Kiện đòi tài sản là động sản không phải đăng kí quyền sở hữu từ người chiếm hữu ngay tình
Điểu 257 “Bộ luật dân sự 2015” cũng đã quy định về quyền đòi lại động sản không phải đăng ký quyền sở hữu từ người chiếm hữu ngay tình :
“Chủ sở hữu có quyền đòi lại động sản không phải đăng ký quyền sở hữu từ người chiếm hữu ngay tình trong trường hợp người chiếm hữu ngay tình có được động sản này thông qua hợp đồng không có đền bù với người không có quyền định đoạt tài sản; trong trường hợp hợp đồng này là hợp đồng có đền bù thì chủ sở hữu có quyền đòi lại động sản nếu động sản đó bị lấy cắp, bị mất hoặc trường hợp khác bị chiếm hữu ngoài ý chí của chủ sở hữu.”
Theo qui định trên, chủ sở hữu có quyền kiện đòi lại đối với động sản không phải đăng ký quyền sở hữu với điều kiện:
– Người chiếm hữu động sản đó được xác định là người chiếm hữu ngay tình;
– Người chiếm hữu ngay tình tài sản đó thông qua một giao dịch không có đền bù với người không có quyền định đoạt tài sản.
Như vậy, nếu vật rời khỏi chủ sở hữu theo ý chí và người thứ ba ngay tình có được tài sản thông qua một hợp đồng không đền bù như tặng, cho, thừa kế… thì phải trả lại tài sản cho chủ sở hữu. Chẳng hạn trong trường hợp chủ sở hữu chuyển giao cho người chiếm hữu hợp pháp, người chiếm hữu đó cho tặng người thứ ba, thì người thứ ba phải trả lại tài sản. Người chiếm hữu hợp pháp ở đây là người được chủ sở hữu giao cho tài sản bằng các hình thức như: thuê, mượn, nhận gửi giữ, cầm cố, đặt cọc tài sản … họ không có quyền định đoạt tài sản của chủ sở hữu, nếu người chiếm hữu hợp pháp không được sự cho phép của chủ sở hữu vẫn chuyển giao tài sản thông qua hợp đồng không có đền bù cho người thứ ba như: tặng, cho thì chủ sở hữu có quyền đòi lại tài sản. Theo nguyên tắc, chủ sở hữu đã chuyển giao cho người chiếm hữu bằng một giao dịch, cho nên người mượn, thuê phải chịu trách nhiệm theo hợp đồng với chủ sở hữu khi chuyển dịch tài sản cho người thứ ba ngay tình. Tuy nhiên, người thứ ba chiếm hữu bất hợp pháp ngay tình có tài sản thông qua giao dịch không đền bù, vì thế nếu phải trả lại cho chủ sở hữu thì cũng không bị thiệt hại về tài sản, cho nên pháp luật cho phép chủ sở hữu kiện đòi lại tài sản. Qui định trên nhằm loại trừ trường hợp một người chiếm hữu tài sản của chủ sở hữu thông qua một giao dịch không đền bù, nhưng hành vi của người chiếm hữu tài sản đó được xác định là hành vi không ngay tình khi chiếm hữu, trong trường hợp đó, người này vẫn có trách nhiệm trả lại tài sản cho chủ sở hữu, đồng thời cũng bảo vệ lợi ích tuyệt đối của chủ sở hữu.
Trong một trường hợp khác, nếu động sản không có đăng kí là tài sản rời khỏi chủ sở hữu theo ý chí của người đó và người thứ ba có được thông qua giao dịch có đền bù, như: qua mua bán thì xét thấy những căn cứ sau: khi chủ sở hữu chuyển dịch tài sản cho người thứ hai, thì giữa chủ sở hữu và người thứ hai có một giao dịch, cho nên chủ sở hữu cần phải đề phòng những trường hợp người được chuyển giao tài sản không trả lại tài sản, do đó phải áp dụng các biện pháp bảo đảm mà pháp luật cho phép nhằm khống chế hành vi vi phạm của người được chuyển giao tài sản. Bên cạnh đó, người thứ ba có nhu cầu sử dụng tài sản, cho nên họ đã mua hoăc đổi tài sản để có tài sản phục vụ nhu cầu tiêu dùng hoặc nhu cầu kinh doanh. Khi tham gia giao dịch họ không biết tài sản sản đó là của người thứ ba, cho nên hành vi của họ là ngay tình. Pháp luật cần phải bảo vệ lợi ích của họ, cho phép xác lập quyền sở hữu với tài sản đó, điều đó đồng nghĩa với việc chủ sở hữu không được kiện đòi tài sản, nhưng pháp luật cũng bảo vệ quyền lợi cho họ bằng cách cho phép chủ sở hữu yêu cầu người chiếm hữu hợp pháp bồi thường giá trị tài sản.
