Ngày nay có nhiều người Việt Nam ra nước ngoài học tập và làm việc nhưng không chuyển đổi quốc tịch nước ngoài thì được gọi chung là Việt Kiều. Vậy khi Việt kiều không sinh sống tại Việt Nam thì có được hưởng di sản thừa kế tại Việt Nam không?
Mục lục bài viết
1. Thế nào là Việt Kiều?
Việt Kiều được hiểu đơn giản là những công dân Việt Nam không sinh sống tại Việt Nam mà định cư bên ngoài lãnh thổ Việt Nam để sinh sống, học tập và làm việc. Việt Kiều có thể mang quốc tịch Việt Nam hoặc có thể vừa mang quốc tịch Việt Nam vừa mang quốc tịch nước sở tại.
2. Việt Kiều có được hưởng di sản thừa kế tại Việt Nam không?
Theo quy định của pháp luật về thừa kế hiện hành chỉ những trường hợp bị tước quyền thừa kế hoặc bị truất quyền thừa kế thì mới không được hưởng di sản thừa kế. Theo đó, căn cứ theo quy định tại khoản 1 Điều 621 Bộ luật Dân sự năm 2015 thì những trường hợp sau không có quyền hưởng di sản thừa kế (hay còn gọi là tước quyền thừa kế):
– Người bị kết án về hành vi cố ý xâm phạm đến sức khoẻ, tính mạng, danh dự và nhân phẩm của người có di sản thừa kế để lại. Bên cạnh đó, người đó còn có hành vi ngược đãi hoặc hành hạ nghiêm trọng đến tính mạng của người để lại di sản thừa kế;
– Người vi phạm nghiêm trọng đến nghĩa vụ nuôi dưỡng của người để lại di sản thừa kế theo quy định tại Điều 78 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014;
– Người có hành vi lừa dối, cưỡng ép hoặc có hành vi ngăn cản người để lại di sản thừa kế trong việc lập di chúc, giả mạo di chúc, sửa chữa di chúc, che giấu di chúc hoặc huỷ di chúc với mục đích để hưởng một phần hoặc toàn bộ di sản thừa kế nhưng lại tái mới ý chí của người để lại di sản thừa kế;
– Người bị kết án về hành vi cố ý xâm phạm đến tính mạng của những người thừa kế khác với mục đích được hưởng một phần hoặc toàn bộ di sản thừa kế mà những người thừa kế đó có quyền được hưởng.
Ngoài những trường hợp bị tước quyền thừa kế theo quy định của pháp luật nêu trên thì theo quy định tại Điều 626 Bộ luật Dân sự năm 2015, người lập di chúc để lại di sản thừa kế có quyền tước quyền thừa kế của người có quyền hưởng di sản thừa kế theo ý chí của mình. Như vậy, cá nhân hay tổ chức không được hưởng thừa kế khi thuộc trường hợp bị tước quyền thừa kế hoặc bị chính người có di chúc thừa kế để lại di sản truất quyền thừa kế.
Theo đó, Việt Kiều vẫn có quyền hưởng di sản thừa kế tại Việt Nam nếu không thuộc trường hợp bị tước quyền thừa kế theo quy định pháp luật hoặc không bị truất quyền thừa kế theo ý chí của người lập di chúc để lại di sản thừa kế. Thêm vào đó, theo luật Nhà ở năm 2014 hiện hành thì kể từ ngày 01 tháng 7 năm 2015, ngời Việt Nam định cư ở nước ngoài (hay còn gọi là Việt Kiều) ngoài việc được hưởng thừa kế về giá trị của của di sản thừa kế là đất đai mà còn được quyền đứng tên trên Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất. Đây là một quy định mới và tiến bộ để tạo điều kiện thuận lợi cho người Việt Nam định cư tại nước ngoài được hợp thức hoá việc đứng tên của mình trên đất tại quê hương.
3. Một số điều kiện nhất định đối với Việt Kiều để nhận thừa kế một số loại tài sản:
3.1. Đối với tài sản thừa kế là nhà ở:
Căn cứ theo quy định tại khoản 2 Điều 7 Luật Nhà ở năm 2014 và khoản 1 Điều 186 Luật Đất đai năm 2013 thì người Việt Nam định cư ở nước ngoài thuộc đối tượng được quyền sở hữu nhà ở tại Việt Nam. Tuy nhiên, để được công nhận quyền sở hữu nhà ở khi nhận thừa kế nhà ở tại Việt Nam thì người Việt Nam định cư tại nước ngoài phải là đối tượng được phép nhập cảnh vào Việt Nam. Khi được phép nhập cảnh vào Việt Nam thì người Việt Nam định cư tại nước ngoài sẽ được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất đối với nhà ở được thừa kế tại Việt Nam.
Trong trường hợp, người Việt Nam định cư tại nước ngoài khi được hưởng thừa kế là nhà ở tại Việt Nam nhưng không thuộc đối tượng được phép nhập cảnh tại Việt Nam thì không được quyền sở hữu nhà ở đó mà chỉ được hưởng giá trị của nhà ở đó. Có nghĩa là người này không được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất tại Việt Nam mà chỉ có quyền được bán hoặc tặng cho nhà ở được thừa kế cho các đối tượng được quyền sở hữu nhà ở tại Việt Nam mà không được thực hiện những quyền khác của chủ sở hữu.
3.2. Đối với tài sản thừa kế là đất ở:
Cũng như trường hợp nhận thừa kế là nhà ở thì người Việt Nam định cư tại nước ngoài khi nhận thừa kế là đất ở cũng chia thành 02 trường hợp.
