Quy định về đối tượng tham gia hòa giải thành ngoài Tòa án? Quy định về điều kiện để được công nhận kết quả hòa giải thành ngoài Tòa án? Quy định về thủ tục yêu cầu công nhận kết quả hòa giải thành ngoài Tòa án? Quy định về thủ tục công nhận kết quả hòa giải thành ngoài Tòa án?
Chế định hoà giải có những vai trò rất quan trọng trong việc giải quyết các tranh chấp giữa các chủ thể. Nó đã góp phần giải quyết các mâu thuẫn phát sinh giữa các bên mà không cần thông qua quá trình tố tụng tại
Luật sư tư vấn luật qua điện thoại trực tuyến miễn phí: 1900.6568
Mục lục bài viết
1. Quy định về đối tượng tham gia hòa giải thành ngoài Tòa án:
Theo quy định của pháp luật thì đối tượng tham gia hòa giải thành ngoài Tòa án là các cơ quan, tổ chức, cá nhân và các bên tham gia thỏa thuận hòa giải phải có đầy đủ năng lực hành vi dân sự; phải là người có quyền, nghĩa vụ đối với nội dung thỏa thuận hòa giải.
Trong trường hợp nội dung thỏa thuận hòa giải thành liên quan đến quyền, nghĩa vụ của người thứ ba thì phải được người thứ ba đồng ý theo Điều 416
2. Điều kiện để được công nhận kết quả hòa giải thành ngoài Tòa án:
Điều kiện về năng lực hành vi dân sự của các bên tham gia thỏa thuận hòa giải:
Theo quy định tại khoản 1 Điều 417 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 về các bên tham gia thỏa thuận hòa giải thì các bên tham gia thỏa thuận hòa giải có đầy đủ năng lực hành vi dân sự. Như vậy, người từ đủ mười lăm tuổi đến chưa đủ mười tám tuổi sẽ không được có thỏa thuận hòa giải thành ngoài Tòa án. Việc ban hành quy định này đã làm hạn chế đối tượng có thể là một trong các bên tham gia thỏa thuận hòa giải ngoài Tòa án, đó là người từ đủ mười lăm tuổi đến chưa đủ mười tám tuổi.
Điều kiện về sự đồng ý của người thứ ba.
Khoản 2 Điều 417 BLTTDS 2015 quy định:
“2. Các bên tham gia thỏa thuận hòa giải là người có quyền, nghĩa vụ đối với nội dung thỏa thuận hòa giải. Trường hợp nội dung thỏa thuận hòa giải thành liên quan đến quyền, nghĩa vụ của người thứ ba thì phải được người thứ ba đồng ý.”
Như vậy, đối với trường hợp liên quan đến quyền và nghĩa vụ của người thứ ba theo quy định hiện hành thì cần phải được họ đồng ý.
Điều kiện về việc nộp đơn yêu cầu Tòa án công nhận.
Khoản 3 Điều 417 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 quy định một trong những điều kiện để được công nhận kết quả hòa giải thành ngoài Tòa án là:
“Một hoặc cả hai bên có đơn yêu cầu Tòa án công nhận”.
Cũng theo quy định tại Điều 418 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 thì các chủ thể là người yêu cầu công nhận kết quả hòa giải thành ngoài Tòa án phải gửi đơn đến Tòa án trong thời hạn là sáu tháng kể từ ngày mà các bên đạt được thỏa thuận hòa giải thành.
Đơn yêu cầu phải có các nội dung chủ yếu sau đây:
– Các nội dung quy định tại các điểm a, b, c, đ, e và g Khoản 2 Điều 362 của Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015.
– Tên, địa chỉ của cá nhân, tổ chức đã tiến hành hòa giải.
– Nội dung, thỏa thuận hòa giải thành yêu cầu Tòa án công nhận.
Kèm theo đơn yêu cầu, các chủ thể là người yêu cầu phải gửi văn bản về kết quả hòa giải thành theo quy định của pháp luật có liên quan.
