Văn phòng đại diện có được vay vốn ngân hàng không? Điều kiện vay vốn ngân hàng đối với pháp nhân.
Văn phòng đại diện có được vay vốn ngân hàng không? Điều kiện vay vốn ngân hàng đối với pháp nhân.
Tóm tắt câu hỏi:
Xin chào Công ty Luật Dương Gia! Tôi có một vấn đề xin được hỏi và mong Văn phòng giúp tôi dẫn chiếu các quy định về pháp luật đối với khúc mắc của tôi. Tôi là chủ sở hữu đồng thời là chủ tịch HĐTV kiêm Giám đốc: Là người đại diện theo pháp luật của 1 Công ty TNHH một thành viên có trụ sở tại Nam Định, đặt văn phòng giao dịch tại Hải Phòng. Hiện tôi muốn vay vốn ngân hàng tại Hải Phòng. Nhưng ngân hàng có quy định về địa bàn vay vốn (không cho vay vốn khác địa bàn). Vậy tôi có thể sử dụng Văn phòng giao dịch tại Hải Phòng để trực tiếp vay vốn tại ngân hàng được không? Thủ tục pháp lý như thế nào? Toàn bộ hồ sơ mà bên ngân hàng yêu cầu là hoạt động của trụ sở chính công ty hay hoạt động của văn phòng? Tôi xin chân thành cảm ơn.
Luật sư tư vấn:
Cám ơn bạn đã gửi câu hỏi của mình đến Ban biên tập – Phòng tư vấn trực tuyến của Công ty LUẬT DƯƠNG GIA. Với thắc mắc của bạn, Công ty LUẬT DƯƠNG GIA xin được đưa ra quan điểm tư vấn của mình như sau:
1. Cơ sở pháp lý:
– Quyết định 1627/2001/QĐ-NHNN.
2. Giải quyết vấn đề:
Theo như bạn trình bày, công ty của bạn có trụ sở tại Nam Định, có văn phòng giao dịch tại Hải Phòng. Điều 92 Bộ luật dân sự 2005 quy định văn phòng giao dịch hay văn phòng đại diện như sau:
"Điều 92. Văn phòng đại diện, chi nhánh của pháp nhân
1. Pháp nhân có thể đặt văn phòng đại diện, chi nhánh ở nơi khác với nơi đặt trụ sở của pháp nhân.
2. Văn phòng đại diện là đơn vị phụ thuộc của pháp nhân, có nhiệm vụ đại diện theo ủy quyền cho lợi ích của pháp nhân và thực hiện việc bảo vệ các lợi ích đó.
3. Chi nhánh là đơn vị phụ thuộc của pháp nhân, có nhiệm vụ thực hiện toàn bộ hoặc một phần chức năng của pháp nhân, kể cả chức năng đại diện theo ủy quyền.
4. Văn phòng đại diện, chi nhánh không phải là pháp nhân. Người đứng đầu văn phòng đại diện, chi nhánh thực hiện nhiệm vụ theo ủy quyền của pháp nhân trong phạm vi và thời hạn được ủy quyền.
5. Pháp nhân có các quyền, nghĩa vụ dân sự phát sinh từ giao dịch dân sự do văn phòng đại diện, chi nhánh xác lập, thực hiện.
>>> Luật sư tư vấn quyền vay vốn của văn phòng đại diện: 1900.6568
Như vậy Văn phòng đại diện là đơn vị phụ thuộc của pháp nhân, có nhiệm vụ đại diện theo ủy quyền cho lợi ích của pháp nhân và thực hiện việc bảo vệ các lợi ích đó. Văn phòng đại diện không có tư cách pháp nhân, vì thế không thể nhân danh mình tham gia quan hệ pháp luật một cách độc lập. Văn phòng đại diện không có tài sản độc lập nên không thể tự chịu trách nhiệm với khoản vay của mình, trách nhiệm, nghĩa vụ dân sự phát sinh giữa văn phòng đại diện với bên thứ ba thì Doanh nghiệp phải chịu trách nhiệm (trừ trường hợp VPĐD thực hiện những hành vi theo phạm vi được ủy quyền).
Bên cạnh đó, Điều 7 Quy chế cho vay của tổ chức tín dụng đối với khách hàng ban hành kèm theo Quyết định 1627/2001/QĐ-NHNN quy định về điều kiện vay vốn như sau:
"1. Có năng lực pháp luật dân sự, năng lực hành vi dân sự và chịu trách nhiệm dân sự theo quy định của pháp luật :
a) Đối với khách hàng vay là pháp nhân và cá nhân Việt Nam :
– Pháp nhân phải có năng lực pháp luật dân sự;
– Cá nhân và chủ doanh nghiệp tư nhân phải có năng lực pháp luật và năng lực hành vi dân sự;
– Đại diện của hộ gia đình phải có năng lực pháp luật và năng lực hành vi dân sự;
– Đại diện của tổ hợp tác phải có năng lực pháp luật và năng lực hành vi dân sự;
– Thành viên hợp danh của công ty hợp danh phải có năng lực pháp luật và năng lực hành vi dân sự;"
Như vậy trong trường hợp này Văn phòng đại diện tại Hải Phòng không tiến hành vay vốn tại ngân hàng được.