Huyện Hưng Hà thuộc vùng châu thổ sông Hồng, địa hình tương đối bằng phẳng, cách trung tâm thủ đô Hà Nội khoảng 82 km về phía Đông Nam, cách trung tâm thành phố Hải Phòng khoảng 67 km về phía đông bắc. Bài viết dưới đây cung cấp: Bản đồ và các xã phường thuộc huyện Hưng Hà (Thái Bình), mời bạn đọc cùng tìm hiểu và tham khảo.
Mục lục bài viết
1. Bản đồ hành chính huyện Hưng Hà (Thái Bình):
2. Huyện Hưng Hà (Thái Bình) có bao nhiêu xã phường?
Huyện Hưng Hà có 35 đơn vị hành chính cấp xã, gồm 2 thị trấn: Hưng Hà (huyện lị), Hưng Nhân và 33 xã.
STT | Danh sách các xã phường thuộc huyện Hưng Hà (Thái Bình) |
1 | Thị trấn Hưng Hà |
2 | Xã Điệp Nông |
3 | Xã Tân Lễ |
4 | Xã Cộng Hòa |
5 | Xã Dân Chủ |
6 | Xã Canh Tân |
7 | Xã Hòa Tiến |
8 | Xã Hùng Dũng |
9 | Xã Tân Tiến |
10 | Thị trấn Hưng Nhân |
11 | Xã Đoan Hùng |
12 | Xã Duyên Hải |
13 | Xã Tân Hòa |
14 | Xã Văn Cẩm |
15 | Xã Bắc Sơn |
16 | Xã Đông Đô |
17 | Xã Phúc Khánh |
18 | Xã Liên Hiệp |
19 | Xã Tây Đô |
20 | Xã Thống Nhất |
21 | Xã Tiến Đức |
22 | Xã Thái Hưng |
23 | Xã Thái Phương |
24 | Xã Hòa Bình |
25 | Xã Chi Lăng |
26 | Xã Minh Khai |
27 | Xã Hồng An |
28 | Xã Kim Chung |
29 | Xã Hồng Lĩnh |
30 | Xã Minh Tân |
31 | Xã Văn Lang |
32 | Xã Độc Lập |
33 | Xã Chí Hòa |
34 | Xã Minh Hòa |
35 | Xã Hồng Minh |
3. Vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên huyện Hưng Hà (Thái Bình):
3.1. Vị trí địa lý:
Huyện Hưng Hà nằm ở phía Tây Bắc của tỉnh Thái Bình, nằm cách thành phố Thái Bình khoảng 28 km về phía Tây Bắc, cách trung tâm thủ đô Hà Nội khoảng 82 km về phía Đông Nam, cách trung tâm thành phố Hải Phòng khoảng 67 km về phía Đông Bắc, có vị trí địa lý:
- Phía Đông giáp huyện Đông Hưng và huyện Quỳnh Phụ.
- Phía Tây giáp huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam và thành phố Hưng Yên, tỉnh Hưng Yên.
- Phía Nam giáp huyện Vũ Thư.
- Phía Bắc giáp huyện Tiên Lữ và huyện Phù Cừ thuộc tỉnh Hưng Yên.
Hưng Hà có ba mặt giáp sông Hồng (phía Tây) cùng hai phân lưu của nó là sông Luộc (phía Bắc) và sông Trà Lý (phía Nam). Xã Tân Lễ là cực Tây của cả huyện lẫn tỉnh Thái Bình, nằm tại ngã ba sông giữa sông Hồng và sông Luộc. Cực Nam của huyện là xã Hồng Minh, nằm tại ngã ba sông Hồng và sông Trà Lý (tên cổ là cửa Tuần Vườn). Cực Đông là xã Bắc Sơn, nằm tại ngã ba ranh giới với hai huyện Quỳnh Phụ và Đông Hưng. Cực Bắc là thôn Ngũ Đông, xã Điệp Nông hữu ngạn sông Luộc. Sông Tiên Hưng lấy nước sông Luộc tại cống Nhâm Lang, xã Tân Tiến chảy qua giữa huyện theo hướng Tây Bắc – Đông Nam hòa vào sông Diêm Hộ. Ngoài ra huyện có một mạng lưới các con sông nhỏ, kênh rạch nhỏ, nối thông với các sông Hồng, Luộc, Trà Lý.
