Thừa kế thế vị là gì? Điều kiện và các trường hợp được hưởng thừa kế thế vị? hồ sơ, trình tự thủ tục khai nhận hưởng thừa kế thế vị theo quy định của Luật thừa kế mới nhất.
Thừa kế được hiểu là việc dịch chuyển tài sản của người đã chết sang cho người còn sống. Thực tế cho thấy có những trường hợp người được hưởng thừa kế lại chết trước hoặc chết cùng lúc với người để lại di sản. Khi đó pháp luật cho phép con của người thừa kế được hưởng phần di sản mà lẽ ra bố mẹ chúng sẽ được hưởng theo pháp luật nếu còn sống. Chế định này gọi là thừa kế thế vị.
Tư vấn các quy định của pháp luật về thừa kế thế vị, thủ tục thừa kế tài sản: 1900.6568
1. Thừa kế thế vị là gì?
Thừa kế thế vị là một trường hợp thừa kế đặc biệt chỉ xảy ra khi đủ những điều kiện quy định tại điều 652
Điều 652. Thừa kế thế vị
Trường hợp con của người để lại di sản chết trước hoặc cùng một thời điểm với người để lại di sản thì cháu được hưởng phần di sản mà cha hoặc mẹ của cháu được hưởng nếu còn sống; nếu cháu cũng chết trước hoặc cùng một thời điểm với người để lại di sản thì chắt được hưởng phần di sản mà cha hoặc mẹ của chắt được hưởng nếu còn sống.
Như vậy, thừa kế thế vị là việc các con (cháu, chắt) được thay vào vị trí của bố hoặc mẹ (ông hoặc bà) để hưởng di sản của ông, bà (hoặc cụ) trong trường hợp bố hoặc mẹ (ông hoặc bà) chết trước hoặc chết cùng ông, bà (hoặc cụ).
2. Các trường hợp thừa kế thế vị
Các trường hợp thừa kế thế vị bao gồm;
– Cháu thế vị cha hoặc mẹ để hưởng phần di sản của ông bà.
– Chắt thế vị cha hoặc mẹ để hưởng phần di sản của cụ.
Thừa kế thế vị chỉ phát sinh từ thừa kế theo pháp luật mà không phát sinh từ thừa kế theo di chúc. Nếu cha, mẹ chết trước hoặc chết cùng thời điểm với ông, bà hoặc cụ thì phần di chúc định đoạt tài sản cho cha mẹ (nếu có di chúc) sẽ vô hiệu. Phần di sản đó được chia theo pháp luật và lúc này cháu (chắt) mới được hưởng thừa kế thế vị.
Quan hệ thừa kế thế vị không phải là thừa kế theo trình tự hàng nhưng hàng thừa kế là căn cứ để xác định quan hệ thừa kế thế vị. Thừa kế thế vị là một chế định của pháp luật nhằm bảo về quyền lợi cho những người thân thuộc nhất của người để lại di sản, tránh trường hợp di sản của ông mà mà cháu không được hưởng lại để cho người khác hưởng.
Cũng như những người thừa kế khác, người thừa kế thế vị không được hưởng di sản nếu họ từ chối nhận di sản hoặc bị truất quyền hưởng di sản theo quy định tại điều 620 và điều 621 Bộ luật Dân sự 2015.
