Công bố di chúc là thủ tục khi mà người đã mất để lại di chúc định đoạt tài sản của mình. Vậy thủ tục công bố di chúc được thực hiện như thế nào?
Mục lục bài viết
1. Thủ tục công bố di chúc được thực hiện như thế nào?
Pháp luật không quy định rõ về thủ tục công bố di chúc, tuy nhiên từ thực tế thì các bước công bố di chúc được thực hiện như sau:
Bước 1: Xác định người công bố di chúc
Pháp luật quy định người công bố di chúc như sau:
– Trường hợp di chúc bằng văn bản được lưu giữ tại tổ chức hành nghề công chứng thì công chứng viên là người công bố di chúc.
– Trường hợp người để lại di chúc chỉ định người công bố di chúc thì người này có nghĩa vụ công bố di chúc.
– Nếu người để lại di chúc không chỉ định hoặc có chỉ định nhưng người được chỉ định công bố di chúc từ chối công bố di chúc thì những người thừa kế còn lại thoả thuận cử người công bố di chúc.
Bước 2: Thông báo họp mặt những người thừa kế để công bố di chúc
Người công bố di chúc hoặc người thừa kế thông báo tới những người thừa kế (bao gồm những người được chỉ định thừa kế trong di chúc và những người thừa kế trong các hàng thừa kế theo pháp luật) địa điểm, thời gian công bố di chúc.
Bước 3: Họp mặt những người thừa kế để công bố di chúc
Khi những người được thông báo họp mặt để công bố di chúc đã đến tại địa điểm thông báo, việc công bố di chúc sẽ được bắt đầu. Trước khi tiến hành công bố di chúc, người công bố di chúc phải sao gửi di chúc tới tất cả những người có liên quan đến nội dung di chúc (kể cả là người không có mặt trong cuộc họp công bố di chúc) và sẽ cử ra một người ghi chép những nội dung trong cuộc họp công bố di chúc.
Khi người công bố di chúc đọc di chúc, phải đọc đúng tất cả các nội dung có trong di chúc. Sau khi người công bố di chúc đọc xong di chúc trước mặt tất cả những thành viên có trong cuộc họp công bố di chúc, những người có liên quan đến nội dung di chúc nhận bản sao di chúc được quyền yêu cầu đối chiếu với bản gốc của di chúc.
Trong cuộc họp công bố di chúc, những người thừa kế được chỉ định trong di chúc có thể thực hiện những vấn đề sau:
– Giải thích nội dung di chúc: Trường hợp nội dung di chúc không rõ ràng dẫn đến có nhiều cách hiểu khác nhau thì những người thừa kế theo di chúc sẽ phải cùng nhau giải thích nội dung di chúc dựa trên ý nguyện đích thực trước đây của người chết (người để lại di sản), có xem xét đến mối quan hệ của người chết với người thừa kế theo di chúc
– Cử người quản lý di sản, người phân chia di sản, xác định quyền, nghĩa vụ của những người này, nếu trong trường hợp người để lại di sản không chỉ định trong di chúc;
– Cách thức phân chia di sản,…
Bước 4: Kết thúc cuộc họp công bố di chúc
Người được cử ghi chép những nội dung trong cuộc họp công bố di chúc phải ghi chép đầy đủ các nội dung có trong cuộc họp công bố di chúc, sau đó đọc lại các nội dung trước mặt những người có mặt trong cuộc họp, những người có mặt trong cuộc họp đọc lại văn bản ghi nhận cuộc họp công bố di chúc một lần nữa và từng người ký và ghi rõ họ tên vào văn bản đó.
2. Thời điểm công bố di chúc:
Khoản 1 Điều 643 Bộ luật Dân sự 2015 quy định Di chúc có hiệu lực từ thời điểm mở thừa kế, đồng thời điểm c khoản 3 Điều 641 Bộ luật Dân sự 2015 quy định người giữ bản di chúc có nghĩa vụ giao lại bản di chúc cho người thừa kế hoặc người mà có thẩm quyền công bố di chúc, khi người lập di chúc chết. Việc giao lại bản di chúc sẽ phải được lập thành văn bản, có chữ ký của người giao, người nhận và trước sự có mặt của ít nhất là hai người làm chứng. Như vậy, sau khi người lập di chúc chết, người đang giữ di chúc sẽ phải giao lại di chúc cho người thừa kế hoặc người có thẩm quyền công bố di chúc. Tuy nhiên, việc công bố di chúc không bắt buộc phải cùng thời điểm với thời điểm mở thừa kế.
3. Địa điểm công bố di chúc:
Hiện nay, không có quy định cụ thể về địa điểm công bố di chúc nhưng khoản 2 Điều 611 Bộ luật Dân sự năm 2015 có quy định về địa điểm mở thừa kế, Điều này quy định địa điểm mở thừa kế là nơi cư trú cuối cùng của người để lại di sản; nếu không xác định được về nơi cư trú cuối cùng thì địa điểm mở thừa kế là nơi có toàn bộ di sản hoặc nơi có phần lớn di sản. Chính vì thế, nếu người lập di chúc chết, địa điểm mở thừa kế chính là nơi cư trú cuối cùng của người để lại di sản. Trong trường hợp nơi cư trú cuối cùng của người lập di chúc (người để lại di sản) không xác định được thì nơi mở thừa kế là nơi có toàn bộ di sản hoặc nơi có phần lớn di sản.
