Tư vấn giám sát được xem là một bộ phận không thể tách rời trong quá trình công tác xây dựng. Vậy, tư vấn giám sát là gì? Và điều kiện làm hoạt động tư vấn giám sát thi công được quy định như thế nào?
Mục lục bài viết
1. Tư vấn giám sát là gì?
Pháp luật hiện nay đã có những quy định cụ thể về phạm vi và nội dung của hoạt động tư vấn giám sát. Tuy nhiên, hiểu thế nào là tư vấn giám sát thì vẫn chưa có điều luật nào đưa ra khái niệm rõ ràng. Trong thực tế có thể hiểu: Tư vấn giám sát là khái niệm để chỉ công việc giám sát quá trình thi công xây dựng theo một trình tự nhất định phù hợp với nội dung được quy định trong hợp đồng được ký kết với bên chủ đầu tư. Tư vấn giám sát thi công công trình xây dựng là một trong những giai đoạn không thể thiếu của quá trình thi công. Tư vấn giám sát thi công xây dựng chính là hoạt động dịch vụ của các chủ thể đáp ứng được đầy đủ điều kiện hành nghề tư vấn giám sát thi công, cung cấp dịch vụ tư vấn về việc thực hiện các công việc giám sát trong quá trình thi công phù hợp với nội dung của hợp đồng đã ký kết với bên chủ đầu tư. Giám sát thi công công trình bao gồm nhiều hoạt động khác nhau, có thể kể đến công tác xây dựng và công tác lắp đặt thiết bị trong công trình, sửa chữa và cải tạo nâng cấp công trình, phá dỡ công trình và bảo trì công trình. Có thể nói, giám sát thi công là một vị trí công việc mà người thực hiện hoạt động này phải chịu trách nhiệm về vấn đề theo dõi cũng như kiểm soát khối lượng trong cả công trình thi công theo đúng tiêu chuẩn kĩ thuật, phải đảm bảo tiến độ thi công và thời gian thi công cùng với vấn đề an toàn lao động cho người lao động. Người nhận nhiệm vụ giám sát công trình phải là kỹ sư có chứng chỉ hành nghề theo đúng quy định của pháp luật và có kinh nghiệm trong lĩnh vực giám sát này.
2. Điều kiện làm tư vấn giám sát thi công công trình xây dựng:
Pháp luật cũng có quy định cụ thể về điều kiện tư vấn giám sát thi công công trình xây dựng. Hoạt động tư vấn giám sát thi công công trình xây dựng cần phải đáp ứng được những điều kiện cơ bản sau:
Thứ nhất, pháp luật có quy định về điều kiện của tổ chức tư vấn giám sát thi công công trình xây dựng và kiểm định xây dựng theo quy định tại Luật xây dựng năm 2020, cụ thể bao gồm:
– Có đầy đủ điều kiện về năng lực phù hợp với công việc giám sát thi công công trình xây dựng và hoạt động kiểm định xây dựng;
– Cá nhân tư vấn hoạt động giám sát thi công công trình xây dựng và tư vấn quá trình kiểm định xây dựng sẽ phải có chứng chỉ hành nghề phù hợp với công việc mà mình thực hiện trên thực tế.
Thứ hai, pháp luật có quy định cụ thể về điều kiện hành nghề đối với chỉ huy trưởng của công trường căn cứ theo quy định tại Nghị định 15/2021/NĐ-CP hướng dẫn một số nội dung về quản lý dự án đầu tư xây dựng, cụ thể bao gồm:
– Cá nhân đảm nhận chức danh chỉ huy trưởng công trường phải đáp ứng các điều kiện tương ứng với các hạng như sau:
+ Hạng I: Có chứng chỉ hành nghề giám sát thi công xây dựng hạng I được cấp bởi cơ quan có thẩm quyền hoặc đáp ứng được tiêu chuẩn là đã làm chỉ huy trưởng công trường phần việc thuộc nội dung hành nghề của ít nhất 01 công trình từ cấp I hoặc 02 công trình từ cấp II cùng lĩnh vực trở lên;
+ Hạng II: Có chứng chỉ hành nghề giám sát thi công xây dựng hạng II được cấp bởi cơ quan có thẩm quyền hoặc đáp ứng được tiêu chuẩn là đã làm chỉ huy trưởng công trường phần việc thuộc nội dung hành nghề của ít nhất 01 công trình từ cấp II hoặc 02 công trình từ cấp III cùng lĩnh vực trở lên;
+ Hạng III: Có chứng chỉ hành nghề giám sát thi công xây dựng hạng III được cấp bởi cơ quan có thẩm quyền hoặc đáp ứng được tiêu chuẩn là đã trực tiếp tham gia thi công xây dựng phần việc thuộc nội dung hành nghề của ít nhất 01 công trình từ cấp III hoặc 02 công trình từ cấp IV cùng lĩnh vực trở lên.
