Được hưởng di sản thừa kế là một trong những quyền của cá nhân, tổ chức trong thừa kế. Thủ tục hưởng thừa kế của người nước ngoài tại Việt Nam được thực hiện lần lượt qua các bước sau:
Mục lục bài viết
- 1 1. Xác định những trường hợp người nước ngoài tại Việt Nam được hưởng thừa kế:
- 2 2. Chuẩn bị hồ sơ thực hiện thủ tục hưởng thừa kế của người nước ngoài tại Việt Nam:
- 3 3. Đến tổ chức hành nghề công chứng:
- 4 4. Tiếp nhận và kiểm tra hồ sơ:
- 5 5. Niêm yết việc thụ lý công chứng văn bản thỏa thuận phân chia di sản hoặc văn bản khai nhận di sản:
- 6 6. Thụ lý công chứng văn bản thỏa thuận phân chia di sản:
1. Xác định những trường hợp người nước ngoài tại Việt Nam được hưởng thừa kế:
Người nước ngoài là người mang giấy tờ xác định quốc tịch nước ngoài và người không quốc tịch được nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú tại Việt Nam. Người được hưởng thừa kế di sản là người nước ngoài tại Việt Nam được hưởng thừa kế di sản theo di chúc hoặc theo pháp luật. Trong trường hợp người nước ngoài tại Việt Nam được thừa kế theo di chúc thì người nước ngoài đó có thể là một trong những người thừa kế của các hàng thừa kế theo pháp luật hoặc cũng có thể người nước ngoài đó là người ngoài (bạn bè, đối tác,…của người để lại di sản). Còn trong trường hợp người nước ngoài tại Việt Nam được thừa kế theo pháp luật thì người nước ngoài được thừa kế chỉ có thể là một trong những người thừa kế của các hàng thừa kế.
2. Chuẩn bị hồ sơ thực hiện thủ tục hưởng thừa kế của người nước ngoài tại Việt Nam:
Người nước ngoài tại Việt Nam được hưởng thừa kế theo pháp luật hoặc theo di chúc mà nội dung ở trong di chúc không xác định rõ phần di sản được hưởng của từng người (kể cả của người nước ngoài tại Việt Nam) thì có quyền yêu cầu công chứng
Hồ sơ để người nước ngoài tại Việt Nam thực hiện thủ tục công chứng
– Phiếu yêu cầu công chứng;
– Bản sao giấy tờ tùy thân của người nước ngoài tại Việt Nam (hộ chiếu còn hạn,…);
– Bản sao giấy chứng nhận quyền sở hữu, quyền sử dụng đối với những tài sản là di sản mà pháp luật quy định phải đăng ký quyền sở hữu, quyền sử dụng (giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đứng tên của người đã mất, giấy chứng nhận đăng ký xe,…);
– Giấy tờ chứng minh quan hệ giữa người để lại di sản và người được hưởng di sản là người nước ngoài tại Việt Nam theo quy định của pháp luật về thừa kế nếu trong trường hợp thừa kế theo pháp luật (giấy khai sinh,…);
– Bản sao di chúc.
Lưu ý rằng:
– Người yêu cầu công chứng văn bản thỏa thuận phân chia di sản hoặc văn bản khai nhận di sản là người nước ngoài tại Việt Nam không thông thạo tiếng Việt thì họ phải có người phiên dịch. Người phiên dịch cho người nước ngoài tại Việt Nam phải là người từ đủ 18 tuổi trở lên, có năng lực hành vi dân sự đầy đủ, bắt buộc thông thạo tiếng Việt và ngôn ngữ mà người yêu cầu công chứng sử dụng.
– Những giấy tờ của người nước ngoài tại Việt Nam phải được chứng nhận lãnh sự, hợp pháp hóa lãnh sự theo quy định của pháp luật.
3. Đến tổ chức hành nghề công chứng:
Điều 42 Luật Công chứng 2014 quy định công chứng viên của tổ chức hành nghề công chứng chỉ được phép công chứng hợp đồng, giao dịch về bất động sản trong phạm vi tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương ở nơi mà tổ chức hành nghề công chứng đặt trụ sở, trừ trường hợp công chứng viên thực hiện công chứng di chúc, văn bản từ chối nhận di sản là bất động sản và văn bản ủy quyền mà có liên quan đến việc thực hiện các quyền đối với bất động sản. Chính vì thế, nếu di sản là bất động sản thì khi người nước ngoài tại Việt Nam được hưởng phần di sản đó sẽ phải đến trụ sở của tổ chức hành nghề công chứng ở ngay trong phạm vi tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi tọa lạc bất động sản để thực hiện thủ tục yêu cầu công chứng văn bản thỏa thuận phân chia di sản hoặc văn bản khai nhận di sản. Còn nếu như di sản thừa kế là động sản thì người nước ngoài tại Việt Nam được hưởng phần di sản đó có thể đến bất kỳ một trụ sở của tổ chức hành nghề công chứng nào trên phạm vi cả nước để thực hiện thủ tục.
