Văn bản hợp nhất gắn liền với việc hợp nhất văn bản quy phạm pháp luật được quy định trong Luật ban hành văn bản quy phạp pháp luật năm 2015, nhằm góp phần bảo đảm hệ thống pháp luật đơn giản, rõ ràng, dễ sử dụng, nâng cao hiệu quả thi hành pháp luật.
Mục lục bài viết
- 1 1. Văn bản hợp nhất là gì?
- 2 2. Văn bản hợp nhất có phải văn bản pháp luật không?
- 3 3. Sự cần thiết phải ban hành văn bản hợp nhất:
- 4 4. Đối tượng, phạm vi áp dụng kỹ thuật hợp nhất văn bản:
- 5 5. Cơ quan có thẩm quyền tổ chức văn bản hợp nhất:
- 6 6. Văn bản hợp nhất có sai sót thì xử lý như thế nào?
1. Văn bản hợp nhất là gì?
Căn cứ theo Khoản 3 Điều 2 Pháp lệnh số 01/2012/UBTVQH13 hợp nhất văn bản quy phạm pháp luật ngày 22 tháng 03 năm 2012: “Văn bản hợp nhất là văn bản được hình thành sau khi hợp nhất văn bản sửa đổi, bổ sung với văn bản được sửa đổi, bổ sung.”
Văn bản hợp nhất là một thuật ngữ pháp lý dùng để chỉ những văn bản được ban hành thông qua việc tổng hợp những điều luật còn hiệu lực và những điều luật không còn phù hợp và được sửa đổi, bổ sung một số nội dung bằng một văn bản khác.
Văn bản hợp nhất được hình thành sau khi hợp nhất giữa văn bản sửa đổi, bổ sung với văn bản được sửa đổi bổ sung, trong đó là tổng hợp những nội dung đã được sửa đổi, bổ sung theo quy trình, kỹ thuật nhất định.
Theo quy định, văn bản hợp nhất là một văn bản độc lập, được áp dụng thực tế để điều chỉnh các mối quan hệ xã hội. Tuy nhiên, những nội dung trong văn bản hợp nhất không được trái với nội dung trong văn bản được hợp nhất. Ngoài ra, theo quy định của pháp luật thì văn bản hợp nhất cũng không được coi là một văn bản quy phạm pháp luật.
Hợp nhất văn bản là việc đưa nội dung sửa đổi, bổ sung trong văn bản sửa đổi, bổ sung một số điều của văn bản đã được ban hành trước đó (sau đây gọi tắt là văn bản sửa đổi, bổ sung) vào văn bản được sửa đổi, bổ sung theo quy trình, kỹ thuật quy định tại Pháp lệnh số 01/2012/UBTVQH13.
Ký xác thực văn bản hợp nhất là việc người có thẩm quyền ký xác nhận tính chính xác về nội dung và kỹ thuật hợp nhất của văn bản hợp nhất.
Văn bản được hợp nhất là văn bản sửa đổi, bổ sung và văn bản được sửa đổi, bổ sung.
2. Văn bản hợp nhất có phải văn bản pháp luật không?
Một văn bản được cơ quan thẩm quyền ban hành, quá trình thực thi do tác động của nhiều yếu tố kinh tế – xã hội mà có những quy định không còn phù hợp nên cơ quan này đã ban hành văn bản khác để sửa đổi, bổ sung một số điều của văn bản hiện hành. Có văn bản được sửa đổi, bổ sung không chỉ 1 lần. Như vậy với trường hợp văn bản luật không bị sửa đổi, bổ sung thì ta chỉ phải đọc trên 1 văn bản đó, nếu có sửa đổi, bổ sung ta phải đọc cùng lúc nhiều văn bản, cái ban hành lần đầu, cái sửa lần hai, cái sửa lần ba…
Việc đó gây khó cho người tra cứu, sử dụng. Luật Ban hành VBQPPL đã yêu cầu: VBQPPL sửa đổi, bổ sung phải được hợp nhất với VBQPPL được sửa đổi, bổ sung nhằm góp phần bảo đảm hệ thống pháp luật đơn giản, rõ ràng, dễ sử dụng, nâng cao hiệu quả thi hành pháp luật, sau đó năm 2012 Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Pháp lệnh hợp nhất VBQPPL.
