Thẩm quyền của Tòa án về việc tuyên bố hợp đồng tặng cho bất động sản vô hiệu. Điều kiện tuyên bố hợp đồng vô hiệu do vi phạm điều kiện tặng cho.
Thẩm quyền của Tòa án về việc tuyên bố hợp đồng tặng cho bất động sản vô hiệu. Điều kiện tuyên bố hợp đồng vô hiệu do vi phạm điều kiện tặng cho.
Tóm tắt câu hỏi:
Xin chào Luật sư: Cho phép tôi được xin tư vấn một vấn đề như sau: Nguyên cha mẹ tôi có một mảnh vườn khi cha tôi còn sống thì đã cho bằng miệng mỗi người con một phần đất để làm nhà ở, đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất riêng. Còn một phần còn lại theo nguyện vọng là cha mẹ tôi cho em trai út để làm nhà thờ thờ phụng đã có giấy chứng nhận riêng mang tên cha mẹ tôi, Cha tôi qua đời còn lại mẹ tôi, em tôi đã tự ý nhờ người của Văn phòng công chứng ở huyện khác nhưng trong tỉnh làm thủ tặng cho chỉ có mẹ tôi ký và em tôi ký thay cho cha tôi trong lúc cha tôi đã chết để hợp thức hóa mà không hỏi ý kiến của chúng tôi. Nay tôi muốn tòa yêu cầu tuyên bố vô hiệu một phần của cha tôi mà em trai tôi ký thì nộp đơn ở tòa nào, nơi có đất hay nơi có trụ sở Văn phòng công chứng. Xin chân thành cảm ơn.?
Luật sư tư vấn:
Cám ơn bạn đã gửi câu hỏi của mình đến Ban biên tập – Phòng tư vấn trực tuyến của Công ty LUẬT DƯƠNG GIA. Với thắc mắc của bạn, Công ty LUẬT DƯƠNG GIA xin được đưa ra quan điểm tư vấn của mình như sau:
1. Cơ sở pháp lý:
– Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015
2. Giải quyết vấn đề:
Theo như thông tin bạn cung cấp thì cha mẹ bạn có một mảnh vườn khi cha bạn còn sống thì đã cho bằng miệng mỗi người con một phần đất để làm nhà ở, đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất riêng. Còn một phần còn lại theo nguyện vọng là cha mẹ bạn cho em trai út để làm nhà thờ thờ phụng đã có giấy chứng nhận riêng mang tên cha mẹ bạn. Cha bạn qua đời còn lại mẹ bạn. Và em bạn đã tự ý nhờ người của Văn phòng công chứng ở huyện khác nhưng trong tỉnh làm thủ tặng cho chỉ có mẹ bạn ký và em bạn ký thay cho cha bạn trong lúc cha bạn đã chết để hợp thức hóa mà không hỏi ý kiến của các bạn. Trong trường hợp này hợp đồng tặng cho mà em bạn giả mạo chữ ký của bố bạn không hợp pháp theo quy định tại Điều 123 Bộ luật dân sự 2015.
"Điều 123. Giao dịch dân sự vô hiệu do vi phạm điều cấm của luật, trái đạo đức xã hội
Giao dịch dân sự có mục đích, nội dung vi phạm điều cấm của luật, trái đạo đức xã hội thì vô hiệu.
Điều cấm của luật là những quy định của luật không cho phép chủ thể thực hiện những hành vi nhất định.
Đạo đức xã hội là những chuẩn mực ứng xử chung trong đời sống xã hội, được cộng đồng thừa nhận và tôn trọng."
Mặt khác, theo quy định của Điều 52 Luật Công chứng 2014 thì công chứng viên, người yêu cầu công chứng, người làm chứng, người phiên dịch, người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền có quyền đề nghị Tòa án tuyên bố văn bản công chứng vô hiệu khi có căn cứ cho rằng việc công chứng có vi phạm pháp luật. Ở đây, trong trường hợp em bạn đã nhờ công chứng viên tại một văn phòng công chứng trong cùng tỉnh để công chứng hợp đồng tặng cho quyền sử dụng đất trong khi ba bạn đã mất và chỉ có mẹ bạn và em bạn ký thay để hợp thức hóa phần đất cho em bạn, việc công chứng ở đây có dấu hiệu của vi phạm pháp luật. Trong trường hợp này, bạn – với tư cách người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có quyền đề nghị Tòa án tuyên bố văn bản công chứng hợp đồng tặng cho quyền sử dụng đất vô hiệu.
>>> Luật sư tư vấn pháp luật về thẩm quyền tuyên bố hợp đồng tặng cho vô hiệu: 1900.6568
Theo quy định tại khoản 3, Điều 26 Bộ luật tố tụng dân sự 2015 thì tranh chấp về giao dịch dân sự, hợp đồng dân sự là những tranh chấp thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án. Như vậy, theo quy định này Tòa án có thẩm quyền giải quyết tranh chấp về hợp đồng tặng cho. Bên cạnh đó, theo quy định tại điểm a, khoản 1, Điều 35 Bộ luật tố tụng dân sự 2015 thì:
"1. Tòa án nhân dân cấp huyện có thẩm quyền giải quyết theo thủ tục sơ thẩm những tranh chấp sau đây:
a) Tranh chấp về dân sự, hôn nhân và gia đình quy định tại Điều 26 và Điều 28 của Bộ luật này, trừ tranh chấp quy định tại khoản 7 Điều 26 của Bộ luật này;"
Mặt khác theo khoản 1, Điều 39 Bộ luật tố tụng dân sự 2015 thì thẩm quyền giải quyết của Tòa án theo lãnh thổ như sau:
– Tranh chấp về dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động được quy định trong Bộ luật tố tụng dân sự thì Tòa án nơi bị đơn cư trú, làm việc, nếu bị đơn là cá nhân hoặc nơi bị đơn có trụ sở, nếu bị đơn là cơ quan, tổ chức;
– Tranh chấp về dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động được quy định trong Bộ luật tố tụng dân sự thì các đương sự có quyền tự thỏa thuận với nhau bằng văn bản yêu cầu Tòa án nơi cư trú, làm việc của nguyên đơn, nếu nguyên đơn là cá nhân hoặc nơi có trụ sở của nguyên đơn, nếu nguyên đơn là cơ quan, tổ chức giải quyết;
– Đối tượng tranh chấp là bất động sản thì chỉ Tòa án nơi có bất động sản có thẩm quyền giải quyết.
Trong trường hợp này, bạn làm đơn khởi kiện gửi đến Tòa án nhân dân nơi có bất động sản để yêu cầu giải quyết.