Động từ là gì? Cụm động từ là gì? Cách sử dụng và ví dụ

Động từ là loại từ không thể thiếu trong ngữ pháp tiếng Việt. Để hiểu rõ hơn về động từ và cụm động từ trong ngữ pháp tiếng Việt, hãy cũng chúng tôi tìm hiểu qua bài viết sau đây để biết cách sử dụng cho phù hợp và đạt được mục đích giao tiếp.

1. Động từ là gì?

Động từ là loại từ được dùng để biểu thị các trạng thái hay hoạt động của con người hoặc sự vật, hiện tượng.

 Loại từ chỉ hoạt động như đi, đứng, ăn, ngủ, nằm, chạy, nhảy, leo trèo, nói,…

Loại từ chỉ trạng thái như vui, buồn, giận, dỗi, hạnh phúc, khóc, cười,…

Cùng với tính từ và danh từ, động từ khiến cho khả năng biểu đạt của tiếng Việt phong phú và đa dạng hơn. Khi kết hợp với những từ loại khác nhau, động từ sẽ có ý nghĩa khái quát và biểu thị khác.

2. Cụm động từ là gì?

Cụm động từ là những từ được tạo ra từ sự kết hợp giữa động từ và một số từ liên quan khác. Trong nhiều trường hợp có một số động từ cần có các từ khác đi kèm, khi đó nghĩa của câu mới được trọn vẹn.

Như vậy, cụm động từ là cụm từ có động từ là từ trung tâm, kết hợp với các phụ trước và phụ sau để tạo thành.

Xét về mặt lý thuyết cụm động từ phức tạp hơn động từ. Tuy nhiên chức năng của chúng lại không khác gì động từ. Tức là cụm động từ cũng có chức năng chính là làm vị ngữ, nhưng cũng có thể làm chủ ngữ, định ngữ hoặc trạng ngữ trong câu.

3. Thuật ngữ tiếng Anh liên quan đến động từ và cụm động từ:

  • Động từ được dịch sang tiếng Anh là Verb.
  • Cụm động từ được dịch sang tiếng Anh là Phrasal Verbs.

4. Cách sử dụng động từ và ví dụ:

4.1. Phân loại động từ:

Dựa theo tính chất của động từ, động từ được chia thành động từ chỉ hành động và động từ chỉ trạng thái.

– Động từ chỉ hành động là loại từ dùng để chỉ hoạt động của con người, sự vật, hiện tượng nhằm tăng sức gợi hình, khiến sự vật trở nên gần gũi hơn. Ví dụ: đi, chơi, chạy, nhảy,…

– Động từ chỉ trạng thái là loại từ dùng để tái hiện, gọi tên trạng thái cảm xúc, suy nghĩ, tồn tại của con người, sự vật, hiện tượng. Ví dụ: giận dữ, lo lắng,… Động từ chỉ trạng thái cũng được phân chia thành nhiều loại, cụ thể như:

+ Động từ chỉ trạng thái tồn tại: còn, hết, có,… Ví dụ: Anh còn đó không?

+ Động từ chỉ trạng thái biến hóa, thay đổi: thành, hóa, trở nên…Ví dụ: Cái cây bỗng trở nên tươi tốt

+ Động từ chỉ trạng thái tiếp thụ: được, bị, phải, chịu,… Ví dụ: Anh ta bị đánh rất đau.

+ Động từ chỉ trạng thái so sánh: bằng, thua, hơn, là,… Ví dụ: Cậu ấy cao bằng tôi, anh thua rồi, chiều cao của cậu hơn tôi,..

Động từ chỉ hành động hay trạng thái, chúng không yêu cầu có động từ khác đi kèm. Những từ chỉ hành động dùng để trả lời cho câu hỏi: “làm gì”. Những động từ chỉ trạng thái trả lời cho câu hỏi: “làm sao”.

Dựa theo vai trò trong câu, động từ được chia thành “nội động từ” và “ngoại động từ”.

– Nội động từ là những động từ mô tả, chỉ hoặc hướng vào người làm chủ hoạt động như ngồi, nằm, chạy. Loại này không có khả năng bổ ngữ chỉ đối tượng trực tiếp mà phải có quan hệ từ. Ví dụ: nằm, đi, đứng,…

– Ngoại động từ là những động từ chỉ người hoặc vật khác, tác động lên vật chủ khác như đập, phá,… Loại này có khả năng có bổ ngữ chỉ đối tượng trực tiếp. Ví dụ: yêu, ghét, kính trọng,…

Để phân biệt được nội động từ, ngoại động từ trong tiếng Việt, bạn có thể đặt những câu hỏi như “ai, cái gì”, nếu có thể dùng bổ ngữ trả lời trực tiếp mà không cần quan hệ từ thì động từ đó là ngoại động từ, còn nếu cần sử dụng quan hệ từ thì đó là nội động từ.

