Bằng giả chính là văn bằng, tín chỉ, chứng chỉ mà được các tổ chức, cá nhân sử dụng những công nghệ tạo ra như bằng thật. Vậy sử dụng bằng cấp giả, mua bán bằng giả có bị đi tù không?
Mục lục bài viết
1. Sử dụng bằng cấp giả, mua bán bằng giả có bị đi tù không?
Hiện nay, pháp luật nước ta chưa có quy định nào định nghĩa hoặc đưa ra khái niệm hay giải thích thế nào là bằng giả. Tuy nhiên, theo cách hiểu thông thường thì bằng giả chính là văn bằng, tín chỉ, chứng chỉ mà được các tổ chức, cá nhân sử dụng những công nghệ, sử dụng kỹ thuật để tạo ra sao cho mô phỏng như bằng thật do các tổ chức, cơ quan có thẩm quyền theo quy định cấp, chứng nhận.
Căn cứ Điều 341 Bộ luật Hình sự 2015 được sửa đổi bổ sung 2017 quy định về Tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức; tội sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan, tổ chức, Điều này quy định người nào làm giả con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác của cơ quan, tổ chức hoặc người nào sử dụng con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ giả thực hiện hành vi trái pháp luật thì sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật. Theo đó, người nào có hành vi sử dụng con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ giả thực hiện hành vi trái pháp luật thì sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức; tội sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan, tổ chức.
Người có hành vi sử dụng con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ giả (sử dụng bằng cấp giả) sẽ chỉ bị truy cứu trách nhiệm hình sự khi người này sử dụng chính bằng cấp giả đó để thực hiện hành vi trái pháp luật. “Thực hiện hành vi trái pháp luật” ở đây là thực hiện hành vi xâm phạm quan hệ xã hội mà được pháp luật điều chỉnh và bảo vệ mà sẽ không cần phải có điều kiện là đã có quyết định xử phạt vi phạm hành chính hoặc đã có bản án, quyết định của Toà án có hiệu lực pháp luật hay là chưa. “Hành vi trái pháp luật” được quy định tại khoản 1 Điều 341 của Bộ luật hình sự năm 2015 được sửa đổi, bổ sung năm 2017 được hiểu là hành vi trái pháp luật nói chung (kể cả là pháp luật hình sự, pháp luật dân sự, pháp luật hành chính…). Trong trường hợp trái pháp luật hình sự, nếu đủ yếu tố cấu thành tội phạm thì sẽ bị xử lý theo quy định tại điểm d khoản 2 (sử dụng con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác để thực hiện tội phạm ít nghiêm trọng hoặc tội phạm nghiêm trọng) hoặc bị xử lý theo quy định tại điểm b khoản 3 (sử dụng con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác để thực hiện tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng) Điều 341 của Bộ luật hình sự năm 2015 được sửa đổi, bổ sung năm 2017.
Như vậy, qua các phân tích trên, có thể khẳng định được rằng, người mà sử dụng bằng cấp giả, mua bán bằng giả sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự (có thể bị đi tù) khi người này sử dụng chính bằng cấp giả đó để thực hiện hành vi trái pháp luật, còn nếu như người này chỉ mới mua bằng cấp giả nhưng chưa sử dụng hoặc có sử dụng nhưng không sử dụng chính bằng cấp giả đó để thực hiện hành vi trái pháp luật thì sẽ không bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức; tội sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan, tổ chức.
2. Nếu sử dụng bằng cấp giả, mua bán bằng giả bị truy cứu trách nhiệm hình sự thì đi tù bao nhiêu năm?
Như đã phân tích ở mục trên, người mà sử dụng bằng cấp giả, mua bán bằng giả sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự khi người này sử dụng chính bằng cấp giả đó để thực hiện hành vi trái pháp luật. Căn cứ Điều 341 Bộ luật Hình sự 2015 được sửa đổi bổ sung 2017, Tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức; tội sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan, tổ chức có 03 khung hình phạt chính và 01 hình phạt bổ sung. Cụ thể:
Hình phạt chính:
– Khung 1: Có những hình phạt sau:
+ Phạt tiền: Người nào làm giả con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác của cơ quan, tổ chức hoặc người nào sử dụng con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ giả để thực hiện hành vi trái pháp luật, thì bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng.