Người yêu cầu công chứng văn bản thỏa thuận phân chia di sản hoặc văn bản khai nhận di sản (người nước ngoài tại Việt Nam được hưởng di sản thừa kế) mang sẵn những giấy tờ đã chuẩn bị sẵn ở mục trên đến trực tiếp trụ sở của tổ chức hành nghề công chứng để bắt đầu thực hiện thủ tục công chứng văn bản thỏa thuận phân chia di sản hoặc văn bản khai nhận di sản.
4. Tiếp nhận và kiểm tra hồ sơ:
Công chứng viên kiểm tra các giấy tờ trong hồ sơ yêu cầu công chứng văn bản thỏa thuận phân chia di sản hoặc văn bản khai nhận di sản mà người nước ngoài tại Việt Nam nộp đến để nhằm để kiểm tra hồ sơ đã đầy đủ giấy tờ chưa. Trường hợp hồ sơ yêu cầu công chứng văn bản thỏa thuận phân chia di sản hoặc văn bản khai nhận di sản đã đầy đủ và phù hợp với quy định của pháp luật thì công chứng viên tiếp nhận hồ sơ và ghi vào sổ công chứng.
Công chứng viên phải kiểm tra để xác định người để lại di sản có đúng phải là người có quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản hay không và những người yêu cầu công chứng (bao gồm có người nước ngoài tại Việt Nam) có đúng là người được hưởng di sản; nếu như thấy chưa rõ hoặc có căn cứ cho rằng việc để lại di sản và hưởng di sản là không đúng theo quy định của pháp luật thì từ chối yêu cầu công chứng văn bản thỏa thuận phân chia di sản hoặc văn bản khai nhận di sản hoặc theo đề nghị của người yêu cầu công chứng, công chứng viên tiến hành xác minh hoặc yêu cầu giám định.
Tổ chức hành nghề công chứng nơi tiếp nhận hồ sơ công chứng văn bản thỏa thuận phân chia di sản hoặc văn bản khai nhận di sản có trách nhiệm niêm yết việc thụ lý công chứng văn bản thỏa thuận phân chia di sản trước khi thực hiện việc công chứng.
5. Niêm yết việc thụ lý công chứng văn bản thỏa thuận phân chia di sản hoặc văn bản khai nhận di sản:
Việc thụ lý công chứng văn bản thỏa thuận phân chia di sản hoặc công chứng văn bản khai nhận di sản phải được niêm yết trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày niêm yết.
Việc niêm yết thụ lý công chứng văn bản thỏa thuận phân chia di sản hoặc công chứng văn bản khai nhận di sản do tổ chức hành nghề công chứng thực hiện ngay tại trụ sở của Ủy ban nhân cấp xã nơi thường trú cuối cùng của người để lại di sản; còn trong trường hợp không xác định được nơi thường trú cuối cùng của người để lại di sản thừa kế thì niêm yết tại nơi tạm trú có thời hạn cuối cùng của người đó.
Trường hợp di sản của người đã mất chỉ gồm có động sản, nếu trụ sở của tổ chức hành nghề công chứng và nơi thường trú hoặc tạm trú có thời hạn cuối cùng của người đã mất có để lại di sản không ở cùng một tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thì tổ chức hành nghề công chứng sẽ có thể đề nghị Ủy ban nhân dân cấp xã nơi thường trú hoặc tạm trú có thời hạn cuối cùng của người đã mất để lại di sản thực hiện việc niêm yết.
6. Thụ lý công chứng văn bản thỏa thuận phân chia di sản:
Sau 15 ngày niêm yết việc thụ lý công chứng văn bản thỏa thuận phân chia di sản hoặc văn bản khai nhận di sản nếu không có tranh chấp gì thì tổ chức hành nghề công chứng tiếp nhận hồ sơ công chứng văn bản thỏa thuận phân chia di sản hoặc văn bản khai nhận di sản.
Công chứng viên hướng dẫn người yêu cầu công chứng văn bản thỏa thuận phân chia di sản hoặc văn bản khai nhận di sản (bao gồm có cả người nước ngoài tại Việt Nam) tuân thủ đúng các quy định về thủ tục công chứng văn bản thỏa thuận phân chia di sản hoặc văn bản khai nhận di sản; giải thích cho người yêu cầu công chứng văn bản thỏa thuận phân chia di sản hoặc văn bản khai nhận di sản (bao gồm có cả người nước ngoài tại Việt Nam) hiểu rõ quyền, nghĩa vụ và lợi ích hợp pháp của họ trong việc công chứng văn bản thỏa thuận phân chia di sản hoặc văn bản khai nhận di sản.
Người yêu cầu công chứng văn bản thỏa thuận phân chia di sản hoặc văn bản khai nhận di sản tự đọc lại văn bản thỏa thuận phân chia di sản hoặc văn bản khai nhận di sản.
Người yêu cầu công chứng đồng ý toàn bộ nội dung trong văn bản thỏa thuận phân chia di sản hoặc văn bản khai nhận di sản thì ký vào từng trang của văn bản. Công chứng viên yêu cầu người yêu cầu công chứng (bao gồm có cả người nước ngoài tại Việt Nam) xuất trình bản chính của các giấy tờ trong hồ sơ để đối chiếu trước khi ghi lời chứng, ký vào từng trang của văn bản thỏa thuận phân chia di sản hoặc văn bản khai nhận di sản.
Những văn bản pháp luật được sử dụng trong bài viết:
– Luật Công chứng 2014.