Người đại diện của đương sự có quyền kháng cáo không? Được xem là một câu chuyện thường xuyên được đặt ra trong quá trình khởi kiện trên thực tế của các chủ thể.
Mục lục bài viết
1. Người đại diện của đương sự có quyền kháng cáo không?
1.1. Khái quát chung về quyền kháng cáo:
Trước tiên cần khẳng định rằng quyền tham gia tố tụng là một trong những quyền con người được nhà nước ta thừa nhận và ghi nhận trong rất nhiều các văn bản pháp luật. Theo đó thì quyền con người được hiểu là những quyền đương nhiên và vốn có, khách quan của con người được ghi nhận và bảo vệ trong pháp luật quốc gia và trong các thỏa thuận pháp lý quốc tế, trong đó có quyền tố tụng. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng để đương sự có thể sử dụng để đòi hỏi công lý và là cơ sở để người tiến hành tố tụng Ý thức được bổn phận phải tôn trọng và bảo vệ các quyền căn bản này. Quyền tố tụng của đương sự sẽ bảo đảm cho đương sự có phương tiện để bảo vệ được quyền và lễ hợp pháp của mình trước hành vi xâm phạm của các chủ thể khác bằng việc tham gia tố tụng tại tòa án. Một trong những quyền tố tụng cần được lưu ý và làm rõ đó là quyền kháng cáo.
Có thể đưa ra một khái niệm đơn giản về quyền kháng cáo như sau: quyền kháng cáo là quyền của công dân được thực hiện thông qua các hoạt động tố tụng tại tòa án theo quy định của pháp luật khi không đồng ý với bản án và quyết định của tòa án cấp sơ thẩm chưa có hiệu lực pháp luật, khi đó thì các chủ thể tham gia tố tụng có quyền yêu cầu tòa án xem xét lại hoặc xét xử lại vụ án theo thủ tục phúc thẩm, đó chính là quyền kháng cáo của đương sự.
1.2. Người đại diện của đương sự có quyền kháng cáo không?
Để trả lời cho câu hỏi: người đại diện của đương sự có quyền kháng cáo hay không? Thì chúng ta cần hiểu rõ quy định của pháp luật tố tụng dân sự, và cần xác định được trong quan hệ tố tụng dân sự thì chủ thể nào có quyền kháng cáo. Căn cứ theo quy định tại Điều 271 của Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 hiện hành thì có thể thấy các chủ thể có quyền kháng cáo bản án sơ thẩm của tòa án cấp sơ thẩm thông qua đó để yêu cầu tòa án cấp phúc thẩm xét xử và giải quyết lại theo thủ tục phúc thẩm bao gồm các chủ thể sau:
– Đương sự;
– Người đại diện hợp pháp của đương sự;
– Cơ quan, tổ chức hoặc cá nhân khởi kiện.
Trong khi đó đối với khái niệm đại diện, thì có thể căn cứ tại Điều 134 của Bộ luật Dân sự năm 2015 hiện hành có thể thấy: Đại diện chính là việc mà các chủ thể là cá nhân hoặc pháp nhân (sau đây gọi chung là người đại diện) nhân danh và vì lợi ích của một cá nhân và pháp nhân khác (sau đây gọi chung là người được đại diện) để tiến hành xác lập và thực hiện các giao dịch dân sự dựa trên phạm vi đại diện.
Do đó có thể thấy, người đại diện hoàn toàn được kháng cáo bản án sơ thẩm để giải quyết vụ án theo thủ tục phúc thẩm trong trường hợp mà nội dung ủy quyền thể hiện rõ việc người đại diện được phép đại diện và thay mặt người ủy quyền để tiến hành kháng cáo phúc thẩm. Như vậy, với tư cách là người đại diện hợp pháp của đương sự, thì các chủ thể này hoàn toàn có thể thay mặt đương sự để tiến hành việc kháng cáo theo đúng quy định mà pháp luật tố tụng dân sự ghi nhận.
Như vậy có thể thấy, chỉ có những người có quyền và lợi ích liên quan đến vụ án dân sự được tòa án cấp sơ thẩm triệu tập tham gia tố tụng với tư cách đương sự, người đại diện hợp pháp của đương sự mới có quyền kháng cáo theo thủ tục phúc thẩm. Còn lại những người có quyền và lợi ích liên quan đến vụ án dân sự nhưng không được tòa án sơ thẩm triệu tập tham gia tố tụng với tư cách là đương sự hoặc người đại diện hợp pháp thì không có quyền kháng cáo phúc thẩm, họ chỉ có quyền khiếu nại đến những người có thẩm quyền để yêu cầu người có thẩm quyền kháng nghị bản án hoặc quyết định sơ thẩm theo thủ tục phúc thẩm, nếu bản án hoặc quyết định sơ thẩm chưa có hiệu lực pháp luật, hoặc kháng nghị giám đốc thẩm nếu bản án, quyết định sơ thẩm đã có hiệu lực pháp luật.