Theo quy định của pháp luật thì trong thời hạn là mười năm ngày, kể từ ngày Tòa án thụ lý đơn yêu cầu thì phải ra quyết định mở phiên họp xét đơn yêu cầu để ra quyết định công nhận kết quả hòa giải thành ngoài Tòa án hoặc quyết định không công nhận kết quả hòa giải thành ngoài Tòa án.
3. Thủ tục yêu cầu công nhận kết quả hòa giải thành ngoài Tòa án:
Yêu cầu công nhận kết quả hòa giải thành ngoài Tòa án là một yêu cầu về dân sự mới được bổ sung trong Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015.
– Đối với hình thức yêu cầu:
Dựa theo quy định tại Điều 418 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 thì các chủ thể là người yêu cầu Tòa án công nhận kết quả hòa giải thành ngoài Tòa án phải thực hiện dưới hình thức bằng văn bản.
Cùng với những nội dung cơ bản tương tự như nội dung của đơn yêu cầu Tòa án giải quyết việc dân sự nói chung, đơn yêu cầu công nhận kết quả hòa giải thành ngoài Tòa án còn cần phải có những thông tin của cá nhân, tổ chức đã tiến hành hòa giải; nội dung, thỏa thuận hòa giải thành yêu cầu Tòa án công nhận theo đúng quy định của pháp luật hiện hành.
Ngoài ra, khi yêu cầu công nhận kết quả hòa giải thành ngoài Tòa án thì các chủ thể là người yêu cầu còn phải gửi kèm theo văn bản về kết quả hòa giải thành theo quy định của pháp luật có liên quan.
– Đối với chủ thể có quyền yêu cầu:
Theo quy định của pháp luật thì chủ thể có quyền yêu cầu Tòa án công nhận kết quả hòa giải thành ngoài Tòa án là một hoặc cả hai bên tham gia thỏa thuận hòa giải.
Đây cũng là một trong những điều kiện quan trọng để Tòa án có thẩm quyền xem xét và công nhận kết quả hòa giải thành ngoài Tòa án.
– Đối với thời hạn yêu cầu:
Cũng theo quy định tại Điều 418 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 việc yêu cầu phải được thực hiện trong thời hạn 06 tháng, kể từ ngày các bên đạt được thỏa thuận hòa giải thành.
4. Thủ tục công nhận kết quả hòa giải thành ngoài Tòa án:
Theo Điều 419 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 đã đưa ra quy định khi yêu cầu Tòa án công nhận kết quả hòa giải, các chủ thể là người yêu cầu phải gửi kèm theo văn bản về kết quả hòa giải thành nhằm mục đích để tạo cơ sở cho Tòa án thực hiện các chức năng, nhiệm vụ của mình trong việc công nhận kết quả hòa giải thành ngoài Tòa án.
Thời hạn chuẩn bị xét đơn yêu cầu được pháp luật quy định là 15 ngày kể từ ngày Tòa án thụ lý đơn yêu cầu. Cần lưu ý rằng khi đã hết thời hạn này Tòa án có thẩm quyền sẽ phải ra quyết định mở phiên họp xét đơn yêu cầu và phiên họp này phải được mở trong thời hạn mười ngày tiếp theo kể từ ngày ra quyết định.
Về thủ tục nhận và xử lý đơn yêu cầu, đối với những chủ thể tham gia phiên họp, thủ tục tiến hành phiên họp được thực hiện theo thủ tục chung do pháp luật quy định.
Tòa án chỉ ra quyết định công nhận kết quả hòa giải thành ngoài Tòa án trong trường hợp có đủ các điều kiện công nhận theo quy định của pháp luật tố tụng. Đối với trường hợp không đủ một trong các điều kiện quy định thì Tòa án ra quyết định không công nhận kết quả hòa giải thành ngoài Tòa án.
