Yếu tố lịch sử và phong tục thể hiện trong nguyên tắc pháp luật bảo vệ quyền thừa kế tài sản của cá nhân, mọi cá nhân đều bình đẳng về quyền thừa kế.
1. Cơ sở pháp lý:
– Luật Hôn nhân gia đình năm 1959;
2. Luật sư tư vấn:
Nguyên tắc pháp luật thừa kế là những tư tưởng, quan điểm chỉ đạo xuyên suốt trong quá trình xây dựng và tổ chức thực hiện pháp luật thừa kế. Gắn với từng giai đoạn lịch sử nhất định của đất nước, pháp luật về quyền thừa kế có những thay đổi cho phù hợp với bản chất của nhà nước trong từng giai đoạn nhưng vẫn kế thừa những yếu tố lịch sử và phong tục tốt đẹp. Luôn luôn, pháp luật bảo vệ quyền thừa kế tài sản của cá nhân, mọi cá nhân đều bình đẳng về quyền thừa kế.
Quyền thừa kế là một trong những quyền cơ bản của công dân được Nhà nước ghi nhận trong Hiến pháp. Quy định này đã được khẳng định tại
“Quyền sở hữu tư nhân và quyền thừa kế được pháp luật bảo hộ”.
Trên cơ sở đạo luật cơ bản này, Điều 631 Bộ luật dân sự 2005 cũng như trong Điều 609 Bộ luật dân sự 2015 đã xác định rõ nội dung quyền này, đó là:
“Cá nhân có quyền lập di chúc để định đoạt tài sản của mình; để lại tài sản của mình cho người thừa kế theo pháp luật; hưởng di sản theo di chúc hoặc theo pháp luật”.
Theo phương diện khách quan, quyền thừa kế là tổng hợp các quy phạm pháp luật điều chỉnh trình tự, điều kiện, hình thức chuyển dịch tài sản, quyền tài sản (gồm cả quyền sử dụng đất) của một người đã chết cho những người còn sống, đồng thời bảo vệ quyền của người để lại di sản và quyền của người hưởng di sản thừa kế. Pháp luật bảo đảm quyền định đoạt của các nhân đối với tài sản sau khi cá nhân đó chết thông qua việc lập di chúc, nếu không lập di chúc để định đoạt tài sản của mình thì việc thừa kế được thực hiện theo quy định của pháp luật. Cùng với việc tôn trọng ý chí của cá nhân người có tài sản trong việc lập di chúc để định đoạt tài sản của họ sau khi chết, quyền thừa kế về phương diện khách quan còn được thể hiện ở chỗ pháp luật bảo đảm cho công dân có quyền bình đẳng trong việc hưởng di sản thừa kế, không phân biệt giới tính, già trẻ, có năng lực hành vi dân sự hay không có năng lực hành vi dân sự (nếu cùng hàng thừa kế thì đều được hưởng kỷ phần di sản ngang nhau). Điều 5 Bộ luật dân sự 2005 quy định:
“ Trong quan hệ dân sự, các bên đều bình đẳng, không được lấy lí do khác biệt về dân tộc, giới tính, thành phần xã hội, hoàn cảnh kinh tế, tín ngưỡng, tôn giáo, trình độ văn hóa, nghề nghiệp để đối xử không bình đẳng với nhau”.
Theo phương diện chủ quan, quyền thừa kế của công dân là quyền dân sự cụ thể của công dân trong việc để lại di sản và hưởng di sản thừa kế. Ý chí của người định đoạt tài sản bằng di chúc được pháp luật bảo hộ nhưng không phải được bảo hộ một cách tuyệt đối mà sự định đoạt ý chí của người lập di chúc có thể còn có sự liên quan đến những người được thừa kế không phụ thuộc vào nội dung của di chúc. Người thừa kế theo di chúc hoặc theo pháp luật đều có quyền hưởng di sản và quyền từ chối di sản.
Những quy định trên của pháp luật thừa kế hiện đại là sự kế thừa các quy định về thừa kế trong các giai đoạn trước đây nhưng cũng đã có những sự thay đổi để phù hợp nhưng vẫn mang tính lịch sử và phong tục, cụ thể.
Đầu tiên, trong chế độ xã hội trước năm 1945 được biết đến với chế độ phong kiến trị vì thì dưới triều Nguyễn (1802-1858), Bộ luật Gia Long cũng thừa nhận hai hình thức thừa kế là thừa kế theo di chúc và thừa kế theo pháp luật. Nếu như Bộ luật Hồng Đức có sự ghi nhận sự bình đảng giữa nam và nữ thì trong Bộ luật Gia Long, các qui định này không còn – mặc dù chỉ là quy định mang tính hình thức.
