Khoảng cách mái nhà, nghĩa vụ thoát nước mưa của bất động sản liền kề. Quy chuẩn về khoảng cách mái nhà giữa các bất động sản.
Khoảng cách mái nhà, nghĩa vụ thoát nước mưa của bất động sản liền kề. Quy chuẩn về khoảng cách mái nhà giữa các bất động sản.
Tóm tắt câu hỏi:
Nhà tôi xây trước, nhà hàng xóm xây sau, nhưng mái nhà của nhà hàng xóm thì nghiêng về phía nhà tôi, cũng có cách mái nhà tôi 1 khoảng ít. Trời mưa nhỏ thì không sao, trời mưa vừa hoặc lớn thì toàn bộ lượng nước đổ lên nhà tôi, luật sư cho tôi hỏi tôi phải kiện như thế nào? Tôi có trình bày với tổ trưởng, nhưng đã 5 năm rồi nhà đó vẫn không khắc phục, nộp đơn ở uỷ ban thì theo kiểu giảng hoà và không kiện được. Cho tôi hỏi luật xây dựng điều nào quy định về khoảng cách mái nhà đổ nước sang nhà hàng xóm là điều nào, và cách khiếu nại ra sao.?
Luật sư tư vấn:
Cám ơn bạn đã gửi câu hỏi của mình đến Ban biên tập – Phòng tư vấn trực tuyến của Công ty LUẬT DƯƠNG GIA. Với thắc mắc của bạn, Công ty LUẬT DƯƠNG GIA xin được đưa ra quan điểm tư vấn của mình như sau:
1. Cơ sở pháp lý:
2. Giải quyết vấn đề:
Căn cứ Điều 269 Bộ luật dân sự 2005 quy định như sau:
“Chủ sở hữu nhà phải lắp đặt đường dẫn nước sao cho nước mưa từ mái nhà của mình không được chảy xuống bất động sản của chủ sở hữu bất động sản liền kề.”
Cụ thể, quy chuẩn xây dựng đã được Bộ xây dựng ban hành năm 2008 tại Quyết định 04/2008/QĐ-BXD có quy định như sau: Tại chương 2 điểm 2.8.12 có quy định quy hoạch về không gian quan hệ với các công trình bên cạnh đó là công trình không được vi phạm ranh giới:
– Không bộ phận nào của ngôi nhà kể cả thiết bị, đường ống, phần ngầm dưới đất (móng, đường ống), được vượt quá ranh giới với lô đất bên cạnh;
– Không được xả nước mưa, nước thải các loại (kể cả nước ngưng tụ của máy lạnh), khí bụi, khí thải sang nhà bên cạnh.
Như vậy, hành vi xây mái nhà của nhà hàng xóm làm cho nước mưa chảy xuống nhà của nhà bạn là bất động sản liền kề là hành vi trái pháp luật dân sự. Theo quy định của Điều 259 Bộ luật dân sự 2005 quy định về quyền yêu cầu ngăn chặn hoặc chấm dứt hành vi cản trở trái pháp luật đối với việc thực hiện quyền sở hữu, quyền chiếm hữu hợp pháp như sau :
“Khi thực hiện quyền sở hữu, quyền chiếm hữu của mình, chủ sở hữu, người chiếm hữu hợp pháp có quyền yêu cầu người có hành vi cản trở trái pháp luật phải chấm dứt hành vi đó; nếu không có sự chấm dứt tự nguyện thì có quyền yêu cầu Toà án, cơ quan, tổ chức có thẩm quyền khác buộc người đó chấm dứt hành vi vi phạm.”
Bạn có quyền yêu cầu chủ nhà bên cạnh chấm dứt hành vi vi phạm hay phải khăc phục hành vi đã gây ra. Nếu chủ sở hữu nhà bên cạnh không tự nguyện chấm dứt hành vi đó, bạn có quyền yêu cầu Tòa án, cơ quan, tổ chức có thẩm quyền khác buộc người đó chấm dứt hành vi vi phạm.
>>> Luật sư tư vấn nghĩa vụ thoát nước mưa qua bất động sản liền kề: 1900.6568
Theo như thông tin bạn cung cấp, bạn đã yêu cầu người có hành vi vi phạm chấm dứt và có yêu cầu cơ quan cấp xã giải quyết nhưng vẫn không được giải quyết. Vậy trong trường hợp này, bạn nên làm đơn yêu cầu Tòa án giải quyết việc dấn sự Theo quy định tại Điều 159 Bộ luật dân sự 2005 quy định:
“1. Thời hiệu khởi kiện vụ án dân sự được tính từ ngày quyền, lợi ích hợp pháp bị xâm phạm, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.
2. Thời hiệu yêu cầu giải quyết việc dân sự được tính từ ngày phát sinh quyền yêu cầu, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác. ”
Cách tính thời hiệu được quy định tại điểm a khoản 5 Điều 23 Nghị quyết 03/2012/NQ-HĐTP quy định:
“ Thời điểm bắt đầu thời hiệu khởi kiện được tính kể từ ngày quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, cơ quan, tổ chức, lợi ích công cộng, lợi ích của Nhà nước bị xâm phạm và được xác định như sau:
a) Đối với nghĩa vụ dân sự mà các bên có thoả thuận hoặc pháp luật có quy định thời hạn thực hiện, nếu hết thời hạn đó mà bên có nghĩa vụ không thực hiện, thì ngày hết hạn thực hiện nghĩa vụ là ngày xảy ra xâm phạm ”
Như vậy, việc gia đình hàng xóm sau 5 năm vẫn không khắc phục thì sau 5 năm đó, được tính là thời điểm bắt đầu xảy ra sự xâm phạm. Bạn vẫn còn thời hiệu để khởi kiện để giải quyết tranh chấp. Bạn cần làm đơn khởi kiện Tòa án nhân dân cấp huyện nơi địa phương bị đơn (nhà hàng xóm) bạn cư trú để được giải quyết quyền và lợi ích chính đáng của mình. Trình tự, thủ tục được áp dụng theo thủ tục tố tụng dân sự.