Vậy trong trường hợp này tôi nên xử lý thế nào để đòi lại công bằng và danh dự cho chính mình và những người khác như tôi?
Tóm tắt câu hỏi:
Xin chào luật sư! Tôi muốn nhờ luật sư tư vấn cho tôi tình huống sau đây. Khi tôi tham gia giao thông bằng xe mô tô trên tuyến đường Thái Hà, đến ngã tư giao cắt Thái Hà – Yên Lãng tôi rẽ trái để đi về phía đường Láng. Sau khi rẽ có một đồng chí CSGT dừng xe tôi lại, tôi hỏi lý do dừng xe theo Điều 14 Thông tư 65/2012/TT-BCA thì đồng chí nói rằng có biển cấm rẽ trái cắm ở đoạn giao cắt trên. Tôi đã ra kiểm tra và thừa nhận mình đã vi phạm luật GTĐB nên đồng ý xuất trình đầy đủ giấy tờ cho đồng chí CSGT kiểm tra. Tôi nói với đồng chí rằng lỗi của tôi là lỗi không tuân thủ biển báo hiệu,vạch kẻ đường theo Nghị đinh 171/2013/NĐ-CP với mức phạt 60.000- 80.000đ. Đồng thời yêu cầu đồng chí ra quyết định xử phạt tại chỗ theo luật xử lý vi phạm hành chính để tôi nộp phạt tại chỗ, ngay lập tức thái độ của đồng chí CSGT làm việc với tôi liền thay đổi . Trong lúc tranh luận đúng sai, liên tục đồng chí có những cử chỉ, lời nói xúc phạm đối với tôi. Và nói rằng ở đây đã hết biên lai, cố tình gây khó dễ bắt tôi phải ra kho bạc nộp phạt. Việc người dân lăng mạ người thi hành công vụ thì pháp luật quy định sẽ bị xử phạt hành chính, còn việc người thi hành công vụ lăng mạ, xúc phạm người dân thì tại sao lại thường bị bỏ qua? Vậy trong trường hợp này tôi nên xử lý thế nào để đòi lại công bằng và danh dự cho chính mình và những người khác như tôi? Kính mong luật sư giúp đỡ. Xin cảm ơn luật sư!
Luật sư tư vấn:
Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi của mình đến Ban biên tập – Phòng tư vấn trực tuyến của Công ty LUẬT DƯƠNG GIA. Với thắc mắc của bạn, Công ty LUẬT DƯƠNG GIA xin được đưa ra quan điểm tư vấn của mình như sau:
Pháp luật quy định và đảm bảo quyền bất khả xâm phạm về danh dự, nhân phẩm của công dân. Theo đó, tại khoản 1 Điều 20 Hiến pháp 2013 quy định: Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về thân thể, được pháp luật bảo hộ về sức khoẻ, danh dự và nhân phẩm; không bị tra tấn, bạo lực, truy bức, nhục hình hay bất kỳ hình thức đối xử nàokhác xâm phạm thân thể, sức khỏe, xúc phạm danh dự, nhân phẩm
Căn cứ Điều 37 Bộ luật dân sự 2005 quy định: Danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân được tôn trọng và được pháp luật bảo vệ.
Đồng thời khoản 11 Điều 12 Luật xử lý vi phạm hành chính 2012 quy định hành vi xúc phạm người bị xử lý hành vi vi phạm hành chính là một trong các hành vi bị nghiêm cấm: Xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm của người bị xử phạt vi phạm hành chính, người bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính, người bị áp dụng biện pháp ngăn chặn và bảo đảm xử lý vi phạm hành chính, người bị áp dụng các biện pháp cưỡng chế thi hành quyết định xử lý vi phạm hành chính.
Như vậy, đối chiếu với trường hợp của bạn có thể giải quyết theo hướng như sau:
Thứ nhất: Bạn có thể gửi đơn đề nghị giải quyết vụ việc của mình về đơn vị công tác của chiến sĩ cảnh sát giao thông.
Thứ hai: Bạn có thể yêu cầu bồi thường theo quy định của Bộ luật dân sự 2005
Căn cứ vào Ðiều 604 Bộ luật dân sự 2005 quy định: "Người nào do lỗi cố ý hoặc lỗi vô ý xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp khác của cá nhân, xâm phạm danh dự, uy tín, tài sản của pháp nhân hoặc chủ thể khác mà gây thiệt hại thì phải bồi thường."
Căn cứ Ðiều 611 Bộ luật dân sự quy định thiệt hại do danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm được xác định bao gồm: Chi phí hợp lý để hạn chế, khắc phục thiệt hại; Thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút. Người xâm phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác phải bồi thường thiệt hại theo quy định trên và một khoản tiền khác để bù đắp tổn thất về tinh thần mà người đó gánh chịu. Mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần do các bên thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được thì mức tối đa không quá mười tháng lương tối thiểu do Nhà nước quy định.
Lưu ý: Bạn cần thu thập được chứng cứ chứng minh hành vi của chiến sĩ cảnh sát giao thông đã xúc phạm đến danh dự, nhân phẩm của bạn
>>> Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài: 1900.6568
Hành vi không tạo điều kiện cho bạn được nộp phạt tại chỗ được Luật xử lý vi phạm hành chính 2012 quy định tại Điều 69 như sau:
Điều 69. Thi hành quyết định xử phạt không lập biên bản
1. Quyết định xử phạt vi phạm hành chính không lập biên bản phải được giao cho cá nhân, tổ chức bị xử phạt 01 bản. Trường hợp người chưa thành niên bị xử phạt cảnh cáo thì quyết định xử phạt còn được gửi cho cha mẹ hoặc người giám hộ của người đó.
2. Cá nhân, tổ chức vi phạm nộp tiền phạt tại chỗ cho người có thẩm quyền xử phạt. Người thu tiền phạt có trách nhiệm giao chứng từ thu tiền phạt cho cá nhân, tổ chức nộp tiền phạt và phải nộp tiền phạt trực tiếp tại Kho bạc Nhà nước hoặc nộp vào tài khoản của Kho bạc Nhà nước trong thời hạn 02 ngày làm việc, kể từ ngày thu tiền phạt.
Trường hợp cá nhân, tổ chức vi phạm không có khả năng nộp tiền phạt tại chỗ thì nộp tại Kho bạc Nhà nước hoặc nộp vào tài khoản của Kho bạc Nhà nước ghi trong quyết định xử phạt trong thời hạn quy định tại khoản 1 Điều 78 của Luật này
Như vậy, kèm theo đơn giải quyết vụ việc nêu trên bạn có thể làm đơn khiếu nại về hành vi cản trở, không tạo điều kiện cho bạn được nộp phạt tại chỗ. Tuy nhiên, bạn cũng cần lưu ý cần có chứng cứ chứng minh.
Hy vọng rằng sự tư vấn của chúng tôi sẽ giúp bạn lựa chọn phương án thích hợp nhất để giải quyết những vướng mắc của bạn. Nếu còn bất cứ thắc mắc gì liên quan đến sự việc bạn có thể liên hệ Tổng đài tư vấn pháp luật trực tuyến 24/7 của Luật sư: 1900.6568 để được giải đáp.
Chuyên viên tư vấn: Nguyễn Thị Thắng