Thứ nhất, đối với người Việt Nam định cư tại nước ngoài thuộc đối tượng được phép nhập cảnh vào Việt Nam thì được nhận chuyển quyền sở hữu đất ở tại Việt Nam thông qua hình thức nhận thừa kế. Đất ở khi được nhận quyền sở hữu này có thể là nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất ở tại Việt Nam hoặc quyền sử dụng đất trong các dự án đầu tư phát triển nhà ở.
Thứ hai, đối với trường hợp người Việt Nam không thuộc đối tượng được nhập cảnh vào Việt Nam thì khi nhận thừa kế là đất ở tại Việt Nam thì chỉ được hưởng giá trị của nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất mà không được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền trên đất. Trong trường hợp này, người Việt Nam định cư ở nước ngoài chỉ được bán hoặc tặng cho những cá nhân ở Việt Nam được xác lập quyền sở hữu. Còn đối với các loại đất còn lại như đất nông nghiệp, đất lâm nghiệp,… thì người Việt Nam định cư tại nước ngoài chỉ được hưởng giá trị của quyền sử dụng đất.
3.3. Đối với di sản thừa kế là tài sản khác:
Những di sản thừa kế là tài sản khác có thể là những phương tiện tham gia giao thông như: ô tô, xe gắn máy, xe đạp,..hoặc tiền hoặc những giấy tờ có giá khác. Đối với những loại tài sản này thì hiện nay, theo hệ thống pháp luật Việt Nam thì không có quy định về việc hạn chế quyền đăng ký sở hữu, sử dụng và những quyền khác đối với người thừa kế là người Việt Nam ở nước ngoài. Theo đó, người Việt Nam ở nước ngoài có quyền xác lập quyền sở hữu, đăng ký đứng tên trên các giấy tờ chứng minh quyền sở hữu đối với những loại tài sản thừa kế này.
4. Trình tự, thủ tục để người Việt Nam tại nước ngoài khai nhận di sản thừa kế tại Việt Nam:
Để có thể khai nhận di sản thừa kế tại Việt Nam, người Việt Nam tại nước ngoài phải thực hiện theo trình tự, thủ tục sau:
4.1. Chuẩn bị hồ sơ yêu cầu khai nhận di sản thừa kế:
Theo đó, người Việt Nam định cư tại nước ngoài phải chuẩn bị hồ sơ gồm đầy đủ giấy tờ, tài liệu sau:
– Hộ chiếu còn hiệu lực (Hộ chiếu nước ngoài/ hoặc hộ chiếu Việt Nam) của người nhận thừa kế;
– Bản án/Quyết định hoặc Giấy xác nhận đổi họ tên nếu người thừa kế đã thay đổi họ tên;
– Giấy tờ chứng minh quan hệ giữa người thừa kế và người được thừa kế như Giấy khai sinh đối với quan hệ cha/mẹ con, Giấy đăng ký kết hôn đối với quan hệ vợ chồng,…;
– Di chúc của người chết để lại (thừa kế theo di chúc);
– Giấy chứng tử của người để lại di sản thừa kế;
– Giấy tờ chứng minh quyền sở hữu/sử dụng tài sản của tài sản cần khai nhận thừa kế;
– Trường hợp người thừa kế muốn được công nhận sở hữu nhà ở, sử dụng đất ở tại Việt Nam thì phải có giấy tờ chứng minh còn quốc tịch Việt Nam hoặc giấy tờ xác nhận là người gốc Việt Nam do Sở Tư pháp các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài, cơ quan quản lý về người Việt Nam ở nước ngoài cấp hoặc giấy tờ khác theo quy định của pháp luật Việt Nam hoặc phải chứng minh mình là Việt Kiều được phép nhập cảnh vào Việt Nam;
– Giấy tờ khác.
4.2. Nộp hồ sơ yêu cầu khai nhận di sản thừa kế tại tổ chức hành nghề công chứng có thẩm quyền:
Sau khi chuẩn bị 01 bộ hồ sơ gồm đầy đủ các giấy tờ, tài liệu nêu trên thì người Việt Nam định cư tại nước ngoài nộp hồ sơ yêu cầu khai nhận di sản thừa kế tại tổ chức hành nghề Công chứng nơi có tài sản, đất đai thừa kế.
Sau khi nhận hồ sơ yêu cầu của người Việt Nam định cư tại nước ngoài thì công chứng viên có trách nhiệm kiểm tra tính đầy đủ và hợp lệ của hồ sơ. Nếu hồ sơ chưa đầy đủ, chưa hợp lệ thì công chứng viên có trách nhiệm thông báo và hướng dẫn người yêu cầu bổ sung, sửa đổi cho hợp lệ. Nếu hồ sơ đã hợp lệ thì công chứng viên tiếp nhận và quyết định giải quyết hồ sơ.
4.3. Giải quyết yêu cầu:
Sau khi nhận hồ sơ hợp lệ thì tổ chức hành nghề công chứng sẽ thực hiện niêm yết công khai việc thừa kế tại Uỷ ban nhân dân cấp xã nơi cuối cùng người có di sản để lại ở trong thời hạn 15 ngày.
Sau khi hoàn tất thủ tục niêm yết và không có tranh chấp thì những người thừa kế sẽ liên hệ Phòng/văn phòng công chứng để ký Văn bản khai nhận/phân chia thừa kế.
Các văn bản pháp luật được sử dụng trong bài viết:
– Bộ luật Dân sự năm 2015;
– Luật Đất đai năm 2013;
– Luật Nhà ở năm 2014.