Khi một người chết đi mà họ có tài sản để lại là nhà đất thì tài sản là nhà đất đó sẽ được chia cho cho những người được định đoạt trong di chúc, còn nếu như không có di chúc thì di sản đó sẽ được chia theo pháp luật. Vậy những ai được phép giữ giấy tờ nhà đất khi chưa chia di sản thừa kế?
Mục lục bài viết
- 1 1. Ai được phép giữ giấy tờ nhà đất khi chưa chia di sản thừa kế?
- 2 2. Nghĩa vụ của người giữ giấy tờ nhà đất khi chưa chia di sản thừa kế:
- 3 3. Quyền của người giữ giấy tờ nhà đất khi chưa chia di sản thừa kế:
- 4 4. Những ai được thỏa thuận cử người giữ giấy tờ nhà đất khi chưa chia di sản thừa kế:
1. Ai được phép giữ giấy tờ nhà đất khi chưa chia di sản thừa kế?
Trong trường hợp người có tài sản là nhà đất chết mà có để lại di chúc thể hiện ý chí, nguyện vọng của mình là để lại phần nhà đất của mình cho những ai hoặc người để lại di sản thừa kế là nhà đất không có di chúc mà những người được hưởng thừa kế theo pháp luật chưa thực hiện thủ tục phân chia di sản thừa kế, thế nên phần nhà đất đó chưa thuộc quyền sử hữu của ai cả. Vì chỉ khi thực hiện thủ tục phân chia di sản thừa kế hoặc khai nhận di sản thừa kế thì những người thuộc vào hàng từ kế hoặc những người được hưởng thừa kế từ di chúc hoàn thành việc đăng ký sở hữu thì khi đó nhà đất mới được coi là tài sản có sở hữu chung hoặc sở hữu riêng của từng người. Và pháp luật nước ta cũng không quy định cụ thể trường hợp chưa chia di sản thừa kế thì những ai sẽ là người có quyền giữ giấy tờ nhà đất.
Tại Điều 616 Bộ Luật Dân sự 2015 có quy định về người quản lý di sản, theo quy định này thì những người quản lý di sản là những người theo thứ tự sau:
– Người quản lý di sản chính là người được chỉ định trong di chúc hoặc do những người thừa kế thoả thuận cử ra;
– Trường hợp trong di chúc không chỉ định ra người quản lý di sản và những người thừa kế cũng chưa cử được người quản lý di sản thì người đang chiếm hữu, đang sử dụng, quản lý di sản sẽ tiếp tục quản lý di sản đó cho đến khi những người thừa kế cử được ra người quản lý di sản;
– Trường hợp chưa xác định được những người thừa kế và di sản cũng chưa có người quản lý thì di sản sẽ do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quản lý.
Như vậy, theo quy định của pháp luật, người quản lý di sản khi những người thừa kế theo di chúc hoặc theo pháp luật chưa làm thủ tục phân chia di sản thừa kế hoặc khai nhận di sản thừa kế là những người sau:
– Người quản lý di sản là người được chính người để lại di sản chỉ định trong di chúc;
– Nếu như người để lại di sản không chỉ định người quản lý di sản trong di chúc thì người quản lý di sản sẽ do những người thừa kế thỏa thuận cử ra;
– Trong trường hợp không có người quản lý di sản trong di chúc, những người thừa kế cũng chưa cử được ra người quản lý di sản thì người đang chiếm hữu, sử dụng, đang quản lý di sản sẽ tiếp tục quản lý di sản đó cho đến khi những người thừa kế cử được người quản lý di sản;
– Trong trường hợp không có những người quản lý di sản trên thì di sản do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quản lý.
Lưu ý rằng, những người quản lý di sản mà pháp luật quy định sẽ phải là những người xếp theo thứ tự từ trên xuống dưới.
Điều đó có nghĩa là người được phép giữ giấy tờ nhà đất khi chưa chia di sản thừa kế là một trong những đối tượng sau:
– Người được chỉ định trong di chúc;
– Người được những người thừa kế thỏa thuận cử ra;
– Người đang sử dụng nhà đất là di sản;
– Cơ quan nhà nước có thẩm quyền quản lý di sản là đất đai. Trong trường hợp này, di sản sẽ được xác lập quyền sở hữu theo quy định tại Điều 288 Bộ Luật Dân sự 2015, việc xác lập quyền sở hữu đối với tài sản vô chủ, tài sản không xác định được chủ sở hữu thì sau một năm kể từ thời điểm mở thừa kế và thông báo công khai thì di sản là nhà đất sau 05 năm di sản là nhà đất đó sẽ thuộc về nhà nước. Trường hợp này, cơ quan quản lý nhà nước là người quản lý di sản, do vậy toàn bộ di sản là nhà đất thì đều thuộc quyền sở hữu của nhà nước.
Tuy nhiên sổ đỏ, sổ hồng hay các giấy tờ nhà đất khác chỉ là các loại giấy tờ chứng minh về quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở, tài sản khác gắn liền với đất hợp pháp của người có di sản để lại, thế nên người quản lý di sản không những phải có trách nhiệm, nghĩa vụ bảo quản những loại giấy tờ đó mà còn phải bảo quản về hiện trạng đất đai, nhà cửa đang có.
