Tư vấn về việc ông bà chuyển quyền sở hữu tài sản cho cháu nội. Quy định pháp luật về hợp đồng tặng cho tài sản có điều kiện.
Tư vấn về việc ông bà chuyển quyền sở hữu tài sản cho cháu nội. Quy định pháp luật về hợp đồng tặng cho tài sản có điều kiện.
Tóm tắt câu hỏi:
Xin chào luật sư. Tôi muốn nghe tư vấn về tài sản kế thừa. Em trai tôi mất sớm, và bố mẹ tôi muốn để lại căn nhà cho cháu nội (con trai duy nhất của em trai), tuy nhiên cháu còn quá nhỏ mà ông bà lại lớn tuổi, trong khi vợ quá cố của em trai có khả năng đi bước nữa, ông bà sợ mẹ cháu & bố dượng tương lai (nếu có) cướp mất căn nhà. Bây giờ ông bà vẫn muốn cho cháu nội căn nhà nhưng muốn hai bác ruột của cháu quản lý quyền thừa kế và đến năm cháu 25 tuổi trở lên mới được 100% quyền sở hữu căn nhà. Vậy xin được hỏi luật sư, trong trường hợp này liệu với mong muốn của bố mẹ tôi như thế thì luật pháp Việt Nam có hỗ trợ chuyện này không? Xin cám ơn luật sư.
Luật sư tư vấn:
Cám ơn bạn đã gửi câu hỏi của mình đến Ban biên tập – Phòng tư vấn trực tuyến của Công ty LUẬT DƯƠNG GIA. Với thắc mắc của bạn, Công ty LUẬT DƯƠNG GIA xin được đưa ra quan điểm tư vấn của mình như sau:
1. Căn cứ pháp lý:
2. Nội dung tư vấn:
Theo thông tin bạn cung cấp em trai bạn đã mất và bố mẹ bạn muốn để lại căn nhà cho cháu nội (con trai duy nhất của em trai bạn). Tuy nhiên, vì cháu còn quá nhỏ, mà ông bà mà lại lớn tuổi, trong khi vợ của em trai bạn có dự định lấy chồng khác, nên ông bà muốn cho người cháu nội căn nhà nhưng muốn hai bác ruột của cháu quản lý quyền thừa kế và đến năm cháu 25 tuổi mới được hưởng 100% quyền sở hữu căn nhà. Khi bố mẹ bạn muốn để lại căn nhà thuộc quyền sở hữu của mình cho cháu nội (con trai duy nhất của em trai bạn) trong lúc ông bà đang còn sống thì ông bà có thể thực hiện việc để lại tài sản thông qua hoạt động tặng cho.
Theo quy định tại Điều 457 Bộ luật Dân sự năm 2015 thì:
"Điều 457. Hợp đồng tặng cho tài sản
Hợp đồng tặng cho tài sản là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên tặng cho giao tài sản của mình và chuyển quyền sở hữu cho bên được tặng cho mà không yêu cầu đền bù, bên được tặng cho đồng ý nhận."
Đồng thời, do ngôi nhà là bất động sản và là tài sản phải đăng ký quyền sở hữu tại cơ quan có thẩm quyền nên căn cứ theo quy định tại Điều 459 Bộ luật Dân sự năm 2015 thì việc tặng cho phải lập thành văn bản có công chứng, chứng thực hoặc phải đăng ký, nếu bất động sản phải đăng ký quyền sở hữu. Hợp đồng tặng cho bất động sản sẽ có hiệu lực kể từ thời điểm đăng ký quyền sở hữu.
>>> Luật sư tư vấn về tặng cho tài sản có điều kiện: 1900.6568
Tuy nhiên, vì cháu trai của bố mẹ bạn vẫn còn nhỏ và bố mẹ bạn lo sợ việc mẹ của cháu có thể chiếm đoạt tài sản của cháu, và với mong muốn bác ruột của cháu quản lý tài sản cho đến khi cháu đủ 25 tuổi, thì trong trường hợp này, bố mẹ bạn có thể thực hiện việc tặng cho tài sản nhưng có kèm theo điều kiện. Về hợp đồng tặng cho có điều kiện, Điều 462 Bộ luật Dân sự năm 2015 có quy định:
"Điều 462. Tặng cho tài sản có điều kiện
1. Bên tặng cho có thể yêu cầu bên được tặng cho thực hiện một hoặc nhiều nghĩa vụ trước hoặc sau khi tặng cho. Điều kiện tặng cho không được vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội.
2. Trường hợp phải thực hiện nghĩa vụ trước khi tặng cho, nếu bên được tặng cho đã hoàn thành nghĩa vụ mà bên tặng cho không giao tài sản thì bên tặng cho phải thanh toán nghĩa vụ mà bên được tặng cho đã thực hiện.
3. Trường hợp phải thực hiện nghĩa vụ sau khi tặng cho mà bên được tặng cho không thực hiện thì bên tặng cho có quyền đòi lại tài sản và yêu cầu bồi thường thiệt hại."
Do vậy, trong trường hợp này ông bà làm hợp đồng tặng cho tài sản là ngôi nhà này cho người cháu nội của mình, và làm thủ tục chuyển quyền, sang tên cháu trai trên tài sản này. Tuy nhiên trong hợp đồng tặng cho cần nêu rõ điều kiện người bác ruột của cháu sẽ là người trực tiếp quản lý tài sản này đến khi cháu đủ 25 tuổi thì giao lại tài sản cho người cháu.