Quá trình hình thành và phát triển của luật sư ở Việt Nam. Luật sư và vai trò của Luật sư trong quan hệ xã hội Việt Nam hiện nay.
Phân tích quá trình hình thành và phát triển của luật sư ở Việt Nam có thể kết hợp với việc phân tích sự hình thành và phát triển của các qui định pháp luật về luật sư. Bởi các qui định của pháp luật chính là sự ghi nhận tình hình thực tế và đồng thời là cơ sở để quản lí, định hướng xu hướng phát triển của đối tượng được điều chỉnh.
Giai đoạn 1945 đến trước 1987:
Ở Việt Nam, từ năm 1930 trở về trước, người pháp chiếm độc quyền nghề luật sư. Với sắc Lệnh ngày 25/5/1930, thực dân Pháp tổ chức Hội đồng Luật sư ở Hà Nội và Sài Gòn có người Việt tham gia biện hộ.
Điều kiện:
– Phải tốt nghiệp đại học luật khoa
– Phải tập sự 5 năm tại một văn phòng biện hộ của một luật sư thực thụ.
Sau đó qua sát hạch và được Hội đồng luật sư công nhận.
Cách mạng tháng Tám thành công, bộ máy tư pháp được tổ chức lại, chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 46/SL ngày 10-10-1945 về tổ chức đoàn thể luật sư, quy định việc duy trì tổ chức luật sư, trong đó đã có sự vận dụng linh hoạt các quy định pháp luật của chế độ cũ về luật sư nhưng không trái với nguyên tắc độc lập và chính thể dân chủ cộng hoà.
Bên cạnh các luật sư đã tham gia kháng chiến, còn có nhiều luật sư, luật gia đã làm việc trong bộ máy chế độ cũ cũng hăng hái gia. Nhưng nhìn tồng thể thì số lượng luật sư ở nước ta rất ít, mặt khác do hoàn cảnh kháng chiến một số luật sư đã tham gia cách mạng, vì vậy, thời kì này hầu như các Văn phòng luật sư đều ngưng hoạt động.
Giai đoạn từ 1987 đến trước năm 2001
Năm 1986, Đại hội Đảng cộng sản Việt Nam lần thứ VI đã tác động sâu rộng đến mọi mặt đời sống xã hội, trong đó có hoạt động tư pháp. Các đạo luật về tố tụng được ban hành theo hướng mở rộng dân chủ trong tố tụng, tăng cường bảo đảm quyền bào chữa, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức. Trong bối cảnh đó, Pháp lệnh tổ chức luật sư đầu tiên được ban hành ngày 18/12/1987. Đây là văn bản pháp luật có ý nghĩa lịch sử trong việc khôi phục nghề luật sư và mở đầu cho quá trình phát triển nghề luật sư ở Việt Nam trong thời kỳ đổi mới. Pháp lệnh tổ chức luật sư quy định tiêu chuẩn để được công nhận là luật sư, chức năng, nhiệm vụ và lĩnh vực giúp đỡ pháp lý của luật sư. Pháp lệnh cũng qui định về việc tổ chức các đoàn luật sư ở các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Hoạt động nghề nghiệp luật sư cũng đã có bước phát triển đáng kể. Ngoài việc tham gia tố tụng, các luật sư đã từng bước mở rộng hoạt động nghề nghiệp sang lĩnh vực tư vấn pháp luật và thực hiện các dịch vụ pháp lý khác.
Giai đoạn từ năm 2001 đến trước 2006
Trong công cuộc đổi mới đất nước, Đảng và Nhà nước đã đề ra những chủ trương, biện pháp cải cách mạnh mẽ về tổ chức, hoạt động của các hệ thống chính trị nhằm đáp ứng yêu cầu xây dựng nhà nước pháp quyền và thúc đẩy quá trình hội nhập của đất nước. Pháp lệnh tổ chức luật sư năm 1987 được ban hành là cơ sở pháp lý hình thành và mở ra triển vọng phát triển đội ngũ luật sư ở Việt Nam nhưng trong giai đoạn này, số lượng luật sư cả nước vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu của xã hội. Các qui định về hình thức và tổ chức hoạt động luật sư, tư vấn pháp luật thiếu tính đồng bộ… chưa phát huy được tính năng động, tự chủ của luật sư và chưa đề cao trách nhiệm của cá nhân luật sư. Các qui định về các cơ quan có trách nhiệm quản lí, giám sát hoạt động của luật sư tại địa phương còn chưa rõ ràng.
