Điều kiện phát sinh trách nhiệm bồi thường tính mạng, sức khoẻ: Có thiệt hại xảy ra không? Có mối quan hệ nhân quả không? Có hành vi có lỗi không?
Điều kiện phát sinh trách nhiệm bồi thường
Điều kiện phát sinh trách nhiệm BTTH ngoài hợp đồng nói chung, trách nhiệm BTTH do xâm phạm tính mạng, sức khỏe nói riêng “là những yếu tố, những cơ sở để xác định trách nhiệm bồi thường, người phải bồi thường, người được bồi thường và mức bồi thường”. Xuất phát từ các nguyên tắc của pháp luật, lý luận chung về nhà nước và pháp luật thì khi xem xét trách nhiệm BTTH của một chủ thể nhất định, cần xem xét các yếu tố khách quan, chủ quan ảnh hưởng đến việc xác định và áp dụng trách nhiệm dân sự.
Điều 584 BLDS 2015 quy định: “1. Người nào có hành vi xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp khác của người khác mà gây thiệt hại thì phải bồi thường, trừ trường hợp Bộ luật này, luật khác có liên quan quy định khác”.
Như vậy, các yếu tố khách quan, chủ quan làm căn cứ phát sinh trách nhiệm BTTH do xâm phạm tính mạng, sức khỏe ở đây là có thiệt hại xảy ra; hành vi gây thiệt hại là hành vi trái luật hoặc do hoạt động của tài sản xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe của người khác; mối quan hệ nhân quả giữa thiệt hại và hành vi trái luật, hoạt động của tài sản. Bên cạnh đó còn có yếu tố lỗi của người gây ra thiệt hại, BLDS năm 2015 mặc dù không coi yếu tố lỗi làm căn cứ phát sinh trách nhiệm BTTH ngoài hợp đồng nhưng đây vẫn là yếu tố quan trọng trong việc xác định mức BTTH khi giải quyết tranh chấp, thuộc phạm trù nội dung của trách nhiệm bồi thường sau khi đã phát sinh trách nhiệm bồi thường.
Mục lục bài viết
1. Có thiệt hại xảy ra:
Thiệt hại xảy ra là tiền đề của trách nhiệm BTTH bởi mục đích của việc áp dụng trách nhiệm BTTH ngoài hợp đồng là khôi phục tình trạng tài sản cho người bị thiệt hại, do đó không có thiệt hại thì không đặt ra vấn đề bồi thường. Thiệt hại là những tổn thất thực tế được tính thành tiền do việc xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe gây ra. Căn cứ quy định tại Điều 590, Điều 591 BLDS năm 2015, thì thiệt hại do tính mạng, sức khỏe bị xâm phạm bao gồm các thiệt hại về vật chất và thiệt hại về tinh thần.
Đối với người bị xâm phạm về sức khỏe thì thiệt hại về vật chất là: a) Chi phí hợp lý cho việc cứu chữa, bồi dưỡng, phục hồi sức khỏe và chức năng bị mất, bị giảm sút của người bị thiệt hại; b) Thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút của người bị thiệt hại; c) Chi phí hợp lý và phần thu nhập thực tế bị mất của người chăm sóc người bị thiệt hại.
Đối với người bị xâm phạm về tính mạng thì thiệt hại về vật chất ngoài bao gồm các thiệt hại nêu trên thì còn có chi phí mai táng, tiền cấp dưỡng cho những người mà người bị thiệt hại có nghĩa vụ cấp dưỡng.
Bên cạnh việc bồi thường những thiệt hại về mặt vật chất thì người có trách nhiệm BTTH còn phải có trách nhiệm bồi thường tổn thất về tinh thần cho người bị xâm phạm sức khỏe; cho những người thân thích thuộc hàng thừa kế thứ nhất của người bị thiệt hại, nếu không có những người này thì bồi thường cho người mà người bị thiệt hại đã trực tiếp nuôi dưỡng, người đã trực tiếp nuôi dưỡng người bị thiệt hại, trong trường hợp xâm phạm tính mạng.
2. Có hành vi trái pháp luật hoặc hoạt động của tài sản gây thiệt hại về tính mạng, sức khoẻ:
Quyền được bảo vệ tính mạng, sức khỏe thuộc về phạm trù quyền nhân thân của mỗi con người được pháp luật bảo hộ và phải được tất cả các chủ thể trong xã hội tôn trọng tuyệt đối và không có bất cứ chủ thể nào được phép thực hiện bất kì hành vi nào xâm phạm. Chính vì vậy, Điều 584 BLDS năm 2015 đã quy định “người nào…xâm phạm đến…mà gây thiệt hại thì phải bồi thường”. Quy định này xuất phát từ nguyên tắc chung của của hệ thống pháp luật Việt Nam, từ Hiến pháp cho đến các luật chuyên ngành như Luật Hình sự, Luật Dân sự; Điều 3 BLDS năm 2015 quy định: “Việc xác lập, thực hiện, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự không được xâm phạm đến lợi ích quốc gia, dân tộc…quyền và lợi ích hợp pháp của người khác”. Hành vi trái pháp luật là những hành vi mà luật cấm không được làm hoặc buộc phải làm nhưng không làm mà gây ra thiệt hại về tính mạng, sức khỏe của người khác. Những hành vi vi phạm này có thể là hành vi vi phạm pháp luật hình sự, hành chính, dân sự…v.v, được thể hiện dưới dạng hành động, hoặc cũng có thể là không hành động.
