Tố cáo hành vi xây nhà lấn diện tích đất lưu không? Xử phạt các hành vi vi phạm quy định về sử dụng, khai thác trong phạm vi đất dành cho đường bộ.
Tóm tắt câu hỏi:
Gia đình nhà bên cạnh nhà tôi họ xây dựng nhà kiên cố (mục đích kinh doanh nhà trọ, cụ thể nhà ông trưởng thôn). Họ xây dựng theo tường rào cũ của ngõ thôn nhưng hết tầng 1 họ đổ ô văng 60cm lấn lưu không lòng đường và xây dựng nền tầng tiếp theo lấn ra. Vậy xin hỏi tôi cần làm những thủ tục gì để giải quyết vụ việc trên? Xin cảm ơn.
Luật sư tư vấn:
Cám ơn bạn đã gửi câu hỏi của mình đến Ban biên tập – Phòng tư vấn trực tuyến của Công ty LUẬT DƯƠNG GIA. Với thắc mắc của bạn, Công ty LUẬT DƯƠNG GIA xin được đưa ra quan điểm tư vấn của mình như sau:
1. Căn cứ pháp lý:
Luật giao thông đường bộ năm 2008
Nghị định 46/2016/NĐ – CP ngày 26 tháng 05 năm 2016
2. Nội dung tư vấn:
Theo thông tin bạn cung cấp, gia đình hàng xóm – gia đình nhà bên cạnh nhà bạn xây dựng nhà nhưng lấn chiếm vào phần đất lưu không, xâm phạm phần lòng đường và phần ranh giới phía trên của đường ngõ trong thôn. Để giải quyết vấn đề này, cần xem xét các phương diện sau:
Hiện nay, không có văn bản pháp luật nào quy định về “đất lưu không: Khái niệm này là tự phát, tuy nhiên có thể hiểu khái niệm đất lưu không là khái niệm chỉ phần đất hành lang an toàn giao thông, hành lang an toàn công trình đê điều, hành lang lưới điện,… Đó là phần đất có quy hoạch làm đất để phục vụ cho công trình công cộng, giao thông, thủy lợi, điện… mà Nhà nước chưa sử dụng đến.
Trong trường hợp của bạn, gia đình nhà hàng xóm xây dựng theo tường rào cũ của ngõ thôn, nhưng phần diện tích xây dựng ở tầng 1, họ đổ ô văng 60 cm lấn sang phần đất lưu không lòng đường, phần diện tích xây dựng trên các tầng trên cũng tiếp tục xây lấn ra.
Có thể thấy, phần đất lưu không mà gia đình người hàng xóm lấn chiếm là phần đất thuộc hành lang an toàn đường bộ, là một bộ phận của đường bộ. Bởi căn cứ theo quy định tại khoản 4, khoản 5 Điều 3
Căn cứ theo quy định tại Điều 43 Luật giao thông đường bộ năm 2008 thì phạm vi đất dành cho đường bộ gồm đất của đường bộ và đất hành lang an toàn đường bộ. Trong phạm vi đất dành cho đường bộ thì không được xây dựng các công trình khác, trừ một số công trình thiết yếu không thể bố trí ngoài phạm vi đó nhưng phải được cơ quan có thẩm quyền cho phép, gồm công trình phục vụ quốc phòng an ninh, công trình phục vụ quản lý, khai thác đường bộ… Trong phạm vi đất hành lang an toàn đường bộ, người sử dụng đất được tạm thời sử dụng vào mục đích nông nghiệp, quảng cáo nhưng không làm ảnh hưởng đến an toàn công trình, an toàn đường bộ. Người đang sử dụng đất được pháp luật thừa nhận là đất đó nằm trong hành lang an toàn đường bộ thì được tiếp tục sử dụng theo đúng mục đích đã xác định và không được gây cản trở cho việc bảo vệ công trình.
Đồng thời, căn cứ theo quy định tại khoản 2 Điều 175
“Điều 175. Ranh giới giữa các bất động sản
1. Ranh giới giữa các bất động sản liền kề được xác định theo thỏa thuận hoặc theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Ranh giới cũng có thể được xác định theo tập quán hoặc theo ranh giới đã tồn tại từ 30 năm trở lên mà không có tranh chấp.
