Di chúc ngoài việc được lập thành văn bản theo quy định thì có thể được lập di chúc miệng. Tuy nhiên di chúc miệng sẽ chỉ được coi là hợp pháp khi đáp ứng một số điều kiện nhất định. Vậy thì, di chúc miệng có phải công chứng mới được coi là hợp pháp hay không?
Mục lục bài viết
1. Điều kiện có hiệu lực của di chúc miệng:
Do di chúc bằng miệng không phải là loại hình di chúc được lập thành văn bản cho nên để di chúc miệng được coi là di chúc hợp pháp thì cần phải đáp ứng được những điều kiện theo quy định của pháp luật. Theo đó thì di chúc bằng miệng cần phải đáp ứng được điều kiện chung về di chúc hợp pháp và những điều kiện riêng về tính hợp pháp của loại hình di chúc bằng miệng. Cụ thể, cần phải đáp ứng được những điều kiện cơ bản căn cứ theo quy định tại Điều 630 của Bộ luật dân sự năm 2015 như sau:
– Tình trạng và trạng thái tinh thần của người lập di chúc vào thời điểm lập di chúc phải hoàn toàn minh mẫn và sáng suốt, phải nhận thức rõ được mong muốn và nguyện vọng lập di chúc của mình;
– Ý muốn chủ quan và ý chí của người lập di chúc phải hoàn toàn tự nguyện, không bị lừa dối hoặc đe doạ, không bị cưỡng ép lập di chúc dưới bất kỳ hình thức nào;
– Nội dung di chúc phải phù hợp với quy định của pháp luật, nội dung của di chúc bằng miệng không được vi phạm điều cấm và không trái đạo đức xã hội, phải bao gồm những nội dung cơ bản ví dụ như ngày tháng năm lập di chúc, họ tên và nơi cư trú của người lập di chúc, họ tên và nơi cư trú của người hưởng di sản, các loại di sản và nơi có di sản …;
– Hình thức của di chúc phải phù hợp với quy định của pháp luật, di chúc bằng miệng cũng được coi là một trong những loại hình di chúc hợp pháp, và không trái quy định của pháp luật;
– Riêng đối với những chủ thể được xác định là người từ đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi khi lập di chúc theo quy định của pháp luật hiện nay thì phải lập thành văn bản và có sự đồng ý của cha mẹ hoặc người giám hộ trong quá trình lập di chúc đó, tức là những đối tượng này sẽ không được phép lập di chúc bằng miệng.
– Ngoài ra đối với những chủ thể bị hạn chế năng lực hành vi dân sự, hạn chế về thể chất hoặc không biết chữ, người làm chứng phải lập di chúc bằng văn bản và có công chứng, các đối tượng này cũng sẽ không được lập di chúc bằng miệng;
– Di chúc bằng miệng phải có ít nhất hai người làm chứng thì mới được coi là hợp pháp theo quy định của pháp luật;
– Đối với di chúc bằng miệng thì sau khi người để lại di chúc thể hiện ý chí của mình thông qua hình thức lời nói thì người làm chứng phải ghi chép lại toàn bộ nguyện vọng của người để lại di sản, cùng ký tên và điểm chỉ vào văn bản ghi lại trên di chúc bằng miệng này, trong thời gian 05 ngày làm việc kể từ ngày ký tên và điểm chỉ của người làm chứng trên văn bản ghi chép thể hiện di chúc bằng miệng thì di chúc phải được công chứng hoặc chứng thực.
Như vậy, di chúc bằng miệng khi được coi là hợp pháp phải đáp ứng được đầy đủ tất cả các điều kiện trên. Ngoài ra di chúc bằng miệng là cơ sở để xác lập quan hệ dân sự liên quan đến quyền và nghĩa vụ trong thừa kế theo quy định của pháp luật, vì vậy cho nên người lập di chúc bằng miệng và người làm chứng cho di chúc cũng cần phải đáp ứng được những điều kiện theo quy định của Bộ luật dân sự năm 2015 nói chung.
