Ưu thế lai là gì? Cho ví dụ về ưu thế lai ở thực vật và động vật?

Ưu thế lai là một hiện tượng cơ thể lai F1 có khả năng sinh trưởng, cũng như sức sống cao hơn bố mẹ. Các dòng này tốc độ phát triển nhanh hơn, cho năng suất cao hơn và khả năng chống chịu tốt hơn. Luật Dương Gia sẽ cùng bạn đọc tìm hiểu rõ hơn về ưu thế lai trong bài viết dưới đây.

1.Ưu thế lai là gì?

Ưu thế lai là thuật ngữ chỉ về hiện tượng cơ thể lai (thường là đời thứ nhất sau đời bố mẹ) xuất hiện những phẩm chất ưu tú, vượt trội so với bố mẹ chẳng hạn như có sức sống cao hơn, sinh trưởng nhanh, phát triển mạnh, chống chịu bệnh tật tốt, năng suất cao, thích nghi tốt.

Ưu thế lai biểu hiện trong lai khác thứ, lai khác dòng và rõ nhất là trong lai khác dòng. Ưu thế lai thường được biểu hiện cao nhất ở đời đầu rồi sau đó giảm dần do ở các thế hệ sau mức độ dị hợp giảm dần.

2. Phương pháp tạo ưu thế lai:

2.1. Phương pháp tạo ưu thế lai ở cây trồng:

Để tạo ưu thế lai ở thực vật (giống cây trồng), chủ yếu người ta dùng phương pháp lai khác dòng bằng cách tạo hai dòng tự thụ phấn rồi cho chúng giao phấn với nhau. Phương pháp này được sử dụng rộng rãi ở ngô, đã tạo được nhiều giống ngô lai có năng suất cao hơn từ 25-30% so với giống nền chẳng hạn như giống ngô Bai -oxide (Bioseed) 9698.

Phương pháp lai khác dòng cũng được áp dụng thành công ở lúa để tạo ra các giống lúa lai F1 cho năng suất tăng từ 20% – 40% so với các giống lúa thuần tốt nhất.

Người ta dùng phương pháp lai khác thứ để kết hợp giữa tạo ưu thế và tạo giống mới. Đây là những tổ hợp lai giữa 2 thứ hoặc tổng hợp nhiều thứ cùng một loài.

Ví dụ: Giống lúa DT17 được tạo ra từ tổ hợp lai giữa giống lúa DT10 với giống lúa Omg80, có khả năng cho năng suất cao của DT10 và cho chất lượng gạo cao của Omg80.

2.2. Phương pháp tạo ưu thế lai ở vật nuôi:

Để tạo ưu thế lai ở vật nuôi, chủ yếu người ta dùng phép lai kinh tế. Trong phép lai này, người ta cho giao phối giữa cặp vật nuôi bố mẹ thuộc hai dòng thuần khác nhau rồi dùng con lai F1 làm sản phẩm, không dùng nó làm giống.

Phổ biến ở nước ta hiện nay là dùng con cái thuộc giống trong nước cho giao phối với con đực cao sản thuộc giống thuần nhập nội. Con lai có khả năng thích nghi với điều kiện khí hậu, chăn nuôi của giống mẹ và có sức tăng sản của giống bổ.

Ví dụ: Lợn lai kinh tế Ỉ Móng Cái và Đại bạch có sức sống cao, lợn con mới đẻ đã nặng từ 0,7 đến 0,8 kg, tăng trọng nhanh (10 tháng tuổi đạt 80 – 100 kg), tỉ lệ thịt nạc cao hơn.

Ngày nay, nhờ kỹ thuật giữ tinh đông lạnh, thụ tinh nhân tạo và kỹ thuật kích thích nhiều trứng rụng cùng 1 lúc để thụ tịnh, việc tạo con lai kinh tế đối với bò và lợn có nhiều thuận lợi.

