Quyền và nghĩa vụ của người quản lý di sản thừa kế. Người quản lý di sản thừa kế có quyền tự định đoạt đối với di sản thừa kế không?
Quyền và nghĩa vụ của người quản lý di sản thừa kế. Người quản lý di sản thừa kế có quyền tự định đoạt đối với di sản thừa kế không?
Tóm tắt câu hỏi:
Tôi có 5 anh em, trên tôi là 1anh trai trưởng nam, dưới tôi là 3 em gái. Tất cả đều đã có gia đình riêng. Nguyên trước đây ông bà nội tôi có để lại cho ba má tôi một mảnh vườn. Ba tôi mất năm 1997 và đến năm 2005 má tôi cũng qua đời. Ông bà không để lại di chúc. Vì tất cả đều đã có gia đình và ở riêng nên 4 anh em tôi thống nhất ký tên giao quyền sử dụng mảnh đất trên cho anh cả quản lý. Trên mảnh đất này có căn nhà kiên cố do ba má tôi xây dựng và hiện là nơi thờ cúng ông bà. Khi giao quyền sử dụng mảnh đất trên cho anh cả, 4 anh em chúng tôi không ràng buộc gì về nhà cửa và việc thờ cúng vì nghĩ rằng anh cả sẽ thực hiện bình thường việc thờ cúng ông bà cha mẹ theo như đạo lý truyền thống. Xin cho tôi hỏi: 1) Anh cả tôi có quyền bán toàn bộ mảnh vườn trên mà không cần trao đổi với 4 anh em tôi hay không? 2) Mảnh vườn có chiều rộng 17m. Anh cả tôi có quyền đập phá căn nhà (đang thờ cúng) chỉ để lại 2m ngang đủ để đặt bàn thờ còn 15m cho thuê dài hạn mà không cần được sự đồng ý của 4 anh em tôi hay không? 3) Nếu đơn vị thuê đất đập phá căn nhà (đươc anh cả tôi cho phép), chúng tôi có quyền ngăn cản hay không? Kính mong được giải đáp giúp, chúng tôi xin chân thành cảm ơn.?
Luật sư tư vấn:
Cám ơn bạn đã gửi câu hỏi của mình đến Ban biên tập – Phòng tư vấn trực tuyến của Công ty LUẬT DƯƠNG GIA. Với thắc mắc của bạn, Công ty LUẬT DƯƠNG GIA xin được đưa ra quan điểm tư vấn của mình như sau:
1. Cơ sở pháp lý:
2. Giải quyết vấn đề:
Theo thông tin bạn cung cấp, bố mẹ bạn mất để lại mảnh đất và một căn nhà xây dựng trên đất cho năm anh em bạn. Tuy nhiên, anh em bạn đã thống nhất giao quyền sử dụng đất cho anh cả bạn quản lý. Như vậy, trong trường hợp này, anh trai bạn là người quản lý di sản thừa kế theo quy định tại Bộ luật dân sự 2005. Điều 638 Bộ luật dân sự 2005 quy định về người quản lý di sản thừa kế như sau:
"1. Người quản lý di sản là người được chỉ định trong di chúc hoặc do những người thừa kế thoả thuận cử ra.
2. Trong trường hợp di chúc không chỉ định người quản lý di sản và những người thừa kế chưa cử được người quản lý di sản thì người đang chiếm hữu, sử dụng, quản lý di sản tiếp tục quản lý di sản đó cho đến khi những người thừa kế cử được người quản lý di sản.
3. Trong trường hợp chưa xác định được người thừa kế và di sản chưa có người quản lý thì di sản do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quản lý".
Như vậy, bố mẹ bạn mất không có di chúc, không chỉ định người quản lý di sản do đó những người thừa kế là anh em bạn đã quyết định giao di sản thừa kế cho anh trai bạn quản lý. Điều 639 Bộ luật dân sự 2005 quy định về nghĩa vụ của người quản lý di sản, theo đó:
"1. Người quản lý di sản quy định tại khoản 1 và khoản 3 Điều 638 của Bộ luật này có các nghĩa vụ sau đây:
a) Lập danh mục di sản; thu hồi tài sản thuộc di sản của người chết mà người khác đang chiếm hữu, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác;
b) Bảo quản di sản; không được bán, trao đổi, tặng cho, cầm cố, thế chấp và định đoạt tài sản bằng các hình thức khác, nếu không được những người thừa kế đồng ý bằng văn bản;
c) Thông báo về di sản cho những người thừa kế;
d) Bồi thường thiệt hại, nếu vi phạm nghĩa vụ của mình mà gây thiệt hại;
đ) Giao lại di sản theo yêu cầu của người thừa kế.