Tiếp đó, trong giai đoạn xã hội thuộc địa nửa phong kiến (1958 -1945), các quy định của pháp luật về thừa kế được đề cập tới trong ba bộ dân luật: Bộ Dân luật giản yếu Nam kỳ (1883), Bộ Dân luật Bắc kỳ (1931), Bộ Dân luật Bắc kỳ (1936). Trong thời kỳ này tư tưởng trọng nam khinh nữ rất được chú ý thông qua các quy định của pháp luật. Ngoài ra, cũng chính từ tư tưởng trọng nam, khinh nữ mà sự bất bình đẳng giữa vợ và chồng trong lĩnh vực thừa kế được duy trì. Quyền lực của người chồng trong gia đình là rất lớn. Theo đó, trong gia đình, người chồng được coi là gia trưởng, người vợ không có quyền lập di chúc để định đoạt tài sản riêng của mình nếu không được người chồng đồng ý (Điều 312 Bộ Dân luật Bắc Kỳ, Điều 313 Bộ Dân luật Trung kỳ). Trong gia đình người vợ không có quyền định đoạt tài sản chung của vợ chồng. Điều 346 Bộ luật Bắc Kỳ và Điều 341 Bộ luật Trung Kỳ qui định: Nếu người chồng chết trước thì người chỉ có quyền hưởng tài sản riêng của mình còn tài sản chung thì không được hưởng. Người vợ goá chỉ được hưởng di sản của người chồng khi không có người thừa kế nào bên nội, bên ngoại của người chồng. Nếu người vợ goá tái giá thì tài sản riêng của người chồng phải trả lại cho nhà chồng, tài sản riêng thì được mang đi, còn tài sản chung của vợ chồng thì được chia nếu vợ chồng không có con chung, nếu có con chung thì người vợ không được mang gì cả, vì tài sản chung của vợ chồng phải để lại cho con (Điều 360 Bộ Dân luật Bắc Kỳ và Điều 111 Bộ Dân luật Trung Kỳ). Ngược lại nếu người vợ chết trước người chồng thì người chồng sẽ trở thành người sở hữu duy nhất ngay cả đối với tài sản riêng của vợ. Mặc dù vậy, pháp luật về thừa kế giai đoạn này cũng coi trọng thừa kế của các con, các cháu (thừa kế thế vị). (Điều 337, Bộ Dân luật Bắc Kỳ) quy định:
“Những di sản không có chúc thư thì chuyển sang cho con người mệnh một, con trai, con gái đều được chia của bằng nhau. Trong các người con đều được thừa kế, nếu có người nào chết rồi mà khi khai phát việc thừa kế hiện còn con cháu, thì nhữngc on cháu ấy được thay mặt người thừa kế đã quá vãng để nhận lấy phần của người ấy mà chia nhau”.
Đây là quy định tiến bộ của pháp luật thời bấy giờ, thể hiện tư tưởng nam nữ bình đẳng và ghi nhận về thừa kế thế vị. Trong gia đình và nhiều trường hợp, nếu người chết không có con trai (mặc dù có con gái), họ thường lập di chúc cho cháu trai của mình (gọi bằng bác ruột, chú ruột) “ăn thừa tự”. Sự bất bình đẳng giữa nam và nữ được thể hiện rất rõ trong việc giao cho ai sử dụng tài sản hương hoả để làm nhiệm vụ thờ cúng: người được giao thừa kế hương hoả chỉ có thể là trưởng nam hoặc cháu đích tôn. Nếu là con trai phải là con của vợ cả (Điều 407 Bộ Dân luật Bắc Kỳ và Điều 414 Bộ Dân luật Trung Kỳ). Trong trường hợp người vợ chính không có con trai thì mới đến con trai của người vợ thứ. Tuy vậy luật cũng qui định nếu người để lại di sản tuyệt tự (không có con trai) thì người con trưởng nữ được hưởng hương hoả (Điều 406 Bộ Dân luật Bắc Kỳ).
Tiếp nữa, giai đoạn từ 1945 đến 1954, cách mạng tháng Tám thành công đã mang đến một luồng gió mới cho xã hội Việt Nam, chấm dứt chế độ phong kiến trị vì hàng ngàn năm, chấm dứt chế độ đô hộ của thực dân, xây dựng chế độ chính trị mới, hệ thống chính quyền mới. Sau cách mạng, chính quyền còn non trẻ vừa được thành lập đã phải đứng trước những khó khăn và tồn tại của chế độ cũ, các phong tục tập quán cũ kỹ lạc hậu. Trước tình hình đó, để kịp thời điều chỉnh những quan hệ xã hội cần phải được điều chỉnh bằng pháp luật, Nhà nước ta đã ban hành một loạt các văn bản dưới hình thức sắc lệnh, sắc luật. Trong lĩnh vực thừa kế, các quy định về thừa kế giai đoạn này được thể hiện qua một số các văn bản pháp luật sau đây: Hiến pháp được coi là đạo luật gốc, ghi nhận chế độ chínht rị, chế độ kinh tế, quyền nghĩa vụ cơ bản của công dân. Điều 9 Hiến pháp 1946 ghi nhận:
“Đàn bà ngang quyền với đàn ông về mọi phương diện”.