Không được lấn, chiếm, thay đổi mốc giới ngăn cách, kể cả trường hợp ranh giới là kênh, mương, hào, rãnh, bờ ruộng. Mọi chủ thể có nghĩa vụ tôn trọng, duy trì ranh giới chung.
2. Người sử dụng đất được sử dụng không gian và lòng đất theo chiều thẳng đứng từ ranh giới của thửa đất phù hợp với quy định của pháp luật và không được làm ảnh hưởng đến việc sử dụng đất của người khác.
Người sử dụng đất chỉ được trồng cây và làm các việc khác trong khuôn viên đất thuộc quyền sử dụng của mình và theo ranh giới đã được xác định; nếu rễ cây, cành cây vượt quá ranh giới thì phải xén rễ, cắt, tỉa cành phần vượt quá, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.”
Từ những căn cứ trên, có thể thấy, người hàng xóm của bạn không được thực hiện việc xây dựng công trình nhà ở trên phạm vi đất dành cho đường bộ, lấn sang lòng đường cho dù phần đất mà họ đổ ô văng, và phần quyền sử dụng trên không có nằm trong phạm vi ranh giới đất thuộc quyền sử dụng đất đã được công nhận của họ. Tuy nhiên, trong trường hợp của bạn, phần đất mà họ đổ ô văng ở tầng 1, và phần xây dựng các tầng trên được xác định là thuộc một phần của lòng đường ngõ của thôn (đường hẻm). Trong trường hợp này, căn cứ theo quy định tại Điều 43 Luật giao thông đường bộ năm 2008 và quy định tại khoản 2 Điều 175 Bộ luật dân sự năm 2015 thì người hàng xóm đã có hành vi lấn, chiếm đất thuộc hành lang an toàn giao thông, thuộc phạm vi đất dành cho đường bộ do Nhà nước quản lý bao gồm cả phần không gian và lòng đất tính theo chiều thẳng đứng của ranh giới đất đường bộ. Đồng thời có hành vi xây dựng trái phép trên phạm vi đất của đường bộ, gây ảnh hưởng đến kết cấu và an toàn của công trình đường bộ.
Với hành vi này, họ có thể bị xử phạt theo hành chính theo quy định tại khoản 8 Điều 12 Nghị định 46/2016/NĐ – CP, cụ thể:
“Điều 12. Xử phạt các hành vi vi phạm quy định về sử dụng, khai thác trong phạm vi đất dành cho đường bộ.
…8. Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với cá nhân, từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với tổ chức thực hiện một trong các hành vi vi phạm sau đây:
a) Xây dựng nhà ở, công trình kiên cố khác trái phép trong phạm vi đất dành cho đường bộ;
b) Mở đường nhánh đấu nối trái phép vào đường chính.
9. Ngoài việc bị áp dụng hình thức xử phạt, cá nhân, tổ chức thực hiện hành vi quy định tại Khoản 1, Khoản 2, Khoản 3, Khoản 4, Khoản 5, Khoản 6, Khoản 7, Khoản 8 Điều này còn bị áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả sau đây: Buộc phải dỡ bỏ các công trình xây dựng trái phép, biển quảng cáo, di dời cây trồng trái phép, thu dọn rác, vật tư, vật liệu, chất phế thải, hàng hóa, máy móc, thiết bị, các loại vật dụng và khôi phục lại tình trạng ban đầu đã bị thay đổi do vi phạm hành chính gây ra.”
Như vậy, từ những phân tích nêu trên, người hàng xóm này đang có hành vi lấn, chiếm đất và xây dựng nhà ở, công trình xây dựng trái phép trên phạm vi đất thuộc hành lang an toàn công trình đường bộ. Với hành vi này, người hàng xóm sẽ bị xử phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng, đồng thời bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả là buộc dỡ bỏ phần công trình xây dựng trái phép. Đối với trường hợp này, khi phát hiện ra hành vi vi phạm của người hàng xóm, ảnh hưởng đến lợi ích chung của cộng đồng thì bạn có quyền làm đơn đề nghị phản ánh, hoặc đơn tố cáo gửi đến cơ quan có thẩm quyền (Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có đất) để phản ánh về sự việc này.