Pháp luật Việt Nam nghiêm cấm cá nhân có hành vi liên quan đến việc trục lợi, chiếm đoạt tài sản nếu có sự vi phạm thì đối tượng này sẽ bị xử lý nghiêm minh. Vậy, trục lợi, chiếm đoạt tiền từ thiện có thể bị phạt tù chung thân không? Cần làm gì trước khi làm từ thiện?
Mục lục bài viết
1. Thực trạng các hoạt động trục lợi từ thiện:
Từ trước đến nay, dân tộc Việt Nam luôn đề cao tinh thần tương thân tương ái, khi bắt gặp bất kỳ hoàn cảnh khó khăn nào, người dân vẫn luôn sẵn sàng hỗ trợ, chia sẻ giúp đỡ những khó khăn mất mát của đồng bào. Hoạt động từ thiện đã trở thành một phong trào có sức lan tỏa sâu rộng đến toàn xã hội từng bước giải quyết những khó khăn cho người nghèo, những người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn hoặc những khu vực vùng sâu vùng xa thiếu thốn về vật chất và tinh thần. Sự đóng góp của các tổ chức, cá nhân không chỉ liên quan đến vật chất mà còn là nguồn động viên tinh thần. Những hành động mang giá trị nhân văn sâu sắc đó luôn được Nhà nước Đảng khuyến khích tôn vinh và tạo điều kiện thuận lợi để các tổ chức cá nhân trong và ngoài nước hỗ trợ nhau trên tinh thần đoàn kết tương thân tương ái.
Tuy nhiên, vẫn không thể tránh khỏi trường hợp một số cá nhân lợi dụng sự tin tưởng, tình thương đồng loại mà vận động, tiếp nhận tài sản, tiền bạc của các cá nhân khác nhưng sử dụng không đúng mục đích. Về bản chất, người dân tiến hành góp tiền để hỗ trợ nhân dân khắc phục những khó khăn, thiên tai, hỏa hoạn hoặc sự cố nghiêm trọng nhưng số tiền này lại không thể đến tay trực tiếp những người cần giúp đỡ. Điều này dẫn đến một hệ lụy xấu, gây mất niềm tin của nhân dân, tạo một làn sóng phẫn nộ, bức xúc với cá nhân có lòng tốt thực hiện từ thiện. Hành vi trục lợi chiếm đoạt tiền từ thiện này không chỉ trái pháp luật vô nhân đạo mà còn khiến cho niềm tin giữa nhân tổ chức với nhau bị rạn nứt dẫn đến tình trạng mất đoàn kết và mâu thuẫn. Các cá nhân cần có sự hiểu biết, nhận diện được các hoạt động lợi dụng từ thiện để trục lợi sẽ được trình bày dưới đây:
– Thứ nhất, những đối tượng có hành vi vi phạm sẽ tạo lập các trang mạng xã hội chủ yếu là Facebook sau đó liên tục đăng tải hoặc cập nhật những bài viết tạo dựng những nội dung không có thật về một số hoàn cảnh đang gặp khó khăn rất cần sự ra tay giúp đỡ của những người xung quanh; hợp với thủ đoạn tinh vi hơn sẽ giả mạo các trang mạng xã hội chuyên làm từ thiện đã được nhà nước cho phép hoạt động để lấy niềm tin rồi kêu gọi cộng đồng mạng giúp đỡ; Số đối tượng này còn có thể sử dụng các bài viết về hoàn cảnh khó khăn đã được đăng tải trên các phương tiện truyền thông đó cắt ghép dẫn nguồn trên fanpage Facebook rồi sen cái số tài khoản ngân hàng tiếp nhận từ thiện do những đối tượng này tự tạo nên;
– Thứ hai, tình hình dịch bệnh và thiên tai vẫn luôn là một vấn đề nan giải. Khi xảy ra vấn đề này các quốc gia trên thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng cũng phải chịu những ảnh hưởng vô cùng nghiêm trọng đến kinh tế chính trị. Thời gian vừa qua Việt Nam cũng trải qua thời kỳ biến động về kinh tế bởi ảnh hưởng của dịch bệnh Covid 19. Có rất nhiều đối tượng lợi dụng vào tình hình dịch bệnh này kêu gọi từ thiện, lừa đảo người hảo tâm gửi tiền cho mình rồi chiếm đoạt toàn bộ hoặc một phần trong số tiền kêu gọi đó.
2. Trục lợi, chiếm đoạt tiền từ thiện có thể bị phạt tù chung thân:
2.1. Trục lợi, chiếm đoạt tài sản đủ cấu thành tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản:
Đối tượng lợi dụng từ thiện để trục lợi là đang vi phạm pháp luật và hành vi này nằm trong sự điều chỉnh của Luật Hình sự năm 2015. Các cá nhân khi có hành vi trục lợi, chiếm đoạt tiền từ thiện có thể sẽ đối mặt với mức phạt nghiêm khắc của pháp luật Việt Nam đã quy định tại Điều 174 Bộ Luật hình sự 2015.
