Chia thừa kế đối với đất ông bà để lại không có giấy tờ. Chia thừa kế đối với đất ông bà để lại không có giấy tờ?
Quyền sử dụng đất là một trong những di sản có giá trị lớn. Hiện nay, trên thực tế có rất nhiều người sử dụng đất đã có từ lâu nhưng lại không có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (hay còn gọi là sổ đỏ, sổ hồng). Vậy trong trường hợp đất ông bà để lại không có giấy tờ thì có được chia di sản thừa kế không?
Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài: 1900.6568
Căn cứ pháp lý:
–
Mục lục bài viết
1. Chia thừa kế đối với đất ông bà để lại không có giấy tờ:
1.1. Điều kiện được chia thừa kế quyền sử dụng đất:
Để chia di sản thừa kế là quyền sử dụng đất thì cần phải đáp ứng đủ điều kiện theo đúng quy định của pháp luật.
Căn cứ vào khoản 1 Điều 188 Luật đất đai 2013 quy định về điều kiện để thực hiện các quyền chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho, thế chấp quyền sử dụng đất, góp vốn bằng quyền sử dụng đất như sau:
+ Có Giấy chứng nhận, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 186 và trường hợp nhận thừa kế quy định tại khoản 1 Điều 168 Luật Đất đai 2013.
+ Đất không có tranh chấp;
+ Quyền sử dụng đất không bị kê biên để bảo đảm thi hành án;
+ Trong thời hạn sử dụng đất
– Đối chiếu tại khoản 1 Điều 168 Luật đất đai 2013 quy định trường hợp nhận thừa kế quyền sử dụng đất thì người sử dụng đất được thực hiện quyền khi có Giấy chứng nhận hoặc đủ điều kiện để cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất.
Như vậy, điều kiện để được chưa thừa kế quyền sử dụng đất là người để lại di sản có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc có đủ điều kiện để cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất.
1.2. Đất ông bà để lại không có sổ đỏ có thể chia thừa kế không?
Điều kiện để được chia di sản thừa kế quyền sử dụng đất là là người để lại người để lại di sản có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc có đủ điều kiện để cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Tuy nhiên trong một số trường hợp, người để lại di sản là quyền sử dụng đất nhưng không đáp ứng hai điều kiện thừa nêu trên thì vẫn có thể để lại di sản thừa kế, cụ thể như sau:
Tại Điểm a mục 1.3 phần II của Nghị quyết số 02/2004 ngày 10/8/2004 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân Tối cao có quy định:
+ Đối với trường hợp đương sự có văn bản của Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền xác nhận việc sử dụng đất đó là hợp pháp, nhưng chưa kịp cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, thì Toà án giải quyết yêu cầu chia di sản là tài sản gắn liền với quyền sử dụng đất và quyền sử dụng đất đó.
+ Trong trường hợp đương sự không có văn bản của Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền xác nhận việc sử dụng đất đó là hợp pháp, nhưng có văn bản của Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền cho biết rõ là việc sử dụng đất đó không vi phạm quy hoạch và có thể được xem xét để giao quyền sử dụng đất, thì Toà án giải quyết yêu cầu chia di sản là tài sản gắn liền với quyền sử dụng đất. Đồng thời phải xác định ranh giới, tạm giao quyền sử dụng đất đó cho đương sự để Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền tiến hành các thủ tục giao quyền sử dụng đất và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho đương sự theo quy định của pháp luật về đất đai.
+ Trong trường hợp Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền có văn bản cho biết rõ việc sử dụng đất đó là không hợp pháp, di sản là tài sản gắn liền với quyền sử dụng đất không được phép tồn tại trên đất đó, thì Toà án chỉ giải quyết tranh chấp về di sản là tài sản trên đất đó.
Do đó, đất do nông bà để lại nhưng chưa được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nếu có các giấy tờ khác chứng minh được mảnh đất ông bà để lại có đủ điều kiện cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc được Ủy ban nhân dân các cấp có thẩm quyền có văn bản xác nhận việc sử dụng đất đó là hoàn toàn hợp pháp, đất được sử dụng ổn định lâu dài, không có tranh chấp thì đất do ông bà để lại vẫn được chia di sản thừa kế theo đúng quy định của pháp luật.
