Hoạt động xây dựng không chỉ được thực hiện bởi các nhà thầu trong nước mà còn xuất hiện cả những nhà thầu nước ngoài. Vậy trong lĩnh vực xây dựng, quyền và nghĩa vụ của nhà thầu nước ngoài trong xây dựng được quy định như thế nào?
Mục lục bài viết
1. Quyền và nghĩa vụ của nhà thầu nước ngoài trong xây dựng:
1.1. Quyền của nhà thầu nước ngoài trong xây dựng:
Căn cứ Khoản 12 Điều 3 Nghị định 15/2021/NĐ-CP quy định nhà thầu nước ngoài là tổ chức, cá nhân nước ngoài có năng lực pháp luật dân sự.
Bên cạnh đó, đối với cá nhân còn phải có năng lực hành vi dân sự để ký kết và thực hiện hợp đồng.
+ Năng lực pháp luật dân sự và năng lực hành vi dân sự của nhà thầu nước ngoài được xác định theo pháp luật của nước mà nhà thầu mang quốc tịch.
+ Nhà thầu nước ngoài có thể là tổng thầu, nhà thầu chính, nhà thầu liên danh, nhà thầu phụ.
Căn cứ khoản 1 Điều 107 Nghị định 15/2021/NĐ-CP quy định nhà thầu nước ngoài có các quyền sau đây:
+ Nhà thầu nước ngoài được yêu cầu các cơ quan có chức năng hướng dẫn các công việc như: lập hồ sơ xin cấp giấy phép hoạt động xây dựng và những hoạt động khác của nhà thầu theo quy định.
+ Nhà thầu nước ngoài được quyền khiếu nại, tố cáo những hành vi vi phạm của các tổ chức, cá nhân
+ Nhà thầu nước ngoài được bảo vệ quyền lợi hợp pháp trong kinh doanh tại Việt Nam theo giấy phép hoạt động xây dựng đã được cơ quan có thẩm quyền cấp.
1.2. Nghĩa vụ của nhà thầu nước ngoài trong xây dựng:
Ngoài các quyền được hưởng nêu trên thì căn cứ Khoản 2 Điều 107 Nghị định 15/2021/NĐ-CP thì nhà thầu nước ngoài có các nghĩa vụ sau:
Thứ nhất là nghĩa vụ lập Văn phòng điều hành tại nơi có dự án sau khi được cấp giấy phép hoạt động xây dựng
+ Đăng ký địa chỉ, số điện thoại, số fax, e-mail, dấu, tài khoản, mã số thuế của Văn phòng điều hành.
+ Đối với các hợp đồng thực hiện lập quy hoạch xây dựng, lập dự án đầu tư xây dựng, khảo sát xây dựng, thiết kế xây dựng công trình, nhà thầu nước ngoài có thể lập Văn phòng điều hành tại nơi đăng ký trụ sở của chủ đầu tư hoặc không lập Văn phòng điều hành tại Việt Nam.
+ Đối với hợp đồng thực hiện thi công xây dựng, giám sát thi công xây dựng công trình đi qua nhiều tỉnh, nhà thầu nước ngoài có thể lập Văn phòng điều hành tại một địa phương có công trình đi qua để thực hiện công việc. Văn phòng điều hành chỉ tồn tại trong thời gian thực hiện hợp đồng và giải thể khi hết hiệu lực của hợp đồng.
Thứ hai là nghĩa vụ đăng ký, hủy mẫu con dấu, nộp lại con dấu khi kết thúc hợp đồng theo quy định của pháp luật.
+ Con dấu này được Nhà thầu thực hiện trong công việc phục vụ thực hiện hợp đồng tại Việt Nam theo quy định tại giấy phép hoạt động xây dựng.
Thứ ba là nghĩa vụ đăng ký và nộp thuế theo quy định của pháp luật Việt Nam, thực hiện chế độ kế toán, mở tài khoản, thanh toán theo hướng dẫn của Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.
Thứ tư là nghĩa vụ thực hiện việc tuyển lao động, sử dụng lao động Việt Nam và lao động là người nước ngoài theo quy định của pháp luật Việt Nam về lao động.
+ Chỉ được phép đăng ký đưa vào Việt Nam những chuyên gia quản lý kinh tế, quản lý kỹ thuật và người có tay nghề cao mà Việt Nam không đủ khả năng đáp ứng.
Thứ năm là nghĩa vụ thực hiện các thủ tục xuất khẩu, nhập khẩu vật tư, máy móc, thiết bị liên quan đến hợp đồng nhận thầu tại Việt Nam theo quy định của pháp luật Việt Nam.
