Theo quy định tại Luật đất đai 2013, cơ quan có thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai có thể là Tòa án hoặc UBND. Dưới đây là quy định về thủ tục giải quyết tranh chấp đất đai tại Ủy ban nhân dân mới nhất:
Mục lục bài viết
- 1 1. Khi nào thực hiện giải quyết tranh chấp đất đai tại Ủy ban nhân dân?
- 2 2. Thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai tại Ủy ban nhân dân:
- 3 3. Hồ sơ, thủ tục giải quyết tranh chấp đất đai tại Ủy ban nhân dân:
- 4 4. Mẫu đơn đề nghị Ủy ban nhân dân giải quyết tranh chấp đất đai và hướng dẫn viết:
- 5 5. Căn cứ để giải quyết tranh chấp đất đai tại Ủy ban nhân dân:
1. Khi nào thực hiện giải quyết tranh chấp đất đai tại Ủy ban nhân dân?
Theo quy định tại khoản 2 Điều 203 Luật Đất đai 2013, trường hợp khi xảy ra tranh chấp đất đai mà đương sự không có Giấy chứng nhận (Sổ hồng, Sổ đỏ) hoặc không có một trong các giấy tờ quy định tại Điều 100 Luật đất đai thì có thể làm đơn yêu cầu giải quyết tại Ủy ban nhân dân có thẩm quyền.
Các đương sự cũng cần lưu ý khi thuộc trường hợp trên chỉ có thể lựa chọn phương án giải quyết một là khởi kiện tại Tòa án hoặc gửi đơn đề nghị Uỷ ban nhân dân cấp có thẩm quyền giải quyết chứ không được lựa chọn cả hai phương án.
2. Thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai tại Ủy ban nhân dân:
Trường hợp hòa giải không thành thì nộp đơn yêu cầu giải quyết tại Ủy ban nhân dân. Theo đó, thẩm quyền của Ủy ban để tiến hành giải quyết là:
– Thẩm quyền của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện: giải quyết tranh chấp giữa hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư với nhau.
Trường hợp sau khi giải quyết, các bên không đồng ý với quyết định đó thì thực hiện thủ tục khiếu nại đến Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh hoặc khởi kiện tại Tòa án nhân dân theo quy định của pháp luật về tố tụng hành chính.
– Thẩm quyền của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh: giải quyết tranh chấp nếu như một bên tranh chấp là tổ chức, cơ sở tôn giáo, người Việt Nam định cư ở nước ngoài, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.
Trường hợp sau khi giải quyết tranh chấp mà các bên không đồng ý với quyết định đó thì tiến hành khiếu nại đến Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường hoặc khởi kiện tại Tòa án nhân dân theo quy định của pháp luật về tố tụng hành chính.
(Căn cứ tại điểm a Khoản 2 Điều 203
3. Hồ sơ, thủ tục giải quyết tranh chấp đất đai tại Ủy ban nhân dân:
Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ:
Cá nhân, hộ gia đình chuẩn bị làm đơn yêu cầu giải quyết tranh chấp đất đai.
Bước 2: Nộp hồ sơ:
Sau khi chuẩn bị đơn từ như trên, cá nhân, hộ gia đình nộp đơn tại Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền.
Bước 3: Tiếp nhận và giải quyết:
Sau khi nhận được đơn đầy đủ và hợp lệ của người dân, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền giao trách nhiệm cơ quan tham mưu giải quyết.
Tiếp theo, cơ quan tham mưu có nhiệm vụ thẩm tra, kiểm tra vụ việc tranh chấp, thực hiện hòa giải giữa các bên tranh chấp và nếu thấy cần thiết thì tổ chức cuộc họp các ban, ngành có liên quan để tư vấn giải quyết tranh chấp đất đai.
Thực hiện hoàn chỉnh hồ sơ trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân cùng cấp ban hành quyết định giải quyết tranh chấp đất đai, cụ thể hồ sơ sẽ bao gồm:
– Đơn yêu cầu giải quyết tranh chấp đất đai.