2. Người đang chiếm hữu, sử dụng, quản lý di sản quy định tại khoản 2 Điều 638 của Bộ luật này có các nghĩa vụ sau đây:
a) Bảo quản di sản; không được bán, trao đổi, tặng cho, cầm cố, thế chấp và định đoạt tài sản bằng các hình thức khác;
b) Thông báo về di sản cho những người thừa kế;
c) Bồi thường thiệt hại, nếu vi phạm nghĩa vụ của mình mà gây thiệt hại;
d) Giao lại di sản theo thoả thuận trong hợp đồng với người để lại di sản hoặc theo yêu cầu của người thừa kế".
Như vậy, anh trai bạn trong trường hợp này chỉ có tư cách là người quản lý di sản thừa kế. Do đó chỉ được thực hiện các quyền và phải bảo đảm các nghĩa vụ của người quản lý di sản. Pháp luật quy định người quản lý di sản phải "Bảo quản di sản; không được bán, trao đổi, tặng cho, cầm cố, thế chấp và định đoạt tài sản bằng các hình thức khác, nếu không được những người thừa kế đồng ý bằng văn bản". Như vậy, việc anh trai bạn tự ý bán di sản thừa kế là toàn bộ mảnh vườn khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của bốn anh em bạn là hoàn toàn trái với quy định của pháp luật.
Về vấn đề di sản dùng vào việc thờ cúng, Bộ luật dân sự 2005 quy định: "Trong trường hợp người để lại di sản không chỉ định người quản lý di sản thờ cúng thì những người thừa kế cử một người quản lý di sản thờ cúng". Tuy 4 anh em bạn không ràng buộc gì về nhà cửa và việc thờ cúng trong trường hợp này, nhưng anh trai bạn cũng không được quyền tự đập phá, tháo dỡ ngôi nhà hay cho thuê mảnh đất nếu như chưa có sự đồng ý của những người thừa kế khác.
Vì việc tự định đoạt, phá dỡ di sản thừa kế của anh trai bạn trong trường hợp này là trái pháp luật nên khi có tổ chức phá dỡ ngôi nhà được anh trai bạn cho phép, bạn hoàn toàn có quyền ngăn cản để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình. Bộ luật dân sự 2005 quy định về các biện pháp bảo vệ quyền sở hữu như sau:
"Chủ sở hữu, người chiếm hữu hợp pháp có quyền yêu cầu Toà án, cơ quan, tổ chức có thẩm quyền khác buộc người có hành vi xâm phạm quyền sở hữu, quyền chiếm hữu phải trả lại tài sản, chấm dứt hành vi cản trở trái pháp luật việc thực hiện quyền sở hữu, quyền chiếm hữu và yêu cầu bồi thường thiệt hại.
Chủ sở hữu, người chiếm hữu hợp pháp có quyền tự bảo vệ tài sản thuộc sở hữu của mình, tài sản đang chiếm hữu hợp pháp bằng những biện pháp theo quy định của pháp luật".
>>> Luật sư tư vấn quyền của người quản lý di sản: 1900.6568
Như vậy, anh em bạn có quyền tự bảo vệ quyền lợi của mình bằng việc yêu cầu dừng biện pháp phá dỡ ngôi nhà. Nếu như anh trai bạn vẫn không dừng việc phá dỡ ngôi nhà, bốn anh em bạn hoàn toàn có quyền yêu cầu Toà án, cơ quan, tổ chức có thẩm quyền khác buộc người có hành vi xâm phạm quyền sở hữu, quyền chiếm hữu phải trả lại tài sản, chấm dứt hành vi cản trở trái pháp luật việc thực hiện quyền sở hữu, quyền chiếm hữu và yêu cầu bồi thường thiệt hại. Trong trường hợp anh em bạn vẫn không thống nhất được về việc quản lý với di sản thừa kế, anh em bạn có thể yêu cầu phân chia di sản thừa kế để mỗi người thừa kế tự định đoạt theo ý chí của mình.