Theo đó, Pháp lệnh luật sư năm 2001 đã được ban hành. Pháp lệnh này đã tạo những bước ngoặt cơ bản gồm: Nâng cao hơn chất lượng và chuyên nghiệp hóa đội ngũ luật sư Việt Nam; Phân định rõ tổ chức hành nghề với tổ chức xã hội nghề nghiệp của luật sư; Thể chế hóa chủ trương của đảng là kết hợp quản lí nhà nước với sự tự quản của tổ chức nghề nghiệp luật sư; Tạo cơ sở pháp lý cho quá trình hội nhập quốc tế của nghề luật sư ở Việt Nam. Với nội dung tiến bộ, phù hợp với yêu cầu khách quan, Pháp lệnh luật sư năm 2001 đã nhanh chóng đi vào cuộc sống. Tính đến ngày 31/5/2005 có 1.883 Luật sư và 1.535 Luật sư tập sự, đặc biệt, đã thành lập trên 1.000 tổ chức hành nghề là các văn phòng luật sư, các công ty luật hợp danh. Nhiều luật sư đã dần khẳng định trình độ chuyên môn, bản lĩnh nghề nghiệp khi tham gia tranh tụng tại các phiên tòa. Hoạt động tư vấn pháp luật của luật sư cũng đã có bước phát triển đáng kể, đặc biệt là tư vấn cho khách hàng trong các lĩnh vực đầu tư, kinh doanh, thương mại ngày càng nhiều và ngày càng nâng cao về chất lượng dịch vụ.
>>> Luật sư
Giai đoạn từ năm 2006 đến nay
Việc Việt Nam gia nhập tổ chức thương mại quốc tế (WTO) đã tạo ra nhiều cơ hội và thách thức, trong đó có nhiệm vụ quan trọng là phải xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật và các thiết chế phù hợp với các cam kết của Việt Nam khi gia nhập WTO. Theo đó, Luật Luật sư được Quốc hội thông qua ngày 29/6/2006 và có hiệu lực thi hành ngày 01/01/2007 thay thế Pháp lệnh luật sư năm 2001. Luật Luật sư hiện hàng được ban hành đã góp phần nâng cao vị thế của luật sư, tạo cơ sở pháp lý đẩy nhanh quá trình xây dựng đội ngũ luật sư, nghề luật sư mang tính chuyên nghiệp, ngang tầm với nghề luật sư ở các nước tiên tiến trên thế giới. Sau đó, mặc dù Luật Luật sư năm 2006 đã tạo những bước tiến đáng kể cho tổ chức, hoạt động, phát triển đội ngũ luật sư, song chất lượng luật sư trước nhu cầu dịch vụ pháp lý của xã hội vẫn còn nhiều vấn đề đặt ra cần giải quyết, để hoạt động luật sư thực sự phát huy vai trò trong đời sống.