+ Phạt cải tạo không giam giữ: Người nào làm giả con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác của cơ quan, tổ chức hoặc sử dụng con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ giả để thực hiện hành vi trái pháp luật, thì sẽ bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm.
+ Phạt tù: Người nào làm giả con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác của cơ quan, tổ chức hoặc sử dụng con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ giả để thực hiện hành vi trái pháp luật, thì bị phạt tù từ 06 tháng đến 02 năm.
– Khung 2: phạt tù từ 02 năm đến 05 năm, khi mà phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây:
+ Có tổ chức;
+ Phạm tội từ 02 lần trở lên;
+ Làm từ 02 cho đến 05 con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác;
+ Sử dụng con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác để thực hiện tội phạm ít nghiêm trọng hoặc tội phạm nghiêm trọng;
+ Thu lợi bất chính từ 10.000.000 đồng cho đến dưới 50.000.000 đồng;
+ Tái phạm nguy hiểm.
– Khung 3: phạt tù từ 03 năm đến 07 năm, khi mà phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây:
+ Làm từ 06 con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác trở lên;
+ Sử dụng con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác để thực hiện tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng;
+ Có thu lợi bất chính 50.000.000 đồng trở lên.
Hình phạt bổ sung: Người phạm tội còn có thể sẽ bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng.
Có thể thấy, cả 03 khung hình phạt đều có hình phạt tù, theo đó, nếu như người mà có hành vi sử dụng bằng cấp giả để thực hiện hành vi trái pháp luật thì sẽ tùy theo mức độ của hành vi phạm tội mà người này có thể bị phạt tù với các mức khác nhau, thấp nhất là 02 năm tù và cao nhất là 07 năm tù đối với hành vi sử dụng bằng cấp giả để thực hiện hành vi trái pháp luật.
3. Nếu không bị truy cứu trách nhiệm hình sự thì người sử dụng bằng cấp giả, mua bán bằng giả phạt bao nhiêu tiền?
Nếu người có hành vi sử dụng bằng cấp giả, mua bán bằng giả chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự thì căn cứ theo khoản 5 Điều 17 Văn bản hợp nhất số 1307/VBHN-BLĐTBXH Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp có quy định xử phạt hành vi vi phạm quy định về sử dụng và công khai thông tin cấp văn bằng, chứng chỉ giáo dục nghề nghiệp như sau:
– Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với hành vi không cập nhật và không công khai thông tin về việc cấp văn bằng, chứng chỉ giáo dục nghề nghiệp ở trên trang thông tin điện tử hoặc tại trụ sở chính, phân hiệu, cơ sở đào tạo của cơ sở giáo dục nghề nghiệp.
– Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi cho người khác sử dụng hoặc có sử dụng văn bằng, chứng chỉ giáo dục nghề nghiệp của người khác.
– Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 7.000.000 đồng đối với hành vi sử dụng văn bằng, chứng chỉ giáo dục nghề nghiệp đã bị tẩy, xóa, sửa chữa mà chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
– Phạt tiền từ 7.000.000 đồng cho đến 10.000.000 đồng đối với hành vi mua bán, sử dụng văn bằng, chứng chỉ giáo dục nghề nghiệp giả mà chưa đến mức phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
– Phạt tiền từ 10.000.000 đồng cho đến 20.000.000 đồng đối với hành vi làm giả văn bằng, chứng chỉ giáo dục nghề nghiệp mà chưa đến mức phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Như vậy, theo quy định trên thì người có hành vi mua bán, sử dụng văn bằng, chứng chỉ giáo dục nghề nghiệp giả (sử dụng, mua bán bằng cấp giả) mà chưa đến mức phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự bị phạt tiền từ 7 triệu – 10 triệu đồng.
Những văn bản pháp luật được sử dụng trong bài viết:
– Bộ luật Hình sự 2015 được sửa đổi bổ sung 2017
– Văn bản hợp nhất số 1307/VBHN-BLĐTBXH Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp