Mở thừa kế là một trong các quy định cơ bản của pháp luật về thừa kế gồm các quy định về thời điểm mở thừa kế và địa điểm mở thừa kế. Trình tự thủ tục mở thừa kế và các lưu ý khi mở thừa kế diễn ra như thế nào?
Mục lục bài viết
1. Quy định của pháp luật về thời điểm mở thừa kế, địa điểm mở thừa kế:
Thừa kế là hoạt động pháp lý, xác lập quan hệ thừa hưởng tài sản giữa người còn sống và di sản thừa kế của người chết. Thừa kế được xem là hoạt động pháp lý quan trọng, có vai trò, ý nghĩa đặc biệt đối với quyền và lợi ích hợp pháp của các cá nhân. Đây cũng là đối tượng điều chỉnh của Bộ luật dân sự 2015.
Liên quan đến thừa kế, người ta luôn chú trọng đến vấn đề mở thừa kế. Mở thừa kế là một trong các quy định cơ bản của pháp luật về thừa kế gồm các quy định về thời điểm mở thừa kế và địa điểm mở thừa kế.
– Bộ luật dân sự 2015 quy định về thời điểm mở thừa kế như sau:
+ Theo quy định tại Khoản 1 Điều 611 Bộ luật dân sự 2015, thời điểm mở thừa kế là thời điểm người có tài sản chết. Bản chất của di sản thừa kế là phần tài sản của người chết để lại, và người sống được hưởng. Do đó, khi người để lại di sản thừa kế chết, quan hệ về thừa kế được xác lập, và thời điểm mở thừa kế được quy định tại đây. Khi người để lại di sản thừa kế chết, vấn đề phân chia di sản thừa kế được xác lập. Nếu người để lại di sản thừa kế còn sống, thì quan hệ thừa hưởng di sản thừa kế không được công nhận. Chính vì vậy, thời điểm mở thừa kế là thời điểm người có tài sản chết.
+ Trong trường hợp Tòa án tuyên bố một người là đã chết thì thời điểm mở thừa kế được xác định là ngày mà Tòa án đưa ra quyết định tuyên bố người đó chết. Trong thực tế, có rất nhiều trường hợp không có thông tin của người để lại tài sản trong một khoảng thời gian dài (biệt tích). Người thân của đối tượng này muốn giải quyết hoặc phân chia tài sản, thì phải có sự xác nhận của Tòa án về việc tuyên bố người này đã chết. Nếu không có quyết định tuyên bố cá nhân đã chết của Tòa án, các chủ thể khác sẽ không thể tiến hành giải quyết phân chia di sản. Chính vì vậy, Nhà nước quy định thời điểm mở thừa kế đối với trường hợp Tòa án tuyên bố một người đã chết là tại thời điểm Tòa đưa ra quyết định tuyên bố.
Thời điểm mở thừa kế có vai trò, ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với người dân trong việc giải quyết phân chia di sản thừa kế. Quy định về thời điểm mở thừa kế mà Nhà nước đưa ra giúp người dân nắm bắt được khi nào có thể tiến hành khai nhận di sản thừa kế, từ đó đưa ra phương hướng thực hiện sao cho phù hợp. Đồng thời, thời điểm mở thừa kế sẽ được xem là thời điểm pháp lý, xác định xem chủ thể nào có quyền được hưởng di sản thừa kế, người nào chết trước, chết sau thời điểm nhận di sản thừa kế, từ xác định một cách chính xác việc phân chia di sản thừa kế theo quy định của pháp luật.
– Địa điểm mở thừa kế được quy định tại Bộ luật dân sự 2015 như sau:
Địa điểm mở thừa kế là nơi cư trú cuối cùng của người để lại di sản. Trong trường hợp không xác định được nơi cư trú cuối cùng thì địa điểm mở thừa kế là nơi có toàn bộ di sản hoặc nơi có phần lớn di sản.
2. Trình tự thủ tục mở thừa kế theo quy định của pháp luật:
Mở thừa kế là việc các cá nhân có quyền và lợi ích liên quan đối với di sản thừa kế mà người chết để lại tiến hành để bước đầu thực hiện khai nhận di sản thừa kế. Hay nói cách khác, chủ thể thực hiện mở thừa kế là những người thừa kế theo di chúc hoặc theo pháp luật của người để lại di sản.
Việc mở thừa kế tuân thủ theo quy trình, thủ tục sau đây:
– Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ mở thừa kế.
Chủ thể thực hiện mở thừa kế sẽ chuẩn bị đầy đủ các chứng thư, tài liệu trong bộ hồ sơ như sau:
+ Các giấy tờ chứng minh quyền sở hữu, sử dụng tài sản của người để lại di sản thừa kế: Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; sổ tiết kiệm; kê khai tài sản của ngân hàng…
+ Giấy chứng tử của người để lại di sản thừa kế.
+ Các giấy tờ nhân thân của người thừa hưởng di sản thừa kế: Căn cước công dân, giấy khai sinh, sổ hộ khẩu… Các giấy tờ này một phần nào đó nhằm xác nhận mối quan hệ giữa người để lại di sản thừa kế với các cá nhân này….