– Biên bản hòa giải tại Ủy ban nhân dân cấp xã.
– Biên bản làm việc với các bên tranh chấp và người có liên quan.
– Biên bản kiểm tra hiện trạng đất tranh chấp.
– Đối với trường hợp hòa giải không thành thì cần có biên bản cuộc họp các ban, ngành có liên quan để tư vấn giải quyết tranh chấp đất đai.
– Biên bản hòa giải trong quá trình giải quyết tranh chấp.
– Hồ sơ trích lục bản đồ, hồ sơ địa chính qua các thời kỳ liên quan đến diện tích đất tranh chấp.
– Các tài liệu làm chứng cứ, chứng minh trong quá trình giải quyết tranh chấp.
– Báo cáo đề xuất và dự thảo quyết định giải quyết tranh chấp hoặc dự thảo quyết định công nhận hòa giải thành.
Cuối cùng, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền ban hành quyết định giải quyết tranh chấp hoặc quyết định công nhận hòa giải thành.
Sau đó, gửi các văn bản đó đến cho các bên tranh chấp, các tổ chức, cá nhân có quyền và nghĩa vụ liên quan.
4. Mẫu đơn đề nghị Ủy ban nhân dân giải quyết tranh chấp đất đai và hướng dẫn viết:
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
…….ngày…..tháng….. năm…..
ĐƠN ĐỀ NGHỊ GIẢI QUYẾT TRANH CHẤP ĐẤT ĐAI
Kính gửi: Uỷ ban nhân dân xã (phường, thị trấn):……………
Họ và tên tôi là:……………..
Sinh năm: …………….
CMND/CCCD: ………….
Ngày cấp:………… nơi cấp:……
Hộ khẩu thường trú:…………….
Tôi viết đơn này đề nghị quý cơ quan giải quyết vấn đề tranh chấp đất đai giữa gia đình tôi với gia đình của ông (bà):………….
Nơi ở:…………..
Nội dung vụ việc tranh chấp đất đai như sau:………..
Đến nay, các bên không thể thương lượng, hòa giải được với nhau để giải quyết vụ việc tranh chấp đất đai nêu trên. Vì vậy, tôi làm đơn này đề nghị ……….. tổ chức hòa giải tranh chấp đất giữa gia đình tôi với gia đình ông: ………, trú tại …….. để giải quyết mâu thuẫn, tranh chấp nêu trên.
Nội dung đề nghị cấp thẩm quyền giải quyết:……….
Kính mong cơ quan có thẩm quyền xem xét đơn đề nghị và giải quyết sớm cho tôi.
Tôi chân thành cảm ơn !
Tài liệu có gửi kèm theo: – Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất -……… | NGƯỜI LÀM ĐƠN ĐỀ NGHỊ (ký và ghi rõ họ tên) |
Hướng dẫn viết đơn:
– Quốc hiệu, tiêu ngữ:
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
– Tên đơn: Viết in hoa và trình bày giữa trang giấy.
– Kính gửi: cơ quan có thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai là Ủy ban nhân dân cấp quận/huyện nơi có đất xảy ra tranh chấp.
– Trình bày đầy đủ thông tin của người làm đơn gồm:
+ Họ và tên.
+ Ngày tháng năm sinh.
+ Số căn cước công dân/Chứng minh thư nhân dân.
+ Địa chỉ thường trú.
+ Nơi ở hiện tại.
– Trình bày ngắn gọn thông tin thửa đất đang xảy ra tranh chấp và nguyên nhân, sự vụ tranh chấp diễn ra như thế nào?
Ví dụ:
Gia đình tôi sử dụng đất ổn định, lâu dài (là di sản thừa kế của bố) từ năm 2000. Diện tích đất mà gia đình tôi sử dụng gồm: 200m2 diện tích đất ở và 300m2 đất trồng cây lâu năm.