2. Chia thừa kế đối với đất ông bà để lại không có giấy tờ?
2.1. Chia thừa kế trong trường hợp ông, bà mất để lại di chúc:
Di chúc là sự thể hiện ý chí của cá nhân nhằm chuyển tài sản của mình cho người khác sau khi họ chết đi. Người lập di chúc hoàn toàn có quyền chỉ định người thừa kế, truất quyền hưởng di sản của người thừa kế, họ có thể phân định phần di sản cho từng người thừa kế và dành một phần tài sản trong khối tài sản để di tặng, thờ cúng. Cá nhân người lập di chúc có thể chỉ định người giữ di chúc, người quản lý di sản, người phân chia di sản, giao nghĩa vụ cho người thừa kế.
Để di chúc được coi là hợp pháp thì người lập di chúc minh mẫn, sáng suốt trong khi lập di chúc, họ xác nhận mình không bị lừa dối, đe dọa hoặc cưỡng ép. Ngoài ra nội dung của di chúc cũng không được trái pháp luật, đạo đức xã hội.
Hình thức của di chúc không được trái quy định của pháp luật di chúc được thành lập bằng văn bản hoặc di chúc bằng miệng
+ Trường hợp di chúc bằng văn bản không có người làm chứng thì người lập di chúc phải viết tay và ký vào bản di chúc (Điều 655 Bộ luật dân sự 2015)
+ Di chúc bằng văn bản có người làm chứng thì người lập di chúc phải ký hoặc điểm chỉ vào di chúc trước mặt những người làm chứng và những người làm chứng có nhiệm vụ làm chứng và ký xác nhận vào bản di chúc, điểm chỉ của người lập di chúc và ký vào bản di chúc (Điều 656 Bộ luật dân sự)
+ Di chúc bằng văn bản có công chứng, người viết di chúc sẽ đến văn phòng công chứng kí tên trước mặt công chứng viên.
+ Di chúc bằng văn bản có chứng thực, người viết di chúc sẽ đến Ủy ban nhân dân cấp xã phường để thực hiện chứng thực chữ ký vào bản di chúc.
+ Di chúc bằng văn bản phải bảo đảm các nội dung sau: Ngày, tháng, năm lập di chúc; Họ tên và nơi cư trú của người lập di chúc; Họ, tên người, cơ quan tổ chức được hưởng di sản hoặc xác định rõ các điều kiện để cá nhân, cơ quan, tổ chức được hưởng di sản; Di sản để lại và nơi có di sản, ví dụ di sản để lại là đất đai thì phải ghi rõ ràng số thửa, số lô, vị trí lô đất đó; việc chỉ định người thực hiện nghĩa vụ và nội dung của nghĩa vụ
Di chúc miệng chỉ được lập trong trường hợp tính mạng của một người đang nguy kịch do bệnh tật hoặc các nguyên nhân khác mà không thể lập di chúc bằng văn bản. Di chúc miệng phải được ghi chép lại cùng kí tên điểm chỉ. Sau 05 ngày làm việc, kể từ ngày người di chúc miệng thể hiện ý chí cuối cùng thì di chúc phải được công chứng viên công chứng hoặc cơ quan có thẩm quyền chứng thực xác nhận chữ ký hoặc điểm chỉ của người làm chứng.
Do đó khi ông bà để lại di chúc mà di chúc đó hoàn toàn hợp pháp thì việc chia thừa kế là quyền sử dụng đất sẽ phụ thuộc vào nội dung của bản di chúc. Tuy nhiên còn xét đến trường hợp người thừa kế không dựa vào nội dung của di chúc theo quy định tại khoản 1 Điều 644 Bộ luật dân sự 2015.
2.2. Chia thừa kế trong trường hợp ông, bà mất không để lại di chúc:
Khi ông, bà mất mà không để lại di chúc thì phần di sản mà ông, bà để lại sẽ được chia thừa kế theo pháp luật. Phần di sản mà ông, bà để lại sẽ được chia theo hàng thừa kế quy định tại Điều 651 Bộ luật dân sự 2015. Những người thừa kế cùng hàng sẽ được hưởng phần di sản bằng nhau. Những người thừa kế ở hàng sau chỉ được hưởng di sản thừa kế trong trường hợp không còn ai ở hàng thừa kế trước đó còn sống hoặc họ không có quyền hưởng di sản, bị truất quyền hưởng di sản hoặc từ chối nhận di sản thừa kế.
Ngoài ra, trường hợp con của người để lại di sản chết trước hoặc chết cùng thời điểm với người để lại di sản thì người cháu sẽ được thừa kế thế vị vào phần di sản mà cha hoặc mẹ cháu được hưởng nếu còn sống. Nếu cháu cũng chết trước hoặc chết cùng thời điểm với người để lại di sản thì chắt sẽ được hưởng phần di sản mà cha hoặc mẹ của chắt được hưởng nếu còn sống (Điều 652 Bộ luật dân sự 2015).