3. Điều kiện hưởng thừa kế thế vị
Thừa kế thế vị là trường hợp thừa kế đặc biệt. Do vậy, những người thừa kế thế vị cũng rất đặc biệt. Khi xét về hàng thừa kế thì họ không được hưởng di sản nhưng họ được nhận thay cho bố (hoặc mẹ) của họ (là những người đáng ra được hưởng thừa kế nếu còn sống). Theo quy định thì thừa kế thế vị chỉ đặt ra khi thỏa mãn những điều kiện sau:
– Những người thừa kế phải có quan hệ thừa kế thứ hai trong hàng thừa kế thứ nhất (quan hệ thừa kế giữa cha mẹ, con), trong đó người thế vị phải là người ở đời sau. Nghĩa là chỉ có con được thế vị cha mẹ mà không bao giờ có trường hợp cha, mẹ thế vị cho con. Người được hưởng thừa kế thế vị có thể là con đẻ hoặc con nuôi. Điều 653 Bộ luật dân sự 2015 quy định: “Con nuôi và cha nuôi, mẹ nuôi được thừa kế di sản của nhau và còn được thừa kế di sản theo quy định tại Điều 651 và Điều 652 của Bộ luật này.“
– Thừa kế thế vị chỉ được đặt ra khi người thừa kế chết trước hoặc chết cùng thời điểm với người để lại di sản: Xét theo nguyên tắc thì không thể có trường hợp hai người chết cùng một thời điểm. Nhưng trên thực tế xảy ra có những trường hợp nhiều người chết trong một tai nạn mà không thể xác định được ai chết trước, ai chết sau. Vì vậy, buộc phải suy đoán họ chết cùng một thời điểm. Nếu hai người thừa kế tài sản của nhau mà được coi là chết cùng một thời điểm, thì họ sẽ không được thừa kế của nhau, di sản của mỗi người được chia cho những người thừa kế của họ. Pháp luật quy định như vậy để việc chia di sản thừa kế được tiến hành bình thường, không ảnh hưởng đến quyền lợi của những người thừa kế khác
– Cháu, chắt của người để lại di sản phải còn sống hoặc chưa ra đời nhưng đã thành thai vào thời điểm ông, bà, cụ chết mới được áp dụng chế định thừa kế thế vị: Thừa kế là việc dịch chuyển tài sản của những người đã chết sang cho những người còn sống. Do vậy, điều kiện để những người được hưởng thừa kế thế vị cũng là họ phải còn sống hoặc đã thành thai vào thời điểm mở thừa kế. Nếu thai nhi sinh ra và còn sống thì được hưởng phần di sản đó, nếu chết trước khi sinh hoặc ngay sau khi sinh thì phần di sản được chia cho những người thừa kế khác.
4. Hồ sơ khai nhận hưởng thừa kế thế vị
Hồ sơ khai nhận hưởng di sản thừa kế thế vị gồm:
– Hồ sơ khai nhận di sản của người thừa kế:
+ Chứng minh thư nhân dân hoặc hộ chiếu của từng người
+ Hộ khẩu
+ Giấy đăng ký kết hôn, giấy xác nhận hôn nhân thực tế hoặc xác nhận độc thân
+
+ Giấy khai sinh, Giấy xác nhận con nuôi; bản án, sơ yếu lý lịch, các giấy tờ khác chứng minh quan hệ giữa người để lại di sản và người hưởng di sản thừa kế.
+ Giấy chứng tử của bố hoặc mẹ
– Hồ sơ pháp lý của người đề lại di sản thừa kế:
+ Giấy chứng tử của người để lại di sản (hoặc) giấy báo tử (hoặc) bản án tuyên bố đã chết
+ Giấy đăng ký kết hôn, giấy xác nhận hôn nhân thực tế hoặc xác nhận độc thân
+ Di chúc
– Giấy tờ chứng minh quyền sử dụng, quyền sở hữu tài sản là di sản thừa kế:
+ Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất, do UBND cấp, Giấy chứng nhận quyền sở hữu công trình trên đất, các loại giấy tờ khác về nhà ở; Giấy phép mua bán, chuyển dịch nhà cửa – hợp thức hóa do UBND quận/huyện cấp có xác nhận của Phòng thuế trước bạ và thổ trạch; Văn tự bán nhà được UBND chứng nhận (nếu có); Biên lai thu thuế nhà đất (nếu có)
+ Giấy phép xây dựng (nếu có)
+ Biên bản kiểm tra công trình hoàn thành (nếu có)
+ Bản vẽ do cơ quan, đơn vị có thẩm quyền thực hiện, đã được UBND hoặc Phòng Tài nguyên và môi trường xác nhận kiểm tra nội nghiệp, quy hoạch (nếu có)
+ Giấy tờ về tài sản khác (Sổ tiết kiệm, chứng chỉ tiền gửi, giấy xác nhận của ngân hàng mở tài khoản, giấy đăng ký xe ô tô, cổ phiếu…).