3.2. Địa hình, địa mạo:
Huyện Hưng Hà thuộc vùng châu thổ sông Hồng, địa hình tương đối bằng phẳng với độ dốc nhỏ hơn 1% (trên 1 km), cao trình biến thiên từ 1 – 2m so với mặt nước biển. Nhìn chung, địa bàn huyện có độ cao bình quân lớn nhất tỉnh, hướng đất thấp dần từ Bắc xuống Nam. Đất Hưng Hà thuộc khu vực phía Bắc sông Trà Lý được hình thành sớm và chịu ảnh hưởng của phù sa sông Hồng và sông Luộc nên là vùng đất tương đối cao hơn, độ cao trung bình từ 1,3 – 3,5 m so với mực nước biển (ở khu vực trong đê).
3.3. Khí hậu:
Huyện Hưng Hà nằm trong vùng nhiệt đới gió mùa nóng ẩm, và có sự ảnh hưởng của biển. Đặc điểm khí hậu thời tiết của huyện như sau:
- Nhiệt độ: Nhiệt độ trung bình năm từ 23,5 °C, cao nhất là 39 °C, nhiệt độ thấp nhất là 4 °C.
- Chế độ mưa: Lượng mưa trung bình năm xấp xỉ 2.000mm, biên độ giao động 1.200 – 3.000mm, phân bố theo mùa rõ rệt: Mùa mưa kéo dài 6 tháng (tháng 5 đến tháng 10).
- Độ ẩm không khí: Độ ẩm tương đối trung bình hàng năm thường trên 80%, mùa mưa độ ẩm cao có thể đạt tới mức bão hòa.
- Nắng: Tổng số giờ nắng trung bình trong năm khoảng 1.600 – 1650 giờ.
- Gió: Hướng gió thịnh hành mùa đông là gió Đông Bắc từ tháng 11 đến tháng 4; về mùa hạ gió Đông Nam thổi tháng 5 đến tháng 9, trong đó giai đoạn đầu mùa hạ (tháng 5 đến tháng 7) thường xuất hiện xen kẽ với những đợt gió Tây khô nóng. Tốc độ gió trung bình năm là 3,9 m/s, trung bình tháng lớn nhất là 4,9 m/s, trung bình tháng nhỏ nhất là 3,1 m/s.
3.4. Thủy văn:
Huyện Hưng Hà chịu ảnh hưởng chủ yếu của các sông là sông Hồng, sông Luộc và sông Trà Lý.
- Sông Hồng chảy ven theo địa giới hành chính các xã Tân Lễ, thị trấn Hưng Nhân, Tiến Đức, Hồng An, Minh Tân, Độc Lập, Hồng Minh với chiều dài khoảng 14 km. Vào mùa mưa từ tháng 6 đến tháng 10 mực nước sông lên nhanh và cao hơn mặt ruộng từ 2 – 5m. Mùa khô từ tháng 11 đến tháng 5 năm sau mực nước sông xuống thấp hơn mặt ruộng từ 2 – 3m. Sông Hồng đóng vai trò rất quan trọng trong việc cung cấp nước sinh hoạt và sản xuất, đồng thời cũng cung cấp lượng phù sa không nhỏ phục vụ việc cải tạo đồng ruộng.
- Sông Luộc là một nhánh của sông Hồng chảy qua địa bàn huyện bắt đầu từ xã Tân Lễ đến xã Điệp Nông qua địa phận các xã: Tân Lễ, Canh Tân, Cộng Hòa, Hòa Tiến, Tân Tiến, Điệp Nông có chiều dài 21 km. Lưu lượng dòng chảy phụ thuộc vào lượng mưa hàng năm. Sông Luộc cũng góp phần tích cực vào việc tưới, tiêu và bồi đắp phù sa cho đồng ruộng.
- Sông Trà Lý là một nhánh của sông Hồng chảy qua địa bàn huyện bắt đầu từ xã Hồng Minh đến xã Chí Hòa (qua địa phận 2 xã: Hồng Minh, Chí Hòa); có chiều dài 4,5 km. Lưu lượng dòng chảy phụ thuộc vào lượng mưa hàng năm.
4. Lịch sử hình thành và phát triển huyện Hưng Hà (Thái Bình):
Huyện Hưng Hà được thành lập ngày 17 tháng 6 năm 1969 trên cơ sở hợp nhất 2 huyện: Duyên Hà, Hưng Nhân và 5 xã: Bắc Sơn, Đông Đô, Tây Đô, Hòa Bình, Chi Lăng của huyện Tiên Hưng cũ.