Bạn đọc có thể hiểu đơn giản, tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản thuộc nhóm đối tượng xâm phạm quyền sở hữu và những đối tượng có hành vi này dùng thủ đoạn gian dối để chiếm đoạt tài sản của người khác. Theo quy định của Điều luật này, yếu tố để cấu thành tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản cần căn cứ vào những điểm phân tích dưới đây:
– Xét về chủ thể: đối tượng thực hiện hành vi này nằm trong độ tuổi là từ 16 tuổi trở lên có năng lực trách nhiệm hình sự;
– Yếu tố khách thể: hành vi vi phạm của các cá nhân xâm phạm trực tiếp đến quyền sở hữu tài sản của người khác;
– Về mặt khách quan:
+ Hành vi của đối tượng này sẽ được đem ra phân tích và đánh giá nếu người phạm tội có dùng thủ đoạn gian dối để chiếm đoạt tài sản cụ thể như cung cấp các thông tin không đúng sự thật, hứa hẹn, tìm sự đồng lòng với những đối tượng khác để tạo niềm tin sau đó các cá nhân tự nguyện ra tài sản. Mục đích của việc cung cấp các thông tin này là để chiếm đoạt tài sản;
+ Giá trị tài sản chiếm đoạt:
Các đối tượng trục lợi có hành vi chiếm đoạt tài sản giá trị dưới 2 triệu đồng nhưng đã từng bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc đã thi hành án phạt tù nhưng chưa được xóa án tích mà còn có sự tái phạm về tội chiếm đoạt tài sản hoặc gây hậu quả nghiêm trọng thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Trong trường hợp tài sản từ 2 triệu đồng trở lên thì người thực hiện hành vi này chắc chắn sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo đúng quy định mà Nhà nước đã ban hành.
– Về mặt chủ quan: hành vi này được thực hiện sau khi đã có chủ đích rõ ràng, lỗi cố ý trực tiếp. Cá nhân này biết rõ được hành vi của mình đang là gian dối trái pháp luật nhưng vẫn cố tình thực hiện để nhằm chiếm đoạt tài sản của người khác. Không thể nói trường hợp này, cá nhân không mong muốn hậu quả đó xảy ra bởi vì ngay ban đầu khi tiến hành kêu gọi từ thiện cá nhân này đã lên sẵn kế hoạch và xác định là chiếm đoạt tài sản.
Với cách phân tích nêu trên hành vi trục lợi chiếm đoạt từ thiện hoàn toàn đầy đủ các yếu tố cấu thành nên tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Theo đó, Cá nhân đứng ra làm đại diện kêu gọi từ thiện từ các cá nhân, chủ thể khác. Sử dụng những thông tin sai lệch về mức độ hoàn cảnh khó khăn của người khác, hứa hẹn nhận tiền sẽ đại diện chuyển tiền hỗ trợ cho các cá nhân. Tuy nhiên, sau khi đã cầm tiền thì không thực hiện theo đúng thỏa thuận ban đầu và âm thầm chiếm đoạt tài sản. Xét về ý chí thì cá nhân này hiểu rõ từ đầu đến cuối những hành động của mình và mong muốn điều này diễn ra như vậy.
2.2. Mức xử phạt khi trục lợi, chiếm đoạt tiền từ thiện:
Căn cứ Điều 174 Bộ luật Hình sự 2015 thì mức xử phạt vi phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản được quy định cụ thể như sau:
2.2.1. Khung 1
Cá nhân khi sử dụng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác mà số tiền bất chính chiếm đoạt được có trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc tài sản chiếm đoạt là dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì có thể bị áp dụng hình phạt là cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
– Đối tượng này trước đây đã có hành vi tương tự và bị cơ quan có thẩm quyền phát hiện, ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản;
– Một khi cá nhân đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các điều 168, 169, 170, 171, 172, 173, 175 và 290 của Bộ luật này, cộng thêm việc chưa được xóa án tích mà còn có sự tái phạm;
– Hành động trục lợi gây bức xúc trong dư luận, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;
– Đối với một số cá nhân hoàn cảnh khó khăn, tài sản bị chiếm đoạt có giá trị quan trọng vì là phương tiện kiếm sống chính của họ thì sẽ bị áp dụng mức phạt này.
2.2.2. Khung 2:
Được sử dụng khi hành vi vi phạm có tính chất nghiêm trọng hơn và thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:
– Hành động lừa đảo được lên kế hoạch trước có sự phân công phối hợp giữa nhiều cá nhân, tổ chức với nhau. Chúng hoạt động với quy mô lớn, không có sự riêng lẻ;
– Quá trình lừa đảo diễn ra thường xuyên, có tính chất chuyên nghiệp được tính toán kỹ lưỡng;
– Mức tiền mà các đối tượng xấu chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng;
– Hành vi này được đánh giá là tái phạm nguy hiểm;
– Các cá nhân nhận thấy bản thân có tiếng nói trong một số lĩnh vực nhất định mà lợi dụng chức vụ, quyền hạn hoặc lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức thực hiện hành vi sai phạm;
– Để thực hiện và che dấu hành vi của mình, đối tượng này dùng nhiều thủ đoạn, mà các thủ đoạn này được đánh giá là xảo quyệt;
2.2.3. Khung 3
Đối tượng phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì có thể bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:
-Xét trên thực tế hành vi chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
– Khi quốc gia đang lâm vào tình trạng khó khăn kiểm soát vấn đề thiên tai, dịch bệnh mà lợi dụng tình trạng này để thu lợi bất chính;
2.2.4. Khung 4
Đây được coi là khung hình phạt cao nhất đối với tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, mức phạt từ 12 năm đến 20 năm hoặc thậm chí là tù chung thân nếu cơ quan điều tra nhận thấy được hành vi dưới đây:
– Xét đến tài sản bị chiếm đoạt là từ 500.000.000 đồng trở lên;
– Lợi dụng hoàn cảnh chiến tranh, tình trạng khẩn cấp.