3. Ví dụ về ưu thế lai ở thực vật và động vật:

3.1. Ưu thế lai trên giống bò:

Ở Israel đã nuôi thành công bò Holstein thuần. Năng suất sữa bò Holstein của Israel hiện nay cao nhất thế giới, 10500 kg/305 ngày (Hà Lan khoảng 7900 kg).

+) Những năm 1920 – 1930 Israel nhập bò đực Friesian từ Hà Lan và Đức về để cải tạo bò địa phương.

+) Năm 1947 nhập bò đực Holstein từ Canada cùng với bò đực con của chúng được sử dụng để gieo tinh nhân tạo.

+) Từ 1950 đến 1962 nhập cả bò đực và bò cái Holstein từ Mỹ. Từ 1963 hầu như toàn bộ bò cái được gieo tinh với những bò đực Holstein sinh ra tại Israel gọi là đực giống địa phương. Từ 1955 bắt đầu đánh giá sức sản xuất sữa của đực giống qua đời sau.

+) Ngày nay dấu vết bò địa phương không còn mà sau 60 năm tạo giống bò sữa trong điều kiện nóng đã thành công một giống bò Hà lan Israel thích nghi với điều kiện thời tiết của khí hậu nóng.

Ở Việt Nam, đã sử dụng bò đực hoặc tinh của bò đực Holstein Fnesian (viết tắt là HF hay bò Hà Lan, hay bò Lang trắng đen) để phối giống cho đàn cái nền lai Sind tạo ra con lai đời 1 có 1/2 máu bò HF, gọi là F1 HF.

+) Điểm nổi bật của con lai F1 HF là năng suất sữa có thể đạt 2500– 3000 kg/chu kì 300 ngày, sinh sản tốt, thích nghi rộng với nhiều vùng khí hậu nóng ẩm, dễ nuôi, yêu cầu đầu tư kĩ thuật và quản lý thấp. Sau đó một lần nữa sử dụng tinh đực Hà Lan để phối cho cái F1 HF tạo ra con lai có 3/4 máu bò HF gọi là bò lai F2 HF tuy nhiên bò F2 chưa đáp ứng được mong muốn.

+) Nhìn chung, Việt Nam đã tạo ra đàn cái lai 3 máu sản xuất sữa (bò Vàng Việt nam, bò Red Sindhi và bò Holstein Friesian). Con lai F1 và F2 HF được nuôi rộng rãi ở những vùng nóng (Miền Đông Nam Bộ) và đóng góp đến 90% tổng sản lượng sữa sản xuất trong nước.

3.2. Ưu thế lai trên giống lợn:

Xu hướng các giống heo nội đang dần được thay thế bởi các giống heo ngoại cao sản, đặc biệt ở nhiều trại quy mô lớn có trình độ chăn nuôi thâm canh và đầu tư cao. Trong điều kiện sản xuất nông hộ ở nhiều vùng nông thôn Việt Nam, đại đa số nông dân nuôi con lai giữa cái địa phương và đực ngoại.

+) Các giống heo cái nội có tầm vóc nhỏ bé, nhiều mỡ, ít nạc, nhưng có nhiều đặc tính ưu việt: Chịu kham khổ, dễ nuôi dưỡng, tận dụng tốt nguồn thức ăn địa phương, mắn đẻ, nuôi con khéo, đề kháng cao với bệnh tật và đặc biệt thích nghi với môi trường khí hậu.

+) Các giống ngoại lớn nhanh cho nhiều nạc.

Lai tạo giữa các giống heo nội với các giống heo ngoại sẽ kết hợp bổ sung những đặc tính tốt của cả hai giống. Con lai có tầm vóc cải thiện, tăng trọng cao và giữ được năng suất sinh sản tốt. Phải bảo tồn nguồn gen heo nội để nhân thuần cung cấp cái nền lai tạo với các giống ngoại nhập.

