Hiện nay, thực tế việc đi thuê trọ diễn ra rất nhiều do nhu cầu của người dân. Nhưng để đảm bảo đầy đủ các quyền và nghĩa vụ trong giao dịch thuê nhà trọ này thì không phải ai cũng nắm được. Dưới đây là quy định về việc chủ nhà có được tự ý vào phòng trọ đã cho thuê không?
Mục lục bài viết
1. Chủ nhà có được tự ý vào phòng trọ đã cho thuê không?
Căn cứ quy định tại Điều 472 Bộ luật dân sự năm 2015, hợp đồng thuê tài sản được hiểu là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên cho thuê sẽ giao tài sản đó cho bên thuê để được sử dụng trong một khoảng thời gian nhất định và bên thuê sẽ phải thực hiện nghĩa vụ trả tiền thuê.
Như vậy, thuê trọ cũng là một dạng của giao dịch cho thuê tài sản, theo đó chủ nhà sẽ cho cá nhân hoặc tổ chức khác thuê phòng trọ trong một khoảng thời gian nhất định theo thỏa thuận của các bên. Khi đó, bên thuê sẽ được quyền sử dụng phòng trọ trong thời gian các bên đã thỏa thuận.
Đồng thời, căn cứ Điều 22 Hiến pháp có quy định, việc có nơi ở hợp pháp là quyền của công dân. Và mọi người đều có quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở, không một ai được tự ý vào chỗ ở của người khác khi chưa có sự đồng ý của người đó.
Theo các quy định trên, chủ nhà tự ý vào phòng trọ của người cho thuê là trái quy định của pháp luật.
2. Mức xử phạt đối với hành vi chủ nhà tự ý vào phòng trọ đã cho thuê:
Như mục 1 đã phân tích, hành vi chủ trọ tự ý vào phòng trọ của bên thuê là hành vi xâm phạm chỗ ở bất hợp pháp, tùy vào từng mức độ mà có biện pháp xử lý khác nhau. Cụ thể:
2.1. Xử phạt vi phạm hành chính:
Hiện nay, pháp luật chưa quy định rõ ràng và cụ thể hành vi xâm phạm chỗ ở của người khác sẽ bị xử phạt như thế nào. Nhưng trong các văn bản luật chỉ quy định có liên quan đến một số hành vi mô tả trong các điều, khoản như sau:
– Hoạt động dịch vụ bảo vệ có sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực với mục đích để đe dọa, cản trở, gây khó khăn cho hoạt động bình thường của cơ quan, tổ chức, cá nhân hoặc xâm hại quyền, lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân: xử phạt từ 20 triệu đến 40 triệu đồng (căn cứ điểm c khoản 5 Điều 12 Nghị định 144/2021/NĐ-CP).
Như vậy, điều khoản trên có đề cập đến việc xâm phạm đến quyền, lợi ích của các cá nhân khác. Và xâm phạm chỗ ở cũng là một trong những quyền đó.
2.2. Truy cứu trách nhiệm hình sự:
Căn cứ quy định tại Điều 158 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi 2017, với hành vị xâm phạm chỗ ở của người khác sẽ bị truy cứu về Tội xâm phạm chỗ ở của người khác như sau:
– Mức phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng – 02 năm khi:
+ Khám xét trái pháp luật chỗ ở của người khác.
+ Đuổi trái pháp luật người khác ra khỏi chỗ ở của họ.
+ Xâm nhập trái pháp luật chỗ ở của người khác.
+ Chiếm giữ chỗ ở hoặc cản trở trái pháp luật người đang ở hoặc người đang quản lý hợp pháp vào chỗ ở của họ.
– Mức phạt tù từ 01 năm đến 05 năm khi thực hiện hành vi:
+ Có tổ chức.
+ Lợi dụng chức vụ, quyền hạn để thực hiện hành vi.
+ Phạm tội từ 02 lần trở lên.
