Bố mất con có được hưởng di sản thừa kế từ ông bà nội? Phân chia di sản thừa kế theo pháp luật.
Bố mất con có được hưởng di sản thừa kế từ ông bà nội? Phân chia di sản thừa kế theo pháp luật.
Tóm tắt câu hỏi:
Thưa luật sư. Tôi xin hỏi một việc như sau: Gia đình bên chồng tôi có 3 người con, 2 trai và 1 gái. Mẹ chồng tôi đã mất từ lâu vào năm 2003, bố chồng tôi mới mất 2015. Người con trai trưởng của bố mẹ chồng tôi cũng mất năm 2004. Hiện tại chỉ còn chồng tôi là con trai út và 1 chị gái cũng đã có chồng, có con. Người con trai trưởng có 1 người con gái nhưng khi anh trai chồng tôi mất vợ của anh ấy đã bỏ nhà chồng tôi và đem con đi cùng và làm lại giấy khai sinh thay đổi họ của cháu bé bằng họ của người khác chứ không để họ của anh trai chồng tôi. Vậy tôi muốn hỏi cháu bé con anh trai chồng tôi có được hưởng thừa kế đất của bố mẹ chồng tôi để lại hay không (bố cháu đã mất, mẹ cháu không nuôi cháu, mà cũng không có đóng góp gì cho gia đình bên chồng tôi. Từ khi bỏ đi mẹ cháu để cháu cho bà ngoại cháu nuôi). Tôi mong được luật sư giải đáp giúp cho sớm. Tôi xin chân thành cám ơn luật sư?
Luật sư tư vấn:
Cám ơn bạn đã gửi câu hỏi của mình đến Ban biên tập – Phòng tư vấn trực tuyến của Công ty LUẬT DƯƠNG GIA. Với thắc mắc của bạn, Công ty LUẬT DƯƠNG GIA xin được đưa ra quan điểm tư vấn của mình như sau:
Nếu bố mẹ chồng bạn có để lại di chúc thì phần di sản để lại sẽ được thực hiện theo di chúc.
Trong trường hợp không có di chúc thì phần di sản sẽ được phân chia thừa kế theo pháp luật theo quy định tại Điều 675 Bộ luật dân sự 2005 như sau:
Điều 675. Những trường hợp thừa kế theo pháp luật
"1. Thừa kế theo pháp luật được áp dụng trong những trường hợp sau đây:
a) Không có di chúc;
b) Di chúc không hợp pháp;
c) Những người thừa kế theo di chúc đều chết trước hoặc chết cùng thời điểm với người lập di chúc; cơ quan, tổ chức được hưởng thừa kế theo di chúc không còn vào thời điểm mở thừa kế;
d) Những người được chỉ định làm người thừa kế theo di chúc mà không có quyền hưởng di sản hoặc từ chối quyền nhận di sản.
2. Thừa kế theo pháp luật cũng được áp dụng đối với các phần di sản sau đây:
a) Phần di sản không được định đoạt trong di chúc;
>>> Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài: 1900.6568
b) Phần di sản có liên quan đến phần của di chúc không có hiệu lực pháp luật;
c) Phần di sản có liên quan đến người được thừa kế theo di chúc nhưng họ không có quyền hưởng di sản, từ chối quyền nhận di sản, chết trước hoặc chết cùng thời điểm với người lập di chúc; liên quan đến cơ quan, tổ chức được hưởng di sản theo di chúc, nhưng không còn vào thời điểm mở thừa kế."
Như vậy, di sản thừa kế sẽ được chia đều cho những người thuộc hàng thừa kế thứ nhất quy định tại điểm a) Khoản 1 Điều 676 Bộ luật dân sự 2005:
"Điều 676. Người thừa kế theo pháp luật
1. Những người thừa kế theo pháp luật được quy định theo thứ tự sau đây:
a) Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết;"
Điều 677 Bộ luật Dân sự 2005 quy định về thừa kế thế vị như sau: “Trong trường hợp con của người để lại di sản chết trước hoặc cùng một thời điểm với người để lại di sản thì cháu được hưởng phần di sản mà cha hoặc mẹ của cháu được hưởng nếu còn sống; nếu cháu cũng chết trước hoặc cùng một thời điểm với người để lại di sản thì chắt được hưởng phần di sản mà cha hoặc mẹ của chắt được hưởng nếu còn sống.”
Dù vợ anh trai chồng bạn đã bỏ đi và cháu đã đổi họ nhưng về mặt pháp luật, cháu vẫn là con trai anh chồng bạn. Do đó, cháu vẫn sẽ được nhận một phần di sản thừa kế thay cho bố.