Bên cạnh đó thì việc xác định ngày hiệu lực của văn bản hợp nhất không theo một nguyên tắc thống nhất nào mà có bao nhiêu văn bản thì có bấy nhiêu cách xác định hiệu lực khác nhau. Trong khi văn bản pháp luật lại được quy định ngày có hiệu lực rõ ràng, cụ thể để đối tượng liên quan áp dụng. Đây là một điểm dễ thấy để nói rằng văn bản hợp nhất không phải là văn bản quy phạm pháp luật do đó cũng không có giá trị pháp lý.
3. Sự cần thiết phải ban hành văn bản hợp nhất:
Pháp luật Việt Nam là quốc gia bao gồm hệ thống văn bản quy phạm pháp luật khổng lồ. Mà những văn bản này được ban hành một thời gian, có thể sẽ không còn phù hợp để áp dụng thực tế nữa nên sẽ cần phải sửa đổi, bổ sung. Thực tế hiện nay các văn bản quy phạm pháp luật được sử đổi, bổ sung rất nhiều. Điều này dẫn đến sự không rõ ràng và gây khó khăn trong việc tra cứu văn bản pháp luật. Số lượng lớn văn bản pháp luật cũng dễ gây nên sự chồng chéo, làm cho hệ thống văn bản quy phạm pháp luật trở nên rắc rối và khó áp dụng.
Đặc biệt, nhiều văn bản hiện hành tuy đã được sử đổi, bổ sung một số điều nhưng không hề hướng dẫn về các điều khoản đã hết hiệu lực và được thay đổi, bổ sung bằng văn bản nào. Điều này ảnh hưởng đến việc tra cứu luật của người sử dụng. Vì vậy, cần thiết cơ quan nhà nước có thẩm quyền phải ban hành văn bản hợp nhất để tổng hợp thất cả các nội dung trong văn bản cũ còn hiệu lực và văn bản sửa đổi, bổ sung.
Ngoài ra, việc tham gia cam kết trong khuôn khổ WTO và các hiệp định thương mại quốc tế của Việt Nam đòi hỏi mọi thông tin cần được công khai, thống nhất và tránh hệ thống pháp luật quá rườm rà và rắc rối. Vậy, việc ban hành văn bản hợp nhất này là thực sự cần thiết.
4. Đối tượng, phạm vi áp dụng kỹ thuật hợp nhất văn bản:
Các văn bản được áp dụng kỹ thuật hợp nhất bao gồm văn bản sửa đổi, bổ sung và văn bản được sử đổi, bổ sung. Về bản chất thì đây là văn bản được tổng hợp giữa nội dung của văn bản sửa đổi, bổ sung và văn bản được sửa đổi, bổ sung. Đó là việc thay thế, sửa đổi những nội dung không còn phù hợp ở văn bản cũ, được thay thế, bổ sung bằng một văn bản mới.
Sau khi hợp nhất văn bản được sửa đổi, bổ sung và văn bản sửa đổi, bổ sung thì văn bản hợp nhất sẽ chứa đựng những quy phạm pháp luật, trong đó chỉ rõ những điều khoản không bị thay thế, bổ sung và những điều khoản đã được thay thế, bổ sung và hiệu lực của từng văn bản này. Trong văn bản hợp nhất, những điều khoản đã được sửa đổi, bổ sung sẽ đứng ở cuối trang.
Việc ghi lại nội dung của các điều khoản bị sửa đổi, bổ sung, thay thế trong văn bản hợp nhất cần phải được xem xét. Nếu số lần sửa đổi ít thì có thể làm theo cách này, nhưng cùng với sự thay đổi của pháp luật, số lần thay đổi nhiều thì không thể làm theo cách này, chỉ nên đưa ra những ghi chú có tính chất hướng dẫn để người sử dụng có thể tra ngược lại văn bản được sửa đổi, bổ sung, ví dụ như trích dẫn số công báo hoặc một hình thức nào khác.