2. Nghĩa vụ của người giữ giấy tờ nhà đất khi chưa chia di sản thừa kế:
Tại Điều 617 của Bộ Luật Dân sự 2015 có quy định về nghĩa vụ của người quản lý di sản, theo quy định này thì người giữ giấy tờ nhà đất khi chưa chia di sản thừa kế có nghĩa vụ sau:
– Đối với người giữ giấy tờ nhà đất khi chưa chia di sản thừa kế là người được chỉ định trong di chúc, người được những người thừa kế thỏa thuận cử ra, cơ quan nhà nước có thẩm quyền quản lý:
+ Lập danh mục di sản là nhà đất; thu hồi tài sản là nhà đất thuộc di sản của người chết mà người khác đang chiếm hữu, trừ trường hợp pháp luật có những quy định khác;
+ Bảo quản nhà đất, giấy tờ nhà đất; không được bán, trao đổi, tặng cho, cầm cố, thế chấp hoặc định đoạt nhà đất bằng hình thức khác, nếu như không được những người thừa kế đồng ý bằng văn bản;
+ Thông báo về tình trạng nhà đất, tình trạng giấy tờ nhà đất cho những người thừa kế;
+ Bồi thường thiệt hại nếu như vi phạm nghĩa vụ của mình mà gây thiệt hại;
+ Giao lại nhà đất, giấy tờ nhà đất theo yêu cầu của người thừa kế.
– Đối với người giữ giấy tờ nhà đất khi chưa chia di sản thừa kế là người đang sử dụng nhà đất:
+ Bảo quản nhà đất, giấy tờ nhà đất; không được bán, trao đổi, tặng cho, cầm cố, thế chấp hoặc định đoạt nhà đất bằng hình thức khác;
+ Thông báo về nhà đất, giấy tờ nhà đất cho những người thừa kế;
+ Bồi thường thiệt hại nếu như vi phạm nghĩa vụ của mình mà gây thiệt hại;
+ Giao lại nhà đất, giấy tờ nhà đất theo thoả thuận trong hợp đồng với người để lại di sản hoặc theo yêu cầu của người thừa kế.
3. Quyền của người giữ giấy tờ nhà đất khi chưa chia di sản thừa kế:
Tại Điều 618 của Bộ Luật Dân sự 2015 có quy định về quyền của người quản lý di sản, theo quy định này thì người giữ giấy tờ nhà đất khi chưa chia di sản thừa kế có các quyền sau:
– Đối với người giữ giấy tờ nhà đất khi chưa chia di sản thừa kế là người được chỉ định trong di chúc, người được những người thừa kế thỏa thuận cử ra, cơ quan nhà nước có thẩm quyền quản lý:
+ Đại diện cho những người thừa kế trong quan hệ với người thứ ba liên quan đến nhà đất, giấy tờ nhà đất thừa kế;
+ Được hưởng thù lao theo thoả thuận với những người thừa kế;
+ Được thanh toán chi phí bảo quản di sản.
– Đối với người giữ giấy tờ nhà đất khi chưa chia di sản thừa kế là người đang sử dụng nhà đất:
+ Được tiếp tục sử dụng nhà đất, giấy tờ nhà đất theo thoả thuận trong hợp đồng với người để lại di sản hoặc được sự đồng ý của những người được thừa kế;
+ Được hưởng thù lao theo thoả thuận với những người thừa kế;
+ Được thanh toán chi phí bảo quản nhà đất, giấy tờ nhà đất.
4. Những ai được thỏa thuận cử người giữ giấy tờ nhà đất khi chưa chia di sản thừa kế:
Như đã phân tích ở trên, chỉ khi trong di chúc của người để lại di sản không chỉ định ra người quản lý di sản (người giữ giấy tờ nhà đất khi chưa chia di sản thừa kế) thì những người thừa kế theo di chúc hoặc theo pháp luật mới có quyền thỏa thuận cử ra một người giữ giấy tờ nhà đất khi chưa chia di sản thừa kế.
Nếu như người để lại di sản có di chúc mà trong di chúc không chỉ định người quản lý di sản thì trong trường hợp những người được hưởng di sản đã được chỉ định trong di chúc chưa muốn làm thủ tục chia di sản hoặc theo ý chí của người lập di chúc, di sản chỉ được phân chia sau một thời hạn nhất định thì những người được hưởng thừa kế nhà đất sẽ thỏa thuận bằng văn bản cử ra một người quản lý di sản nhà đất đó. Ngoài những người được chỉ định hưởng di sản nhà đất được chỉ định trong di chúc thì có thể sẽ có những đối tượng sau cũng được quyền thỏa thuận cử ra một người quản lý giấy tờ nhà đất nếu như người để lại di sản không cho họ hưởng hoặc chỉ cho họ hưởng phần di sản ít hơn hai phần ba suất của một người thừa kế theo pháp luật, trừ những người từ chối nhận di sản hoặc những người không có quyền hưởng di sản:
– Con chưa thành niên, cha, mẹ, vợ, chồng;
– Con thành niên mà không có khả năng lao động.
Nếu như người có tài sản là nhà đất chết mà không để lại di chúc thì tài sản là nhà đất đó sẽ trở thành di sản, di sản là nhà đất này sẽ được chia theo pháp luật, khi đó những người có quyền thỏa thuận cử ra một người giữ giấy tờ nhà đất khi chưa chia thừa kế sẽ là những người được thừa kế theo pháp luật, đó chính là những người ở hàng thừa kế thứ nhất mà pháp luật quy định (vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết). Chỉ khi tất cả những người ở hàng thừa kế thứ nhất không còn ai hoặc những người đó đều từ chối nhận di sản là nhà đất thì mới đến những người thừa kế ở hàng thừa kế thứ hai cử ra người giữ giấy tờ nhà đất khi chưa chia thừa kế.
Những văn bản pháp luật được sử dụng trong bài viết:
– Bộ Luật Dân sự 2015.