Quy định của pháp luật về đại diện cho thương nhân? Quy định của pháp luật về uỷ thác mua bán hàng hóa? So sánh đại diện cho thương nhân và ủy thác mua bán hàng hóa?
Hiện nay, hai thuận ngữ đại diện cho thương nhân và ủy thác mua bán hàng hóa được tổ chức, cá nhân nhắc đến rất nhiều và ngày càng phát triển mạnh mẽ với sự tham gia đông đảo của các tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ và các tổ chức, cá nhân tiêu dùng hàng hóa, dịch vụ. Nhưng để hiểu rõ hơn về sự giống nhau và khác nhau giữa hai hoạt động này thì chưa chắc rằng ai cũng hiểu rõ được. Dưới đây là bài so sánh mới nhất của Luật Dương Gia về đại diện cho thương nhân và ủy thác mua bán hàng hóa theo quy định mới nhất năm 2021.
Luật sư
Cơ sở pháp lý: -Luật Thương mại 2005.
1. Quy định của pháp luật về đại diện cho thương nhân:
Ta có thể hiểu như sau, đại diện cho thương nhân là việc một thương nhân nhận ủy nhiệm (gọi là bên đại diện) của thương nhân khác (gọi là bên giao đại diện) để thực hiện các hoạt động thương mại với danh nghĩa, theo sự chỉ dẫn của thương nhân đó và được hưởng thù lao về việc đại diện.
Điều 134
“1. Đại diện là việc cá nhân, pháp nhân (sau đây gọi chung là người đại diện) nhân danh và vì lợi ích của cá nhân hoặc pháp nhân khác (sau đây gọi chung là người được đại diện) xác lập, thực hiện giao dịch dân sự.”
Bên cạnh đó, Luật thương mại năm 2005 cũng có quy định về đại diện cho thương nhân là việc một thương nhân nhận ủy nhiệm (gọi là bên đại diện) của thương nhân khác (gọi là bên giao đại diện) để thực hiện các hoạt động thương mại với danh nghĩa, theo sự chỉ dẫn của thương nhân đó và được hưởng thù lao về việc đại diện.
Căn cứ theo các quy định nêu trên thì đại diện cho thương nhân được chia làm hai trường hợp đó là:
-Trường hợp thứ nhất: hợp đồng cung ứng dịch vụ thương mại.
Về đặc điểm thì có thể xét trên các phương diện như sau:
+ Chủ thể: Quan hệ đại diện cho thương nhân phát sinh giữa bên đại diện và bên giao đại diện. Cả 2 bên đều phải là thương nhân.
+ Bản chất: Bên giao đại diện sẽ ủy quyền cho bên đại diện thay mặt, nhân danh bên giao đại diện thực hiện các hoạt động thương mại. Khi bên đại diện giao dịch với bên thứ 3, thì về mặt pháp lí các hành vi do người này thực hiện được xem như người ủy quyền (người giao đại diện thực hiện). Bên giao đại diện phải chịu trách nhiệm về các cam kết do bên đại diện thực hiện trong phạm vi ủy quyền.
+ Nội dung của hoạt động đại diện rất đa dạng: có thể thỏa thuận thực hiện một phần hoặc toàn bộ các hoạt động thương mại thuộc phạm vi hoạt động của bên giao đại diện, nó có thể bao gồm các hoạt động như tìm kiếm cơ hội kinh doanh cho bên giao đại diện, thay mặt bên giao đại diện để thực hiện các hoạt động nghiên cứu thị trường, lựa chọn đối tác, đàm phán, giao kết hợp đồng với bên thứ 3…)
+ Hình thức pháp lí: thông qua hợp đồng đại diện cho thương nhân (phải được lập thành văn bản hoặc các hình thức có giá trị tương đương)
+ Thời hạn đại diện cho thương nhân: Thời hạn đại diện sẽ do các bên thỏa thuận; trong trường hợp các bên không có thỏa thuận, thời hạn đại diện chấm dứt khi bên giao đại diện thông báo cho bên đại diện về việc chấm dứt hợp đồng đại diện hoặc bên đại diện thông báo cho bên giao đại diện về việc chấm dứt hợp đồng.
+ Trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác, nếu bên giao đại diện đơn phương thông báo chấm dứt hợp đồng đại diện theo quy định tại khoản 2 Điều 144 Luật thương mại 2005 thì bên đại diện có quyền yêu cầu bên giao đại diện trả một khoản thù lao do việc bên giao đại diện giao kết các hợp đồng với khách hàng mà bên đại diện đã giao dịch và những khoản thù lao khác mà đáng lẽ mình được hưởng.
+ Trường hợp thời hạn đại diện chấm dứt theo quy định tại khoản 2 Điều 144 Luật thương mại 2005 theo yêu cầu của bên đại diện thì bên đại diện bị mất quyền hưởng thù lao đối với các giao dịch mà đáng lẽ mình được hưởng nếu các bên không có thỏa thuận khác.
– Trường hợp thứ hai: cá nhân đại diện cho tổ chức là thương nhân.
Đối với trường hợp cá nhân đại diện cho tổ chức là thương nhân thì sẽ theo quy định của Bộ luật dân sự năm 2015 về đại diện.
2. Quy định của pháp luật về ủy thác mua bán hàng hóa
2.1. Khái niệm ủy thác mua bán hàng hóa
Theo quy định tại Điều 155 Luật Thương mại, ủy thác mua bán hàng hóa là hoạt động thương mại, theo đó bên nhận ủy thác thực hiện việc mua bán hàng hóa với danh nghĩa của mình theo những điều kiện đã thỏa thuận với bên ủy thác và được nhận thù lao ủy thác.
Như vậy, ủy thác mua bán hàng hóa theo quy định tại Luật Thương mại là hoạt động thương mại mà theo đó bên nhận uỷ thác – là thương nhân – thực hiện việc mua bán hàng hóa với danh nghĩa của mình theo những điều kiện đã thỏa thuận với bên ủy thác và được nhận thù lao ủy thác thông qua hình thức hợp đồng bằng văn bản là chủ yếu. Về bản chất, hoạt động ủy thác mua bán hàng hóa có thể được xem là một giao dịch dân sự đặc thù liên quan đến việc mua bán hàng hóa.
2.2. Chủ thể của hợp đồng uỷ thác mua bán hàng hóa
Trong quan hệ ủy thác mua bán hàng hóa thì bên nhận ủy thác phải là thương nhân kinh doanh mặt hàng phù hợp với hàng hóa được ủy thác và nhân danh chính mình để mua bán hàng hóa theo những điều kiện đã thỏa thuận với bên ủy thác. Bên ủy thác không nhất thiết phải là thương nhân giao cho bên nhận ủy thác thực hiện mua bán hàng hóa theo yêu cầu của mình và phải trả thù lao.
Thương nhân theo quy định của Luật Thương mại bao gồm tổ chức kinh tế được thành lập hợp pháp, cá nhân hoạt động thương mại một cách độc lập, thường xuyên và có đăng ký kinh doanh.
2.3. Hoạt động ủy thác mua bán hàng hóa
Bên ủy thác và bên nhận ủy thác thỏa thuận với nhau về nội dung ủy thác mua bán hàng hóa và thỏa thuận giữa các bên phải được thể hiện bằng văn bản (hợp đồng ủy thác). Nội dung ủy thác không được trái với quy định của pháp luật. Bên nhận ủy thác không được ủy thác lại cho bên thứ ba thực hiện hợp đồng ủy thác mua bán hàng hóa đã ký, trừ trường hợp có sự chấp thuận bằng văn bản của bên ủy thác. Các bên phải thực hiện quyền và nghĩa vụ của mình theo thỏa thuận và theo quy định tại các Điều 162, 163, 164 và 165 Luật Thương mại.
Khi cá nhân, tổ chức thực hiện công việc mua bán hàng hóa theo nội dung ủy thác thì bên nhận ủy thác nhân danh chính mình trong quan hệ với người thứ ba.
