Phân cấp quản lý ngân sách nhà nước là gì? Ý nghĩa phân cấp?

Phân cấp quản lý ngân sách nhà nước là gì? Ý nghĩa phân cấp quản lý ngân sách nhà nước? Nguyên tắc phân cấp quản lý nguồn thu, nhiệm vụ chi và quan hệ giữa các cấp ngân sách? Nguyên tắc phân cấp nguồn thu, nhiệm vụ chi giữa ngân sách các cấp ở địa phương? 

Hiện nay, theo quy định pháp luật vấn đề phân cấp quản lý ngân sách nhà nước là vấn đề mà nhiều bạn đọc quan tâm đến. Quản lý ngân sách ngân sách nhà nước chính là yếu tố cần được chú trọng trong công tác quản lý từ có thể đảm bảo được nguồn tiền trong ngân sách Nhà nước. Thực tế, nhiều bạn đọc chưa nắm được vấn đề phân cấp quản lý ngân sách nhà nước, vậy phân cấp quản lý ngân sách nhà nước là gì? Ý nghĩa phân cấp?

Cơ sở pháp lý:

 - Luật Ngân sách Nhà nước năm 2015.

1. Phân cấp quản lý ngân sách nhà nước là gì?

1.1. Ngân sách nhà nước:

Căn cứ theo quy định tại Khoản 14 Điều 4 Luật Ngân sách Nhà nước năm 2015, Ngân sách nhà nước được hiểu là toàn bộ các khoản chi, khoản thu của Nhà nước được dự toán và thực hiện trong một khoảng thời gian nhất định do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định từ đó nhằm mục đích bảo đảm thực hiện các chức năng, nhiệm vụ của Nhà nước.  

1.2. Phân cấp quản lý ngân sách nhà nước:

Phân cấp quản lý ngân sách nhà nước được hiểu là việc Nhà nước phân bổ theo quy định pháp luật về quyền hạn, trách nhiệm của các cấp chính quyền nhà nước về việc quản lý các khoản chi, khoản thu của ngân sách nhà nước cho các cấp nhà nước từ đó nhằm bảo đảm giải quyết các vấn đề, nhiệm vụ quan trọng về phát triển kinh tế - xã hội, văn hóa tại các địa phương mà các cấp chính quyền nhà nước này đang quản lý. Căn cứ vào mô hình tổ chức hệ thống các cấp ngân sách việc phân cấp quản lý ngân sách ở các quốc gia có sự khác nhau. 

Hiện nay, theo một hệ thống các cấp chính quyền nhà nước thì việc cấp ngân sách thì các cấp chính quyền nhà nước đều có quyền hạn và trách nhiệm ngang nhau trong việc quản lý ngân sách nhà nước. Tuy nhiên, tại một số cấp chính quyền nhà nước được cấp ngân sách nhà nước thì các cấp chính quyền có tổ chức cấp ngân sách nhà nước này mới có quyền hạn, trách nhiệm trong quản lý ngân sách nhà nước.

Căn cứ theo quy định tại Khoản 16 Điều 4 Luật Ngân sách Nhà nước năm 2015 có quy định Phân cấp quản lý ngân sách là việc xác định phạm vi, trách nhiệm và quyền hạn của chính quyền các cấp, các đơn vị dự toán ngân sách trong việc quản lý ngân sách nhà nước phù hợp với phân cấp quản lý kinh tế - xã hội.

Phân cấp quản lý ngân sách nhà nước là việc xử lý các mối quan hệ giữa các cấp chính quyền nhà nước từ địa phương đến trung ương trong hoạt động của ngân sách nhà nước, hình thành một cơ chế phân chia ranh giới quyền lực về quản lý ngân sách nhà nước giữa các cấp chính quyền từ địa phương đến trung ương.

2. Ý nghĩa phân cấp quản lý ngân sách nhà nước:

Việc phân cấp quản lý ngân sách nhà nước có ý nghĩa nhất định sau đây: 

Thứ nhất, việc phân cấp quản lý từ địa phương đến trung ương tập trung toàn bộ nguồn thu vào tay Nhà nước trung ương với mục đích nhằm có thể bố trí chi tiêu cho công bằng, bố trí hợp lý giữa các vùng kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, miền, các ngành nghề chống biểu hiện thu, chi ngân sách trái pháp luật tại các địa phương.