2. Thời hạn thực hiện quyền kháng cáo:
Thời hạn thực hiện kháng cáo có ảnh hưởng trực tiếp đến quyền kháng cáo của đương sự, nên tại Điều 273 của Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015, thời hạn kháng cáo được xác định là 15 ngày. Tuy nhiên tùy thuộc vào các trường hợp khác nhau mà thời hạn 15 ngày này được tính theo cách khác nhau:
– Với trường hợp các đương sự có mặt tại phiên tòa khi tòa án tuyên thì thời hạn kháng cáo đối với bản án sơ thẩm được tính là 15 ngày kể từ ngày tuyên án;
– Đối với trường hợp đương sự hoặc người đại diện của đương sự có mặt tại phiên tòa nhưng không có mặt tại thời điểm tòa án tuyên án thì khi tính thời hạn kháng cáo phải xem xét lý do vắng mặt của họ: nếu như họ vắng mặt không có lý do chính đáng thì thời hạn kháng cáo sẽ là 15 ngày được tính kể từ ngày tuyên án;
– Trong trường hợp khi tòa án tuyên các đương sự không có mặt tại tòa thì thời hạn kháng cáo đối với bản án sơ thẩm là 15 ngày kể từ ngày họ nhận được bản án hoặc quyết định được niêm yết;
– Ngoài ra thì pháp luật tố tụng dân sự hiện hành cũng đã bổ sung quy định, trường hợp người kháng cáo đang bị tạm giam thì ngày tính thời hạn kháng cáo là ngày mà đơn kháng cáo được giám thị chạm giam xác nhận nhầm bảo đảm quyền kháng cáo cho người đang bị giam giữ. Quy định được bổ sung mới về việc kháng cáo trong trường hợp người kháng cáo bị tạm giam là quy định nhằm bảo vệ quyền lợi cho chủ thẻ có tính chất đặc thù. Quy định hướng đến việc bảo vệ quyền con người và đề cao quyền con người trong tố tụng dân sự.
Nhìn chung thì việc quy định về thời hạn kháng cáo nhầm bảo đảm quyền lợi cho bên đường sự còn lại. Nếu không quy định thời hạn kháng cáo mà để thời gian kéo dài, các bên có thể kháng cáo bất cứ lúc nào, thì khi bản án đã có hiệu lực pháp luật và được thi hành, chủ thể làm đơn kháng cáo sẽ làm đảo lộn trật tự và mất đi sự ổn định của pháp luật. Hơn nữa thì việc kháng cáo vào thời điểm bản án đã được thi hành có thể xâm phạm đến quyền lợi của bên đường sự còn lại hoặc không có tác dụng do sau khi thi hành bản án không thể khôi phục lại tình trạng ban đầu.
Thực tế cho thấy, do mắc phải trường hợp bất khả kháng, đương sự và người đại diện của đương sự không thể thực hiện quyền kháng cáo của mình đúng thời hạn, khi đó thì pháp luật có dữ liệu một số trường hợp đặc biệt về việc kháng cáo khi đã hết thời hạn luật định.
3. Quy định của pháp luật về hình thức kháng cáo:
Hiện nay thì Điều 272 của Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 hiện hành có quy định về các nội dung bắt buộc phải có trong đơn kháng cáo bao gồm: ngày tháng năm làm đơn kháng cáo, tên, địa chỉ, số điện thoại, địa chỉ thư điện tử của người kháng cáo, kháng cáo toàn bộ hoặc một phần của bản án hoặc quyết định của tòa án cấp sơ thẩm chưa có hiệu lực pháp luật, lý do của việc kháng cáo và yêu cầu của người kháng cáo, chữ ký hoặc điểm chỉ của người kháng cáo. Người kháng cáo được xác định là cá nhân có đầy đủ năng lực hành vi tố tụng dân sự có thể tự mình làm đơn kháng cáo. Nếu như người có quyền kháng cáo không tự mình làm đơn kháng cáo thì có thể ủy quyền cho người đại diện mình thực hiện việc kháng cáo.
Cơ quan tổ chức là người đại diện theo pháp luật của đương sự có thể tự mình làm đơn kháng cáo, tại mục tên, và địa chỉ của người kháng cáo trong đơn phải ghi rõ tên, ghi rõ địa chỉ và số điện thoại, ghi rõ địa chỉ thư điện tử của đương sự là cơ quan và tổ chức, họ và tên cũng như chức vụ của người đại diện theo pháp luật của đương sự, ở phần cuối đơn kháng cáo thì người đại diện theo pháp luật phải ký tên và đóng dấu của cơ quan tổ chức đó. Trường hợp người đại diện theo pháp luật của cơ quan tổ chức ủy quyền cho người khác kháng cáo thì tại mục tên của người kháng cáo trong đơn phải ghi rõ họ và tên cũng như địa chỉ của người đại diện theo ủy quyền của đương sự là cơ quan và tổ chức được ủy quyền, số điện thoại và địa chỉ thư điện tử của đương sự là cơ quan và tổ chức ủy quyền. Ở phần cuối của đơn kháng cáo thì người đại diện theo ủy quyền phải ký tên hoặc điểm chỉ.
Người đại diện theo pháp luật của đương sự là người chưa thành niên hoặc người mất năng lực hành vi dân sự có thể tự mình làm đơn kháng cáo, tại mục tên và địa chỉ của người kháng cáo trong đơn phải ghi rõ họ và tên, địa chỉ của người đại diện theo pháp luật, họ tên và địa chỉ của đương sự là người chưa thành niên hoặc mất năng lực hành vi dân sự. Ở phần cuối đơn kháng cáo thì người đại diện theo pháp luật phải ký tên hoặc điểm chỉ.
Các văn bản pháp luật được sử dụng trong bài viết:
– Bộ luật Dân sự năm 2015;
– Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015.