Khi làm thủ tục khai nhận di sản thừa kế hoặc phân chia di sản thừa kế phải có tờ khai quan hệ thừa kế theo pháp luật được ủy ban nhân dân xã/phường chứng thực. Vậy mẫu tờ khai quan hệ thừa kế theo pháp luật được soạn thảo như thế nào?
Mục lục bài viết
1. Mẫu tờ khai quan hệ thừa kế theo pháp luật:
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc Lập-Tự Do-Hạnh Phúc
TỜ KHAI
NHỮNG NGƯỜI THỪA KẾ THEO PHÁP LUẬT
Của ông:…………(người để lại di sản)
(Để bổ túc hồ sơ khai di sản thừa kế theo pháp luật)
Kính gửi: Ủy ban nhân dân xã/phường…..huyện/quận……tỉnh/thành phố…..
Tên tôi là:……..
Ngày, tháng, năm sinh:………
CMTND/CCCD/Hộ chiếu:…………cấp ngày………nơi cấp………
Địa chỉ thường trú:……..
Nơi ở hiện tại:………
Số điện thoại liên hệ:…………
Quan hệ với người để lại di sản:…….
Tôi xin kê khai như sau:
Ông Nguyễn Văn S sinh năm……….đã chết ngày……..kết hôn với bà Trần Thị D sinh năm…….
Ông Nguyễn Văn S và bà Trần Thị D kết hôn với nhau vào năm……..với số giấy chứng nhận kết hôn……do ủy ban nhân dân xã/phường……thực hiện thủ tục đăng ký và cấp giấy chứng nhận.
Ông Nguyễn Văn S chỉ có một người vợ là bà Trần Thị D đã kê khai ở trên.
Trước lúc chết, ông Nguyễn Văn S ở tại số nhà……đường……..phường……..quận…….Thành phố…..
Ông Nguyễn Văn S trước khi chết không để lại di chúc.
Những người thừa kế theo pháp luật thuộc hàng thừa kế thứ nhất của ông Nguyễn Văn S bao gồm có vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, con đẻ, của ông Nguyễn Văn S, cụ thể:
Cha của ông Nguyễn Văn S:
Họ và tên:……..
Sinh năm:……
Mất năm……
Địa chỉ thường trú trước lúc chết tại số nhà…….xã……huyện……tỉnh……….
Mẹ của ông Nguyễn Văn S:
Họ và tên:…….
Sinh năm…..
Địa chỉ thường trú tại:……
Vợ của ông Nguyễn Văn S:
Họ và tên:…..
Sinh năm….…
Địa chỉ thường trú:……..
Con đẻ của ông Nguyễn Văn S bao gồm:
Họ và tên: Nguyễn Văn A
Sinh năm:……..
Địa chỉ thường trú:…….
Họ và tên: Nguyễn Văn B
Sinh năm:……..
Địa chỉ thường trú:…….
Tất cả gồm: 05 người (viết bằng chữ: năm người)
Tôi xin cam đoan nội dung tờ khai nêu trên là đúng sự thật và không bỏ sót người thừa kế nào. Nếu như có sai sót tôi xin chịu trách nhiệm trước pháp luật.
…….ngày…..tháng….năm….
Phần chứng thực của Ủy ban nhân dân xã/phường….. | Người kê khai |
2. Hướng dẫn lập tờ khai quan hệ thừa kế theo pháp luật:
Tại khoản 2 Điều 57 Luật Công chứng 2014 có quy định rõ trường hợp thừa kế theo pháp luật, thì trong hồ sơ yêu cầu công chứng phải có các giấy tờ chứng minh quan hệ giữa người để lại di sản và những người được hưởng di sản theo quy định của pháp luật về thừa kế. Chính vì thế, khi đi làm thủ tục khai nhận di sản thừa kế hoặc thỏa thuận phân chia di sản, một trong những người thừa kế sẽ đại diện những đồng thừa kế khác trực tiếp liên hệ tới ủy ban nhân dân xã/phường yêu cầu chứng thực về tờ khai những người thừa kế theo pháp luật của người để lại di sản. Trước khi đi, một trong những người thừa kế nên soạn thảo trước tờ khai quan hệ thừa kế theo pháp luật, khi soạn thảo cần phải có những nội dung sau:
– Quốc hiệu – tiêu ngữ;
– Tên văn bản (Tờ khai những người thừa kế theo pháp luật của ai?);
– Ghi rõ mục đích xin xác nhận tờ khai (ví dụ: Để bổ túc hồ sơ khai di sản thừa kế theo pháp luật);
– Phần kính gửi: ghi rõ tên cơ quan nơi xin xác nhận tờ khai những người thừa kế theo pháp luật (ví dụ: Ủy ban nhân dân xã/phường…. huyện/quận……tỉnh/thành phố…..);
– Ghi rõ các thông tin của người lập tờ khai, bao gồm họ tên, ngày tháng năm sinh, số chứng minh thư nhân dân/căn cước công dân/Hộ chiếu, địa chỉ thường trú, nơi ở hiện tại, số điện thoại liên hệ, mối quan hệ với người chết;
– Các thông tin của người chết (người để lại di sản);
– Kê khai chính xác, đầy đủ các thông tin của những đồng thừa kế di sản (mối quan hệ với người để lại di sản, họ tên, sinh năm, địa chỉ thường trú, nếu đã chết thì ghi rõ năm chết);
– Cam kết nội dung tờ khai là chính xác (ví dụ: Tôi cam đoan các nội dung tờ khai nêu trên là đúng sự thật và không bỏ sót người thừa kế nào. Nếu như có sai sót tôi xin chịu trách nhiệm trước pháp luật);
– Địa chỉ, ngày tháng năm xin xác nhận;
– Người khai ký và ghi rõ họ tên.
