Thừa kế có yếu tố nước ngoài là một trong những nội dung nằm trong diện điều chỉnh của Bộ luật dân sự 2015. Vậy thừa kế có yếu tố nước ngoài là gì? Bài viết dưới đây sẽ làm rõ khái niệm này, đồng thời đưa ra ví dụ và bài tập cụ thể.
Mục lục bài viết
1. Thế nào là thừa kế có yếu tố nước ngoài?
Thừa kế có yếu tố nước ngoài là vấn đề phân chia di sản thừa kế, mà tại đó, có đương sự là người nước ngoài hoặc tài sản thừa kế đang ở nước ngoài. Hay nói cách khác, thừa kế có yếu tố nước ngoài là quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài.
Theo quy định tại Điều 663 Bộ luật dân sự 2015, quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài là quan hệ dân sự thuộc một trong các trường hợp sau đây:
+ Trường hợp 1: Quan hệ dân sự có ít nhất một trong các bên tham gia là cá nhân, pháp nhân nước ngoài. Tức ở trường hợp này, một trong các bên trong quan hệ dân sự là cá nhân, pháp nhân nước ngoài (Một bên là cá nhân, pháp nhân Việt Nam; và một bên là cá nhân, pháp nhân nước ngoài).
+ Trường hợp 2: Trong quan hệ dân sự, các bên tham gia đều là công dân Việt Nam, pháp nhân Việt Nam. Tuy nhiên, việc xác lập, thay đổi, thực hiện hoặc chấm dứt quan hệ đó xảy ra tại nước ngoài. Trong trường hợp này, có thể hiểu, quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài là quan hệ dân sự được xác lập bởi các cá nhân, pháp nhân là người Việt Nam. Song, hoạt động dân sự này được diễn ra tại nước ngoài. Thực tiễn hiện nay, trường hợp này diễn ra tương đối phổ biến. Khi quan hệ đối ngoại, giao thương giữa các quốc gia trên thế giới ngày càng được đẩy mạnh, xu hướng hợp tác giữa Việt Nam và các nước khác trên thế giới ngày càng được nâng cao. Lúc này, các giao dịch, quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài được xác lập. Đưa trường hợp giao dịch dân sự giữa công dân Việt Nam với nhau diễn ra tại nước ngoài nằm trong khuôn khổ điều chỉnh của Bộ luật dân sự 2015 là một trong những cách thức điều chỉnh, quản lý trật tự pháp lý của cơ quan chức năng có thẩm quyền.
+ Trường hợp 3: Các bên tham gia đều là công dân Việt Nam, pháp nhân Việt Nam nhưng đối tượng của quan hệ dân sự đó ở nước ngoài.Trong trường hợp này, đối tượng tham gia giao dịch dân sự là công dân Việt Nam. Tuy nhiên, đối tượng (nội dung) của giao dịch dân sự này lại ở nước ngoài, thì đây được xem là quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài. Nếu tại trường hợp 2, quan hệ dân sự được giao kết giữa công dân Việt Nam, nhưng được phát sinh, thay đổi, thực hiện hoặc chấm dứt tại nước ngoài, thì trong trường hợp này, quan hệ dân sự giữa công dân Việt Nam với nhau nhưng đối tượng của giao dịch là ở nước ngoài, thì nó cũng được xem là giao dịch dân sự có yếu tố nước ngoài. Đây cũng là hai trường hợp riêng biệt, nằm dưới sự xác lập, điều chỉnh của Bộ luật dân sự 2015.
Từ những nội dung phân tích ở trên, có thể thấy, giao dịch dân sự có yếu tố nước ngoài là giao dịch dân sự có đối tượng tham gia là người nước ngoài; giao dịch được phát sinh, hình thành, thực hiện và kết thúc tại nước ngoài; hoặc nội dung, đối tượng của giao dịch là ở nước ngoài. Quan hệ pháp luật có yếu tố nước ngoài đang diễn ra hết sức phổ biến. Do đó, tại Bộ luật dân sự 2015, Nhà nước đã đưa ra những quy định mang ý nghĩa điều chỉnh các hoạt động này.
2. Ví dụ, bài tập giải quyết về thừa kế có yếu tố nước ngoài:
Ví dụ: Anh Nguyễn Văn B (40 tuổi), là công dân Việt Nam. Năm 20 tuổi, anh B cùng bố mẹ sang Úc định cư. Tại đây, anh B đã đứng tên sở hữu một căn chung cư. Đến cuối năm 2020, bố mẹ anh B mất. Anh B cùng vợ và hai con về nước. Đầu năm 2021, dịch bệnh Covid 19 bùng phát, anh B bị mắc Covid và tử vong. Sau khi dịch bệnh ổn định, người nhà của anh B đã bàn chuyện phân chia di sản thừa kế của anh B. Do anh B mất không để lại di chúc, nên di sản thừa kế của anh sẽ được phân chia theo pháp luật. Tài sản mà anh B có là một sổ tiết kiệm trị giá 2 tỷ nằm trong ngân hàng BIDV; một miếng đất tại quận Hoàn Kiếm và một căn chung cư tại Úc. Hỏi trong trường hợp này, tài sản thừa kế của anh B được giải quyết phân chia như thế nào?