– Về phạm vi hoạt động:
+ Hạng I: Được làm chỉ huy trưởng công trường theo quy định của pháp luật đối với tất cả các công trình thuộc lĩnh vực được ghi trong chứng chỉ hành nghề giám sát thi công xây dựng hoặc thuộc lĩnh vực công trình đã làm chỉ huy trưởng công trường;
+ Hạng II: Được làm chỉ huy trưởng công trường theo quy định của pháp luật đối với công trình từ cấp II trở xuống thuộc lĩnh vực được ghi trong chứng chỉ hành nghề giám sát thi công xây dựng hoặc thuộc lĩnh vực công trình đã làm chỉ huy trưởng công trường;
+ Hạng III: Được làm chỉ huy trưởng công trường theo quy định của pháp luật đối với công trình cấp III và công trình cấp IV thuộc lĩnh vực được ghi trong chứng chỉ hành nghề giám sát thi công xây dựng hoặc thuộc lĩnh vực công trình đã tham gia thi công xây dựng.
3. Các bước trong quy trình giám sát thi công xây dựng:
Có thể kể đến các bước trong quá trình giám sát thi công công trình xây dựng như sau:
Bước 1: Tiến hành hoạt động kiểm tra về tính đúng đắn của hồ sơ trong thiết kế. Đây được xem là giai đoạn đầu tiên và cũng được coi là bước quan trọng nhất trong công tác tư vấn cũng như trong quá trình giám sát thi công công trình xây dựng, một người kỹ sư về tư vấn thì phải có trách nhiệm cũng như là phải có nghĩa vụ đi khảo sát thực tế và tiến hành hoạt động kiểm tra, và sau đó đưa ra những đánh giá nhận xét thật kỹ về những hồ sơ ở phần thiết kế thi công công trình xây dựng, trong hoạt động thẩm tra công trình công việc về dự toán, và song song với đó là các quy chuẩn về kĩ thuật xây dựng phù hợp với quy định của pháp luật sẽ được áp dụng trên thực tế đối với công trình này, sau đó, đối chiếu một cách thực tế hơn với hiện trạng trong suốt quá trình thi công công trình đó, từ đó có thể kịp thời phát hiện ra những thiếu sót và đề xuất được các giải pháp hiệu quả cho công trình, và đảm bảo được tốt hơn cũng như giảm thiểu đi các chi phí phát sinh không đáng có trong quá trình thi công công trình xây dựng đó.
Bước 2: Xây dựng kế hoạch để triển khai và giám sát quá trình thi công công trình xây dựng. Những đối tượng được xác định là kỹ sư trưởng được điều xuống phụ trách công trình xây dựng đó sẽ giám sát, căn cứ vào kết quả giám sát và căn cứ vào toàn bộ hồ sơ đã được thiết kế hoạch đã được chỉnh sửa theo quy định của pháp luật, để có thể lập ra được bản kế hoạch về công tác thực hiện chức năng trong quá trình giám sát thi công công trình xây dựng phù hợp với quy định của pháp luật.
Bước 3: Đánh giá hồ sơ về thiết kế thi công công trình xây dựng. Đây được xem là công việc cần thiết và là quá trình kiểm tra về toàn bộ hồ sơ thuộc về vấn thiết kế thi công của từng hạng mục trong các công trình cụ thể để có thể bảo đảm được tất cả mọi việc sẽ được thực hiện theo một quy chuẩn đã đưa ra trên thực tế, phù hợp với tiêu chuẩn và xây dựng được ban hành bởi cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Bước 4: Giám sát theo dõi từng hạng mục trong quá trình xây dựng. Kỹ sư ở phần giám sát sẽ luôn luôn là người phải có trách nhiệm giám sát công trình một cách bao quát, giám sát thật chặt chẽ từng hạng mục thi công, kiểm tra tuần số liệu cụ thể đã được thống kê về các vấn đề có liên quan đến địa chất cũng như xây dựng để đối chiếu với thực tế hiện trường, từ đó phát hiện ra những sai sót và đưa ra hướng xử lý hiệu quả nhanh chóng. Sau đó kiểm tra thật kỹ và nghiệm thu thật chặt chẽ đối với các loại nguyên vật liệu xây dựng đó.
Các văn bản pháp luật được sử dụng trong bài viết:
– Luật Xây dựng năm 2020;
– Nghị định 15/2021/NĐ-CP hướng dẫn một số nội dung về quản lý dự án đầu tư xây dựng.