3. Những điều cần lưu ý khi viết tờ khai quan hệ thừa kế theo pháp luật:
Đối với tờ khai quan hệ thừa kế theo pháp luật, những điểm cần phải lưu ý khi viết tờ khai này là:
– Nêu rõ Ủy ban nhân dân nơi tiếp nhận tờ khai để đảm bảo tờ khai được công chứng, chứng thực đúng quy định (nơi tiếp nhận và chứng thực tờ khai quan hệ thừa kế theo pháp luật đó chính là ủy ban nhân dân xã/phường nơi mở thừa kế. Nơi mở thừa kế chính là nơi cư trú cuối cùng của người để lại di sản; nếu như không xác định được nơi cư trú cuối cùng thì nơi mở thừa kế là nơi có toàn bộ di sản hoặc nơi có phần lớn di sản);
– Thông tin của người viết tờ khai, người để lại di sản và những người đồng thừa kế phải được ghi chính xác, đầy đủ. Đối với những đồng thừa kế đã mất cũng phải được ghi rõ mất vào thời gian nào;
– Những người được thừa kế di sản phải được ghi đúng, đầy đủ vì văn bản này chính là căn cứ chứng minh quan hệ nhân thân giữa người thừa kế di sản và người để lại di sản và cũng là điều kiện để phân chia di sản theo pháp luật;
– Trong tờ khai quan hệ thừa kế theo pháp luật, người khai phải cam kết thông tin mình ghi là đúng sự thật và phải chịu trách nhiệm nếu có sai sót liên quan đến tờ khai xảy ra;
– Cuối văn bản người khai phải ký tên đảm bảo.
Đây là văn bản cơ sở để xác định người thừa kế, hàng thừa kế khi thực hiện thủ tục phân chia di sản theo pháp luật. Để đảm bảo cho những quyền lợi của tất cả các bên, văn bản này cần phải được làm kỹ càng, thông tin khai phải chính xác, đầy đủ.
4. Những người không được quyền hưởng di sản có được kê khai trong tờ khai quan hệ thừa kế theo pháp luật:
Theo quy định của pháp luật về những người không được quyền hưởng di sản được quy định tại Điều 621 Bộ Luật Dân sự 2015 bao gồm có:
– Người bị kết án về một trong các hành vi sau đối với người để lại di sản:
+ Cố ý xâm phạm tính mạng, sức khỏe;
+ Ngược đãi nghiêm trọng, hành hạ;
+ Xâm phạm nghiêm trọng danh dự, nhân phẩm.
– Người vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ nuôi dưỡng người để lại di sản;
– Người bị kết án về hành vi cố ý xâm phạm tính mạng người thừa kế khác nhằm hưởng một phần hoặc hưởng toàn bộ phần di sản mà người thừa kế đó có quyền hưởng;
– Người có một trong những hành vi sau:
+ Lừa dối, cưỡng ép hoặc ngăn cản người để lại di sản trong việc lập di chúc;
+ Giả mạo di chúc, sửa chữa di chúc, hủy di chúc, che giấu di chúc nhằm hưởng một phần hoặc hưởng toàn bộ di sản trái với ý chí của người để lại di sản.
Những người nào có những hành vi kể trên thì sẽ không được hưởng di sản của người chết để lại nếu di sản thừa kế được chia theo pháp luật. Tuy nhiên, như đã phân tích ở mục trên, tờ khai quan hệ thừa kế theo pháp luật là một trong những giấy tờ chứng minh quan hệ giữa người để lại di sản và người được hưởng di sản theo quy định của pháp luật về thừa kế, vì thế trong tờ khai phải khai tất cả những những người được thừa kế di sản, bao gồm cả những người không được hưởng quyền di sản.
Khi đi làm thủ tục khai nhận di sản thừa kế hoặc thỏa thuận phân chia di sản thừa kế, để xác định những đối tượng không được hưởng quyền di sản thì những người thừa kế phải cung cấp cho tổ chức hành nghề công chứng đang thực hiện thủ tục khai nhận di sản thừa kế những giấy tờ, văn bản chứng minh về việc đối tượng đó không được hưởng quyền di sản (ví dụ, đối với những người đã bị kết án và có bản án của tòa án nhân dân có thẩm quyền thì giấy tờ để chứng minh người đó không được quyền hưởng di sản là bản án, giấy xác nhận của cơ quan chức năng có thẩm quyền xác nhận đối tượng đó đã bị kết án với những hành vi nêu trên hoặc những loại giấy tờ hợp pháp khác; còn đối với những người chưa bị kết án nhưng đã có những hành vi kể trên với người để lại di sản hoặc với những người thừa kế khác nhằm hưởng một phần hoặc toàn bộ phần di sản mà người thừa kế đó có quyền hưởng thì những đồng thừa kế khác hoặc những người có quyền và nghĩa vụ liên quan thực hiện thủ tục khởi kiện ra Tòa án nhân dân có thẩm quyền để yêu cầu tòa án giải quyết theo thủ tục vụ án tranh chấp chia di sản thừa kế).
Các văn bản pháp luật được sử dụng trong bài viết:
– Bộ Luật Dân sự 2015;
– Luật Công chứng 2014.