5. Con nuôi có được hưởng thừa kế thế vị không?
Theo quy định tại Điều 653 Bộ luật dân sự 2015 thì:
“Con nuôi và cha nuôi, mẹ nuôi được thừa kế di sản của nhau và còn được thừa kế di sản theo quy định tại Điều 651 và Điều 652 của Bộ luật này.”
Vấn đề quyền và nghĩa vụ của người đang là con nuôi của người khác trong mối quan hệ với gia đình cha mẹ để của mình được quy định rất khác nhau qua các thời kì:
Tuy nhiên, về mối quan hệ giữa con nuôi với gia đình cha mẹ nuôi thì hiện nay lại đang còn khá nhiều ý kiến tranh cãi.
Quan điểm thứ nhất cho rằng:
Trong mọi trường hợp các mối quan hệ có yếu tố con nuôi vẫn luôn đặt ra vấn đề thừa kế thế vị. Sở dĩ có quan điểm này bởi lẽ theo quy định của Bộ luật dân sự 2015 chỉ quy định là “con” mà không quy định rõ là con nuôi hay con đẻ. Hơn thế, theo quy định tại Khoản 1 Điều 24
“Kể từ ngày giao nhận con nuôi, giữa cha mẹ nuôi và con nuôi có đầy đủ các quyền, nghĩa vụ của cha mẹ và con; giữa con nuôi và các thành viên khác của gia đình cha mẹ nuôi cũng có các quyền, nghĩa vụ đối với nhau theo quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình, pháp luật dân sự và các quy định khác của pháp luật có liên quan”.
Từ quy định này có thể hiểu mối quan hệ của người con nuôi phát sinh giữa cha mẹ nuôi và các thành viên trong gia đình cha mẹ nuôi (với bố mẹ của hai người cha mẹ nuôi, …). Như vậy, người con nuôi đó sẽ được coi là cháu nuôi của bố mẹ người bố mẹ nuôi. Chính vì vậy, trong mọi mối quan hệ có yếu tố con nuôi thì vấn đề thừa kế thế vị luôn được đặt ra và chấp thuận.
Quan điểm thứ hai cho rằng:
Nếu quan hệ giữa các đời có đan xen giữa quan hệ huyết thống và nuôi dưỡng thì xác định lần lượt như sau:
– Nếu quan hệ giữa đời thứ nhất và đời thứ hai là nuôi dưỡng nhưng quan hệ giữa đời thứ hai và đời thứ ba là huyết thống thì được thừa kế thế vị.
– Nếu quan hệ giữa đời thứ nhất và đời thứ hai là huyết thống nhưng quan hệ giữa đời thứ hai và đời thứ ba là nuôi dưỡng thì không đương nhiên được thừa kế thế vị, chỉ được thừa kế thế vị nếu được người để lại di sản coi như cháu ruột.
– Nếu quan hệ giữa các đời hoàn toàn là nuôi dưỡng thì thừa kế thế vị sẽ không được đặt ra trong mọi trường hợp.
Theo như quan điểm cá nhân, tôi cho rằng quan điểm thứ hai sẽ phù hợp với việc áp dụng trên thực tiễn hơn. Bởi lẽ bản chất của thừa kế thế vị là việc người con thay thế vào vị trí của bố mẹ mình để hưởng phần di sản mà đáng lẽ nếu còn sống bố mẹ của người đó sẽ được hưởng, và một trong những ý nghĩa quan trọng của thừa kế thế vị là bảo đảm quyền được nhận di sản của những người thân thuộc nhất đối với người để lại di sản. Nhưng trong trường hợp nhận nuôi con nuôi thì quan hệ giữa người con nuôi và bố mẹ của người nhận con nuôi (tức là ông, bà nội, ngoại) rất khó có thể tự nhiên phát sinh được. Đó phải là cả một quá trình gắn bó và công nhận. Vậy nên, theo tôi, đối với trường hợp người để lại di sản coi người cháu nuôi gắn bó như người cháu ruột thì người cháu nuôi này mới có thể được hưởng thừa kế thế vị.
Cũng chính vì sự thiếu rõ ràng trong quy định của pháp luật mà đã gây nên nhiều tranh cãi, dẫn đến sự thiếu đồng bộ trong cách hiểu và áp dụng của các Tòa án.