Sắc lệnh số 97/SL ngày 10/10/1945 (về việc sửa đổi một số quy lệ và chế định trong dân luật do Chủ tịch Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hoà ban hành) đã cụ thể hoá quyền bình đẳng nam nữ trong lĩnh vực thừa kế: không bắt buộc con cháu vợ hay chồng của người chết nhận thừa kế và nếu nhận thừa kế thì chỉ phải trả nợ cho người chết trong phạm vi giá trị tài sản nhận được. Những qui định do Sắc lệnh số 97 đề ra nói chung, các quy định về thừa kế nói riêng đặt cơ sở cho sự hình thành và phát triển của pháp luật dân sự nói chung, pháp luật thừa kế nói riêng ở nước ta, trong đó có những nguyên tắc thực sự dân chủ tiến bộ mang đậm tính nhân văn.
>>> Luật sư tư vấn pháp luật dân sự qua tổng đài: 1900.6568
Trong giai đoạn từ 1954 đến 1975, sau kháng chiến chống Pháp thắng lợi, đất nước ta bị chia cắt thành hai miền với hai chế độ chính trị khác nhau đã tạo ra hai hệ thống pháp luật khác nhau. Tại miền Bắc, Nhà nước ta tiếp tục ban hành những qui định để điều chỉnh các quan hệ xã hội nói chung, quan hệ xã hội trong lĩnh vực thừa kế nói riêng.
“Nhà nước chiếu theo pháp luật bảo hộ quyền thừa kế tài sản tư hữu của công dân”.
Như vậy quyền thừa kế lại một lần nữa được công nhận trong một văn bản có hiệu lực pháp lý cao nhất làm định hướng cho việc ban hành các văn bản pháp luật có hiệu lực sau Hiến pháp. Trên cơ sở quy định của Hiến pháp 1959, Luật Hôn nhân gia đình năm 1959 cũng qui định
“Vợ hoặc chồng có quyền thừa kế tài sản của nhau, con trai, con gái có quyền thừa kế ngang nhau”.
Ở miền Nam, dưới chế độ Ngụy quyền, tổng thống Nguyễn Văn Thiệu đã ký lệnh ban hành Bộ Dân luật Sài Gòn năm 1972. Bộ Dân luật Sài Gòn năm 1972 có những qui định nhằm củng cố mối quan hệ bất bình đẳng trong gia đình, coi trọng quyền lợi của người chồng, người con trai trong gia đình, quyền lợi của người vợ và người con gái bị coi nhẹ. Như vậy quyền thừa kế tài sản giữa vợ và chồng, lần đầu tiên đã được qui định trong các văn bản pháp luật của Nhà nước có ghi nhận quyền bình đẳng giữa các con trong gia đình (không có sự phân biệt giữa con trai, con gái; con ngoài giá thú hay con chính thức; con nuôi hay con đẻ).
Ở giai đoạn từ 1975 đến 1995, đất nước ta hoàn toàn thống nhất. Trong những năm đầu tiên của giai đoạn này, Nhà nước ta cũng chưa cho ra đời được các văn bản pháp lý có hiệu lực cao trong lĩnh vực dân sự nói chung, thừa kế nói riêng. Mục tiêu của giai đoạn này là có bản Hiến pháp mới, Hiến pháp của một Nhà nước thống nhất. Đáp ứng tình hình nhiệm vụ của giai đoạn mới, ngày 18/12/1980 Quốc hội nước Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam thông qua Hiến pháp 1980. Trong Hiến pháp 1980 qui định:
“Pháp luật bảo hộ quyền thừa kế của công dân”.