3.3. Ưu thế lai trên giống gà:

Sử dụng con trống là gà chọi phối với con mái TP1 tạo con giống lai chọi có khả năng sinh trưởng, phát triển tốt, chất lượng thịt đáp ứng đúng nhu cầu của thị trường về gà thịt, đem lại hiệu quả cao cho người chăn nuôi, gà TP có khả năng thích nghi cao với điều kiện khí hậu, tận dụng được thức ăn tại chỗ, gà TP có độ đồng đều cao, đẻ tốt và kéo dài, giống gà lông màu TP bước đầu phù hợp với điều kiện tự nhiên, tập quán chăn nuôi gà của các hộ nông dân theo cả hai phương thức trang trại và hộ gia đình. Hiệu quả nuôi gà thương phẩm TP lông màu sinh sản có khả năng sinh sản tốt, cao hơn so với các giống gà lông màu khác. Gà TP là giống gà lông màu có năng suất, chất lượng cao.

Những giống gà lông màu hiện nay ở Việt Nam gồm 4 dòng gà thịt lông màu TP1, TP2, TP3 và TP4 và 2 dòng gà lông màu hướng trứng HA1 và HA2.

  • Dòng trống TP4: Lông màu nâu cánh gián, mào to đỏ dựng, chân màu vàng, khối lượng cơ thể 56 ngày tuổi đạt 2,2-2,3 kg. Gà TP4 có khối lượng cơ thể lúc 20 tuần tuổi đạt 2,2 – 3,1 kg/con, năng suất trứng đạt 160-165 quả/năm, dòng gà trống TP4 có tốc độ sinh trưởng nhanh, khối lượng cơ thể lúc 24 tuần tuổi con trống đạt 3-3,2 kg/con
  • Dòng mái TP1: Lông màu vàng nâu nhạt xám tro cườm cổ, năng suất trứng đạt 175-178 quả/mái/năm. Gà mái TP1 có khả năng sinh sản tốt, tỷ lệ đẻ đạt cao trên 70% được kéo dài nhiều so với các giống gà lông màu khác. Gà TP1 có khối lượng cơ thể lúc 20 tuần tuổi đạt 2,2 – 2,9 kg/con, năng suất trứng đạt 177-180 quả/năm.
  • Dòng mái TP2: Lông màu vàng xám tro, cườm cổ, năng suất trứng đạt 170-172 quả/mái/năm.
  • Dòng mái TP3: Lông màu nâu xám tro, cườm cổ, năng suất trứng đạt 179-183 quả/mái/năm.

Cả bốn dòng gà hướng thịt đã ổn định về kiểu hình. Tỷ lệ nuôi sống: Các dòng gà đều đạt cao qua hai thế hệ: 96,04-97,65% giai đoạn gà con 0 – 8 tuần tuổi; giai đoạn gà dò hậu bị đạt 95,38-96,32% đối với gà trống và 97,21-97,86% đối với gà mái. Các công thức lai nuôi thương phẩm 2 máu TP43, TP42 và TP41; gà thương phẩm 3 máu TP412; TP421 là TBKT và cho phép sản xuất thử 4 dòng gà TP4, TP3, TP2 và TP1. Còn 3 dòng mái TP1, TP2, TP3 có năng suất trứng/mái/68 tuần tuổi đạt từ 177,79-183,89 quả, cao hơn gà lông màu Trung Quốc 8-10 quả. Còn đối với 2 dòng gà hướng trứng HA1, HA2, có năng suất trứng/mái/74 tuần tuổi đạt 238,81-235,88 quả. Hai dòng gà HA1, HA2 đã dần thay thế giống gà Ai Cập bởi năng suất cao hơn năng suất trứng của gà Ai Cập 23-28 quả, tỷ lệ nở/tổng trứng cũng cao hơn 18-20 con.

Áp dụng ưu thế lai trong trồng trọt và chăn nuôi có vai trò quan trọng giúp tăng năng suất và tạo giống ưu việt trong hoạt động sản xuất, kinh doanh. Trên đây là tư vấn của chúng tôi về ưu thế lai và ứng dụng ưu thế lai ở thực vật và động vật, hy vọng sẽ giúp ích cho bạn đọc.

    5 / 5 ( 1 bình chọn )