Cũng cần lưu ý rằng việc không công nhận của Tòa án sẽ không ảnh hưởng đến nội dung và giá trị pháp lý của kết quả hòa giải thành ngoài Tòa án. Quyết định của Tòa án có hiệu lực thi hành ngay, không bị kháng cáo, kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm và quyết định này sẽ được gửi cho những người tham gia thỏa thuận hòa giải, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan và Viện kiểm sát cùng cấp.
Việc ban hành quy định nêu trên là hoàn toàn hợp lý bởi vì cho dù Tòa án có công nhận hay không thì về nguyên tắc các bên tham gia thỏa thuận đều có nghĩa vụ phải thực hiện cam kết của mình một cách thiện chí và trung thực. Chính bởi vì thế mà việc không được Tòa án công nhận kết quả hòa giải ngoài Toà án một cách hợp lý không phải là lý do để các bên viện dẫn cho việc không tuân thủ cam kết của mình.
Ta nhận thấy, khi đưa ra các quy định về việc thực hiện thỏa thuận hòa giải thành thì Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 cũng như các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan chỉ đưa ra quy định về trách nhiệm chung mà chưa có một điều luật cụ thể nào quy định về trách nhiệm, biện pháp xử lý hay hậu quả pháp lý mà các bên đương sự phải gánh chịu trong trường hợp không thực hiện thỏa thuận. Việc quy định như vậy đã dẫn đến việc thực hiện kết quả hòa giải trong trường hợp không được Tòa án công nhận hoàn toàn phụ thuộc vào sự tự nguyện của đương sự.
Trong trường hợp có một bên thay đổi và không thiện chí trong việc thực hiện thỏa thuận thì quyền lợi của đương sự còn lại sẽ bị ảnh hưởng rất lớn và từ đó sẽ ra những hậu quả nghiêm trọng tới quyền lợi của các bên trong quá trình tiến hành hoà giải.
Chính bởi vì thế, có thể nói sự ra đời của thủ tục công nhận kết quả hòa giải thành ngoài Tòa án như là giải pháp tích cực cho hoạt động hòa giải ngoài Tòa án và đã góp phần hạn chế tình trạng các đương sự đã thỏa thuận nhưng sau đó lại không tự giác thực hiện cam kết của mình. Tuy nhiên, để nâng cao được hiệu lực cũng như hiệu quả của việc thực hiện các thỏa thuận hòa giải thành ngoài Tòa án thì pháp luật nước ta cần phải khắc phục những hạn chế trong công tác hòa giải hiện nay.
Đối với việc quy định quyết định công nhận của Tòa án có giá trị thi hành ngay, không bị kháng cáo, kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm sẽ giúp cho thủ tục giải quyết việc dân sự này được đơn giản hơn và từ đó bảo vệ được tốt hơn quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự trong quá trình tiến hành thủ tục công nhận hoà giải thành ngoài Toà án, vừa tiết kiệm được công sức, thời gian, chi phí cho cả người tham gia tố tụng lẫn cơ quan tiến hành tố tụng mà vẫn không vi phạm nguyên tắc thực hiện chế độ hai cấp xét xử trong tố tụng dân sự.
Thông qua những phân tích ở trên cho thấy rằng quy định về thủ tục công nhận kết quả hòa giải thành ngoài Tòa án đã góp phần tích cực và có vai trò quan trọng trong việc khuyến khích các bên trong quan hệ dân sự lựa chọn phương thức hòa giải khi có tranh chấp phát sinh. Việc bổ sung quy định về thủ tục công nhận kết quả hòa giải thành ngoài Tòa án trong Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 đã thể hiện tư tưởng tiến bộ của các nhà lập pháp nhằm mục đích để đáp ứng nhu cầu của xã hội và từ đó góp phần bảo vệ kịp thời các lợi ích chính đáng của người dân, phát triển các giao dịch dân sự cũng như duy trì ổn định trật tự xã hội.