+ Gây hậu quả làm người bị xâm phạm chỗ ở tự sát.
+ Thực hiện hành vi gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội.
Ngoài ra, đối tượng thực hiện hành vi phạm tội là người có chức vụ, quyền hạn sẽ bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ 01 – 05 năm.
3. Hướng xử lý khi chủ nhà tự ý vào phòng trọ cho thuê:
Thực tế, không ít trường hợp xảy ra sự việc chủ nhà trọ tự ý vào phòng trọ đã cho thuê, đặc biệt là đối với những học sinh, sinh viên chưa có kinh nghiệm, kiến thức đời sống nhiều.
Dưới đây là một số hướng giải quyết để phòng tránh sự việc như trên:
Thứ nhất, khi đi thuê phòng trọ, các cá nhân, tổ chức phải ký hợp đồng thuê nhà. Bởi đây chính là cơ sở, bằng chứng ghi nhận đầy đủ các quyền và nghĩa vụ của chủ phòng trọ cũng như của bên đi thuê trọ. Trong nội dung của hợp đồng, thỏa thuận rõ nghĩa vụ của chủ trọ không được phép tự ý vào phòng trọ cho thuê khi chưa được sự đồng ý của người thuê.
Thứ hai, nếu như sự việ đã xảy ra, khi đó các bên nên nói chuyện thương lượng lại với nhau, bên thuê có quyền yêu cầu bên chủ trọ chấm dứt ngay hành vi tự ý ra vào phòng trọ.
Nếu phía chủ trọ không đồng ý và vẫn còn tiếp diễn thì bên thuê hoàn toàn được phép đơn phương chấm dứt hợp đồng thuê trọ khi bên chủ trọ vi phạm nghĩa vụ trong hợp đồng.
Trường hợp nếu như chủ trọ vào phòng làm hư hỏng hay mất mát tài sản thì bên thuê có quyền làm đơn tố cáo ra cơ quan chức năng có thẩm quyền để yêu cầu giải quyết khi có bằng chứng chứng minh cụ thể.
4. Mẫu hợp đồng cho thuê nhà trọ mới nhất:
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
………., ngày… tháng …. năm……….
HỢP ĐỒNG THUÊ NHÀ TRỌ
· Căn cứ Luật Nhà ở ngày 25 tháng 11 năm 2014;
· Căn cứ vào các quy định pháp luật có liên quan,
Tại số nhà…….ngõ…….đường (xóm)…….., phường (xã)……., quận (huyện)………. , thành phố (tỉnh)……
Chúng tôi gồm:
BÊN CHO THUÊ NHÀ (Sau đây gọi tắt là bên A):
Ông (bà):……….
CCCD/CMND số:……….
Hộ khẩu thường trú:……..
Chỗ ở hiện tại:……….
Điện thoại liên hệ:……….
BÊN THUÊ NHÀ Ở (Sau đây gọi tắt là bên B):
Ông (bà):……….
CCCD/CMND số:………..
Hộ khẩu thường trú:……….
Chỗ ở hiện tại:……..
Điện thoại liên hệ:………..
Hai bên thống nhất ký kết Hợp đồng cho thuê nhà để ở với các nội dung sau:
ĐIỀU 1: NỘI DUNG HỢP ĐỒNG
1.1 Nhà cho thuê
– Địa chỉ:……….
– Diện tích cho thuê: Toàn bộ diện tích tầng…; tầng…. ; phòng ngoài tầng …. và toàn bộ sân phơi, tum trên tầng….
– Trang thiết bị kèm theo:………
1.2 Mục đích thuê nhà:
– Bên thuê nhà thuê nhà để ở:…….
– Số lượng người ở:………
1.3 Giá cho thuê: ……VND/ 01 tháng.
Các khoản phí như điện, nước, phí vệ sinh bên A sẽ phải tự thanh toán theo hóa đơn của đơn vị cung cấp.