2. Di chúc miệng có phải công chứng mới hợp pháp hay không?
Pháp luật hiện nay đã quy định cụ thể về di chúc miệng. Theo đó thì bên cạnh việc lập di chúc bằng văn bản, nhiều người có thể lập di chúc bằng miệng nếu đáp ứng được các điều kiện luật định. Căn cứ theo quy định tại Điều 627 của Bộ luật dân sự năm 2015 có quy định về hình thức của di chúc, theo đó thì di chúc phải được lập thành văn bản, trong trường hợp nếu như các chủ thể lập di chúc không thể lập di chúc bằng văn bản thì có thể lập di chúc bằng miệng, như vậy thì di chúc bằng miệng cũng là một trong những hình thức di chúc hợp pháp do pháp luật quy định hiện nay. Ngoài ra căn cứ theo quy định tại Điều 629 của Bộ luật dân sự năm 2015 có quy định về ghi chúc bằng miệng, cụ thể như sau:
– Trong trường hợp người lập di chúc nguy hiểm đến tính mạng, tức là tính mạng của một người bị cái chết đe dọa và cận kề không thể lập di chúc bằng văn bản theo quy định của pháp luật thì có thể được lập di chúc bằng miệng, như vậy thì trong bất kỳ hoàn cảnh nào và bất kỳ lý do sức khỏe gì, người dân hoàn toàn có thể được lập di chúc, nếu không thể lập di chúc bằng văn bản thì có thể được bày tỏ ý chí bằng miệng;
– Sau thời hạn 03 tháng theo quy định của pháp luật được tính kể từ thời điểm di chúc bằng miệng được lập mà người lập di chúc vẫn còn sống, người lập di chúc vẫn còn minh mẫn và sáng suốt thì di chúc miệng đó đương nhiên bị hủy bỏ.
Như vậy, trường hợp người lập di chúc không thể lập di chúc bằng văn bản khi lâm vào tình trạng sức khỏe không được đảm bảo thì có thể được lập di chúc bằng miệng. Hay nói cách khác, một người đang bị cái chết đe dọa và không thể lập di chúc bằng văn bản thì sẽ được thể hiện ý chí bằng miệng. Tuy nhiên di chúc bằng miệng này sẽ được hủy sau thời gian 03 tháng kể từ thời điểm lập di chúc bằng miệng đó mà người lập di chúc vẫn còn sống và vẫn còn minh mẫn. Vì thế hiện nay nhiều người đặt ra câu hỏi: Di chúc bằng miệng có cần phải công chứng mới hợp pháp hay không? Có thể nói, di chúc bằng văn bản và di chúc bằng miệng đều là 02 hình thức di chúc hợp pháp được pháp luật ghi nhận.
Theo như phân tích ở trên, căn cứ theo quy định tại khoản 5 Điều 630 của Bộ luật dân sự năm 2015, thì di chúc bằng miệng sẽ chỉ được coi là hợp pháp nếu trong khoảng thời gian 05 ngày làm việc, thời gian này sẽ được tính kể từ ngày người lập di chúc miệng thể hiện ý chí cuối, di chúc bằng miệng này phải được công chứng viên hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền chứng thực tiến hành hoạt động công chứng hoặc chứng thực chữ ký, điểm chỉ của người làm chứng và của người lập di chúc. Như vậy có thể nói, hoạt động công chứng chính là một trong những điều kiện để di chúc bằng miệng được coi là di chúc hợp pháp theo quy định của pháp luật hiện nay.
3. Các trường hợp hủy bỏ di chúc miệng:
Pháp luật hiện nay bên cạnh việc quy định điều kiện hợp pháp của di chúc bằng miệng, có ghi nhận một số trường hợp hủy bỏ di chúc miệng. Căn cứ theo quy định tại Điều 629 của Bộ luật dân sự năm 2015, có quy định về việc, sau khoảng thời gian ba tháng được tính kể từ thời điểm di chúc bằng miệng độc lập mà người lập di chúc vẫn còn sống và minh mẫn, thì di chúc bằng miệng đó sẽ mặc nhiên bị hủy bỏ trên thực tế. Như vậy có thể nói, khi người lập di chúc rơi vào hoàn cảnh bị đe dọa trầm trọng đến tính mạng và trong tình trạng nguy kịch, cái chết đang cận kề thì người đó hoàn toàn có quyền độc lập di chúc bằng miệng và phải có người làm chứng theo quy định của pháp luật. Di chúc bằng miệng sẽ được coi là hợp pháp khi đáp ứng được đầy đủ các điều kiện theo như phân tích ở trên. Tuy nhiên sau khoảng thời gian ba tháng kể từ ngày người đó lập di chúc mà người đó vẫn còn minh mẫn và sáng suốt, tức là không còn rơi vào tình trạng bị nghi nguy kịch và đe dọa đến tính mạng thì di chúc bằng miệng đó mặc nhiên bị hủy bỏ. Người này nếu muốn lập di chúc thì bắt buộc phải lập di chúc bằng văn bản.
