Vấn đề thừa kế có yếu tố nước ngoài khá phức tạp và được pháp luật quy định cụ thể. Vậy thừa kế trong tư pháp quốc tế là gì? Vài câu hỏi và bài tập?
Mục lục bài viết
1. Thừa kế trong tư pháp quốc tế là gì?
Thừa kế trong tư pháp quốc tế được hiểu rằng đó là quan hệ thừa kế có yếu tố nước ngoài và được điều chỉnh dựa trên cơ sở là các nguyên tắc cũng như các quy phạm của tư pháp quốc tế. Theo đó, yếu tố nước ngoài được nhận diện thông qua các dấu hiệu như sau:
Thứ nhất, chủ thể tham gia quan hệ thừa kế ở đây có thể là cá nhân, tổ chức để lại di sản hoặc cá nhân, tổ chức được quyền hưởng di sản đó là người nước ngoài. Và việc giải quyết xung đột pháp luật về quốc tịch của các cá nhân, tổ chức sẽ phải tuân thủ theo quy tắc chung áp dụng trong tư pháp quốc tế cho từng loại hình cá nhân, tổ chức.
Thứ hai, đối tượng của quan hệ thừa kế tức là di sản để lại đang tồn tại ở nước ngoài và chịu sự điều chỉnh của pháp luật nước sở tại. Và đồng thời, các tài sản này cũng sẽ phải chịu sự chi phối cũng như sự điều chỉnh của pháp luật nước có thẩm quyền giải quyết về vấn đề thừa kế phần di sản đó.
Thứ ba, có thể kể đến những sự kiện pháp lý có giá trị làm thay đổi hoặc phát sinh, chấm dứt quan hệ thừa kế xảy ra ở nước ngoài.
2. Thừa kế theo pháp luật trong tư pháp quốc tế:
Quan hệ về thừa kế theo pháp luật trong tư pháp quốc tế được quy định trong phần thứ năm của Bộ luật dân sự năm 2015. Theo đó, tại Điều 680 Bộ luật dân sự năm 2015 có quy định về việc thừa kế như sau:
Thừa kế sẽ được xác định theo quy định của pháp luật nước mà người để lại di sản thừa kế có quốc tịch ngay trước khi chết. Việc thực hiện quyền thừa kế đối với bất động sản được xác định theo pháp luật của nước nơi có bất động sản. Do đó, việc giải quyết xung đột pháp luật trong quan hệ về thừa kế được pháp luật Việt Nam theo hệ thuộc luật (Lex patriae/Lex nationalis) đó là luật của nước mà người để lại di sản thừa kế có quốc tịch vào thời điểm chết.
Tại quy định của Điều 680 Bộ luật dân sự năm 2015 là sự đổi mới, bởi những lẽ sau:
Thứ nhất, bằng cách diễn đạt lại “Thừa kế được xác định theo pháp luật của nước mà người để lại di sản thừa kế có quốc tịch ngay trước khi chết.” việc thêm từ “ngay” đã có thể khiến cho việc áp dụng pháp luật để giải quyết đã dễ dàng hơn. Bởi thực tế, có người có nhiều quốc tịch khác nhau.
Ví dụ như sau: ông Nguyễn Văn A có quốc tịch Việt Nam, sau đó nhập tịch tại Hàn và mang hai quốc tịch Việt Nam và Hàn Quốc, sau đó cuối cùng vào thời điểm chết ông A chỉ mang một quốc tịch là Hàn Quốc, đã thôi quốc tịch Việt Nam. Khi đó, việc xác định quốc tịch ngay trước khi chết sẽ tránh trường hợp tranh cãi việc lựa chọn pháp luật nước nào để giải quyết việc khai nhận di sản thừa kế.
Thứ hai, theo quy định tại Điều 680 Bộ luật dân sự thì nội dung trong quan hệ thừa kế có yếu tố nước ngoài sẽ gồm các nội dung như sau:
– Xác định hàng thừa kế.
– Phân chia di sản thừa kế bao gồm động sản và bất động sản.
Và các nội dung này đều sẽ được điều chỉnh theo nước mà người để lại di sản có quốc tịch ngay trước khi chết đi.
Lưu ý: trường hợp với người không có quốc tịch hay có nhiều quốc tịch thì căn cứ xác định pháp luật áp dụng như sau:
– Pháp luật áp dụng là pháp luật của nước nơi người đó cư trú vào thời điểm phát sinh quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài: với trường hợp pháp luật được dẫn chiếu đến là pháp luật của nước mà cá nhân có quốc tịch nhưng cá nhân đó là người không có quốc tịch.
Pháp luật áp dụng là pháp luật của nước nơi người đó có mối liên hệ gắn bó nhất: trường hợp người có nhiều nơi cư trú hoặc không xác định được nơi cư trú vào thời điểm phát sinh quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài.
– Pháp luật áp dụng là pháp luật của nước nơi người đó có quốc tịch và cư trú vào thời điểm phát sinh quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài: áp dụng trong trường hợp pháp luật được dẫn chiếu đến là pháp luật của nước mà cá nhân có quốc tịch nhưng cá nhân đó là người có nhiều quốc tịch.