5. Cơ quan có thẩm quyền tổ chức văn bản hợp nhất:
- Đối với những văn bản của Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội, văn bản liên tịch giữ Ủy ban thường vụ Quốc hội với cơ quan trung ương của tổ chức chính trị – xã hội thì sẽ được thực hiện hợp nhất và ký xác thực văn bản hợp nhất bởi chủ nhiệm Văn phòng quốc hội trong thời hạn không quá 5 ngày làm việc, kể từ ngày văn bản sửa đổi, bổ sung được công bố.
- Đối với những văn bản được sửa đổi, bổ sung của Chủ tịch nước, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong thời hạn 02 ngày kể từ ngày ký ban hành, sửa đổi, bổ sung thì gửi tới cơ quan chủ trì, người đứng đầu cơ quan chủ trì soạn thỏa và tổ chức thực hiện việc hợp nhất và ký xác thực văn bản hợp nhất. Không qua 5 ngày sau đó cơ quan chủ trì soạn thảo văn bản sửa đổi, bổ sung hoàn thành việc hợp nhất văn bản và ký xác thực văn bản hợp nhất.
- Đối với văn bản của Chánh án
Tòa án nhân dân tối cao, Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao, văn bản liên tịch do Chánh án Tòa án nhân dân tối cao chủ trì soạn thảo thì sẽ được thực hiện hợp nhất và ký xác thực văn bản hợp nhất bởi chính Chánh án Tòa án nhân dân tối cao hoàn thiện trong thời hạn không quá 5 ngày làm việc kể từ ngày ký ban hành văn bản. - Đối với văn bản do Viện kiểm sát nhân dân tối cao ban hành, văn bản liên tịch do Viện kiểm sát nhân dân tối cao ban hành sẽ được tổ chức thực hiện hợp nhất và ký xác thực văn bản hợp nhất bởi Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao hoàn thiện trong thời hạn không quá 5 ngày làm việc kể từ ngày ký ban hành văn bản.
- Đối với văn bản của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ ban hành, văn bản liên tịch do các bộ chủ trì soạn thảo thì được tổ chức thực hiện hợp nhất và ký xác thực văn bản hợp nhất bởi chính Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ hoàn thiện trong thời hạn không quá 5 ngày làm việc kể từ ngày ký ban hành văn bản.
- Đối với văn bản của cơ quan Kiểm toán Nhà nước ban hành thì việc tổ chức thực hiện hợp nhất và ký xác thực văn bản hợp nhất bởi Tổng Kiểm toán Nhà nước hoàn thiện trong thời hạn không quá 5 ngày làm việc kể từ ngày ký ban hành văn bản.
6. Văn bản hợp nhất có sai sót thì xử lý như thế nào?
Sai sót làm nội dung văn bản hợp nhất khác với văn bản được hợp nhất: Áp dụng các quy định của văn bản được hợp nhất.
Nếu phát hiện sai sót trong văn bản hợp nhất thì cơ quan, tổ chức, cá nhân phát hiện có sai sót gửi kiến nghị đến cơ quan thực hiện việc hợp nhất để kịp thời xử lý; trường hợp không xác định được cơ quan thực hiện việc hợp nhất thì gửi kiến nghị đến Bộ Tư pháp để Bộ Tư pháp
Thời hạn xử lý kiến nghị: Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được kiến nghị, cơ quan thực hiện việc hợp nhất phối hợp với cơ quan Công báo xử lý sai sót trong văn bản hợp nhất và thực hiện việc đính chính trên Công báo theo quy định của pháp luật về Công báo.
Lưu ý: Văn bản hợp nhất đã được xử lý sai sót phải được đăng trên Công báo điện tử, trang thông tin điện tử của cơ quan.
Căn cứ pháp lý sử dụng trong bài viết:
Pháp lệnh số 01/2012/UBTVQH13 hợp nhất văn bản quy phạm pháp luật ngày 22 tháng 03 năm 2012;