Hiện nay, gia đình tôi có nhu cầu xây nhà ở trên diện tích đất ở là 200m2. Tuy nhiên, khi triển khai xây dựng nhà ở, gia đình ông Nguyễn Văn B (là hàng xóm có đất giáp ranh với diện tích đất nhà tôi) đã có hành vi ngăn chặn việc xây dựng, với lý do 50m2 diện tích đất ở của gia đình tôi là thuộc phần đất của gia đình ông B và được ghi nhận trong Sổ đỏ của gia đình ông B.
– Nêu ra yêu cầu để cơ quan có thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai.
– Cuối cùng là lời cam đoan và ký, ghi rõ họ tên.
5. Căn cứ để giải quyết tranh chấp đất đai tại Ủy ban nhân dân:
– Căn cứ ban đầu để giải quyết tranh chấp đất đai bao giờ cũng là Sổ đỏ, Sổ hồng. Nếu như không có Sổ đỏ, Sổ hồng thì sẽ dựa trên các giấy tờ quy định sau:
+ Những giấy tờ về quyền được sử dụng đất trước ngày 15/10/1993 do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp trong quá trình thực hiện chính sách đất đai của Nhà nước Việt Nam dân chủ Cộng hòa, Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam và Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
+ Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tạm thời được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp hoặc có tên trong Sổ đăng ký ruộng đất, Sổ địa chính trước ngày 15 tháng 10 năm 1993.
+ Giấy tờ chuyển nhượng quyền sử dụng đất, mua bán nhà ở gắn liền với đất ở trước ngày 15/10/1993 được Ủy ban nhân dân cấp xã xác nhận là đã sử dụng trước ngày 15/10/1993.
+ Giấy tờ hợp pháp về thừa kế, tặng cho quyền sử dụng đất hoặc tài sản gắn liền với đất; giấy tờ giao nhà tình nghĩa, nhà tình thương gắn liền với đất.
+ Các giấy tờ được xác lập trước ngày 15/10/1993.
+ Các giấy tờ về quyền sử dụng đất do cơ quan có thẩm quyền chế độ cũ cấp cho người sử dụng đất như bằng khoán điền thổ; văn tự đoạn mãi bất động sản; bản di chúc; Giấy phép cho xây cất nhà ở hoặc giấy phép hợp thức hóa kiến trúc của cơ quan thuộc chế độ cũ cấp;…
+ Giấy tờ thanh lý, hóa giá nhà ở gắn liền với đất ở; giấy tờ mua nhà ở thuộc sở hữu nhà nước theo quy định của pháp luật.
+ Ngoài ra, có văn bản xác minh của Ủy ban nhân dân về quá trình, nguồn gốc sử dụng đất để chứng minh hoặc các sự làm chứng, chứng kiến của hàng xóm từ trước đến nay,…
– Trường hợp nếu như đất không có giấy tờ như trên thì cơ quan Nhà nước căn cứ vào các yếu tố sau để giải quyết tranh chấp, gồm:
+ Dựa trên diện tích đất thực tế các bên có tranh chấp đang sử dụng ngoài diện tích mà đang có tranh chấp và bình quân diện tích đất cho một nhân khẩu tại địa phương.
+ Chứng cứ về nguồn gốc và quá trình sử dụng đất do các bên tranh chấp đất đai đưa ra.
+ Quy định của pháp luật về giao đất, cho thuê đất, công nhận quyền sử dụng đất.
+ Các chính sách ưu đãi người có công của Nhà nước.
+ Dựa trên cơ sở phù hợp của hiện trạng đất đang sử dụng mà đang xảy ra tranh chấp có phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được phê duyệt bởi cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
+ Bên cạnh những căn cứ trên, khi giải quyết tranh chấp đất đai cơ quan Nhà nước còn dựa trên các cơ sở như lời khai của các bên xảy ra tranh chấp; giấy tờ giao dịch liên quan tới quyền sử dụng đất của các bên;…
CÁC VĂN BẢN PHÁP LUẬT ĐƯỢC SỬ DỤNG TRONG BÀI VIẾT:
– Luật đất đai 2013.
–
–