Quy định về thay đổi, áp dụng bổ sung, hủy bỏ việc áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời? Hiệu lực của quyết định áp dụng, thay đổi, hủy bỏ biện pháp khẩn cấp tạm thời?
Việc ban hành các quy định về biện pháp khẩn cấp tạm thời có vai trò vô cùng quan trọng trong quá trình giải quyết vụ án dân sự, đảm bảo việc thi hành án và kịp thời bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân. Không những thế, các quy định về biện pháp khẩn cấp tạm thời còn tạo sự thuận lợi cho đương sự thực hiện quyền yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời và giúp Toà án dễ dàng trong việc xem xét áp dụng, thay đổi, hủy bỏ biện pháp khẩn cấp tạm thời cũng như giải quyết khiếu nại, kiến nghị trong quá trình giải quyết vụ án dân sự. Bài viết dưới đây Luật Dương Gia sẽ giúp người đọc tìm hiểu quy định về thay đổi, áp dụng bổ sung, hủy bỏ biện pháp khẩn cấp tạm thời trong hệ thống pháp luật Việt Nam.
Luật sư tư vấn luật qua điện thoại trực tuyến miễn phí: 1900.6568
1. Quy định về thay đổi, áp dụng bổ sung, hủy bỏ việc áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời:
1.1. Thay đổi, áp dụng bổ sung biện pháp khẩn cấp tạm thời:
Theo Điều 137 Bộ Luật tố tụng dân sự quy định về việc thay đổi, áp dụng bổ sung biện pháp khẩn cấp tạm thời có nội dung như sau:
Khi cơ quan Nhà nước có thẩm quyền xét thấy biện pháp khẩn cấp tạm thời đang được áp dụng không còn phù hợp nữa mà cần thiết phải thay đổi hoặc áp dụng bổ sung biện pháp khẩn cấp tạm thời khác thì thủ tục thay đổi, áp dụng bổ sung biện pháp khẩn cấp tạm thời khác được thực hiện theo quy định tại Điều 133 của
Như vậy, theo quy định của pháp luật thì việc thay đổi, áp dụng bổ sung biện pháp khẩn cấp tạm thời sẽ xảy ra khi xét thấy biện pháp khẩn cấp tạm thời đang được áp dụng không còn phù hợp nữa mà cần thiết phải thay đổi hoặc áp dụng bổ sung biện pháp khẩn cấp tạm thời khác.
Thủ tục thay đổi, áp dụng bổ sung biện pháp khẩn cấp tạm thời khác được thực hiện theo quy định tại Điều 133 về thủ tục áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời của
Tuy nhiên, đối với thủ tục thay đổi, áp dụng bổ sung biện pháp khẩn cấp tạm thời khác cần chú ý các vấn đề sau đây:
– Trong trường hợp các chủ thể là người yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời có đơn yêu cầu
Đối với trường hợp này nếu xét thấy yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời của các chủ thể là đúng và yêu cầu này không gây thiệt hại cho người bị áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời hoặc cho người thứ ba thì khi quyết định thay đổi biện pháp khẩn cấp tạm thời Tòa án quyết định cho các chủ thể này được nhận lại một phần hoặc toàn bộ kim khí quý, đá quý, giấy tờ có giá hoặc số tiền bảo đảm mà họ đã gửi giữ tại ngân hàng theo quyết định của Tòa án đã được ban hành trước đó.
– Trong trường hợp các chủ thể là người yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời đã có đơn xin thay đổi biện pháp khẩn cấp tạm thời mà việc thay đổi đó lại không có lợi cho bị đơn hoặc có đơn xin Tòa án áp dụng bổ sung biện pháp khẩn cấp tạm thời khác, thì cơ quan Tòa án có thẩm quyền sẽ yêu cầu họ phải trình bày rõ trong đơn xin thay đổi biện pháp khẩn cấp tạm thời về lý do xin thay đổi hoặc áp dụng bổ sung biện pháp khẩn cấp tạm thời khác và cũng phải cung cấp các tài liệu cần thiết chứng minh cho yêu cầu của mình là chính đáng theo đúng quy định của pháp luật hiện hành.
1.2. Hủy bỏ việc áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời:
Theo Điều 138 Bộ luật tố tụng dân sự quy định về hủy bỏ việc áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời có nội dung cụ thể như sau:
“1. Tòa án ra ngay quyết định hủy bỏ biện pháp khẩn cấp tạm thời đã được áp dụng khi thuộc một trong các trường hợp sau đây:
a) Người yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời đề nghị hủy bỏ;
b) Người phải thi hành quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời nộp tài sản hoặc có người khác thực hiện biện pháp bảo đảm thi hành nghĩa vụ đối với bên có yêu cầu;
c) Nghĩa vụ dân sự của bên có nghĩa vụ chấm dứt theo quy định của Bộ luật dân sự;
d) Việc giải quyết vụ án được đình chỉ theo quy định của Bộ luật tố tụng dân sự 2015;
đ) Quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời không đúng theo quy định của Bộ luật tố tụng dân sự 2015;
e) Căn cứ của việc áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời không còn;
g) Vụ việc đã được giải quyết bằng bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật;
h) Các trường hợp Tòa án trả lại đơn khởi kiện theo quy định của Bộ luật tố tụng dân sự 2015.
