Những người được thừa kế theo pháp luật. Con của vợ cả không chung sống với bố có được hưởng di sản thừa kế không?
Những người được thừa kế theo pháp luật. Con của vợ cả không chung sống với bố có được hưởng di sản thừa kế không?
Tóm tắt câu hỏi:
Chào luật sư! Xin luật sư tư vấn cho trường hợp của tôi như sau: Ba tôi trước đây có một đời vợ và một đứa con nhưng hai người đã ra tòa làm thủ tục kí đơn ly hôn rồi. Người vợ trước của ba sống cùng con, và họ cũng đã có gia đình riêng, lâu rồi không còn quan hệ, liên lạc gì với ba tôi. Ba tôi và mẹ tôi cưới nhau từ năm 1985, có làm đám cưới nhưng không ra ngoài ủy ban xã làm thủ tục đăng ký kết hôn, sinh ra tôi và 1 đứa em nữa. Ngày xưa thủ tục đăng kí khai sinh hộ khẩu còn đơn giản nên tất cả giấy khai sinh, sổ gia đình chúng tôi đều có mang tên ba mẹ đầy đủ. Tuy nhiên có một điều ba tôi vẫn chưa ra ngoài ủy ban xã, nơi đăng ký kết hôn để xóa đăng kí với người vợ trước, mà hiện giờ lại mất tờ đơn ly hôn trước kia nên không thể đăng kí kết hôn lại với mẹ tôi. Ba mẹ tôi có nhờ tòa án đi trích lục tờ ly hôn cũ cũng không tìm được. Ba tôi có 1 mảnh đất được thừa kế từ ông nội tôi, hiện giờ ba tôi đang đứng tên. Xin luật sư tư vấn giúp tôi nếu ba tôi mất mà không có di chúc vậy những ai được quyền thừa kế mảnh đất đó. Tôi xin cảm ơn nhiều! Mong sớm nhận được hồi đáp từ luật sư.
Luật sư tư vấn:
Cám ơn bạn đã gửi câu hỏi của mình đến Ban biên tập – Phòng tư vấn trực tuyến của Công ty LUẬT DƯƠNG GIA. Với thắc mắc của bạn, Công ty LUẬT DƯƠNG GIA xin được đưa ra quan điểm tư vấn của mình như sau:
1. Cơ sở pháp lý:
– Luật Hôn nhân và gia đình 2014.
– Thông tư liên tịch 01/2001/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BTP.
2. Giải quyết vấn đề:
Luật Hôn nhân và gia đình 2014:quy định về kết hôn và đăng ký kết hôn:
Điều 3.
5. Kết hôn là việc nam và nữ xác lập quan hệ vợ chồng với nhau theo quy định của Luật này về điều kiện kết hôn và đăng ký kết hôn.
Điều 9. Đăng kí kết hôn:
1. Việc kết hôn phải được đăng ký và do cơ quan nhà nước có thẩm quyền thực hiện theo quy định của Luật này và pháp luật về hộ tịch.
Việc kết hôn không được đăng ký theo quy định tại khoản này thì không có giá trị pháp lý.
Luật hôn nhân và gia đình năm 2014 cũng quy định về điều khoản chuyển tiếp, các trường hợp quan hệ hôn nhân và gia đình được xác lập trước ngày Luật hôn nhân và gia đình năm 2014 có hiệu lực thì áp dụng pháp luật về hôn nhân và gia đình tại thời điểm xác lập để giải quyết.
Trường hợp cha bạn trước đây đã lấy vợ và có 1 người con, nhưng đã làm thủ tục ly hôn tại Tòa án, thì quan hệ hôn nhân giữa cha bạn và người vợ trước đã chấm dứt. Cha mẹ bạn cưới nhau và sống chung từ năm 1985 nhưng chưa thực hiện đăng ký kết hôn, tuy nhiên, pháp luật vẫn công nhận mối quan hệ hôn nhân đó vì theo Thông tư liên tịch 01/2001/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BTP hướng dẫn Nghị quyết 35/2000/QH10 về việc thi hành Luật Hôn nhân và gia đình do Tòa án nhân dân tối cao – Viện Kiểm sát nhân dân tối cao – Bộ Tư pháp ban hành
“1. Theo quy định tại điểm a khoản 3 Nghị quyết số 35 của Quốc hội, trong trường hợp quan hệ vợ chồng được xác lập trước ngày 03/01/1987 (ngày Luật hôn nhân và gia đình năm 1986 có hiệu lực) mà chưa đăng ký kết hôn, nếu một bên hoặc cả hai bên có yêu cầu ly hôn, thì Toà án thụ lý vụ án và áp dụng quy định về ly hôn của Luật hôn nhân và gia đình năm 2000 để giải quyết vụ án ly hôn theo thủ tục chung. Cần chú ý là trong trường hợp sau khi quan hệ vợ chồng đã được xác lập họ mới thực hiện việc đăng ký kết hôn, thì quan hệ vợ chồng của họ vẫn được công nhận kể từ ngày xác lập (ngày họ bắt đầu chung sống với nhau như vợ chồng), chứ không phải là chỉ được công nhận kể từ ngày đăng ký kết hôn.”
Cha mẹ bạn đã làm đám cưới và sống chung từ năm 1985, trước khi Luật hôn nhân và gia đình 1986 có hiệu lực, thì quan hệ vợ chồng được công nhân kể từ ngày xác lập, không nhất thiết phải đi đăng kí kết hôn.
Do vậy, nếu như ba bạn mất mà không để lại di chúc thì di sản sẽ được chia theo pháp luật., được quy định tại Bộ Luật Dân sự 2005.
>>> Luật sư tư vấn pháp luật về người thừa kế theo pháp luật: 1900.6568
“Điều 651 Người thừa kế theo pháp luật
1. Những người thừa kế theo pháp luật được quy định theo thứ tự sau đây:
a) Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết;
b) Hàng thừa kế thứ hai gồm: ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại;
c) Hàng thừa kế thứ ba gồm: cụ nội, cụ ngoại của người chết; bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột; chắt ruột của người chết mà người chết là cụ nội, cụ ngoại.
2. Những người thừa kế cùng hàng được hưởng phần di sản bằng nhau.
3. Những người ở hàng thừa kế sau chỉ được hưởng thừa kế, nếu không còn ai ở hàng thừa kế trước do đã chết, không có quyền hưởng di sản, bị truất quyền hưởng di sản hoặc từ chối nhận di sản.”
Theo đó, con của cha bạn với vợ trước, mẹ bạn và 2 anh em bạn, bà bạn (nếu còn sống) là những người thuộc hàng thừa kế thứ nhất, được hưởng phần di sản bằng nhau.