Ngày 1/7/2013, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Luật sư có hiệu lực, đánh dấu một bước quan trọng về tổ chức và hành nghề luật sư, góp phần nâng cao chất lượng và vị thế của luật sư trong xã hội. Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Luật sư đã tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong tổ chức và hoạt động luật sư; bổ sung một số qui định nhằm phát huy vai trò tự quản của tổ chức xã hội – nghề nghiệp của luật sư (Liên đoàn Luật sư Việt Nam, các đoàn luật sư); làm rõ trách nhiệm quản lý Nhà nước (Bộ Tư pháp, UBND các cấp, các Sở Tư pháp), mối quan hệ giữa luật sư và các cơ quan trong tiến trình tố tụng. Đáng chú ý, Luật đã bổ sung một số hành vi bị cấm đối với luật sư; quy định chặt chẽ hơn về phạm vi hành nghề với tư cách cá nhân theo hướng luật sư hành nghề với tư cách cá nhân chỉ được làm việc theo
Luật sư ở Việt Nam giai đoạn từ năm 2006 đến nay
Luật Luật sư là mốc son đánh dấu một bước phát triển và hoàn thiện của Hệ thống pháp luật ở Việt Nam, và qua đó mở ra nhiều triển vọng, vị thế mới cho nghề luật sư ở Việt Nam. Đến hết tháng 6 năm 2008 tăng lên gần 4.200 Luật sư và 2.000 người tập sự hành nghề Luật sư. Đến tháng 9 năm 2011, số luật sư ở Việt Nam đã tăng đến gần 8600 người được cấp chứng chỉ HNLS, trên 7500 luật sư được cấp thẻ thành viên Đoàn luật sư và có trên 3500 người tập sự hành nghề luật sư. Về tiêu chuẩn luật sư, đã đặc biệt chú trọng tiêu chuẩn chuyên môn, về phẩm chất đạo đức đồng thời “chuyên nghiệp hoá” đội ngũ luật sư. Trong những năm gần đây, chất lượng của đội ngũ Luật sư đã được nâng lên đáng kể, đủ khả năng cung cấp dịch vụ pháp lý tin cậy cho khách hàng. Trong số những người đã qua đào tạo nghề luật sư, có nhiều người đã tập sự hành nghề trong các tổ chức hành nghề luật sư nước ngoài tại Việt Nam nên có hiểu biết về pháp luật quốc tế và thông thạo ngoại ngữ. Một số luật sư Việt Nam đã theo học các khoá đào tạo nghề luật sư ở nước ngoài và được công nhận là luật sư của nước sở tại (Mỹ, Úc, Pháp).
Sự ra đời của Liên đoàn luật sư Việt Nam (12/5/2009) đã đánh dấu một bước phát triển mới. Đây là nơi tập hợp đoàn kết đội ngũ luật sư góp phần vào việc bảo vệ công lý, bảo vệ pháp chế, thực hiện cải cách tư pháp, xây dựng nhà nước pháp quyền, thúc đẩy sự phát triển kinh tế xã hội và giữ vững an ninh – ổn định chính trị. Liên đoàn luật sư Việt Nam là người đại diện và bảo vệ quyền lợi hợp pháp của luật sư, đồng thời thực hiện công tác tự quản thống nhất của tổ chức xã hội – nghề nghiệp luật sư trong phạm vi toàn quốc. Cùng với việc hoàn thiện tổ chức, bộ máy nhân sự, Liên đoàn luật sư Việt Nam đã xây dựng hoàn thiện các Quy chế nội bộ. Công tác đào tạo, bồi dưỡng luật sư đã được triển khai ngay từ khi Liên đoàn mới được thành lập cho đến nay Liên đoàn trực tiếp và kết hợp với Bộ Tư pháp, với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tổ chức được hơn 20 lớp bồi dưỡng và toạ đàm về pháp luật và kỹ năng hành nghề cho luật sư với hàng nghìn lượt luật sư tham dự ở nhiều đoàn luật sư trong toàn quốc. Công tác hợp tác quốc tế đã được đẩy mạnh ngay từ ngày đầu Liên đoàn mới thành lập, nhằm tranh thủ sự hỗ trợ và sẵn sằng hợp tác với các Hiệp hội luật sư nước ngoài và các tổ chức quốc tế quan tâm tới hoạt động luật sư, nghề luật sư và tổ chức xã hội – nghề nghiệp luật sư.
Ngày 3/10/2013, Liên đoàn Luật sư họp báo chính thức công bố Quyết định số 149/2013/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ công nhận 10/10 là ngày truyền thống Luật sư Việt Nam.
Bạn có thể tham khảo thêm một số bài viết có liên quan khác của Dương Gia:
– Quá trình để trở thành luật sư
– Quy định về tổ chức hành nghề luật sư nước ngoài tại Việt Nam
– Hình thức hành nghề luật sư với tư cách cá nhân
Hy vọng rằng sự tư vấn của chúng tôi sẽ giúp bạn lựa chọn phương án thích hợp nhất để giải quyết những vướng mắc của bạn. Nếu còn bất cứ thắc mắc gì liên quan đến sự việc bạn có thể liên hệ Tổng đài
——————————————————–
THAM KHẢO CÁC DỊCH VỤ CÓ LIÊN QUAN CỦA LUẬT DƯƠNG GIA:
– Tư vấn pháp luật trực tuyến qua điện thoại