Đồng thời theo quy định của pháp luật hiện nay, trong các trường hợp người lập di chúc miệng đủ điều kiện lập di chúc tuy nhiên người làm chứng của người lập di chúc không đáp ứng đủ điều kiện theo quy định của Bộ luật dân sự năm 2015 hoặc các đối tượng được xác định là người lập di chúc miệng không rơi vào tình trạng được phép lập di chúc bằng miệng, hoặc nội dung của di chúc không đáp ứng được các điều kiện theo quy định của pháp luật thì di chúc miệng nó cũng có thể bị hủy bỏ bởi cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
4. Một số khuyến nghị khi lập di chúc bằng miệng:
Có thể nói, di chúc bằng miệng được coi là hình thức lập di chúc khi các chủ thể rơi vào những điều kiện khó khăn và không thể lập di chúc bằng văn bản, quy định này của pháp luật thể hiện tính nhân đạo. Tuy nhiên trong quá trình vận dụng thì cần phải tham khảo và kế thừa các quy định của pháp luật quốc tế. Trong thời đại công nghệ phát triển hiện nay thì việc thu âm và ghi hình là chuyện hết sức bình thường, phải chăng pháp luật Việt Nam nên ứng dụng những thành tựu của khoa học công nghệ vào pháp luật để pháp luật không bị lạc hậu với sự phát triển của xã hội. Việc vận dụng các thiết bị và công nghệ ghi âm hoặc ghi hình là điều cần thiết trong việc xác định ý chí của người quá cố, bởi lẽ trên thực tế thì có thể nói, việc ghi nhớ lâu của người làm chứng là điều bất khả thi trong quá trình lập di chúc bằng miệng. Và đôi khi thì những người làm chứng còn xảy ra mâu thuẫn về trí nhớ của mình thêm vào đó là sự khách quan trong nội dung ghi chép của di chúc miệng là khó có thể đảm bảo, vì vậy ý chí của người lập di chúc sẽ không thể hiện được tính trọn vẹn. Do đó các thiết bị công nghệ ghi âm và ghi hình là cách để đảm bảo chính xác nhất ý chí của người để lại di chúc.
Giải pháp tốt nhất mà các nhà làm luật cần phải nghiên cứu để áp dụng trên thực tế đó là các trường hợp nào thì được phép ghi âm và ghi hình trong quá trình lập di chúc bằng miệng và các trường hợp nào sẽ không được sử dụng ghi âm và ghi hình, nghiên cứu về điều kiện đảm bảo chất lượng âm thanh … trong quá trình lập di chúc bằng miệng. Theo quan điểm hiện nay thì có thể đưa ra một số kiến nghị cho các nhà làm luật, việc ghi nhận di chúc bằng miệng dưới hình thức ghi âm và ghi hình là điều vô cùng cần thiết trong đời sống hiện tại, khi một người đang trong tình trạng không thể viết di chúc bằng văn bản và không thể cầm bút để nói lên những lời cuối cùng vào một tờ giấy mà chỉ có thể cầm điện thoại và những thiết bị thông minh kế bên thì vấn đề để lại di chúc sẽ đơn giản hơn rất nhiều. Đồng thời thì khi cơ quan nhà nước có thẩm quyền chấp nhận một bản di chúc bằng ghi âm hoặc ghi hình phải kèm theo một số điều kiện nhất định để xác thực đoạn ghi âm và ghi hình đó có phải do chính ý chí của người để lại di chúc đặt ra hay không, vấn đề này cần phải trao đổi thêm với đội ngũ tòa án và cơ quan nhà nước có thẩm quyền để xác định.
Các văn bản pháp luật được sử dụng trong bài viết:
– Bộ luật Dân sự năm 2015;
– Luật Công chứng năm 2018.