Hợp đồng đặt cọc được ký kết để làm căn cứ để đảm bảo quyền lợi và nghĩa vụ các bên. Vậy, phải làm gì khi bên nhận đặt cọc từ chối giao kết hợp đồng đặt cọc?
Mục lục bài viết
1. Quy định chung về hợp đồng đặt cọc trong giao kết hợp đồng:
1.1. Cách hiểu về đặt cọc trong giao kết hợp đồng:
Căn cứ Điều 328 Bộ luật Dân sự 2015 có quy định về việc đặt cọc trong hợp đồng dân sự như sau:
– Đặt cọc là hành động thể hiện ý chí của một bên (sau đây gọi là bên đặt cọc) giao cho bên kia (sau đây gọi là bên nhận đặt cọc) một khoản tiền hoặc kim khí quý, đá quý hoặc vật có giá trị khác (sau đây gọi chung là tài sản đặt cọc). Đặt cọc này được các bên đứng ra thỏa thuận, thống nhất quan điểm để dung hòa lợi ích với nhau. Mục đích chính của giao kết hợp đồng này là để bảo đảm giao kết hoặc thực hiện hợp đồng.
– Sau khi ký hợp đồng đặt cọc mà hợp đồng giao dịch chính đã được giao kết, thực hiện đúng theo thỏa thuận ban đầu thì tài sản đặt cọc được trả lại cho bên đặt cọc hoặc được trừ để thực hiện nghĩa vụ trả tiền. Trên thực tế, bên đặt cọc hoặc bên nhận đặt cọc có quyền từ chối giao kết hợp đồng và phải thực hiện nghĩa vụ mà hai bên ghi nhận. Cụ thể: bên đặt cọc từ chối việc giao kết, thực hiện hợp đồng thì tài sản đặt cọc thuộc về bên nhận đặt cọc; nếu bên nhận đặt cọc từ chối việc giao kết, thực hiện hợp đồng thì phải trả cho bên đặt cọc tài sản đặt cọc và một khoản tiền tương đương giá trị tài sản đặt cọc, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.
Như vậy, đặt cọc cũng được coi là dạng hợp đồng dân sự. Khi các bên ký kết hợp đồng này sẽ dẫn đến việc phát sinh quyền và nghĩa vụ giữa các bên.
1.2. Yếu tố dẫn đến hợp đồng đặt cọc vô hiệu:
Căn cứ tại Điều 408 Bộ Luật Dân sự 2015 thì hợp đồng vô hiệu do xuất hiện những yếu tố sau:
– Ngay ban đầu, khi các bên tiến hành giao kết, mà hợp đồng có đối tượng để thực hiện hợp đồng không có khả năng thực hiện trên thực tế thì hợp đồng này đương nhiên bị vô hiệu;
– Xoay quanh vấn đề về hợp đồng có đối tượng không thể thực hiện được mà một bên biết hoặc phải biết về vấn đề này nhưng không có sự thông báo cho bên kia biết dẫn đến một bên giao kết hợp đồng không có sự hiểu biết đầy đủ thông tin và tiến hành giap kết thì bên có nghĩa vụ thông báo phải có trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho bên kia, trừ trường hợp bên kia biết và phải biết về việc hợp đồng có đối tượng không thể thực hiện được nhưng vẫn cố tình thực hiện;
– Quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này cũng được áp dụng đối với trường hợp hợp đồng có một hoặc nhiều phần đối tượng không thể thực hiện được nhưng phần còn lại của hợp đồng vẫn có hiệu lực.
Với quy định trên tại Bộ Luật Dân sự 2015 thì hợp đồng đặt cọc có thể bị tuyên là vô hiệu khi xuất hiện những vi phạm sau:
– Khi giao kết hợp đồng đặt cọc mà có những hành vi vi phạm điều cấm của luật, trái đạo đức xã hội (quy định tại Điều 123 Bộ Luật Dân sự 2015).
– Xuất hiện dấu hiệu giả tạo trong việc cung cấp các thông tin để ký kết hợp đồng đặt cọc thì sẽ bị vô hiệu do giả tạo (quy định tại Điều 124 Bộ Luật Dân sự 2015).
– Chủ thể đủ năng lực hành vi thì mới được giao kết hợp đồng. Những hợp đồng được ký kết do người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi, người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự xác lập, thực hiện sẽ bị tuyên là vô hiệu (quy định tại Điều 125 Bộ Luật Dân sự 2015).
– Thông tin để các bên cung cấp cho nhau phải chính xác và tránh sự nhầm lẫn. Nếu việc ký kết hợp đồng đặt cọc có dấu hiệu nhầm lẫn thì đang vi phạm quy định (quy định tại Điều 126 Bộ Luật Dân sự 2015).
– Hợp đồng đặt cọc bị vô hiệu do bị lừa dối, đe dọa, cưỡng ép (quy định tại Điều 127 Bộ Luật Dân sự 2015).
– Chủ thể giao kết khi xác lập giao dịch dân sự trong tình trạng không làm chủ được nhận thức và làm chủ được hành vi của mình thì hợp đồng đặt cọc sẽ không được ghi nhận tính pháp lý; (quy định tại Điều 128 Bộ Luật Dân sự 2015).
– Hợp đồng đặt cọc không chỉ phải đảm bảo về mặt nội dung mà còn cần đảm bảo về mặt hình thức. Nếu hợp đồng vi phạm hình thức thì việc đặt cọc bị vô hiệu (quy định tại Điều 129 Bộ Luật Dân sự 2015).