1.4 Thời hạn cho thuê: ……năm bắt đầu từ ngày …../……/20….. đến …../…../20…..
Trong trường hợp gia hạn Hợp đồng thuê, hai bên sẽ cùng nhau thoả thuận về việc gia hạn. Trong bất cứ trường hợp nào, đề xuất về việc gia hạn sẽ được đưa ra trước 30 (ba mươi) ngày trước khi hết hạn.
1.5 Hình thức thanh toán
– Số tiền thanh toán: Bên B thanh toán cho bên B số tiền …..tháng/01 lần tương đương …… VND (……. đồng) trong khoảng từ mồng ……..đến ngày ……tháng đầu tiên của kỳ thanh toán tiền nhà.
– Thời điểm thanh toán lần đầu:………
– Hình thức thanh toán:………
ĐIỀU 2: QUYỀN VÀ NGHĨA VỤ CÁC BÊN
Quyền và nghĩa vụ của Bên cho thuê:
– Yêu cầu Bên thuê trả đủ tiền thuê nhà đúng thời hạn ghi trong Hợp đồng;
– Yêu cầu Bên thuê có trách nhiệm trong việc sửa chữa phần hư hỏng, bồi thường thiệt hại do lỗi của Bên thuê gây ra ngay tại thời điểm phát hiện;
– Đơn phương chấm dứt thực hiện Hợp đồng thuê nhà khi Bên thuê nhà có một trong các hành vi quy định tại khoản 2 Điều 132 của Luật Nhà ở, vi phạm về an ninh trật tự trong khu phố và bị xử phạt;
– Bảo trì nhà ở; cải tạo nhà ở khi được Bên thuê đồng ý;
– Nhận lại nhà trong các trường hợp chấm dứt Hợp đồng thuê nhà ở quy định tại điều 2 của Hợp đồng này.
– Kiểm tra tình trạng nhà, trang thiết bị nhà sau khi đã thông báo với bên thuê nhà.
Quyền và nghĩa vụ của Bên thuê:
– Nhận nhà ở và trang thiết bị (nếu có) theo đúng ngày quy định tại điều 1 hợp đồng này;
– Bảo quản nhà và các trang thiết bị sử dụng;
– Thanh toán tiền nhà đúng thời hạn;
– Không được cho bên thứ 3 thuê lại nhà;
– Chịu trách nhiệm đền bù những hư hỏng, mất mát các đồ đạc, trang thiết bị nội thất tại địa điểm thuê do không phải là những hao mòn tự nhiên trong quá trình sử dụng gây ra;
– Đảm bảo vệ sinh, an ninh trật tự trong suốt quá trình thuê nhà;
ĐIỀU 3: CHẤM DỨT HỢP ĐỒNG
Hợp đồng này chấm dứt khi hết thời hạn tại điều 1 hoặc hai bên thỏa thuận chấm dứt hợp đồng;
Các bên khi đơn phương chấm dứt hợp đồng phải thông báo trước 02 tháng và thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ ghi nhận tại hợp đồng;
Hợp đồng chấm dứt khi nhà ở cho thuê phải sửa chữa do bị hư hỏng nặng hoặc do thực hiện quy hoạch xây dựng của Nhà nước;
ĐIỀU 4: CAM KẾT CỦA CÁC BÊN
Hai bên cùng cam kết thực hiện đúng các nội dung đã ký. Trong quá trình thực hiện nếu phát hiện thấy những vấn đề cần thoả thuận thì hai bên có thể lập thêm
Hợp đồng được lập thành 03 trang, 02 bản và có giá trị như nhau. Mỗi bên giữ 01 bản, 01 bản./.
BÊN THUÊ NHÀ | BÊN CHO THUÊ NHÀ |
CÁC VĂN BẢN PHÁP LUẬT ĐƯỢC SỬ DỤNG TRONG BÀI VIẾT:
– Bộ luật dân sự năm 2015.
– Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi 2017.