2. Trường hợp hủy bỏ biện pháp khẩn cấp tạm thời, Tòa án phải xem xét, quyết định để người yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời nhận lại chứng từ bảo lãnh được bảo đảm bằng tài sản của ngân hàng hoặc tổ chức tín dụng khác hoặc khoản tiền, kim khí quý, đá quý hoặc giấy tờ có giá quy định tại Điều 136 của Bộ luật tố tụng dân sự 2015, trừ trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 113 của Bộ luật tố tụng dân sự 2015.
3. Thủ tục ra quyết định hủy bỏ việc áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời được thực hiện theo quy định tại Điều 133 của Bộ luật tố tụng dân sự 2015. Trường hợp đã có bản án, quyết định của Tòa án có hiệu lực pháp luật thì việc giải quyết yêu cầu hủy quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời do một Thẩm phán được Chánh án của Tòa án đã ra quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời phân công giải quyết.”
Khi thi hành quy định tại Điều 138 Bộ luật tố tụng dân sự hiện hành cũng cần chú ý các vấn đề cơ bản sau đây:
– Đối với trường hợp bên yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời có đơn yêu cầu Tòa án hủy bỏ biện pháp khẩn cấp tạm thời, thì cơ quan Tòa án cần chấp nhận ngay đơn yêu cầu của bên yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời. Trong trường hợp này, nếu cơ quan có thẩm quyền xét thấy yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời của họ là đúng thì khi quyết định hủy bỏ biện pháp khẩn cấp tạm thời Tòa án quyết định cho các chủ thể này được nhận lại toàn bộ số tiền bảo đảm mà họ đã gửi giữ tại ngân hàng theo quyết định của cơ quan Tòa án.
– Trong trường hợp các chủ thể là người yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời không đúng, gây ra những thiệt hại cụ thể cho người bị áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời hay cho người thứ ba, nhưng người bị thiệt hại không có yêu cầu bồi thường thì cơ quan Tòa án quyết định cho người yêu cầu được lấy lại toàn bộ số tiền bảo đảm mà họ gửi giữ tại ngân hàng theo quyết định của Tòa án.
– Còn trong trường hợp các chủ thể là người yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời không đúng, có gây thiệt hại cho người bị áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời, hoặc cho người thứ ba mà người bị gây thiệt hại có yêu cầu bồi thường với số tiền thấp hơn số tiền bảo đảm được gửi giữ tại ngân hàng theo quyết định của Tòa án, thì Tòa án quyết định cho người yêu cầu được lấy lại số tiền vượt quá mức người bị gây thiệt hại yêu cầu bồi thường theo đúng quy định của pháp luật hiện hành.
Việc áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền ban hành với mục đích giải quyết nhu cầu cấp bách của đương sự, bảo toàn tình trạng tài sản, bảo vệ bằng chứng hoặc để bảo đảm việc thi hành án. Chính bởi vì vậy, việc áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời có ý nghĩa rất quan trọng trong việc bảo vệ kịp thời các quyền và lợi ích hợp pháp và nhu cầu cấp bách của đương sự, tạo điều kiện cho đương sự sớm ổn định được cuộc sống của bản thân cũng như của những chủ thể sống phụ thuộc vào họ.
2. Hiệu lực của quyết định áp dụng, thay đổi, hủy bỏ biện pháp khẩn cấp tạm thời:
Pháp luật tố tụng dân sự quy định về hiệu lực của quyết định áp dụng, thay đổi, hủy bỏ biện pháp khẩn cấp tạm thời có nội dung như sau:
– Việc ban hành quyết định áp dụng, thay đổi, hủy bỏ biện pháp khẩn cấp tạm thời có hiệu lực thi hành ngay.
– Cơ quan Tòa án phải cấp hoặc gửi quyết định áp dụng, thay đổi, hủy bỏ biện pháp khẩn cấp tạm thời ngay sau khi ra quyết định cho người có yêu cầu, người bị áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan, cơ quan thi hành án dân sự có thẩm quyền và Viện kiểm sát cùng cấp.
Việc quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời đã nhằm đáp ứng nhu cầu cấp bách của việc giải quyết vụ việc dân sự, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự. Xuất phát từ yêu cầu và tính chất của việc áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời, khác với các quyết định khác của toà án, quyết định áp dụng, thay đổi, hủy bỏ biện pháp khẩn cấp tạm thời được pháp luật quy định có hiệu lực thi hành ngay.
Như vậy, nhằm mục đích chính là để bảo đảm việc thi hành biện pháp khẩn cấp tạm thời, Tòa án phải cấp hoặc gửi quyết định áp dụng, thay đổi, huỷ bỏ biện pháp khẩn cấp tạm thời ngay sau khi ra quyết định cho người có yêu cầu, người bị áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời, cá nhân, cơ quan, tổ chức có liên quan, cơ quan thi hành án dân sự có thẩm quyền và viện kiểm sát cùng cấp theo đúng quy định của pháp luật tố tụng dân sự.
Đối với trường hợp quyết định áp dụng các biện pháp khẩn cấp tạm thời đối với tài sản có đăng kí quyền sở hữu thì các đương sự trong vụ việc dân sự có nghĩa vụ phải nộp bản sao quyết định cho cơ quan quản lí đăng kí quyền sở hữu. Quyết định áp dụng, thay đổi, huỷ bỏ biện pháp khẩn cấp tạm thời được thi hành theo quy định của pháp luật về thi hành án dân sự.