– Hợp đồng đặt cọc bị vô hiệu do có đối tượng không thể thực hiện được (quy định tại Điều 408 Bộ Luật Dân sự 2015).
2. Phải làm gì khi bên nhận đặt cọc từ chối giao kết hợp đồng:
Trong trường hợp hợp đồng đặt cọc không nằm trong các trường hợp bị vô hiệu, hoặc cũng không có hành vi vi phạm nghĩa vụ theo thỏa thuận trong hợp đồng đặt cọc thì có thể áp dụng cách giải quyết sau:
– Phương thức thương lượng: Thương lượng trong giải quyết tranh chấp về hợp đồng là một trong những lựa chọn tối ưu cho các bên nhằm giải quyết các vấn đề phát sinh khi không thống nhất việc thực hiện theo hợp đồng. Áp dụng thương lượng vào trong tranh chấp không phải là một quy định bắt buộc nhưng vẫn luôn được nhà nước khuyến khích thực hiện phương thức này trước khi đưa ra tòa án. Phương án thương lượng được áp dụng bởi nó có những ưu điểm nhất định như diễn ra nhanh chóng tiết kiệm chi phí và vẫn giữ nguyên được nguyên tắc tôn trọng sự thỏa thuận ý chí của các bên;
– Phương thức hòa giải: Hòa giải mang tính chất là nhờ một bên thứ ba đứng ra làm trung gian để tiến hành thỏa thuận những vấn đề đang tranh chấp trong quá trình thực hiện hợp đồng. Trong một số hợp đồng thì hòa giải là một thủ tục bắt buộc ví dụ liên quan đến đất đai còn đối với những tranh chấp thương mại và tranh chấp dân sự khác thì đây không phải là quy định bắt buộc. Nhưng dựa trên tinh thần giữ các mối quan hệ hợp tác lâu dài thì các bên có thể lựa chọn phương thức hòa giải này trước khi đưa ra Tòa án để tránh mất nhiều những chi phí và thời gian để giải quyết. Sau đó các bên vẫn có thể tiến hành hợp tác với nhau đảm bảo quyền lợi của các bên;
– Giải quyết tranh chấp bởi Tòa án: Sau khi các bên đã lựa chọn phương thức là thương lượng hoặc hòa giải nhưng vẫn không thống nhất được cách giải quyết thì Tòa án chính là con đường giải quyết tranh chấp cho mọi vấn đề. Để đảm bảo quyền lợi của bên đặt cọc, thì cá nhân này có thể làm đơn yêu cầu Tòa án giải quyết theo thủ tục tố tụng. Khi có sự can thiệp từ tòa án những bản án quyết định của tòa sẽ có hiệu lực cưỡng chế thi hành. Theo quy định tại Điều 164 Bộ luật Tố tụng dân sự nội dung đơn khởi kiện cần bảo đầy đủ những nội dung dưới đây:
– Ngày, tháng, năm làm đơn khởi kiện;
– Thông tin về tên Toà án nhận đơn khởi kiện;
– Tên, địa chỉ của người khởi kiện;
– Tên, địa chỉ của người có quyền và lợi ích được bảo vệ, nếu có;
– Tên, địa chỉ của người bị kiện;
– Tên, địa chỉ của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan, nếu có;
– Những vấn đề cụ thể yêu cầu Toà án giải quyết đối với bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan;
– Nếu vụ việc tranh chấp có người làm chứng thì cần có thêm thông tin về họ, tên, địa chỉ của người làm chứng;
– Bên khởi kiện cần chuẩn bị thêm đầy đủ tài liệu, chứng cứ để chứng minh cho yêu cầu khởi kiện là có căn cứ và hợp pháp;
– Các thông tin khác mà người khởi kiện xét thấy cần thiết cho việc giải quyết vụ án;
– Kết thúc đơn khởi kiện thì người khởi kiện là cá nhân phải ký tên hoặc điểm chỉ.
Để minh chứng yêu cầu khởi kiện của mình là có cơ sở thì cá nhân có thể gửi kèm theo đơn khởi kiện cùng với giấy viết tay về việc đã đặt cọc trước đây để làm tài liệu chứng minh.
3. Im lặng có được coi là sự chấp thuận giao kết hợp đồng?
Căn cứ theo Điều 393 của Bộ luật Dân sự năm 2015 ghi nhận về việc chấp nhận đề nghị giao kết hợp đồng thì các bên nếu có sự im lặng khi nhận được đề nghị giao kết thì sẽ không được coi là chấp thuận đề nghị giao kết hợp đồng trừ trường hợp hai bên có thỏa thuận riêng hoặc theo thói quen đã được xác lập giữa các bên.
Với quy định nêu trên, việc im lặng của bên nhận đề nghị sau kết hợp đồng không đồng nghĩa với việc là họ chấp nhận đề nghị giao kết cho nên bên đề nghị giao kết không được căn cứ vào sự im lặng mà cho rằng bên nhận đề nghị đã chấp nhận đề nghị này. Trường hợp ngoại lệ khi sự im lặng được coi là chấp nhận đề nghị giao kết hợp đồng như sau:
– Thứ nhất, trước khi thực hiện giao kết này các bên đã có sự thỏa thuận xem rằng sự im lặng của bên nhận đề nghị giao kết chính là chấp nhận toàn bộ lời đề nghị;
– Thứ hai trong trường hợp có sự lập lại trong việc thực hiện giao kết hợp đồng và thói quen này đã được lập đi lập lại rất nhiều lần thường xuyên;
Các văn bản pháp luật được sử dụng trong bài viết:
– Bộ Luật Dân sự năm 2015;
– Bộ Luật Tố tụng dân sự năm 2015.