Pháp luật áp dụng là pháp luật của nước mà người đó có quốc tịch và có mối liên hệ gắn bó nhất trong trường hợp người đó có nhiều nơi cư trú hoặc không xác định được nơi cư trú hoặc nơi cư trú và nơi có quốc tịch khác nhau vào thời điểm phát sinh quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài.
Điều cần lưu ý nhất đó là, trường hợp pháp luật được dẫn chiếu đến là pháp luật của nước mà cá nhân đó có quốc tịch nhưng cá nhân đó mang nhiều quốc tịch khác nhau, trong đó có quốc tịch Việt Nam thì áp dụng pháp luật của Việt Nam để tiến hành giải quyết.
3. Về thừa kế theo di chúc:
– Căn cứ theo quy định tại Điều 681 Bộ luật dân sự năm 2015, năng lực lập di chúc, thay đổi hoặc hủy bỏ di chúc sẽ được xác định theo pháp luật của nước mà người lập di chúc có quốc tịch tại thời điểm tiến hành lập, thay đổi hay hủy bỏ di chúc đó.
– Theo đó, căn cứ xác lập hình thức của di chúc sẽ áp dụng theo pháp luật của nước nơi di chúc được lập.
Và hình thức của di chúc sẽ được công nhận tại Việt Nam nếu như nó phù hợp với pháp luật của một trong các nước sau:
– Tại nước mà nơi người lập di chúc cư trú tại thời điểm lập di chúc hoặc tại thời điểm người lập di chúc đó chết.
– Tại nước của nơi người lập di chúc có quốc tịch tính tại thời điểm lập di chúc hoặc tại thời điểm người lập di chúc chết đi.
– Nếu trường hợp di sản thừa kế là bất động sản thì tính tại nước nơi có bất động sản.
4. Một số câu hỏi và bài tập:
4.1. Một số câu hỏi:
1. Cho 02 ví dụ về quan hệ thừa kế có yếu tố nước ngoài và phân tích ý nghĩa của việc xác định yếu tố nước ngoài trong các quan hệ về thừa kế:
VD1: Ông A mang quốc tịch Malaysia để lại di chúc tài sản thừa kế là một căn nhà ở Malaysia cho con gái và vợ là người mang quốc tịch Việt Nam thường trú tại Việt Nam.
Trong quan hệ thừa kế ở ví dụ trên có hai căn cứ để xác định YTNN, đó là người để lại thừa kế là Ông A là người nước ngoài và tài sản thừa kế được đặt tại nước ngoài. Việc xác định yếu tố nước ngoài có ý nghĩa xác định hệ thống pháp luật cho việc giải quyết quan hệ thừa kế trên. Theo đó, việc tiến hành thủ tục nhận di sản thừa kế là căn nhà phải tuân theo pháp luật của Malaysia.
VD2: Ông B là người VN góp vốn vào công ty M là công ty nước ngoài có trụ sở đặt tại nước ngoài. Ông B để lại di chúc cho con trai toàn bộ phần vốn góp trong công ty M.
YTNN trong trường hợp trên là quan hệ thừa kế có liên quan với bên thứ ba là pháp nhân nước ngoài. Việc xác định YTNN trong trường hợp này có ý nghĩa xác định thủ tục để áp dụng cho việc nhận di sản.
2. Phân tích quy định của các hiệp định tương trợ tư pháp giữa Việt Nam và các nước về giải quyết xung đột về thừa kế theo di chúc. So sánh với pháp luật Việt Nam?
3. Theo pháp luật Việt Nam, thừa kế có yếu tố nước ngoài là thừa kế có liên quan đến di sản để lại ở nước ngoài? Đúng hay Sai?
4. Người nước ngoài được quyền thừa kế tại Việt Nam như công dân Việt Nam trong mọi trường hợp? Đúng hay Sai?
4.2. Bài tập:
Bài tập 01:
A có quốc tịch Việt Nam đi hợp tác lao động tại Ba Lan. Khi đó, A có đăng ký kết hôn với B mang quốc tịch Ba Lan. Khi hết thời hạn hợp tác lao động, A và B về cư trú tại Việt Nam, sinh được hai người con chung đều mang quốc tịch Việt Nam.
Khi A chết đi, di sản bao gồm: 01 sổ tiết kiệm đứng tên A tại ngân hàng Việt Nam; nhà ở tại Việt Nam do A được thừa kế từ bố mẹ trước khi kết hôn. Hãy xác định luật áp dụng giải quyết vấn đề về thừa kế di sản của A trong các trường hợp sau:
– A không để lại di chúc.
Bài tập 02:
Một công dân Việt Nam cư trú và làm việc tại Liên bang Nga, lập di chúc để lại tài sản đầu tư tại Liên bang Nga cho vợ và các con mang quốc tịch Việt Nam. Khi giải quyết vấn đề thừa kế, luật nước nào sẽ được áp dụng nhằm giải quyết những vấn đề sau:
Xác định năng lực lập, hủy bỏ di chúc?
Phân biệt tài sản là động sản hay bất động sản?
Giả sử di sản trên không có người thừa kế thì được giải quyết như thế nào?
Văn bản pháp luật được sử dụng trong bài viết:
Bộ luật dân sự năm 2015.