Tài sản đã tặng cho có được coi là di sản thừa kế? Thủ tục khai nhận di sản thừa kế. Di sản thừa kế gồm những tài sản gì?
Tóm tắt câu hỏi:
Nhà em có 5 anh em, anh trai thứ hai của em có hai người vợ. Vợ đầu không có con anh em đã ly dị và chia tài sản xong. Anh em đang ở với người vợ thứ hai và có 1 người con. Trước khi lấy vợ hai anh em có sở hữu tài sản sau: Ba mẹ ruột cho đứng tên 10 mảnh đất tiền của ba mẹ em tạo và 4 mảnh đất lúc sống với vợ đầu,1 căn nhà do ba em đứng tên miếng đất và cho anh hai mượn ở. Trong lúc bệnh nặng anh em đã sang tên quyền sử dụng đất cho ba mẹ em đứng tên và đã có sổ đỏ tên ba mẹ của em. Khi chết anh hai em không để lại di chúc. Em xin hỏi luật sư vấn đề sau:
1. Tất cả 14 mảnh đất đó vợ và con của anh hai em có được chia thừa kế?
2. Căn nhà do ba tui đứng tên thì vợ và con có quyền đòi chia thừa kế không?
Luật sư tư vấn:
Cám ơn bạn đã gửi câu hỏi của mình đến Ban biên tập – Phòng tư vấn trực tuyến của Công ty LUẬT DƯƠNG GIA. Với thắc mắc của bạn, Công ty LUẬT DƯƠNG GIA xin được đưa ra quan điểm tư vấn của mình như sau:
Việc anh trai bạn sang tên quyền sử dụng đất toàn bộ 14 mảnh đất cho bố mẹ bạn được xem là một hợp đồng tặng cho. Theo quy định tại Điều 465 “Bộ luật dân sự 2015” thì:
“Hợp đồng tặng cho tài sản là sự thoả thuận giữa các bên, theo đó bên tặng cho giao tài sản của mình và chuyển quyền sở hữu cho bên được tặng cho mà không yêu cầu đền bù, còn bên được tặng cho đồng ý nhận.”
Theo quy định tại khoản 2 Điều 467 “Bộ luật dân sự 2015” thì thời điểm có hiệu lực của hợp đồng tặng cho tài sản được tính như sau:
“Hợp đồng tặng cho bất động sản có hiệu lực kể từ thời điểm đăng ký; nếu bất động sản không phải đăng ký quyền sở hữu thì hợp đồng tặng cho có hiệu lực kể từ thời điểm chuyển giao tài sản”.
Như vậy, theo quy định này hợp đồng tặng cho giữa bố mẹ và anh trai bạn đã có hiệu lực. Bởi anh trai bạn đã chuyển quyền sử dụng đất cho bố mẹ bạn và bố mẹ bạn đã làm sổ đỏ mang tên bố bạn. Tuy nhiên, hợp đồng tặng cho là một dạng của hợp đồng dân sự vì thế để hợp đồng này có hiệu lực pháp luật thì nó phải đáp ứng các điều kiện có hiệu lực chung của một hợp đồng dân sự trong đó có điều kiện về năng lực của chủ thể tức các bên tham gia hợp đồng phải có khả năng nhận thức và khả năng điều khiển hành vi của mình. Đối với trường hợp của anh trai bạn do anh trai bạn xác lập hợp đồng tặng cho quyền sử dụng đất trong tình trạng đang ốm nặng vì thế:
Nếu trong lúc anh trai bạn xác lập hợp đồng tặng cho đó mà anh trai bạn vẫn minh mẫn và có khả năng nhận thức, điều khiển hành vi thì hợp đồng tặng cho giữa anh trai và bố mẹ bạn có hiệu lực. Như thế, trong trường hợp này, anh trai bạn không còn di sản là số đất đó nữa bởi số đất đó giờ thuộc quyền sở hữu của bố mẹ bạn. Vợ con anh trai bạn sẽ không có quyền được nhận thừa kế số đất đó vì nó không phải là di sản thừa kế của anh trai bạn. Đương nhiên họ cũng không có quyền tranh chấp với ngôi nhà mà bố bạn cho anh trai bạn mượn vì ngôi nhà đó vẫn mang tên bố bạn.
>>> Luật sư
Nếu vợ anh trai bạn chứng minh được rằng, trong lúc anh trai bạn xác lập hợp đồng tặng cho, anh trai bạn do ốm nặng không minh nẫm, sáng suốt tức không điều khiển được hành vi cũng như không có khả năng nhận thức thì hợp đồng tặng cho giữa anh trai bạn và bố mẹ bạn sẽ không có hiệu lực pháp luật và sẽ bị vô hiệu do không đáp ứng được điều kiện về chủ thể. Vì thế số đất trên sẽ được coi là di sản thừa kế của anh trai bạn, vợ và con anh trai bạn sẽ hoàn toàn được hưởng di sản đó theo quy định của pháp luật. Cụ thể, số di sản đó sẽ được chia theo pháp luật và chia đều cho những người thuộc hàng thừa kế thứ nhất bao gồm: Vợ, con của anh bạn, bố mẹ bạn.