6. Mục đích và ý nghĩa của thừa kế thế vị
Pháp luật quy định về thừa kế thế vị là nhằm bảo vệ quyền lợi của các cháu, các chắt của người để lại di sản một cách trực tiếp trong trường hợp cha hoặc mẹ của cháu hoặc của chắt lại chết trước hoặc chết cùng thời điểm với người để lại di sản là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại hoặc các cụ nội, cụ ngoại. Như vậy, quy định tại Điều 652 Bộ luật dân sư 2015 là phù hợp với đạo lí và thực tiễn ở nước ta hiện nay.
Một mặt, quy định này đã đảm bảo quyền lợi của những người có quyền thừa kế thế vị, mặt khác đảm bảo sự thống nhất với nguyên tắc chung của quan hệ pháp luật dân sự trong trường hợp thừa kế thế vị. Nguyên tắc chung đó được thể hiện ở chỗ, vào thời điểm mở thừa kế của ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại hoặc các cụ nội, cụ ngoại mà cha hoặc mẹ của cháu nội, cháu ngoại hoặc chắt nội, chắt ngoại đã chết thì cháu hoặc chắt được thừa kế thế vị nhận di sản thừa kế của ông bà nội, ngoại hoặc các cụ nội, cụ ngoại phần di sản mà bố hoặc mẹ của cháu hoặc của chắt còn sống được hưởng, bất luận cha hoặc mẹ của cháu hoặc của chắt đã chết trước hay chết cùng vào một thời điểm với người để lại di sản. Vì quan hệ thừa kế là quan hệ pháp luật dân sự, được xác lập giữa những người có quyền hưởng di sản thừa kế theo pháp luật (theo trình tự hàng) và thừa kế thế vị
Thừa kế thế vị chỉ phát sinh trên cơ sở thừa kế theo pháp luật, không phát sinh từ căn cứ di chúc. Người thừa kế theo di chúc đã chết trước hoặc chết cùng vào một thời điểm với người để lại di sản theo di chúc thì phần di chúc đó sẽ bị tuyên bố vô hiệu.
Thừa kế thế vị theo quy định của pháp luật còn nhằm bảo vệ những lợi ích chính đáng của những người thân thuộc nhất của người để lại di sản, nhằm bảo vệ quyền được hưởng di sản của các cháu, chắt của người để lại di sản một cách trực tiếp nhất, tránh được tình trạng di sản của ông bà, các cụ mà các cháu, chắt không được hưởng lại để cho người khác. Đây là vấn đề nhân đạo của pháp luật Việt Nam nhằm bảo vệ quyền dân sự hợp pháp của những người có quan hệ huyết thống gần nhất với người để lại di sản. Mặt khác, những quy định của pháp luật về thừa kế thế vị đã phát huy được đạo lí tốt đẹp của cha ông về việc hưởng di sản của các cụ, các ông, bà nội, ngoại sau khi chết để lại di sản cho cháu, chắt mình. Pháp luật quy định về thừa kế thế vị đã trực tiếp bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các cháu, các chắt trong việc hưởng di sản thừa kế của ông bà và các cụ trong trường hợp cha mẹ của cháu, của chắt chết trước ông, bà nội, ngoại và các cụ nội, cụ ngoại.
Xác định quyền của những người được thừa kế thế vị theo quy định tại Điều 652 Bộ luật dân sự 2015 đã bảo đảm được quyền hưởng di sản thừa kế chính đáng của các cháu, các chắt góp phần tìm hiểu triệt để và đúng nguyên tắc về thừa kế thế vị. Quyền được thừa kế thế vị của các cháu, các chắt đã giúp cho những người thừa kế hiểu được quyền của mình và cũng tạo ra sự hiểu biết pháp luật về thừa kế cho những người khác, giúp họ hành xử đúng mực trong quan hệ thừa kế để tránh những mâu thuẫn không nên có giữa những người được hưởng thừa kế và những người không có quyền hưởng di sản thừa kế. Như vậy, có thể khẳng định, thừa kế thế vị đã bảo tồn được truyền thống và đạo lí trong quan hệ giữa những người thân thuộc nhất của người để lại di sản đã và đang được thừa nhận ở Việt Nam.