3. So sánh đại diện cho thương nhân và ủy thác mua bán hàng hóa
Điểm giống nhau:
– Hai hoạt động đại diện cho thương nhân và ủy thác mua bán hàng hóa đều là hoạt động trung gian thương mại;
– Bên cung ứng dịch vụ đều là thương nhân;
– Quyền, nghĩa vụ giữa các bên phát sinh trên cơ sở hợp đồng; Hợp đồng xác lập quan hệ đều phải lập thành văn bản hoặc bằng các hình thức khác có giá trị pháp lý tương đương như: Điện báo, fax, …
– Bên sử dụng dịch vụ phải trả thù lao cho bên cung ứng dịch vụ.
Điểm khác nhau:
Thương nhân bao gồm tổ chức kinh tế được thành lập hợp pháp, cá nhân hoạt động thương mại một cách độc lập, thường xuyên và có đăng ký kinh doanh. Theo quy định của Luật thương mại 2005 quy định về đại diện cho thương nhân như sau:
“Điều 141. Đại diện cho thương nhân
1. Đại diện cho thương nhân là việc một thương nhân nhận ủy nhiệm (gọi là bên đại diện) của thương nhân khác (gọi là bên giao đại diện) để thực hiện các hoạt động thương mại với danh nghĩa, theo sự chỉ dẫn của thương nhân đó và được hưởng thù lao về việc đại diện.
2. Trong trường hợp thương nhân cử người của mình để làm đại diện cho mình thì áp dụng quy định của Bộ luật Dân sự.
Điều 155. ủy thác mua bán hàng hóa
Ủy thác mua bán hàng hoá là hoạt động thương mại, theo đó bên nhận ủy thác thực hiện việc mua bán hàng hoá với danh nghĩa của mình theo những điều kiện đã thoả thuận với bên ủy thác và được nhận thù lao ủy thác”.
Như vậy, hoạt động đại diện cho thương nhân hay ủy thác mua bán hàng hóa đều là một hoạt động trung gian thương mại, trong đó một bên nhận thực hiện một hoạt động thương mại cho bên kia và được nhận thù lao. Tuy nhiên, hai hoạt động trung gian thương mại này có bản chất và đặc điểm hoàn toàn khác nhau.
Thứ nhất, về các chủ thể tham gia vào hợp đồng đại diện cho thương nhân, hợp đồng ủy thác mua bán hàng hóa. Hai bên chủ thể của hợp đồng đại diện cho thương nhân bắt buộc phải là thương nhân. Hai bên chủ thể của hợp đồng ủy thác mua bán không bắt buộc phải là thương nhân, cụ thể bên giao ủy thác có thể là thương nhân hoặc không phải thương nhân.
Thứ hai, về phạm vi đại diện cho thương nhân và phạm vi ủy thác mua bán hàng hóa. Hoạt động đại diện cho thương nhân có phạm vi rộng hơn bao gồm các hoạt động thương mại còn hoạt động ủy thác mua bán hàng hóa có phạm vi hẹp hơn, chỉ là một dạng của hoạt động thương mại (cụ thể là hoạt động mua bán hàng hóa)
Thứ ba, về chủ thể phát sinh quyền, nghĩa vụ trong hợp đồng do hoạt động trung gian thương mại (hợp đồng do bên đại diện/ bên nhận ủy thác ký kết với bên thứ 3) đem lại. Hợp đồng được ký kết do hoạt động trung gian thương mại đem lại phát sinh quyền và nghĩa vụ với bên giao đại diện trong trường hợp đại diện cho thương nhân, với bên nhận ủy thác trong trường hợp ủy thác mua bán hàng hóa.
Thứ tư, về hình thức của hợp đồng. Hình thức của hợp đồng ủy thác mua bán hay hợp đồng đại diện cho thương nhân đều phải lập thành văn bản hoặc hình thức khác có giá trị pháp lý tương đương.
Lưu ý: một trường hợp đặc biệt của đại diện cho thương nhân là người của chính thương nhân đại diện cho thương nhân theo quy định của Bộ luật dân sự 2005.