Một trường hợp nữa, đó là khi động sản không có đăng kí là tài sản rời khỏi chủ sở hữu, người chiếm giữ hợp pháp, không theo ý chí của người đó, mà người thứ ban – được xác định là bên chiếm hữu ngay tình, có được tài sản này thông qua một giao dịch có đền bù như mua bán…Trong trường hợp này, tuy người chiếm hữu thứ ba ngay tình vẫn phải trả lại tài sản mà mình đang chiếm giữ cho chủ sở hữu đích thực của tài sản. Nhưng pháp luật cũng bảo vệ lợi ích hợp pháp của họ bằng cách cách thức sau:
– Được yêu cầu đòi bồi thường thiệt hại (giá trị đòi bồi thường là giá trị của giao dịch mà họ đã xác lập và các thiệt hại khác…) từ người đã trực tiếp chuyển giao tài sản cho mình. Mục đích trong giao dịch đã xác lập không đạt được (muốn sở hữu tài sản nhưng đã phải trả về cho chủ sở hữu) nhưng họ được quyền đòi lại từ người đã trực tiếp xác lập giao dịch. Tuy nhiên, quy định này chỉ có thể thi hành trên thực tế nếu thoả mãn điều kiện:
+Tìm được người đã chuyển giao tài sản đó cho người thứ ba ngay tình;
+ Người phải bồi thường có khả năng tài chính và tự nguyện thực hiện nghĩa vụ.
Thực tế, điều kiện đầu tiên khó thực hiện bởi trong nhiều trường hợp, người thực hiện chuyển giao tài sản là người tham lam, động cơ không trong sáng nên sau khi thực hiện giao dịch, đạt được lợi ích mong muốn họ thường tìm cách xoá mọi tin tức để tránh trách nhiệm sau này. Điều kiện thứ 2 phụ thuộc vào điều kiện thứ nhất có tồn tại hay không và cũng thưởng nảy sinh những tình huống như: người phải thi hành nghĩa vụ không có tiền để bồi thường…
– Được hưởng hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản kể từ thời điểm bắt đầu chiếm hữu đến thời điểm phải hoàn trả tài sản cho chủ sở hữu.
– Được thanh toán những chi phí đã bỏ ra để làm tăng giá trị cho tài sản.
Quyền kiện đòi lại động sản không phải đăng ký quyền sở hữu, chỉ được đáp ứng trong trường hợp tài sản đó vẫn còn. Như vậy, nếu động sản là đối tượng của vụ kiện không còn tồn tại (do bị mất, bị tiêu huỷ…), thì mục đích kiện đòi lại động sản đó của chủ sở hữu hoặc của người chiếm hữu hợp pháp không được đáp ứng. Trong trường hợp này, quyền của chủ sở hữu hoặc người chiếm hữu hợp pháp chỉ được bảo vệ theo phương thức kiện đòi bồi thường tài sản.
Mặt khác, qui định tại Điều 257 “Bộ luật dân sự 2015”, còn hạn chế là chưa đề cập đến những trường hợp động sản không phải đăng ký của chủ sở hữu, do người chiếm hữu ngay tình sử dụng, khai thác đã thu được những lơi ích nhất định trong thời gian chiếm hữu, trong trường hợp chủ sở hữu hoặc người chiếm hữu hợp pháp được đòi lại vật, thì người chiếm hữu ngay tình có nghĩa vụ hoàn trả những lợi ích vật chất đó cho chủ sở hữu không? Theo nguyên tắc, chủ sở hữu tài sản được hưởng những lợi ích vật chất từ tài sản. Vì trong thời gian tài sản của chủ sở hữu do người khác chiếm hữu, nhưng vẫn thuộc quyền sở hữu của chủ sở hữu động sản đó. Một trường hợp khác, lợi ích của người thuê động sản không phải đăng ký quyền sở hữu đã không được đáp ứng, do động sản đó lại đang do người khác chiếm hữu, khai thác thu lợi nhuận, mà người thuê tài sản đó vẫn có nghĩa vụ trả tiền thuê tài sản cho chủ sở hữu, khoản tiền đó sẽ được giải quyết như thế nào để bảo vệ quyền lợi của chủ sở hữu và quyền của người thuê tài sản đó?
>>> Luật sư
Tóm lại, theo quy định pháp luật, nếu động sản không phải đăng ký quyền sở hữu đã được chuyển giao cho thứ ba chiếm hữu ngay tình, về nguyên tắc, chủ sở hữu không có quyền đòi lại tài sản, giao dịch với người thứ ba vẫn có hiệu lực (Điều 138). Chủ sở hữu chỉ có quyền đòi lại động sản không phải đăng ký quyền sở hữu từ người thứ ba chiếm hữu ngay tình trong một số trường hợp nhất định quy định tại Điều 257. Đó là các trường hợp:
– Người chiếm hữu ngay tình có được động sản này thông qua hợp đồng không đền bù với người không có quyền định đoạt tài sản;
– Người chiếm hữu ngay tình có được động sản này thông qua hợp đồng có đền bù mà động sản bị lấy cắp, bị mất hoặc trường hợp khác bị chiếm hữu ngoài ý chí của chủ sở hữu.
Qua những phân tích ở trên, ta có thể thấy: Kiện đòi lại động sản không phải đăng ký quyền sở hữu từ người chiếm hữu ngay tình là phương thức kiện dân sự được sử dụng khá phổ biến trong đời sống xã hội. Những qui định pháp luật về vấn đề này đã nhằm bảo vệ lợi ích của chủ sở hữu hoặc của người chiếm hữu hợp pháp, tuy nhiên vẫn còn tồn tại những hạn chế nhất định, cần phải được khắc phục.