Người hưởng thừa kế chết trước phân chia di sản thế nào? Con riêng có được hưởng di sản thừa kế? Phân chia di sản thừa kế khi không có di chúc để lại.
Người hưởng thừa kế chết trước phân chia di sản thế nào? Con riêng có được hưởng di sản thừa kế? Phân chia di sản thừa kế khi không có di chúc để lại.
Tóm tắt câu hỏi:
Thưa luật sư, tôi có trường hợp muốn nhờ luật sư giải thích giúp. Ông nội tôi là Trần Văn Đẩu đã đăng ký và sử dụng ổn định thửa đất số 10, tờ bản đồ số 6 (theo đo đạc 299 TTg/CP). Năm 1992, ông nội tôi chết. Năm 1997, bà tôi là Lê Thị Nuôi chết và bà có 1 người con riêng còn sống là Nguyễn Đức Lý. Hiện nay, cha tôi là người trực tiếp sử dụng thửa đất trên. Ông tôi có 4 người con đẻ:
1. Trần Văn Huy – Cha tôi;
2. Trần Văn Hải – Chú tôi là liệt sĩ đã chết năm 1944 khi chưa có vợ con;
3. Trần Văn Nhơn – Chú tôi đã chết năm 2004 đã có vợ và 2 người con là Trần Văn Đước và Trần Văn Kết;
4. Trần Văn Tâm – Chú tôi đã chết năm 1990 đã có vợ và 3 người con là Trần Thị Hà, Trần Thị Thương và Trần Văn Sơn.
Năm 2013, UBND xã hướng dẫn cha tôi lập hồ sơ cấp giấy CNQSDĐ lần đầu đối với thửa đất nói trên theo dạng thừa kế. Cán bộ tư pháp giải thích ngoài cha tôi ra thì 5 người cháu của ông tôi là: Đước, Kết, Hà, Thương, Sơn đều là người thừa kế thế vị của 2 chú tôi và ông Lý là người thừa kế thế vị của bà tôi. Nhưng theo tôi tìm hiểu thì người thừa kế chết trước người để lại tài sản thừa kế thì mới được áp dụng trường hợp thừa kế thế vị (tức là trường hợp này chỉ có Hà, Thương và Sơn) mới là người thừa kế thế vị. Còn Đước, Kết và Lý không được áp dụng trường hợp thừa kế thế vị. Vậy, luật sư cho tôi hỏi khi thực hiện việc phân chia tài sản này, những người nào sẽ có trong hàng thừa kế? Nếu Đước, Kết, Lý là người thừa kế thế vị thì vì sao trong khi bà Nuôi và chú Nhơn chết sau ông tôi? Tôi xin chân thành cám ơn và mong hồi âm sớm của luật sư.
Luật sư tư vấn:
Cám ơn bạn đã gửi câu hỏi của mình đến Ban biên tập – Phòng tư vấn trực tuyến của Công ty LUẬT DƯƠNG GIA. Với thắc mắc của bạn, Công ty LUẬT DƯƠNG GIA xin được đưa ra quan điểm tư vấn của mình như sau:
1. Căn cứ pháp lý:
– Điều 25 Pháp lệnh thừa kế năm 1990;
– Điều 679 Bộ luật dân sự năm 1995;
– Điều 676 Bộ luật dân sự năm 2005;
2. Nội dung tư vấn:
Theo như bạn trình bày, đây là tài sản chung của ông bà nội bạn, việc xác định những người thuộc hàng thừa kế của ông bà bạn như sau:
+ Năm 1992 ông nội mất không để lại di chúc, phần di sản của ông nội bạn (1 nửa mảnh đất) được chia đều cho những người thuộc hàng thừa kế thứ nhất theo quy định tại 25 Pháp lệnh thừa kế năm 1990:
"Điều 25: Những người thừa kế theo pháp luật
1- Những người thừa kế theo pháp luật gồm có:
a) Hàng thứ nhất: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết.
…
2- Những người thừa kế cùng hàng được hưởng phần di sản ngang nhau."
Theo quy định trên, những người thuộc hàng thừa kế thứ nhất của ông bạn gồm: bà nội (vợ), Huy, Nhơn. Theo thông tin bạn cung cấp, Tâm chết năm 1990 chết trước ông nội nên theo quy định tại Điều 26 Pháp lệnh thừa kế 1990 về thừa kế thế vị thì các con của Tâm là Hà, Thương, Sơn sẽ được hưởng phần di sản của Tâm:
"Điều 26: Thừa kế thế vị
Trong trường hợp con của người để lại di sản chết trước người để lại di sản, thì cháu được hưởng phần di sản mà cha hoặc mẹ của cháu được hưởng nếu còn sống; nếu cháu cũng đã chết trước người để lại di sản, thì chắt được hưởng phần di sản mà cha hoặc mẹ của chắt được hưởng nếu còn sống."
Như vậy, hàng thừa kế thứ nhất của ông nội bạn gồm: bà nội, Huy, Nhơn, Hà, Thương, Sơn.
+ Năm 1997 bà nội bạn mất không để lại di chúc thì phần tài sản của bà nội bạn (bao gồm 1 nửa mảnh đất và phần thừa kế được hưởng của ông nội) được chia cho hàng thừa kế thứ nhất theo quy định tại Điều 679 Bộ luật dân sự năm 1995 gồm:
"1- Những người thừa kế theo pháp luật được quy định theo thứ tự sau đây:
a) Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết;
……
2- Những người thừa kế cùng hàng được hưởng phần di sản bằng nhau."
Theo quy định trên và quy định về thừa kế thế vị theo quy định tại Điều 680 Bộ luật dân sự 1995 thì hàng thừa kế thứ nhất của bà nội bạn gồm: Lý, Huy, Nhơn, Hà, Thương, Sơn.
Tuy nhiên, bạn cần xác định tại thời điểm ông bà nội bạn mất, những người thuộc hàng thừa kế thứ nhất đã đi khai nhận di sản thừa kế hay chưa?
>>> Luật sư tư vấn về chia thừa kế theo pháp luật: 1900.6568
Trường hợp đã khai nhận di sản thừa kế, phần tài sản mà Nhơn được hưởng khi Nhơn chết không để lại di chúc sẽ được chia cho những người thuộc hàng thừa kế thứ nhất của Nhơn theo quy định tại Điều 676 Bộ luật dân sự năm 2005, gồm:
"1. Những người thừa kế theo pháp luật được quy định theo thứ tự sau đây:
a) Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết;
……
2. Những người thừa kế cùng hàng được hưởng phần di sản bằng nhau."
Theo đó, vợ Nhơn và 2 con là Đước, Kết sẽ được hưởng di sản thừa kế của Nhơn.
Như vậy, khi làm thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo diện hưởng thừa kế, những người sau đều có quyền sử dụng đất đối với mảnh đất này: Lý, Huy, vợ Nhơn, Đước, Kết, Hà, Thương, Sơn.
Ở đây, Lý là hàng thừa kế thứ nhất của bà nội bạn, còn vợ Nhơn, Đước, Kết được xác định là hàng thừa kế thứ nhất của Nhơn chứ không phải thừa kế thế vị của ông bà nội.