Trước khi hợp nhất, huyện Hưng Nhân có 28 đơn vị hành chính cấp xã, bao gồm 28 xã: Canh Tân, Cấp Tiến, Chí Hòa, Cộng Hòa, Độc Lập, Hiệp Hòa, Hoàng Đức, Hồng An, Hồng Hà, Hồng Lĩnh, Hồng Phong, Kim Trung, Lam Sơn, Liên Hiệp, Minh Hòa, Minh Hồng, Minh Khai, Minh Tân, Phạm Lễ, Phúc Khánh, Tân Mỹ, Tân Sơn, Tân Tiến, Tân Việt, Thái Hưng, Thái Thịnh, Tiến Dũng, Trần Phú, Văn Lang. Huyện Duyên Hà có 10 xã: An Đình, An Đồng, Dân Chủ, Đoan Hùng, Duyên Hải, Hùng Dũng, Tam Điệp, Tam Nông, Thống Nhất và Văn Cẩm.
Sau khi hợp nhất 2 huyện nói trên và sáp nhập 5 xã của huyện Tiên Hưng cũ về huyện Hưng Hà mới thành lập để quản lý, ban đầu, huyện Hưng Hà có 43 đơn vị hành chính cấp xã, bao gồm 43 xã: An Đình, An Đồng, Bắc Sơn, Canh Tân, Cấp Tiến, Chí Hòa, Chi Lăng, Cộng Hòa, Dân Chủ, Đoan Hùng, Độc Lập, Đông Đô, Duyên Hải, Hiệp Hòa, Hòa Bình, Hoàng Đức, Hồng Hà, Hồng Lĩnh, Hồng Phong, Hùng Dũng, Kim Trung, Lam Sơn, Liên Hiệp, Minh Hòa, Minh Hồng, Minh Khai, Minh Tân, Phạm Lễ, Phúc Khánh, Tam Điệp, Tam Nông, Tân Mỹ, Tân Sơn, Tân Tiến, Tân Việt, Tây Đô, Thái Hưng, Thái Thịnh, Thống Nhất, Tiến Dũng, Trần Phú, Văn Cẩm và Văn Lang.
Ngày 18 tháng 12 năm 1976, sáp nhập xã An Đình vào xã Thống Nhất.
Ngày 23 tháng 2 năm 1977, Phủ Thủ tướng ban hành Quyết định số 618-VP18. Theo đó:
- Hợp nhất 2 xã: Minh Hồng và Hồng Phong thành xã Hồng Minh.
- Hợp nhất 2 xã: Tiến Dũng và Hoàng Đức thành xã Tiến Đức.
- Hợp nhất 2 xã: Phạm Lễ và Tân Mỹ thành xã Tân Lễ.
- Hợp nhất 2 xã: Tam Điệp và Tam Nông thành xã Điệp Nông.
- Hợp nhất 2 xã: Lam Sơn và Trần Phú thành xã Phú Sơn.
- Hợp nhất 2 xã: Hòa Bình và Chi Lăng thành xã Bình Lăng.
- Hợp nhất 2 xã: Tân Việt (gồm 3 thôn: Điềm, Gạo, Hà) và Hồng Hà thành xã Hồng An.
- Hợp nhất 2 xã: Tân Việt (phần còn lại của thôn Phương La) và Thái Thịnh thành xã Thái Phương.
- Hợp nhất 2 xã: Hiệp Hòa (gồm 4 thôn: Bùi Tịp, Nguộn, Tư Nam, Phú Lâm) và Cấp Tiến thành xã Hòa Tiến.
- Hợp nhất 2 xã: Hiệp Hòa (phần còn lại của 2 thôn: Lương và Me) và Tân Sơn thành xã Tân Hòa.
- Lúc này 2 xã: Hiệp Hòa và Tân Việt bị giải thể.
Ngày 21 tháng 6 năm 1989, thành lập thị trấn Hưng Hà-thị trấn huyện lỵ của huyện Hưng Hà trên cơ sở toàn bộ diện tích và dân số của xã An Đồng.
Ngày 16 tháng 5 năm 2005, thành lập thị trấn Hưng Nhân trên cơ sở toàn bộ diện tích và dân số của xã Phú Sơn, chia lại xã Bình Lăng thành 2 xã: Hòa Bình và Chi Lăng.
Huyện Hưng Hà có 2 thị trấn và 33 xã như hiện nay.
THAM KHẢO THÊM: