Theo quy định của pháp luật thì nhà dù đang trả góp vẫn là di sản thừa kế. Do đó, vẫn tiến hành chia thừa kế nhà đang trả góp theo đúng quy định của pháp luật. Bài viết dưới đây sẽ cung cấp cho quý bạn đọc về quy định và trình tự thủ tục chia di sản thừa kế là nhà trả góp.
Mục lục bài viết
1. Nhà mua trả góp chưa trả xong có được chia thừa kế không?
1.1. Quy định của pháp luật về di sản thừa kế:
Theo quy định tại điều 612 Bộ luật dân sự 2015 thì xác định được di sản thừa kế là toàn bộ tài sản thuộc quyền sở hữu hợp pháp của người đã chết, quyền về tài sản của người đó. Hay nói cách khác thì tất cả tài sản thuộc quyền sở hữu của người để lại thừa kế theo quy định đều là di sản, bao gồm: Tài sản riêng của người chết; Phần tài sản của người chết trong khối tài sản chung với người khác; Quyền về tài sản do người chết để lại. Như vậy, tài sản thuộc di sản được phân loại thành bất động sản và động sản (Đất đai; nhà, công trình xây dựng gắn liền với đất đai; tài sản khác gắn liền với đất đai, nhà, công trình xây dựng; tài sản khác theo quy định của pháp luật)
1.2. Nhà mua trả góp chưa trả xong có được chia thừa kế không?
Từ những lập luận và phân tích ở các phần mục trên thì có thể thấy rằng tài sản thuộc sở hữu của một người thì đều được xem là di sản thừa kế người đó để lại khi người đó chết. Chính vì vậy, nhà dù đang trả góp thi vẫn được xem là di sản thừa kế.
Vì là di sản thừa kế nên cũng sẽ được thừa kế theo hai hình thức là thừa kế theo di chúc và thừa kế theo pháp luật. Nếu trước khi chết, người sở hữu căn nhà trả góp đó để lại di chúc định đoạt về căn nhà này thì người nhận di sản theo di chúc sẽ thực hiện theo ý nguyện của người chết.Còn nếu người sở hữu căn nhà đang trả góp đó không để lại di chúc thì sẽ được chia theo pháp luật.
Đối với trường hợp mua nhà trả chậm, trả dần thì theo quy định của pháp luật thì nếu căn nhà vẫn đang trong thời hạn trả chậm, trả dần mà người mua nhà trả chậm, trả dần chết thì người thừa kế hợp pháp được thực hiện tiếp các quyền cũng như nghĩa vụ trả tiền nhà của người chết. Có nghĩa là phải sau khi đã trả đủ tiền mua nhà cho bên bán thì người thừa kế sẽ được cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở theo quy định mang tên người thừa kế.
Đối với trường hợp mua trả góp của ngân hàng. Bản chất trong trường hợp này là hình thức vay ngân hàng và trả góp từng tháng cho ngân hàng để dùng số tiền vay được thanh toán tiền nhà đã mua. Có thể hiểu theo hướng là khi mua trả góp mua nhà từ ngân hàng thì căn nhà đã thuộc sở hữu của người mua và số tiền dùng để mua nhà hiện đang vay ngân hàng và được trả gốc, lãi theo hình thức trả góp.Chính vì vậy, căn nhà trong trường hợp này là di sản thừa kế và nghĩa vụ liên quan đến căn nhà này các đồng thừa kế cũng phải ưu tiên thanh toán.
Mà theo quy định tại Điều 615 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định về việc thực hiện nghĩa vụ tài sản do người chết để lại ta có thể hiểu như sau:
– Nếu muốn thừa kế căn nhà đang trả góp của ngân hàng thì buộc những người hưởng thừa kế phải có trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ tài sản trong phạm vi di sản do người chết để lại. Tức là phải thanh toán số tiền còn nợ lại của ngân hàng trong phạm vi tài sản mà mình được nhận. Theo đó thì các đồng thừa kế phải thực hiện việc nộp tiền vào ngân hàng, trả hết nợ và rút tài sản ra để thực hiện xoá đăng ký thế chấp do tài căn nhà hiện đang được thế chấp tại ngân hàng theo hình thức vay trả góp.
– Tiếp sau đó thì các đồng thừa kế lập Văn bản thoả thuận phân chia di sản thừa kế để phân chia di sản thừa kế của người chết trong đó có căn nhà
Tóm lại, thì dù với hình thức nào, căn nhà đang trả góp cũng đều là di sản thừa kế và có thể phân chia di sản thừa kế.
Tuy nhiên, trên thực tế sẽ có những trường hợp người thừa kế không đủ khả năng trả góp tiếp tục cho căn nhà đang trả góp đó. Vậy trong trường hợp này sẽ xử lý như thế nào?
Căn cứ theo quy định tại Điều 620 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về vấn đề từ chối di sản thì ta có thể xác định được rằng nếu không có đủ tiền để thanh toán nốt số tiền trả góp để lấy căn nhà phân chia di sản thừa kế thì người thừa kế có quyền từ chối nhận di sản. Tuy nhiên, phải đảm bảo rằng việc từ chối đó không nhằm trốn tránh việc thực hiện nghĩa vụ tài sản của mình đối với người khác.
Nếu người thừa kế muốn từ chối nhận di sản thì phải được lập thành văn bản và gửi đến người quản lý di sản, những người thừa kế khác, người được giao nhiệm vụ phân chia di sản để biết. Và phải đảm bảo rằng việc từ chối nhận di sản phải được thể hiện trước thời điểm phân chia di sản.