Thứ hai, việc phân cấp quản lý ngân sách tại Việt Nam đã được thực hiện từ khá sớm và ở mức độ khác nhau trong mỗi thời kỳ. Kể từ khi Luật Ngân sách nhà nước năm 2015 có hiệu lực thi hành, việc phân cấp quản lý ngân sách đã tuân thủ theo những nguyên tắc cơ bản, tương đối ổn định, rõ ràng, đảm bảo được tính minh bạch, công khai, đảm bảo tính chủ động của chính quyền các cấp ở địa phương và quản lý tập trung của Trung ương. 

Thứ ba, Pháp luật quy định về việc phân cấp quản lý ngân sách nhà nước được quy định trong Luật Ngân sách nhà nước năm 2015 đã tạo ra sự chủ động cần thiết cho các cấp chính quyền từ địa phương đến trung ương. Nhà nước ta đã thực hiện phân cấp quản lí ngân sách ở mức độ nhất định cho chính quyền địa phương. Từ đó, làm gia tăng tính linh hoạt, dân chủ, hiệu quả và trách nhiệm của các cấp chính quyền trong việc cung cấp các dịch vụ và hàng hoá công cộng. 

Thứ tư, việc phân cấp quản lý ngân sách nhà nước từ địa phương đến trung ương, thực tế kết quả thu ngân sách ở mỗi cấp sẽ ảnh hưởng đến khả năng chi trả của cấp ngân sách tại các cấp từ địa phương đến trung ương do vậy điều này sẽ khuyến khích các cấp ngân sách chú trọng tới công tác tổ chức quản lý thu ngân sách nhà nước. 

Tuy nhiên, hiện nay các quy định về phân cấp quản lý ngân sách nhà nước đã bộc lộ một số bất cập cần tiếp tục sửa đổi, bổ sung hoàn thiện cho phù hợp. Việc phân cấp quản lý ngân sách nhà nước từ trung ương đến địa phương như hiện nay rất dễ gặp phải tình trạng thừa kinh phí tại cấp này, thiếu kinh phí tại cấp khác. Do đó, việc phân cấp quản lý ngân sách nhà nước cần phải điều hòa vốn kịp thời trong hệ thống kho bạc nhà nước từ đó mới đảm bảo khả năng thanh toán, chi trả. 

3. Nguyên tắc phân cấp quản lý nguồn thu, nhiệm vụ chi và quan hệ giữa các cấp ngân sách: 

Căn cứ theo quy định tại Điều 9 Luật Ngân sách Nhà nước quy định  nguyên tắc phân cấp quản lý nguồn thu, nhiệm vụ chi và quan hệ giữa các cấp ngân sách như sau:

- Ngân sách trung ương giữ vai trò chủ đạo, bảo đảm thực hiện các nhiệm vụ chi quốc gia, hỗ trợ địa phương chưa cân đối được ngân sách và hỗ trợ các địa phương.

- Ngân sách trung ương, ngân sách mỗi cấp chính quyền địa phương được phân cấp nguồn thu và nhiệm vụ chi cụ thể.      

- Ngân sách địa phương được phân cấp nguồn thu bảo đảm chủ động thực hiện những nhiệm vụ chi được giao. Phù hợp với phân cấp quản lý kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh và trình độ quản lý của mỗi cấp trên địa bàn hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định việc phân cấp nguồn thu, nhiệm vụ chi giữa các cấp ngân sách ở địa phương.     

- Trường hợp cơ quan quản lý nhà nước thuộc ngân sách cấp trên ủy quyền cho cơ quan quản lý nhà nước thuộc ngân sách cấp dưới thực hiện nhiệm vụ chi của mình thì phải phân bổ và giao dự toán cho cơ quan cấp dưới được ủy quyền để thực hiện nhiệm vụ chi đó. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng cơ quan nhận kinh phí ủy quyền phải quyết toán với cơ quan ủy quyền khoản kinh phí này.     

- Việc ban hành và thực hiện chính sách, chế độ mới làm tăng chi ngân sách phải có giải pháp bảo đảm nguồn tài chính, phù hợp với khả năng cân đối của ngân sách từng cấp; Nhiệm vụ chi thuộc ngân sách cấp nào do ngân sách cấp đó bảo đảm; việc quyết định đầu tư các chương trình, dự án sử dụng vốn ngân sách phải bảo đảm trong phạm vi ngân sách theo phân cấp.       

