắt câu hỏi:
Hẻm nhà tôi nâng lên để không ngập. Tổ khu phố đã họp lần 1 và đồng ý nâng hẻm, số tiền đóng góp là 2.200.000đ/hộ (có một số hộ không đi). Tuy nhiên, lúc đang thực hiện việc nâng hẻm tổ trưởng mới đi
– Hiện tại vẫn chừa trống chổ 2 hộ này , vậy họ có bị cưỡng ép đóng tiền hay không? Do trước nhà họ trũng xuống vậy họ có được đổ đá cát xuống cho hết trũng trước k?
– Nếu 2 hộ này sau này muốn đổ bê tông nhưng tổ trưởng kiến nghị ủy ban phường k cho 2 hộ này tráng bê tông thì Ủy ban Phường có phạt khi họ tiến hành không?
– Có luật nào bắt buộc mỗi hộ trong tổ phải đóng tiền nâng hẻm không? Trường hợp không đóng tiền như vậy có bị phạt gì không?
Luật sư tư vấn:
Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi của mình đến Ban biên tập – Phòng tư vấn trực tuyến của Công ty LUẬT DƯƠNG GIA. Với thắc mắc của bạn, Công ty LUẬT DƯƠNG GIA xin được đưa ra quan điểm tư vấn của mình như sau:
Trước hết, Điều 275 Bộ luật dân sự 2015 quy định Quyền về lối đi qua bất động sản liền kề như sau:
“1. Chủ sở hữu bất động sản bị vây bọc bởi các bất động sản của các chủ sở hữu khác mà không có lối đi ra, có quyền yêu cầu một trong những chủ sở hữu bất động sản liền kề dành cho mình một lối đi ra đến đường công cộng; người được yêu cầu có nghĩa vụ đáp ứng yêu cầu đó. Người được dành lối đi phải đền bù cho chủ sở hữu bất động sản liền kề, nếu không có thoả thuận khác.
Lối đi được mở trên bất động sản liền kề nào mà được coi là thuận tiện và hợp lý nhất, có tính đến đặc điểm cụ thể của địa điểm, lợi ích của bất động sản bị vây bọc và thiệt hại gây ra là ít nhất cho bất động sản có mở lối đi.
2. Vị trí, giới hạn chiều dài, chiều rộng, chiều cao của lối đi do các bên thoả thuận, bảo đảm thuận tiện cho việc đi lại và ít gây phiền hà cho các bên; nếu có tranh chấp về lối đi thì có quyền yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác định.
3. Trong trường hợp bất động sản được chia thành nhiều phần cho các chủ sở hữu, chủ sử dụng khác nhau thì khi chia phải dành lối đi cần thiết cho người phía trong theo quy định tại khoản 2 Điều này mà không có đền bù”.
Theo đó, phần diện tích hẻm trong tổ phố nơi bạn ở được xác định là phần diện tích đất thuộc lối đi chung qua các bất động sản liền kề. Quyền sử dụng lối đi chung này sẽ là như nhau đối với tất cả các hộ trong hẻm.
Việc xây dựng, sửa chữa phần diện tích hẻm trước của hộ nào là do hộ đó quyết định. Pháp luật hiện hành không có quy định nào bắt buộc các hộ phải nộp tiền nâng hẻm, việc nâng hẻm trong tổ khu phố sẽ do các hộ trong tổ thỏa thuận và bàn bạc. Trong tình huống gửi đến cho chúng tôi bạn không nêu rõ là kinh phí xây dựng hẻm hoàn toàn do các hộ đóng góp hay được hỗ trợ bởi các tổ chức khác và mỗi hộ chỉ cần đóng góp thêm phần còn lại nên chúng ta sẽ xem xét hai trường hợp sau đây:
– Trường hợp 1: Kinh phí xây dựng hẻm hoàn toàn do các hộ trong tổ dân phố đóng góp.
Như đã nói ở trên, phần diện tích hẻm trước hộ nào sẽ do hộ đó đóng góp và quyết định xây dựng, do đó, 2 hộ chưa đổ bê tông hoàn toàn có quyền không đóng góp về việc xây hẻm trước của nhà họ. Ủy ban nhân dân phường k có quyền phạt tiền hay cưỡng ép đổ bê tông đối với 2 hộ này. Việc xây dựng hẻm vào lúc nào là do quyết định của chủ sở hữu hai hộ đó (họ có thể đổ đá cát xuống cho hết trũng trước). Khi 2 hộ này tiến hành đổ bê tông Ủy ban nhân dân phường cũng không có quyền phạt họ.
>>> Luật sư
– Trường hợp 2: Kinh phí xây hẻm được Nhà nước hoặc các tổ chức khác hỗ trợ và các hộ dân cư trong khu phố nơi bạn ở chỉ phải đóng góp thêm phần còn lại.
Việc đóng góp tiền nâng hẻm vẫn do ý chí tự nguyện của các hộ nên Ủy ban nhân dân phường không có quyền phạt hay cưỡng ép đối với các hộ chưa nộp tiền. Tuy nhiên, do một phần kinh phí xây hẻm được hỗ trợ và việc sửa chữa hẻm được sự đồng ý đóng góp của đa số các hộ nên Ủy ban nhân dân phường có quyền quyết định đổ bê tông toàn bộ con hẻm trong khu nhà bạn (kể cả với 2 hộ chưa đồng ý đổ bê tông). Bên cạnh đó, việc xây dựng, sửa chữa hẻm đi chung là để phục vụ cho lợi ích công công, do đó, đối với trường hợp hai hộ chưa đổ bê tông, tổ dân phố nơi bạn ở có thể họp bàn lại và yêu cầu các hộ chưa đóng góp nộp tiền, nếu họ vẫn không đồng ý nộp tiền thì các hộ còn lại sẽ quyết định về việc đóng góp phần kinh phí còn thiếu của các hộ đó và tiến hành đổ bê tông diện tích phần còn thiếu đó.