Bên cạnh đó, nếu thừa kế căn nhà đang trả góp đó thì người thừa kế cũng cần phải xác định được thời điểm mở thừa kế. Điều nầy là rất quan trọng bởi nó sẽ xác định được chính xác tài sản, quyền và nghĩa vụ về tài sản của người để lại thừa kế.
Theo quy định của Bộ luật dân sự thì thời điểm mở thừa kế là thời điểm người có tài sản chết. Theo đó thì, người thừa kế là cá nhân phải còn sống vào thời điểm mở thừa kế. Hoặc sinh ra và còn sống sau thời điểm mở thừa kế nhưng đã thành thai trước khi người để lại dị sản chết.
Địa điểm mở thừa kế là nơi cư trú cuối cùng của người để lại di sản. Trong trường hợp nếu không xác định được nơi cư trú cuối cùng thì địa điểm mở thừa kế là nơi có toàn bộ di sản
2. Bố mẹ chồng có được hưởng di sản thừa kế là mảnh đất mà hai vợ chồng mua trả góp hay không?
Liên quan đến việc xác định bố mẹ chồng có được hưởng di sản thừa kế là mảnh đất mà hai vợ chồng mua trả góp hay không thì cần tìm hiểu quy định về người thừa kế. Theo đó điều 613 Bộ luật dân sự 2015 quy định thì người thừa kế là cá nhân phải là người còn sống vào thời điểm mở thừa kế hoặc sinh ra và còn sống sau thời điểm mở thừa kế nhưng đã thành thai trước khi người để lại di sản chết.
Bên cạnh đó, ta cần hiểu rằng người có di sản để lại có quyền định đoạt việc ai có quyền được thừa hưởng di sản của mình thông qua di chúc. Tức là nếu chồng bạn để lại di chúc cho bố mẹ chồng được hưởng di sản phần của anh ta trong căn nhà trả góp đó thì hiển nhiên bố mẹ chồng sẽ được hưởng di sản thừa kế đối với một phần trong căn nhà trả góp của hai vợ chồng ban.
Tuy nhiên, nếu không có di chúc để lại di sản thừa kế thì liệu bố mẹ chồng có được hưởng di sản thừa kế là mảnh đất mà hai vợ chồng mua trả góp hay không. Lúc này xác định theo trường hợp thừa kế theo pháp luật. Ta căn cứ theo quy định tại Điều 651 Bộ luật Dân sự 2015 thì những người được thừa kế theo pháp luật chia làm ba hàng thừa kế như sau:
Hàng thừa kế thứ nhất: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết;
Hàng thừa kế thứ hai gồm: ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột của người chết; cháu ruột của người chết.
Hàng thừa kế thứ ba gồm: cụ nội, cụ ngoại của người chết; bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột; chắt ruột của người chết.
Như vậy, theo quy định này ta có thấy rằng trong trường hợp nếu chồng bạn mất mà không để lại di chúc thì bố mẹ chồng bạn vẫn có thể được hưởng di sản thừa kế là căn nhà vợ chồng bạn đang trả góp do họ thuộc hàng thừa kế thứ nhất. Tuy nhiên, họ chỉ được hưởng một phần nhỏ trong căn nhà đó mà thôi.
3. Trình tự, thủ tục chia thừa kế nhà trả góp:
Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ để hoàn tất thủ tục trả góp nhà cho ngân hàng
Hồ sơ gồm có:
– Di chúc ( Trong trường hợp thừa kế theo di chúc);
–
–
– Hợp đồng mua nhà trả góp với ngân hàng.
Bước 2: Đến ngân hàng để hoàn tất thủ tục trả góp nhà
Sau khi thanh toán đủ số tiền còn thiếu của người để lại di sản thừa kế thì bạn có thể lấy được bản gốc giấy chứng nhận quyền sử dụng đất từ phía ngân hàng
Bước 3: Nộp hồ sơ đến Văn phòng đăng ký đất đai để sang tên sổ đỏ
Để thừa kế nhà trả góp người thừa kế cần chuẩn bị các giấy tờ tài liệu sau đây:
– Di chúc ( Trong trường hợp thừa kế theo di chúc);
– Văn bản thỏa thuận phân chia di sản thừa kế ( Trong trường hợp chia thừa kế theo pháp luật);
– Chứng minh nhân dân, Thẻ căn cước công dân hoặc hộ chiếu;
– Sổ hộ khẩu;
– Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Sau khi chuẩn bị đầy đủ bộ hồ sơ như đã nêu trên thì bạn nộp hồ sơ đến Văn phòng đăng ký đất đai. Cán bộ tiếp nhận hồ sơ có trách nhiệm kiểm tra hồ sơ, nếu hồ sơ hợp lệ thì thực hiện việc đăng ký biến động cho người thừa kế.Trường hợp nếu hồ sơ không hợp lệ Văn phòng đăng ký đất đai có trách nhiệm hướng dẫn người sử dụng đất bổ sung thêm giấy tờ, tài liệu còn thiếu để hoàn thiện hồ sơ. Trường hợp từ chối đăng ký biến động thì Văn phòng đăng ký đất đai phải nêu rõ lý do và căn cứ pháp lý
Các văn bản pháp luật được sử dụng trong bài viết:
– Bộ luật Dân sự 2015