Ví dụ: yêu thương ai => yêu thương con. (“yêu thương” là ngoại động từ)

Lo lắng cho ai => lo lắng cho con (“lo lắng” là nội động từ, vì có quan hệ từ “cho”, không thể đặt câu hỏi “lo lắng ai” được).

Một số “nội động từ” (là những động từ chỉ hành động trực tiếp của đối tượng, không có sự tác động lên sự vật, sự việc, đối tượng khác), cũng được xem là động từ chỉ trạng thái như: nằm, ngồi, ngủ, thức, nghỉ ngơi, suy nghĩ, đi, đứng, lăn, lê, vui, buồn, hồi hộp, băn khoăn, lo lắng,… Ví dụ: Cô ấy rất lo lắng, hôm nay tôi buồn,…

Một số động từ vừa được coi là động từ chỉ hành động, vừa được coi là động từ chỉ trạng thái. Ví dụ như : suy tư,..

Các từ chuyển nghĩa được coi là động từ chỉ trạng thái, ví dụ:

– Bác đã đi rồi sao Bác ơi! (Tố Hữu)

=> Từ “đi” trong câu thơ trên được hiểu với nghĩa “chết”, đây là từ chuyển nghĩa vì vậy được xếp vào động từ chỉ trạng thái trong tiếng Việt.

– Bác ấy đã đứng tuổi rồi.

=> Từ “đứng” trong câu trên có nghĩa “già”, đây là từ chuyển nghĩa nên được xem như động từ chỉ trạng thái.

4.2. Chức năng của động từ:

– Động từ đóng vai trò làm vị ngữ trong câu. Ví dụ: Tôi đang đi dạo trong công viên.

– Động từ đóng vai trò làm chủ ngữ trong câu. Ví dụ: Chơi thể thao làm chúng ta tràn đầy năng lượng. “Chơi thể thao” là động từ, đóng vai trò là chủ ngữ trong câu.

– Động từ đóng vai trò làm định ngữ trong câu. Ví dụ: Căn nhà đang xây là nhà của tôi. “Đang xây” là động từ, đóng vai trò là định ngữ trong câu.

– Động từ đóng vai trò làm trạng ngữ trong câu. Ví dụ: Làm theo cách này, tôi thấy không ổn lắm. “Làm theo cách này” là động từ, đóng vai trò là trạng ngữ trong câu.

Có thể nói, động từ có chức năng rất đa dạng, có thể được sử dụng ở nhiều vị trí khác nhau nhằm biểu thị được mục đích của người nói.

4.3. Khả năng kết hợp của động từ:

– Động từ có thể kết hợp với các tính từ, danh từ để tạo ra cụm động từ: đi (động từ), nhanh (tính từ) ta được cụm động từ là đi nhanh,…

– Động từ cũng có khả năng kết hợp với các phó từ (đã, sẽ, đang, không, chưa, vẫn, cứ, còn,…). Khác với tính từ, động từ còn có thể kết hợp với các phó từ mệnh lệnh (hãy, đừng, chớ,..) để tạo ra câu hoặc cụm từ có mục đích sai khiến. Ví dụ: đừng nói nhiều,…

Sự kết hợp giữa động từ với các từ loại khác có tác dụng làm rõ ý của người nói, giúp người nói đạt được mục đích giao tiếp đồng thời còn thể hiện sự phong phú trong ngữ pháp Tiếng Việt.

4.4. Những lưu ý khi sử dụng động từ:

Các động từ chỉ hoạt động có thể kết hợp với từ “xong” ở phía sau, tuy nhiên đối với động từ chỉ trạng thái thì không được.

Ví dụ: Tôi đã ăn xong. Với ví dụ này, ăn là động từ chỉ hoạt động của con người nên có thể kết hợp với từ “xong” để chỉ việc một người đã hoàn thành hoạt động ăn của họ. Mặt khác, động từ chỉ trạng thái thì không thể kết hợp với từ “xong”, ví dụ như “buồn” là một loại động từ chỉ trạng thái nên nó không thể kết hợp với từ “xong” bởi không ai nói là “Tôi đã buồn xong”.

Trong một số trường hợp, nội động từ có thể được sử dụng như động từ chỉ trạng thái (bồn chồn, lo lắng, hồi hộp, vui vẻ,…). Có một số từ có thể kết hợp với trợ từ chỉ mức độ và mang tính chất, ý nghĩa như tính từ. Ví dụ: vui vẻ là một loại động từ chỉ trạng thái nhưng khi sử dụng theo cách khác thì nó trở thành tính từ. Ví dụ: Anh ấy là một người vui vẻ. “Vui vẻ” trong trường hợp này là chỉ đặc điểm của một người nào đó.