Theo phân tích ở trên, di chúc sẽ có hiệu lực tại thời điểm mở thừa kế (tức thời điểm người lập di chúc chết) và pháp luật chỉ yêu cầu công bố di chúc sau khi mở thừa kế. Vì vậy, sẽ xuất hiện hai tình huống:
– Tình huống 1: thời điểm mở thừa kế trùng với thời điểm công bố di chúc: ở tình huống này thì địa điểm công bố di chúc sẽ trùng với địa điểm mở thừa kế, tức là nơi cư trú cuối cùng của người lập di chúc hoặc nơi có toàn bộ/phần lớn di sản nếu như không xác định được nơi cư trú cuối cùng.
– Tình huống 2: thời điểm công bố di chúc không trùng với thời điểm mở thừa kế: ở tình huống này pháp luật không quy định nên những người thừa kế có thể thỏa thuận địa điểm công bố di chúc.
4. Cách giải quyết khi có tranh chấp về di chúc:
Nếu như các thừa kế trong di chúc hoặc những thừa kế khác không được chỉ định trong di chúc mà có tranh chấp về di chúc thừa kế thì phải khởi kiện ra tòa án nhân dân để giải quyết. Nhưng trước khi làm thủ tục khởi kiện ra tòa án nhân dân để giải quyết về tranh chấp di sản thừa kế, những người có tranh chấp nên thương lượng lại với nhau và tìm một phương án giải quyết “vẹn cả đôi đường”. Thủ tục khởi kiện khi có tranh chấp về di chúc (di sản thừa kế) được thực hiện như sau:
Bước 1: chuẩn bị hồ sơ khởi kiện tranh chấp di sản thừa kế trong di chúc
Hồ sơ khởi kiện bao gồm:
– Đơn khởi kiện về việc tranh chấp di sản thừa kế trong di chúc;
– Bản di chúc;
– Giấy tờ tùy thân người khởi kiện/người bị kiện;
– Các chứng cứ, tài liệu chứng minh yêu cầu khởi kiện (ví dụ chứng cứ chứng minh di chúc vô hiệu,..).
Bước 2: Người khởi kiện về tranh chấp di sản thừa kế trong di chúc gửi hồ sơ đã chuẩn bị nêu trên đến Tòa án có thẩm quyền giải quyết vụ án bằng một trong các phương thức sau đây:
– Nộp trực tiếp tại Tòa án;
– Gửi đến Tòa án theo đường dịch vụ bưu chính;
– Gửi trực tuyến bằng hình thức điện tử qua Cổng thông tin điện tử của Tòa án (nếu có).
Bước 3: Thụ lý vụ án
– Sau khi nhận được đơn khởi kiện yêu cầu giải quyết tranh chấp di sản thừa kế trong di chúc, Tòa án phải xem xét những tài liệu, chứng cứ cần thiết.
– Nếu xét thấy vụ án thuộc thẩm quyền của mình thì Tòa án sẽ thông báo cho người khởi kiện yêu cầu giải quyết tranh chấp di sản thừa kế trong di chúc biết để đương sự nộp tiền tạm ứng án phí.
– Trong thời hạn 07 ngày, kể từ ngày nhận được thông báo, người khởi kiện yêu cầu giải quyết tranh chấp di sản thừa kế trong di chúc phải nộp tiền tạm ứng án phí.
– Tòa án thụ lý đơn khởi kiện yêu cầu giải quyết tranh di sản thừa kế trong di chúc kể từ khi nhận được biên lai này.
Bước 4: Đưa vụ án tranh chấp di sản thừa kế trong di chúc ra xét xử sơ thẩm
– Trước khi đưa vụ án tranh chấp di sản thừa kế trong di chúc ra xét xử thì thẩm phán được phân công giải quyết vụ án phải tiến hành:
+ Lấy lời khai của các đương sự (người khởi kiện, người bị kiện, các thừa kế khác…);
+ Tiến hành các phiên họp thực hiện kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai các chứng cứ;
+ Hòa giải;
+ Tiến hành xem xét, thẩm định tại chỗ hoặc định giá, ủy thác thu thập chứng cứ (nếu có).
– Trong thời hạn 01 tháng kể từ ngày có quyết định đưa vụ án tranh chấp di sản thừa kế trong di chúc ra xét xử, Tòa án phải mở phiên tòa.
– Trường hợp có lý do chính đáng thì thời hạn mở phiên tòa có thể được kéo dài nhưng không quá 30 ngày.
Các văn bản pháp luật được sử dụng trong bài viết:
– Bộ luật Dân sự 2015;
– Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015.