Thứ sáu là nghĩa vụ thực hiện hợp đồng liên danh đã ký kết với nhà thầu Việt Nam hoặc sử dụng nhà thầu phụ Việt Nam đã được xác định trong hồ sơ đề nghị cấp giấy phép hoạt động xây dựng.
Thứ bảy là nghĩa vụ mua bảo hiểm theo quy định của pháp luật Việt Nam đối với công việc của nhà thầu gồm:
+ Bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp đối với nhà thầu tư vấn đầu tư xây dựng
+ Bảo hiểm tài sản hàng hóa đối với nhà thầu mua sắm
+ Các loại bảo hiểm đối với nhà thầu thi công xây dựng và các chế độ bảo hiểm khác theo quy định của pháp luật Việt Nam.
Thứ bảy là nghĩa vụ đăng kiểm chất lượng vật tư, thiết bị nhập khẩu cung cấp theo hợp đồng nhận thầu.
Thứ tám là nghĩa vụ đăng kiểm an toàn thiết bị thi công xây dựng và phương tiện giao thông liên quan đến hoạt động kinh doanh của nhà thầu nước ngoài theo quy định của pháp luật Việt Nam.
Thứ chín là nghĩa vụ tuân thủ các quy định về quy chuẩn, tiêu chuẩn, về quản lý chất lượng công trình xây dựng, an toàn lao động và bảo vệ môi trường cũng như các quy định khác của pháp luật Việt Nam có liên quan.
Thứ mười là nghĩa vụ thực hiện các chế độ báo cáo theo quy định trong giấy phép hoạt động xây dựng.
Cuối cùng khi hoàn thành công trình, nhà thầu nước ngoài phải lập hồ sơ hoàn thành công trình với các nghĩa vụ cụ thể như:
+ Chịu trách nhiệm bảo hành
+ Quyết toán vật tư, thiết bị nhập khẩu;
+ Xử lý vật tư, thiết bị còn dư trong hợp đồng thi công xây dựng công trình theo quy định về xuất nhập khẩu.
+ Tái xuất các vật tư, thiết bị thi công đã đăng ký theo chế độ tạm nhập – tái xuất
+ Thanh lý hợp đồng
+ Đồng thời thông báo tới các cơ quan quản lý nhà nước có liên quan về việc kết thúc hợp đồng, chấm dứt sự hoạt động của văn phòng điều hành công trình.
2. Trách nhiệm của chủ đầu tư hoặc chủ dự án đối với nhà thầu nước ngoài:
Điều 108 Nghị định 15/2021/NĐ-CP thì chủ đầu tư hoặc chủ dự án hoặc nhà thầu chính có những trách nhiệm sau:
– Chỉ được ký hợp đồng giao nhận thầu khi đã có Giấy phép hoạt động xây dựng do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp cho nhà thầu nước ngoài.
– Hướng dẫn nhà thầu nước ngoài tuân thủ theo các quy định.
– Hỗ trợ nhà thầu nước ngoài thực hiện các công việc như: chuẩn bị các tài liệu có liên quan đến công trình nhận thầu mà nhà thầu nước ngoài phải kê khai trong hồ sơ đề nghị cấp giấy phép thầu và các thủ tục khác có liên quan theo quy định của pháp luật Việt Nam.
– Giám sát nhà thầu nước ngoài thực hiện đúng các cam kết trong hợp đồng liên danh với nhà thầu Việt Nam hoặc sử dụng nhà thầu phụ Việt Nam theo nội dung quy định.
– Xem xét khả năng cung cấp thiết bị thi công xây dựng trong nước trước khi thỏa thuận danh mục máy móc, thiết bị thi công của nhà thầu nước ngoài xin tạm nhập – tái xuất.
– Trước khi thỏa thuận với nhà thầu nước ngoài về danh sách nhân sự người nước ngoài làm việc cho nhà thầu xin nhập cảnh vào Việt Nam để thực hiện các công việc thuộc hợp đồng của nhà thầu nước ngoài thì cần xem xét khả năng cung cấp lao động kỹ thuật tại Việt Nam.
– Khi hoàn thành công trình thì cần xác nhận quyết toán vật tư, thiết bị nhập khẩu của nhà thầu nước ngoài.
– Chủ đầu tư hoặc chủ dự án phải thông báo bằng văn bản cho các nhà thầu khác và các cơ quan quản lý chất lượng xây dựng biết các nội dung theo quy định khi sử dụng nhà thầu nước ngoài để thực hiện tư vấn quản lý dự án, giám sát chất lượng xây dựng.
3. Điều kiện cấp giấy phép hoạt động xây dựng:
Để được hoạt động xây dựng tại Việt Nam thì Nhà thầu nước ngoài phải được cơ quan quản lý nhà nước về xây dựng cấp giấy phép hoạt động xây dựng và hoạt động này phải tuân theo các quy định của pháp luật Việt Nam và các điều ước quốc tế có liên quan mà Việt Nam ký kết hoặc gia nhập.
