Thừa kế là hoạt động pháp lý, có ý nghĩa, vai trò đặc biệt quan trọng đối với quyền và lợi ích hợp pháp của công dân. Người bị bệnh tâm thần có được hưởng thừa kế không là vấn đề được rất nhiều người quan tâm, thắc mắc. Dưới đây là bài viết phân tích, làm rõ vấn đề này.
Mục lục bài viết
1. Các chủ thể được hưởng thừa kế theo quy định của pháp luật:
Thừa kế là hoạt động pháp lý, có ý nghĩa, vai trò đặc biệt quan trọng đối với quyền và lợi ích hợp pháp của công dân. Thừa kế được xem là hoạt động dân sự, được điều chỉnh bởi Bộ luật dân sự 2015. Vậy nên, các hoạt động pháp lý liên quan đến thừa kế của người dân đều phải nằm trong khuôn khổ điều chỉnh, quy định của pháp luật.
Theo quy định tại Điều 613 Bộ luật dân sự 2015, người thừa kế là cá nhân phải là người còn sống vào thời điểm mở thừa kế hoặc sinh ra và còn sống sau thời điểm mở thừa kế nhưng đã thành thai trước khi người để lại di sản chết. Trường hợp người thừa kế theo di chúc không là cá nhân thì phải tồn tại vào thời điểm mở thừa kế. Như vậy, theo quy định của pháp luật, người thừa kế là chủ thể còn sống vào thời điểm mở thừa kế.
Theo quy định của pháp luật hiện hành, có hai hình thức phân chia di sản thừa kế, là phân chia di sản thừa kế theo di chúc và phân chia di sản thừa kế theo pháp luật. Tại đó, đối với việc phân chia di sản thừa kế theo di chúc, tài sản thừa kế sẽ được định đoạt theo mong muốn, ý chí của người làm di chúc (cần chú ý đến những đối tượng được hưởng di sản thừa kế mà không phụ thuộc vào nội dung của di chúc). Với việc phân chia di sản thừa kế theo pháp luật, các chủ thể chung hàng thừa kế sẽ được hưởng phần tài sản ngang nhau (thứ tự nhận di sản thừa kế sẽ ưu tiên theo thứ tự của từng hàng thừa kế).
Bộ luật dân sự 2015 đã đưa ra quy định về các đối tượng không được hưởng thừa kế. Cụ thể Điều 621 quy định như sau:
+ Các cá nhân bị kết án về hành vi cố ý xâm phạm tính mạng, sức khỏe hoặc về hành vi ngược đãi nghiêm trọng, hành hạ người để lại di sản, xâm phạm nghiêm trọng danh dự, nhân phẩm của người đó thì sẽ không được hưởng di sản thừa kế.
+ Người vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ nuôi dưỡng người để lại di sản cũng thuộc danh sách các đối tượng không được hưởng di sản thừa kế.
+ Một chủ thể khác không được hưởng di sản thừa kế, là người bị kết án về hành vi cố ý xâm phạm tính mạng người thừa kế khác nhằm hưởng một phần hoặc toàn bộ phần di sản mà người thừa kế đó có quyền hưởng.
+ Điều khoản này cũng quy định rõ, người có hành vi lừa dối, cưỡng ép hoặc ngăn cản người để lại di sản trong việc lập di chúc; giả mạo di chúc, sửa chữa di chúc, hủy di chúc, che giấu di chúc nhằm hưởng một phần hoặc toàn bộ di sản trái với ý chí của người để lại di sản.
Một điểm cần lưu ý rằng, các đối tượng không được hưởng di sản thừa kế nêu trên chỉ được áp dụng đối với trường hợp phân chia di sản thừa kế theo pháp luật. Nếu người để lại di sản đã biết hành vi của những người đó, nhưng vẫn cho họ hưởng di sản theo di chúc, thì các chủ thể này vẫn được hưởng di sản thừa kế.
2. Người bị bệnh tâm thần có được hưởng thừa kế không?
Tình huống: Anh Nguyễn Văn K (28 tuổi), là người bị bệnh tâm thần. Anh A sống với bố là ông Nguyễn Văn M (80 tuổi). Ông M có 4 người con (bao gồm cả anh K). 3 người con khác của ông M đều thành đạt và khỏe mạnh. Thương anh K thiệt thòi, ông M muốn làm di chúc, để lại toàn bộ tài sản cho anh K. Nhưng ông M nghe mọi người nói rằng, do anh K bị bệnh tâm thần, nên sẽ không được hưởng thừa kế. Vậy điều này có đúng hay không? Liệu với tư cách là một người bị tâm thần, anh K có được hưởng thừa kế hay không?
Theo nội dung phân tích ở trên, Điều 621 Bộ luật dân sự 2015, nếu không thuộc một trong các trường hợp cụ thể nêu trên, các cá nhân vẫn đảm bảo quyền lợi trong việc nhận thừa kế. Vậy, người bị bệnh tâm thần không thuộc đối tượng trong các trường hợp nêu trên, do đó, họ vẫn sẽ được hưởng thừa kế theo quy định của pháp luật.
