Tìm hiểu trách nhiệm của người sử dụng lao động về vấn đề việc làm đối với người lao động là người khuyết tật theo quy định của pháp luật.
Trên tinh thần của Tổ chức Lao động Quốc tế ILO, người khuyết tật cũng có những quyền lợi và giá trị bình đẳng như người lao động thông thường. Chính vì vậy, lao động thông thường có thể làm việc để tạo thu nhập thì người khuyết tật cũng vậy. Theo đó, khái niệm việc làm đối với người khuyết tật cũng không có gì khác biệt so với khái niệm việc làm thông thường. Có thể hiểu, việc làm dối với người khuyết tật được hiểu là các hoạt động tạo ra thu nhập cho người khuyết tật và không bị pháp luật cấm.
Giải quyết việc làm cho người khuyết tật có thể hiểu là quá trình tạo điều kiện và môi trường làm đảm bảo cho mọi người trong độ tuổi lao động, có khả năng, đang có nhu cầu tìm việc làm với mức tiền công thinh hành trên thị trường đều có cơ hội làm việc. Giải quyết việc làm cho người khuyết tật cũng là quá trình mà Nhà nước, xã hội, người sử dụng lao động (NSDLĐ) tạo điều kiện môi trường làm việc được đảm bảo phù hợp với đặc điểm đặc thù của họ.
Trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân trong việc giải quyết, hỗ trợ việc làm đối với người khuyết tật được quy định tại Khoản 2, 3 và 4 Điều 33 Luật Người khuyết tật 2010:
“2. Cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân không được từ chối tuyển dụng người khuyết tật có đủ tiêu chuẩn tuyển dụng vào làm việc hoặc đặt ra tiêu chuẩn tuyển dụng trái quy định của pháp luật nhằm hạn chế cơ hội làm việc của người khuyết tật.
3. Cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân sử dụng lao động là người khuyết tật tùy theo điều kiện cụ thể bố trí sắp xếp công việc, bảo đảm điều kiện và môi trường làm việc phù hợp cho người khuyết tật.
4. Cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân sử dụng lao động là người khuyết tật phải thực hiện đầy đủ quy định của pháp luật về lao động đối với lao động là người khuyết tật.”
Về trách nhiệm của NSDLĐ về vấn đề việc làm đối với người lao động là người khuyết tật:
Thứ nhất, trách nhiệm của NSDLĐ trong việc tiếp nhận, tuyển dụng người lao động là người khuyết tật:
Các cơ quan, tổ chức trong phạm vi nhiệm vụ quyền hạn của mình có trách nhiệm tham gia thực hiện các chương trình và quỹ việc làm cho người khuyết tật. Nhà nước cần đóng vai trò là gương mẫu, tiên phong đi đầu trong vấn đề tuyển dụng lao động khuyết tật. Nếu là doanh nghiệp Nhà nước tạo điều kiện thông thoáng hơn trong vấn đề này thì Doanh nghiệp khác sẽ xem xét lại việc tạo bình đẳng trong cơ hội việc làm cho người khuyết tật. Việc nới lỏng những yêu cầu tuyển dụng đối với người khuyết tật không chỉ có ý nghĩa xã hội rất to lớn mà còn giúp các doanh nghiệp có thể có được những người lao động tuy là người khuyết tật nhưng làm việc hiệu quả vì trên thực tế có rất nhiều người khuyết tật có một trình độ học vấn cao hoặc có khả năng đặc biệt trong nhiều lĩnh vực cụ thể; họ cũng là những người có trách nhiệm và nỗ lực hòa thành công việc của mình.
Tuy nhiên, một số ngành nghề thuộc doanh nghiệp Nhà nước quy định không tuyển dụng lao động dị hình, dị dạng như ngân hàng, đài truyền hình… Đây là việc tự tạo ra rào cản từ chính những NSDLĐ đại diện cho nhà nước gây khó khăn trong vấn đề tạo việc làm cho người khuyết tật. Thực tế cho thấy rằng, những cơ quan này có rất nhiều vị trí làm việc phù hợp với một số người với loại khuyết tật nhất định. Vì vậy, cần quy định cụ thể về điều kiện tuyển dụng với từng bộ phận để người khuyết tật có thêm những cơ hội việc làm cho mình.
Thứ hai, trách nhiệm của NSDLĐ trong việc duy trì số lượng lao động là người khuyết tật trong doanh nghiệp:
Về phía doanh nghiệp, cùng với quyền tuyển chọn, tăng giảm lao động là người khuyết tật cho phù hợp với nhu cầu sản xuất kinh doanh, doanh nghiệp cũng có trách nhiệm đảm bảo việc làm cho người lao động theo thời hạn đã thỏa thuận trong hợp đồng lao động, phải nhận tỉ lệ lao động tàn tật nhất định (Khoản 3 Điều 125 Bộ luật Lao động). Cụ thể, các doanh nghiệp thuộc ngành sản xuất điện năng, luyện kim, hóa chất, địa chất, đo đạc bản đồ, dầu khí, khai thác mỏ, khai thác khoáng sản, xây dựng cơ bản, vận tải phải nhận 2% lao động là người khuyết tật; doanh nghiệp của các ngành khác là 3%. Tỉ lệ người tàn tật các doanh nghiệp phải tiếp nhận là tỉ số giữa số người tàn tật so với tổng số lao động có mặt bình quân tháng của doanh nghiệp. Trường hợp nếu doanh nghiệp không nhận hoặc nhận ít hơn tỉ lệ quy định thì phải đóng góp một khoản tiền theo quy định của Chính phủ vào quỹ việc làm để góp phần giải quyết việc làm cho người tàn tật. Nếu doanh nghiệp tiếp nhận số lao động là người khuyết tật vào làm thấp hơn tỉ lệ quy định thì hàng tháng phải nộp vào Quỹ việc làm cho người tàn tật một khoản tiền bằng mức tiền lương tối thiểu hiện hành do Nhà nước quy định nhân với số lao động là người tàn tật mà doanh nghiệp cần phải nhận thêm để đủ tỉ lệ quy định.
Thứ ba, trách nhiệm của NSDLĐ trong việc tạo điều kiện cho người khuyết tật trong quá trình làm việc:
Vai trò của NSDLĐ trong quá trình này là vô cùng quan trọng để hỗ trợ người khuyết tật có thể hoàn thành và hoàn thành tốt nhiệm vụ công việc của mình. Mặc dù khi tuyển dụng vào doanh nghiệp thì người khuyết tật đã được xem xét đến mức độ phù hợp với vị trí công việc tuy nhiên NSDLĐ vẫn cần tạo điều kiện hỗ trợ để người lao động thích nghi, làm việc và có như vậy công việc sẽ có hiệu quả cao hơn. Ví dụ như: sắp xếp chỗ ngồi làm việc phù hợp, sắp xếp thời gian làm việc linh động,… Pháp luật tuy không quy định cụ thể trách nhiệm của NSDLĐ trong quá trình người khuyết tật làm việc trong doanh nghiệp tuy nhiên nếu NSDLĐ thực hiện các chính sách ưu đãi vừa mang lại hiệu quả công việc cho chính doanh nghiệp mà còn tạo điều kiện cho người khuyết tật hoà nhập, tự tin hoàn thành tốt công việc của mình.