Điều 103 Nghị định 15/2021/NĐ-CP quy định điều kiện cấp giấy phép hoạt động xây dựng như sau:
– Nhà thầu nước ngoài được cấp giấy phép hoạt động xây dựng khi có quyết định trúng thầu hoặc được chọn thầu.
– Ngoại trừ trường hợp nhà thầu trong nước không đủ năng lực tham gia vào bất kỳ công việc nào của gói thầu, các trường hợp còn lại Nhà thầu nước ngoài phải liên danh với nhà thầu Việt Nam hoặc sử dụng nhà thầu phụ Việt Nam.
– Nhà thầu nước ngoài phải cam kết thực hiện đầy đủ các quy định của pháp luật Việt Nam có liên quan đến hoạt động nhận thầu tại Việt Nam.
– Hồ sơ đề nghị, thẩm quyền cấp Giấy phép hoạt động xây dựng bao gồm:
+ Đơn đề nghị cấp giấy phép hoạt động xây dựng theo Mẫu
+ Kết quả đấu thầu hoặc quyết định chọn thầu hợp pháp (Bản sao có chứng thực hoặc bản sao điện tử). Nếu bằng tiếng nước ngoài phải được dịch ra tiếng Việt và bản dịch phải được công chứng, chứng thực theo quy định của pháp luật Việt Nam.
+ Giấy phép thành lập hoặc Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh đối với tổ chức (Bản sao có chứng thực hoặc bản sao điện tử) và chứng chỉ hành nghề (nếu có) của nước nơi mà nhà thầu nước ngoài mang quốc tịch cấp. Nếu bằng tiếng nước ngoài phải được dịch ra tiếng Việt và phải được công chứng, chứng thực theo quy định của pháp luật Việt Nam.
+ Biểu báo cáo kinh nghiệm hoạt động liên quan đến các công việc nhận thầu
+ Báo cáo tổng hợp kiểm toán tài chính trong 03 năm gần nhất (bản sao có chứng thực hoặc bản sao điện tử)
+ Hợp đồng liên danh với nhà thầu Việt Nam (Bản sao có chứng thực hoặc bản sao điện tử) hoặc hợp đồng chính thức hoặc hợp đồng nguyên tắc với nhà thầu phụ Việt Nam để thực hiện công việc nhận thầu (đã có trong hồ sơ dự thầu hoặc hồ sơ chào thầu). Nếu bằng tiếng nước ngoài phải được dịch ra tiếng Việt và bản dịch phải được công chứng, chứng thực theo quy định của pháp luật Việt Nam.
+
+ Quyết định phê duyệt dự án hoặc quyết định đầu tư hoặc giấy chứng nhận đầu tư của dự án/công trình (Bản sao có chứng thực hoặc bản sao điện tử).
+ Đơn đề nghị cấp giấy phép hoạt động xây dựng phải làm bằng tiếng Việt.
+ Giấy phép thành lập hoặc giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh của nước ngoài phải được hợp pháp hóa lãnh sự, trừ trường hợp điều ước quốc tế mà Việt Nam và các nước có liên quan là thành viên có quy định về miễn trừ hợp pháp hóa lãnh sự.
– Nhà thầu nước ngoài nộp 1 bộ hồ sơ bằng một trong hai hình thức sau đến cơ quan có thẩm quyền:
+ Trực tiếp
+ Gửi qua đường bưu điện
– Thẩm quyền cấp giấy phép hoạt động xây dựng cho nhà đầu tư nước ngoài: Sở Xây dựng cấp giấy phép hoạt động xây dựng trên địa bàn hành chính của tỉnh.
+ Trường hợp dự án đầu tư xây dựng trên địa bàn của 02 tỉnh trở lên thì cơ quan có thẩm quyền cấp là Sở Xây dựng thuộc địa phương nơi nhà thầu nước ngoài đặt văn phòng điều hành.
– Cơ quan chuyên môn về xây dựng theo quy định xem xét hồ sơ để cấp Giấy phép hoạt động xây dựng cho nhà thầu nước ngoài trong thời hạn 20 ngày, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ.
– Trường hợp không cấp, cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy phép hoạt động xây dựng phải trả lời bằng văn bản cho nhà thầu và nêu rõ lý do.
– Khi nhận Giấy phép hoạt động xây dựng, nhà thầu nước ngoài phải nộp lệ phí theo quy định của Bộ Tài chính.
Những văn bản sử dụng trong bài viết:
Nghị định 15/2021/NĐ-CP về quản lý dự án đầu tư xây dựng