- Trên cơ sở bảo đảm công bằng, phát triển cân đối giữa các vùng, các địa phương thực hiện phân chia theo tỷ lệ phần trăm (%) đối với các khoản thu phân chia giữa các cấp ngân sách và số bổ sung từ ngân sách cấp trên cho ngân sách cấp dưới.

- Trong thời kỳ ổn định ngân sách:      

+ Không thay đổi tỷ lệ phần trăm (%) phân chia các khoản thu giữa các cấp ngân sách; 

+ Căn cứ khả năng cân đối của ngân sách cấp trên hằng năm các cơ quan có thẩm quyền quyết định tăng thêm số bổ sung cân đối ngân sách từ ngân sách cấp trên cho ngân sách cấp dưới so với năm đầu thời kỳ ổn định;

+ Khả năng của ngân sách cấp trên và khả năng cân đối ngân sách của từng địa phương cấp dưới; Số bổ sung có mục tiêu từ ngân sách cấp trên cho ngân sách cấp dưới được xác định theo nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ ngân sách và các chế độ, tiêu chuẩn, định mức chi ngân sách; 

+ Các địa phương được sử dụng nguồn tăng thu hằng năm mà ngân sách địa phương được hưởng theo phân cấp để tăng chi thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh,...

- các địa phương sau mỗi thời kỳ ổn định ngân sách phải tăng khả năng tự cân đối, phát triển ngân sách địa phương, thực hiện giảm dần tỷ lệ bổ sung cân đối từ ngân sách cấp trên so với tổng chi ngân sách địa phương hoặc tăng tỷ lệ phần trăm (%) nộp về ngân sách cấp trên đối với các khoản thu phân chia giữa các cấp ngân sách để tăng nguồn lực cho ngân sách cấp trên thực hiện các nhiệm vụ chi quốc gia và phát triển đồng đều giữa các địa phương.    

- Không được dùng ngân sách của cấp này để chi cho nhiệm vụ của cấp khác và không được dùng ngân sách của địa phương này để chi cho nhiệm vụ của địa phương khác;

- Trường hợp thực hiện điều ước quốc tế dẫn đến giảm nguồn thu của ngân sách trung ương, Chính phủ trình Quốc hội điều chỉnh việc phân chia nguồn thu giữa ngân sách trung ương và ngân sách địa phương để bảo đảm vai trò chủ đạo của ngân sách trung ương.

4. Nguyên tắc phân cấp nguồn thu, nhiệm vụ chi giữa ngân sách các cấp ở địa phương: 

Căn cứ theo quy định tại Điều 39 Luật Ngân sách nhà nước năm 2015 quy định nguyên tắc phân cấp nguồn thu, nhiệm vụ chi giữa ngân sách các cấp ở địa phương như sau:      

- Căn cứ vào nguồn thu, nhiệm vụ chi của ngân sách địa phương thì Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định phân cấp cụ thể nguồn thu, nhiệm vụ chi giữa ngân sách các cấp ở địa phương theo nguyên tắc sau:

i) Phù hợp với phân cấp nhiệm vụ quốc phòng, an ninh, kinh tế - xã hội đối với từng lĩnh vực và đặc điểm kinh tế, địa lý, dân cư, trình độ quản lý của từng vùng, từng địa phương;   

ii) Ngân sách cấp huyện, ngân sách cấp xã không có nhiệm vụ chi nghiên cứu khoa học và công nghệ;          

iii) Ngân sách xã, thị trấn được phân chia nguồn thu từ các khoản như thuế sử dụng đất phi nông nghiệp; lệ phí trước bạ nhà, đất; thuế môn bài thu từ cá nhân, hộ kinh doanh; thuế sử dụng đất nông nghiệp thu từ hộ gia đình;          

iv) Trong phân cấp nhiệm vụ chi đối với thị xã, thành phố thuộc tỉnh phải có nhiệm vụ chi đầu tư xây dựng điện chiếu sáng, cấp thoát nước, giao thông đô thị, các trường phổ thông công lập các cấp, vệ sinh đô thị và các công trình phúc lợi công cộng khác.          

- Dựa vào tỷ lệ phần trăm (%) đối với các khoản thu phân chia do Chính phủ giao và các nguồn thu ngân sách địa phương hưởng 100%, Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định tỷ lệ phần trăm (%) đối với các khoản thu phân chia giữa ngân sách các cấp ở địa phương. 

    5 / 5 ( 1 bình chọn )