Ngoài việc bị áp dụng mức phạt tù nêu trên, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
Như vậy, tùy vào mức độ, giá trị tài sản bị lừa đảo sẽ có những mức phạt khác nhau. Cá nhân có hành vi trục lợi, chiếm đoạt tiền từ thiện có thể bị áp dụng mức xử phạt cao nhất là chung thân.
3. Cần làm gì để tránh bị lừa tiền từ thiện:
3.1. Cá nhân chủ động trong việc xác minh đầy đủ và chính xác danh tính của cá nhân, tổ chức kêu gọi từ thiện:
Hiện nay, Kẻ lừa đảo thường áp dụng công nghệ thông tin để tiếp cận với những cá nhân có mong muốn làm từ thiện. Xu hướng dùng email giả, bắt chước tên gọi, đạo nhái màu sắc và logo quen thuộc của các đơn vị từ thiện uy tín khác.
Ngoài ra, những cá nhân có tầm ảnh hưởng trên trang mạng xã hội cũng trong tầm ngắm của chúng. Các đối tượng có thể tạo lập nên một trang cá nhân giả để đăng lên những các bài viết và kêu gọi quyên góp.
Chính vì vậy, để kiểm tra những tổ chức từ thiện hợp pháp hay không thì bạn đọc nên tìm trên các website của cơ quan nhà nước địa phương hoặc cơ quan báo chí uy tín để gửi lòng tin.
3.2. Không vội vàng trao niềm tin cho người khác:
Những đối tượng xấu thông thường sẽ đánh đòn tâm lý để khơi gợi sự đồng cảm, thôi thúc bạn quyên góp số tiền ngay lập tức. Chính vì vậy, trước khi tiến hành quyên góp tiền từ thiện phải có sự xác nhận rõ về tình trạng và hoàn cảnh của các cá nhân hay tổ chức đang cần trợ giúp. Thay vì đóng góp ngay lập tức hãy thật cẩn thận và tỉnh táo để thực hiện việc làm từ thiện này;
3.3. Lựa chọn hình thức quyên góp tiền phù hợp:
Trên thực tế, hành vi của các kẻ lừa đảo vô cùng tinh vi chúng thường lấy các hình ảnh hoặc câu chuyện để lợi dụng kiếm tiền. Chúng sẽ cung cấp một số tài khoản ngân hàng lạ với lý do phổ biến là những người gặp khó khăn không có tài khoản riêng hoặc là không biết dùng điện thoại hoặc là tự dựng lên mình có mối quan hệ thân thiết là người thân thuộc trong gia đình để đại diện quyên góp.
Để xác minh được thông tin, cá nhân nếu biết địa chỉ của người cần giúp đỡ hãy liên lạc đến chính quyền địa phương để xác minh thông tin. Trong trường hợp có lợi thế về khoảng cách địa lý thì có thể tự đến trực tiếp tìm hiểu và giúp đỡ đưa tiền hoặc các đồ vật có giá trị trực tiếp đến người đang gặp khó khăn.
Cần hạn chế tối đa việc quyên góp tiền tài sản thông qua một cá nhân hoặc tổ chức trung gian. Đối với trường hợp không thể trực tiếp quyên góp được mà cần thông qua một cá nhân trung gian như người nổi tiếng, những người có ảnh hưởng trong xã hội thì hãy đảm bảo rằng bạn đang liên lạc trực tiếp qua trang web hoặc trang mạng xã hội chính thức của người đó. Ngoài ra, cần có sự đánh giá xem xét độ uy tín của những cá nhân tổ chức này đối với những lần từ thiện trước đây mà họ đã thực hiện.
Nếu không may đã là nạn nhân của hành vi trục lợi chiếm đoạt tiền từ thiện thì các cá nhân nên lập tức trình báo sự việc đến cơ quan chức năng, cung cấp đầy đủ những bằng chứng chứng cứ mà mình đã thực hiện quyên góp đối với cá nhân tổ chức qua trung gian kia. Để giải quyết triệt để được vấn đề này các cá nhân phải có sự đoàn kết thống nhất và kịp thời yêu cầu sự hỗ trợ từ cơ quan có thẩm quyền.
Văn bản pháp luật được sử dụng:
Bộ Luật Hình sự 2015.