Đây là những giấy tờ, tài liệu cơ bản nhất mà người được hưởng thừa kế phải chuẩn bị khi muốn mở thừa kế.
Sau khi chuẩn bị đầy đủ hồ sơ, tài liệu, các đối tượng được hưởng di sản thừa kế sẽ ra văn phòng công chứng hoặc tổ chức công chứng để tiến hành công chứng hoạt động mở thừa kế.
Chỉ khi chuẩn bị đầy đủ các giấy tờ, tài liệu nêu trên, cơ quan chức năng có thẩm quyền mới xem xét và nắm bắt được thông tin mở thừa kế của các cá nhân. Đồng thời, đây cũng là cơ sở để việc giải quyết mở thừa kế diễn ra chuẩn chỉnh, đúng quy định của pháp luật, và đạt hiệu quả cao nhất.
– Bước 2: Thụ lý hồ sơ và niêm yết thông tin.
Sau khi nhận được hồ sơ mà các cá nhân có yêu cầu mở thừa kế nộp lên, cơ quan công chứng sẽ tiến hành thụ lý và xem xét hồ sơ.
Trong trường hợp hồ sơ không hợp lệ, cơ quan công chứng sẽ yêu cầu các cá nhân chỉnh lý thông tin hồ sơ sao cho đầy đủ.
Nếu hồ sơ hợp lệ, cơ quan công chứng tiến hành niêm yết công khai tại trụ sở Uỷ ban nhân dân cấp xã, nơi thường trú trước đây của người để lại di sản. Đối với trường hợp không xác định được nơi cư trú cuối cùng thì việc niêm yết được thực hiện tại nơi có toàn bộ di sản hoặc nơi có phần lớn di sản.
– Bước 3: Công chứng
Sau 15 ngày kể từ ngày niêm yết thông tin mở thừa kế, nếu không có khiếu nại, tố cáo, cơ quan công chứng sẽ tiến hành công chứng văn bản thỏa thuận phân chia di sản thừa kế; hoặc tiến hành phân chia di sản thừa kế theo nội dung của di chúc.
3. Các lưu ý khi mở thừa kế:
Khi tiến hành mở thừa kế, các cá nhân cần phải lưu ý một số vấn đề, thông tin sau đây:
– Các cá nhân cần phải nắm bắt được thời điểm mở thừa kế được xác định là tại thời điểm người để lại di sản thừa kế chết. Trong trường hợp tòa án tuyên bố một người là đã chết thì thời điểm mở thừa kế được xác định là ngày mà Tòa án đưa ra quyết định tuyên bố người đó chết.
Việc xác định được thời điểm mở thừa kế giúp các cá nhân xác định được các công việc cần làm trong một khoảng thời gian nhất định (tránh trường hợp kéo dài thời dài khai nhận di sản thừa kế). Đồng thời, thời điểm mở thừa kế giúp các chủ thể có quyền và lợi ích liên quan xác minh được những ai thuộc hàng thừa kế theo pháp luật được hưởng di sản thừa kế mà người chết để lại (trong trường hợp người để lại di sản thừa kế chết không để lại di chúc); hoặc chủ thể thuộc diện được hưởng thừa kế theo nội dung của di chúc chết trước hoặc chết sau thời điểm mở thừa kế. Bởi lẽ, theo quy định của Bộ luật dân sự 2015, thời điểm chết trước hay chết sau có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc giải quyết, phân chia di sản thừa kế.
– Những chủ thể thuộc diện được hưởng di sản thừa kế phải cung cấp đầy đủ các giấy tờ nhân thân trong việc xác định danh tính, quan hệ với người đã mất. Đây là cơ sở nền tảng, giúp hoạt động kiểm tra và xác thực thông tin của cơ quan chức năng có thẩm quyền đạt hiệu quả cao nhất.
– Việc xác định các chủ thể thuộc diện được hưởng di sản thừa kế còn sống hay đã chết tại thời điểm mở thừa kế có vai trò, ý nghĩa đặc biệt quan trọng, mà tất cả các cá nhân cần quan tâm thực hiện. Cụ thể:
+ Đối với phân chia di sản thừa kế theo nội dung di chúc: Nếu người được hưởng di sản thừa kế theo di chúc chết trước thời điểm mở thừa kế, thì con của người này sẽ thay cha (mẹ) mình hưởng thừa kế thế vị. Nếu chết sau thời điểm mở thừa kế, thì sẽ tiến hành khai nhận di sản thừa kế bình thường.
+ Đối với phân chia di sản thừa kế theo pháp luật: Nếu chủ thể thuộc diện được hưởng di sản thừa kế (theo hàng thừa kế thứ nhất) chết trước người để lại di sản thừa kế, thì nó liên quan giải quyết theo hướng thừa kế thế vị. Nếu chết sau, thì tiến hành phân chia di sản thừa kế bình thường.
Văn bản pháp luật sử dụng trong bài viết: Bộ luật dân sự 2015.