Bên cạnh hành vi trái pháp luật thì “hoạt động của tài sản” được xem là một trong những điều kiện làm phát sinh trách nhiệm BTTH về tính mạng, sức khỏe. Thiệt hại do “hoạt động của tài sản” ở đây có thể được kể đến như những thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ; do nhà cửa, công trình xây dựng; cây cối; súc vật, gây ra. Hoạt động của những tài sản kể trên vốn “luôn tiềm ẩn trong nó khả năng gây thiệt hại cho thế giới vật chất xung quanh mà bản thân con người rất khó kiểm soát”4, vậy nên khi những hoạt động của tài sản đó gây thiệt hại, xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe của người khác sẽ làm phát sinh trách nhiệm bồi thường.
3. Có mối quan hệ nhân quả giữa hành vi trái pháp luật hoặc hoạt động của tài sản với thiệt hại xảy ra:
Hiểu theo nghĩa rộng thì nguyên nhân và kết quả là một cặp phạm trù trong phép biện chứng duy vật của chủ nghĩa Mác-Lênin và là một trong những nguyên lý nguyên lý về mối liên hệ phổ biến dùng để chỉ mối quan hệ biện chứng hai phạm trù giữa cái “nguyên nhân” là phạm trù chỉ sự tác động lẫn nhau giữa các mặt trong một sự vật hoặc giữa các sự vật với nhau, gây ra một biến đổi nhất định nào đó với “kết quả” là phạm trù chỉ những biến đổi xuất hiện do tác động lẫn nhau giữa các mặt trong một sự vật hoặc giữa các sự vật với nhau gây ra, qua đó phản ánh mối quan hệ hình thành của các sự vật, hiện tượng trong hiện thực khách quan.
Pháp luật dân sự Việt Nam không lý luận, cũng như không có định nghĩa về mối quan hệ nhân quả để giải thích cho việc phát sinh trách nhiệm BTTH ngoài hợp đồng; tuy nhiên, có thể hiểu mối quan hệ nhân quả ở đây là “thiệt hại xảy ra là kết quả của hành vi trái pháp luật hay ngược lại hành vi trái pháp luật là nguyên nhân của thiệt hại xảy ra”. Trong chế định trách nhiệm BTTH ngoài hợp đồng nói chung và trách nhiệm BTTH do xâm phạm tính mạng, sức khỏe nói riêng, thì hành vi xâm phạm hay hoạt động của tài sản là nguyên nhân và thiệt hại là hậu quả của hành vi xâm phạm, của hoạt động của tài sản. Tuy nhiên, trong thực tiễn giải quyết tranh chấp bồi thường thì việc xác định mối tương quan nhân quả là vấn đề không hề đơn giản. Do đó quá trình áp dụng pháp luật trong thực tiễn đòi hỏi sự xem xét, phân tích, đánh giá tất cả các sự kiện liên quan một cách thận trọng, khách quan và toàn diện để xác định đúng trách nhiệm của người gây ra thiệt hại.
Một trong những yếu tố mặc dù không được xem là căn cứ làm phát sinh trách nhiệm BTTH ngoài hợp đồng theo quy định của pháp luật dân sự hiện hành nhưng vẫn cần phải nhắc đến đó là yếu tố “lỗi”. Lý luận chung về pháp luật, về trách nhiệm pháp lý luôn xác định “lỗi” là một trong các yếu tố cấu thành trách nhiệm pháp lý của chủ thể. BLDS 2005 ghi nhận lý luận này thông qua việc quy định tại Điều 604: “Người nào do lỗi cố ý hoặc lỗi vô ý xâm phạm tính mạng, sức khoẻ…”. Tuy nhiên, Điều 584 BLDS 2015 đã loại bỏ đi yếu tố “lỗi” là căn cứ phát sinh trách nhiệm BTTH với quy định “người nào có hành vi xâm phạm tính mạng, sức khỏe…”. Tuy nhiên, BLDS 2015 vẫn xem xét yếu tố “lỗi” là căn cứ quan trọng về mặt nguyên tắc BTTH khi giải quyết tranh chấp, cụ thể: “Người chịu trách nhiệm BTTH có thể được giảm mức bồi thường nếu không có lỗi hoặc có lỗi vô ý…Khi bên bị thiệt hại có lỗi trong việc gây thiệt hại thì không được bồi thường phần thiệt hại do lỗi của mình gây ra”. Việc không xác định yếu tố “lỗi” là căn cứ làm phát sinh trách nhiệm bồi thường mà chỉ xem đó là một trong những căn cứ để xác định trách nhiệm bồi thường cụ thể, theo quan điểm của tác giả là hợp lý, bởi lẽ thiệt hại một khi đã phát sinh là tồn tại khách quan và phải được bồi hoàn.