Trả lời:
Đối với tài sản là đất ở quận Hoàn Kiếm và sổ tiết kiệm trị giá 2 tỷ của anh Nguyễn Văn B để lại sẽ được áp dụng phân chia theo pháp luật Việt Nam về phân chia di sản theo pháp luật. Tại đây, sẽ xác định xem các đối tượng thuộc hàng thừa kế thứ nhất của anh B gồm những ai (Người thuộc diện hàng thừa kế thứ nhất của anh B là vợ và hai con). Phần di sản thừa kế sẽ được chia làm ba phần. Vợ và hai con của anh B sẽ được hưởng phần tài sản ngang nhau với di sản thừa kế mà anh B để lại.
Đối với căn chung cư bên Úc (đây là bất động sản), do đó, việc phân chia di sản là bất động sản này sẽ tuân theo pháp luật của nước Úc.
3. Một số quy định, nguyên tắc điều chỉnh về giao dịch dân sự có yếu tố nước ngoài theo quy định của pháp luật Việt Nam:
Quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài là vấn đề mang tính chất phổ biến tại nước ta hiện nay. Chính vì vậy, pháp luật Việt Nam đã và đang đưa ra những quy tắc, quy định mang tính chất điều chỉnh giao dịch dân sự có yếu tố nước ngoài.
– Theo quy định tại Điều 664, khi giải quyết các giao dịch có yếu tố nước ngoài, Nhà nước Việt Nam quy định pháp luật áp dụng như sau:
+ Thứ nhất, pháp luật áp dụng đối với quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài được xác định theo điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên hoặc luật Việt Nam. Ở đây, Việt Nam luôn ưu tiên xác định quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài theo điều ước quốc tế. Việc xác định pháp luật áp dụng này giúp đảm bảo tính khách quan, toàn diện trong việc giải quyết vấn đề. Đồng thời, đây cũng là cơ sở nền tảng nhằm thắt chặt quan hệ hợp tác, ngoại giao giữa Việt Nam và các quốc gia khác trên thế giới.
+ Thứ hai, khi lựa chọn pháp luật giải quyết giao dịch dân sự có yếu tố nước ngoài đối với trường hợp một trong các bên là người nước ngoài, thì các cá nhân, pháp nhân tuân thủ theo nguyên tắc cụ thể sau đây: các bên có quyền lựa chọn pháp luật áp dụng đối với quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài. Tức nguyên tắc này được áp dụng trong trường hợp điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên hoặc luật Việt Nam có quy định các bên có quyền lựa chọn.
+ Thứ ba, trong trường hợp không xác định được pháp luật áp dụng thì pháp luật áp dụng là pháp luật của nước có mối liên hệ gắn bó nhất với quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài đó. Trong thực tiễn giải quyết các giao dịch dân sự có yếu tố nước ngoài, có rất nhiều trường hợp không xác định được pháp luật áp dụng đối với giao dịch. Lúc này, việc giải quyết các vấn đề liên quan đến tranh chấp, mâu thuẫn lợi ích giữa các bên sẽ không được đảm bảo. Đây được xem là trường hợp đặc biệt trong khuôn khổ điều chỉnh của Bộ luật dân sự Việt Nam về luật áp dụng đối với giao dịch dân sự có yếu tố nước ngoài. Đồng thời, nó là cơ sở nhằm bảo vệ một cách tối đa quyền và lợi ích hợp pháp của các chủ thể tham gia trong giao dịch dân sự này.
– Điều 680 Bộ luật dân sự 2015 quy định về việc xác định thừa kế đối với quan hệ thừa kế có yếu tố nước ngoài như sau:
+ Về phạm vi áp dụng: Thừa kế được xác định theo pháp luật của nước mà người để lại di sản thừa kế có quốc tịch ngay trước khi chết.
+ Đối với tài sản thừa kế là bất động sản thì việc thực hiện quyền thừa kế đối với bất động sản được xác định theo pháp luật của nước nơi có bất động sản đó.
Bộ luật dân sự 2015 đã đưa ra những quy định cụ thể về việc điều chỉnh các giao dịch dân sự có yếu tố nước ngoài. Ngoài đưa ra các trường hợp cụ thể về giao dịch dân sự có yếu tố nước ngoài, Bộ luật dân sự 2015 còn đưa ra quy định về việc xác định luật áp dụng. Quy định mà pháp luật Việt Nam đưa ra nhằm bảo đảm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của công dân Việt Nam. Đặc biệt, trong bối cảnh xúc tiến, công nghệ hóa ngày càng bùng nổ, phát triển mạnh mẽ như ngày nay, nhu cầu thực hiện các giao dịch dân sự có yếu tố nước ngoài của người dân ngày càng lớn.
Văn bản pháp luật sử dụng trong bài viết: Bộ luật dân sự 2015.