Tiếp đó Thông tư số 81/TATC ngày 24/7/1981 để hướng dẫn giải quyết tranh chấp về di sản thừa kế. Thông tư còn đề cập một số vấn đề về thừa kế mà các văn bản trước đó chưa đề cập đến: Vấn đề về thời điểm mở thừa kế, người bị truất quyền thừa kế, hàng thừa kế… Luật hôn nhân và gia đình năm 1986 qui định một số vấn đề về quyền thừa kế của vợ chống, trong đó ghi nhận: “Vợ chồng có quyền thừa kế tài sản của nhau”. Các văn bản đã bao quát được nhiều vấn đề về thừa kế nhưng vẫn chưa đáp ứng được những quan hệ thừa kế phát sinh trong quá trình đổi mới, các quy định về thừa kế mởi chỉ dừng lại ở nguyên tắc chung (Hiến pháp) hoặc trong văn bản đướ luật (thông tư). Ngày 30/8/1990 Hội đồng Nhà nước nước Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam thông qua Pháp lệnh thừa kế, Pháp lệnh Thừa kế có hiệu lực thi hành từ ngày 10/9/1990. Pháp lệnh Thừa kế ra đời trong lúc Nhà nước ta đang thực hiện công cuộc đổi mới do Đảng khởi xướng và lãnh đạo. Qua thời gian thực hiện đã đi vào cuộc sống, Pháp lệnh Thừa kế phát huy tốt vai trò của mình trong việc điều chỉnh các quan hệ thừa kế trong giai đoạn này.
Nghị quyết của Quốc hội về việc xây dựng Bộ luật Dân sự được ra đời từ năm 1980, qua 15 năm xây dựng, Bộ luật Dân sự năm 1995 ra đời. Bộ luật Dân sự năm 1995 có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/7/1996. Có thể nói, Bộ luật Dân sự năm 1995 kế thừa hầu hết các qui định của Pháp lệnh Thừa kế trước đó. Ngoài ra, Bộ luật Dân sự năm 1995 còn bổ sung một số vấn đề trong lĩnh vực thừa kế đặc biệt là vấn đề thừa kế quyền sử dụng đất cho phù hợp với các quy định về quyền sử dụng đất theo Luật Đất đai năm 1993. Cơ sở pháp lý của vấn đề thừa kế trong Bộ luật Dân sự được qui định trong Hiến pháp 1992 “Công dân có quyền sở hữu về thu nhập hợp pháp, của cải để dành, nhà ở, tư liệu sinh hoạt, tư liệu sản xuất, vốn và tài sản khác trong doanh nghiệp hoặc trong các tổ chức kinh tế khác… Nhà nước bảo hộ quyền sở hữu hợp pháp và quyền thừa kế của công dân” (Điều 58). Trên cơ sở đó, Bộ luật Dân sự 1995 đã đưa ra những nguyên tắc cơ bản về thừa kế như: Nguyên tắc đảm bảo quyền bình đẳng về thừa kế, nguyên tắc tôn trọng quyền định đoạt của người có di sản… Những nguyên tắc này được qui định trong Bộ luật Dân sự 1995 nhằm đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của người để lại di sản, người thừa kế và những người khác có quyền và lợi ích liên quan đến thừa kế.
Cuối cùng, giai đoạn từ 2005 đến nay, điều kiện kinh tế kinh tế xã hội ngày càng phát triển, nhu cầu hội nhập quốc tế, vấn đề toàn cầu hóa, mở rộng hợp tác quốc tế trong lĩnh vực dân sự… phát sinh thêm nhiều quan hệ mới trong lĩnh vực thừa kế đòi hỏi pháp luật cũng cần phải có những thay đổi, bổ sung cho phù hợp. Trước tình hình đó, Bộ luật Dân sự năm 1995 đã được sửa đổi, bổ sung và đây chính là lý do xuất hiện Bộ luật Dân sự năm 2005. Bộ luật Dân sự năm 2005 ra đời với những sửa đổi, bổ sung phù hợp với điều kiện kinh tế xã hội hiện tại, trong đó các qui định về thừa kế cũng được sửa đổi, bổ sung cho phù hợp. Tuy nhiên, bước sang giai đoạn phát triển mới của đất nước, trước yêu cầu thể chế hóa Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XI, Nghị quyết số 48 – NQ/TW của Bộ Chính trị về chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam đến năm 2010, định hướng đến năm 2020 (Nghị quyết số 48-NQ/TW),
Như một sợi chỉ đỏ xuyên suốt chiều dài lịch sử, luật thừa kế Việt Nam hiện đại là sự kết tinh của yếu tố phong tục, lịch sử lâu đời của nước nhà, đồng thời thể hiện giá trị của những tư tưởng chủ đạo về thừa kế đáp ứng tâm tư, nguyện vọng của nhân dân. Hơn thế nữa, Luật dân sự Việt Nam nói chung và pháp luật thừa kế nói riêng không chỉ mang thuần túy yếu tố truyền thống, phong tục mà còn thể hiện sự tiến bộ, thành quả đúc kết tinh hoa văn hóa, nền pháp lý tiên tiến của nhân loại.