Quy định về người bị bệnh tâm thần vẫn có quyền được hưởng thừa kế có vai trò, ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với các chủ thể bị bệnh tâm thần, cũng như công tác quản lý của cơ quan chức năng có thẩm quyền, tính nhân đạo, công bằng của Nhà nước Việt Nam.
+ Người bị bệnh tâm thần là người bị mất hoặc hạn chế năng lực hành vi dân sự. Những chủ thể này chỉ bị hạn chế về quyền trong việc thực hiện các giao dịch dân sự, nhằm bảo đảm tính khách quan, toàn diện của các giao dịch đó, chứ không bị mất quyền được hưởng các quyền lợi về tài sản khác. Chính vì vậy, họ được quyền được hưởng thừa kế. Và việc được nhận thừa kế giúp quyền công dân của các đối tượng này được bảo đảm, bảo vệ một cách tối đa và toàn diện nhất.
+ Không tước đi quyền công dân của những cá nhân bị khiếm khuyết là một trong những chính sách nhân đạo mà Nhà nước thực hiện.
+ Người bị bệnh tâm thần này trong diện được hưởng các quyền công dân cơ bản nhất theo quy định của pháp luật. Đây chính là cơ sở để Nhà nước đưa ra phương hướng quản lý Nhà nước một cách toàn diện và khách quan nhất.
Đồng thời, với những hành vi tước quyền được hưởng thừa kế của người bị bệnh tâm thần, chiếm đoạt tài sản thừa kế của người được hưởng thừa kế, sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật. Đây chính là tính công bằng mà Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam hướng đến, và duy trì thực hiện.
Xét quay lại tình huống, anh K hoàn toàn có quyền được hưởng thừa kế. Vậy nên, ông M có thể lập di chúc. Trong nội dung di chúc, ông M có thể quy định rõ, toàn bộ tài sản của mình thuộc về anh M, và chủ thể giám hộ cho anh M sau khi ông mất sẽ giúp anh M quản lý phần tài sản này. Đặc biệt, tài sản được sử dụng vào mục đích phục vụ nhu cầu sống của anh M.
3. Quy định của pháp luật về người giám hộ của người bị bệnh tâm thần trong việc giúp chủ thể này quản lý tài sản được hưởng thừa kế:
Khi một người do bị bệnh tâm thần hoặc mắc bệnh khác mà không thể nhận thức, làm chủ được hành vi thì theo yêu cầu của người có quyền, lợi ích liên quan hoặc của cơ quan, tổ chức hữu quan, Tòa án ra quyết định tuyên bố người này là người mất năng lực hành vi dân sự trên cơ sở kết luận giám định pháp y tâm thần. Pháp luật quy định rõ, khi không còn căn cứ tuyên bố một người mất năng lực hành vi dân sự thì theo yêu cầu của chính người đó hoặc của người có quyền, lợi ích liên quan hoặc của cơ quan, tổ chức hữu quan, Tòa án ra quyết định hủy bỏ quyết định tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự.
Như vậy, để đánh giá một người bị mất năng lực hành vi dân sự hay không, cần có quyết định của Tòa án.
Đối với người bị mất năng lực hành vi dân sự, họ sẽ được xét vào các chủ thể không có khả năng thực hiện các giao dịch, hoạt động dân sự. Do đó, họ cần có người giám hộ.
Người giám hộ là người thực hiện việc chăm sóc và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp cho người được giám hộ. Do đó, chủ thể này có quyền và nghĩa vụ chăm sóc và bảo vệ quyền lợi của người được giám hộ (người bị mất năng lực hành vi dân sự).
Việc xác định người giám hộ của người bị mất năng lực hành vi dân sự được quy định cụ thể sau đây: Nếu người có năng lực hành vi dân sự đầy đủ lựa chọn người giám hộ cho mình thì khi họ ở tình trạng cần được giám hộ, cá nhân, pháp nhân được lựa chọn là người giám hộ nếu người này đồng ý. Việc lựa chọn người giám hộ phải được lập thành văn bản có công chứng hoặc chứng thực.
Như vậy, trong trường hợp một người bị tuyên là người bị mất năng lực hành vi dân sự, họ sẽ cần người giám hộ. Người giám hộ sẽ là người chăm sóc, đứng ra bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các chủ thể này.
Đối với tài sản thừa kế của người bị tâm thần, người giám hộ sẽ chịu trách nhiệm hỗ trợ quản lý, Người này phải đảm bảo, tài sản đó thuộc quyền sử dụng, sở hữu của người bị tâm thần. Khi thực hiện bất kỳ các giao dịch nào liên quan đến tài sản đó, người giám hộ phải đảm bảo việc thực hiện này nhằm hướng đến mục đích phục vụ mục đích sống của người bị tâm thần.
Văn bản pháp luật sử dụng trong bài viết:
Bộ luật dân sự 2015.