Hưởng di sản khi có di chúc chỉ định. Quy định về hưởng thừa kế, thừa kế theo di chúc, thừa kế theo pháp luật.
Hưởng di sản khi có di chúc chỉ định. Quy định về hưởng thừa kế, thừa kế theo di chúc, thừa kế theo pháp luật.
Tóm tắt câu hỏi:
Bố, mẹ em tôi khi còn sống đã làm di chúc cho em của tôi được thừa kế nhà cửa. Nay mẹ em tôi mất, bố em tôi có ý định đi bước nữa, nay em tôi muốn đòi quyền thừa kế nhằm tránh tình trạng hôn nhân sau này của bố phát sinh chuyện chia phân chia tài sản. Xin luật sư tư vấn! (Nhà em tôi có tới 10 anh chị em, nhưng di chúc chỉ để tài sản lại cho mình em của tôi).
Luật sư tư vấn:
Cám ơn bạn đã gửi câu hỏi của mình đến Ban biên tập – Phòng tư vấn trực tuyến của Công ty LUẬT DƯƠNG GIA. Với thắc mắc của bạn, Công ty LUẬT DƯƠNG GIA xin được đưa ra quan điểm tư vấn của mình như sau:
Bộ luật dân sự năm 2015 hiện tại đang có hiệu lực thi hành không quy định về việc lập di chúc chung của vợ chồng.
Theo quy định tại Điều 213 Bộ luật dân sự năm 2015 quy định về sở hữu chung của vợ chồng như sau:
“Điều 213. Sở hữu chung của vợ chồng
1. Sở hữu chung của vợ chồng là sở hữu chung hợp nhất có thể phân chia.
2. Vợ chồng cùng nhau tạo lập, phát triển khối tài sản chung; có quyền ngang nhau trong việc chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản chung.
3. Vợ chồng thỏa thuận hoặc ủy quyền cho nhau chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản chung.
4. Tài sản chung của vợ chồng có thể phân chia theo thỏa thuận hoặc theo quyết định của Tòa án.
5. Trường hợp vợ chồng lựa chọn chế độ tài sản theo thỏa thuận theo quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình thì tài sản chung của vợ chồng được áp dụng theo chế độ tài sản này”.
Đồng thời tại Điều 218 Bộ luật dân sự năm 2015 quy định về định đoạt tài sản chung như sau:
“Điều 218. Định đoạt tài sản chung
1. Mỗi chủ sở hữu chung theo phần có quyền định đoạt phần quyền sở hữu của mình.
2. Việc định đoạt tài sản chung hợp nhất được thực hiện theo thỏa thuận của các chủ sở hữu chung hoặc theo quy định của pháp luật.
3. Trường hợp một chủ sở hữu chung theo phần bán phần quyền sở hữu của mình thì chủ sở hữu chung khác được quyền ưu tiên mua.
Trong thời hạn 03 tháng đối với tài sản chung là bất động sản, 01 tháng đối với tài sản chung là động sản, kể từ ngày các chủ sở hữu chung khác nhận được thông báo về việc bán và các điều kiện bán mà không có chủ sở hữu chung nào mua thì chủ sở hữu đó được quyền bán cho người khác. Việc thông báo phải được thể hiện bằng văn bản và các điều kiện bán cho chủ sở hữu chung khác phải giống như điều kiện bán cho người không phải là chủ sở hữu chung.
Trường hợp bán phần quyền sở hữu mà có sự vi phạm về quyền ưu tiên mua thì trong thời hạn 03 tháng, kể từ ngày phát hiện có sự vi phạm về quyền ưu tiên mua, chủ sở hữu chung theo phần trong số các chủ sở hữu chung có quyền yêu cầu Tòa án chuyển sang cho mình quyền và nghĩa vụ của người mua; bên có lỗi gây thiệt hại phải bồi thường thiệt hại.
4. Trường hợp một trong các chủ sở hữu chung đối với bất động sản từ bỏ phần quyền sở hữu của mình hoặc khi người này chết mà không có người thừa kế thì phần quyền sở hữu đó thuộc về Nhà nước, trừ trường hợp sở hữu chung của cộng đồng thì thuộc sở hữu chung của các chủ sở hữu chung còn lại.
5. Trường hợp một trong các chủ sở hữu chung đối với động sản từ bỏ phần quyền sở hữu của mình hoặc khi người này chết mà không có người thừa kế thì phần quyền sở hữu đó thuộc sở hữu chung của các chủ sở hữu còn lại.
6. Trường hợp tất cả các chủ sở hữu từ bỏ quyền sở hữu của mình đối với tài sản chung thì việc xác lập quyền sở hữu được áp dụng theo quy định tại Điều 228 của Bộ luật này”.
Nếu như di chúc trong trường hợp của được lập là di chúc chung của vợ chồng. Thời điểm lập là trước khi Bộ luật dân sự năm 2015 có hiệu lực (01/01/2017) thì sẽ thuộc điều chỉnh của Bộ luật dân sự năm 2005 có như sau:
Điều 663. Di chúc chung của vợ, chồng
Vợ, chồng có thể lập di chúc chung để định đoạt tài sản chung.
Điều 664. Sửa đổi, bổ sung, thay thế, hủy bỏ di chúc chung của vợ, chồng
1. Vợ, chồng có thể sửa đổi, bổ sung, thay thế, hủy bỏ di chúc chung bất cứ lúc nào.
2. Khi vợ hoặc chồng muốn sửa đổi, bổ sung, thay thế, hủy bỏ di chúc chung thì phải được sự đồng ý của người kia; nếu một người đã chết thì người kia chỉ có thể sửa đổi, bổ sung di chúc liên quan đến phần tài sản của mình.
…..
Điều 668. Hiệu lực pháp luật của di chúc chung của vợ, chồng
Di chúc chung của vợ, chồng có hiệu lực từ thời điểm người sau cùng chết hoặc tại thời điểm vợ, chồng cùng chết”.
Theo đó, di chúc chung của vợ, chồng có hiệu lực từ thời điểm người sau cùng chết hoặc tại thời điểm vợ, chồng cùng chết. Khi vợ hoặc chồng muốn sửa đổi, bổ sung, thay thế, hủy bỏ di chúc chung thì phải được sự đồng ý của người kia; nếu một người đã chết thì người kia chỉ có thể sửa đổi, bổ sung di chúc liên quan đến phần tài sản của mình.
>>> Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài: 1900.6568
Như vậy, đối với trường hợp của bạn. Mẹ đã mất, bố còn sống. Thì bố có quyền sửa đổi, bổ sung di chúc liên quan đến phần tài sản của bố. Còn phần tài sản của mẹ đã được định đoạt cho người em thì sẽ thuộc về người em. Và phần tài sản của mẹ làm di chúc cho em sẽ có hiệu lực khi bố mất nếu đó là di chúc chung của vợ chồng.