4.5. Ví dụ về động từ:

Động từ là những từ được bôi đen và gạch chân trong đoạn văn sau:

“Mặt trời lên cao dần. Gió đã thổi mạnh. Gió lên, nước biển càng dữ. Khoảng mênh mông ầm ĩ càng lan rộng mãi. Bãi vẹt đã ngập lưng lưng. Biển cả như muốn nuốt tươi con dê mỏng manh như con cá mập đớp con cả chim nhỏ bé.

Trống giục thùng thùng. Từ hai bên, đất được đổ xuống thành từng dòng. Đất cao dần, đã nổi trên mặt dòng sông thành những vệt đỏ. Sọt đất dựa vào cọc tre, cọc tre giữ chặt sọt đất. Dòng nước bị chặn lại. Tiếng reo hò nổi lên ầm ĩ: chúng ta thắng biển rồi. Cố lên anh em ơi!…” (Trích Bão biển).

Như vậy, với những phân tích ở trên, có thể thấy rằng động từ là một loại từ không thể thiếu trong câu, nó có thể được sử dụng linh hoạt tùy thuộc vào mục đích của người sử dụng.

5. Cách sử dụng cụm động từ:

Cấu tạo của cụm động từ:

Nhiều động từ thường kết hợp với các phụ từ mệnh lệnh và một số từ có nghĩa khác để tạo thành cụm động từ. Nó là sự kết hợp giữa động từ với một số từ ngữ phụ thuộc nó tạo thành. Nhiều loại động từ phải có sự kết hợp từ khác mới có nghĩa và bổ ngữ cho câu.

Mô hình cấu tạo đầy đủ của cụm động từ có thể được khái quát thành bảng sau:

 “Phụ trước + Động từ trung tâm + Phụ sau

Phụ trước

Trung tâm

Phụ sau

– Các từ chỉ quan hệ thời gian (đã, sẽ, đang,..)

– Các từ chỉ sự tiếp diễn tương tự (vẫn, cứ, còn, cùng,…)

– Các từ thức mệnh lệnh (hãy, đừng, chớ,…)

– Các từ mang nghĩa khẳng định hoặc phủ định hành động (không, chưa, chẳng, có,…)

Các động từ

Ví dụ: đi, ăn, chơi,…)

– Các từ chi tiết về đối tượng (danh từ, tính từ)

– Các từ chỉ hướng (thẳng, ra, lên, xuống,…)

– Các từ chỉ địa điểm

– Các từ chỉ thời gian

– Từ chỉ nguyên nhân, mục đích (vì, bởi vì, do,…)

– Từ chỉ phương tiện

– Từ chỉ cách thức hành động

Tuy nhiên, cụm động từ có thể chỉ có phụ trước hoặc phụ sau, đây là dạng không đầy đủ của cụm động từ.

Phụ ngữ cho động từ có loại chuyên đứng trước hoặc có loại chuyên đứng sau nhưng cũng có những từ có vị trí tự do, đứng trước hay đứng sau động từ đều được.

Ví dụ: Các phụ ngữ chuyên đứng trước (làm phụ trước) động từ: đã, sẽ, đang, vẫn, cứ, còn,…

Các phụ ngữ chuyên đứng sau (làm phụ sau) động từ: chi tiết về đối tượng

Các phụ ngữ có vị trí tự do, đứng trước hay sau động từ đều được: ăn vội vàng -> vội vàng ăn cho xong; đi thong thả -> thong thả đi,…

Ví dụ về cụm động từ:

“Tôi đang đi dạo trong công viên”.

Cụm động từ là “đang đi dạo trong công viên”

Trong đó:

– “đang” bổ ngữ cho động từ chính, diễn tả sự việc đang xảy ra.

– Động từ chính là “đi dạo”.

– “trong công viên” bổ ngữ cho động từ chính về địa điểm.

Từ những phân tích trên có thể kết luận rằng, cụm động từ là một loại từ kết hợp giữa động từ với các loại từ khác làm cho câu nói sinh động, rõ ràng, dễ hiểu hơn, đồng thời còn góp phần tạo nên tính phong phú cho ngữ pháp tiếng Việt.

Bài viết trên đây đã cung cấp toàn bộ những kiến thức về Động từ là gì? Cụm động từ là gì? Chức năng của động từ, cụm động từ và một số ví dụ cụ thể giúp cho bạn đọc dễ hiểu hơn. Hy vọng bài viết trên đây sẽ giúp bạn đọc có được cách hiểu tổng quát hơn về động từ, cụm động từ và vận dụng nó linh hoạt vào giao tiếp hằng ngày. Trường hợp có thắc mắc bạn có thể liên hệ tổng đài 19006568 để được hỗ trợ tư vấn cụ thể.

    5 / 5 ( 1 bình chọn )