Sở hữu chung hợp nhất là một hình thức sở hữu được quy định trong Bộ luật Dân sự 2015. Trong bài viết dưới đây, chúng tôi sẽ giúp các bạn có một cái nhìn tổng quan nhất về hình thức sở hữu chung hợp nhất trong quy định của Bộ luật Dân sự.
1. Sở hữu chung là gì?
Theo quy định của pháp luật thì sở hữu chung là sở hữu của nhiều chủ thể đối với tài sản. Có nghĩa là nhiều người cùng là chủ sở hữu và có quyền đối với tài sản đó. Quyền sở hữu chung đối với tài sản được xác lập theo sự thỏa thuận của các bên hoặc theo quy định của pháp luật hoặc theo tập quán.
Sở hữu chung có hai loại là sở hữu chung hợp nhất hoặc sở hữu chung theo phần.
Sở hữu chung hợp nhất là sở hữu chung mà trong đó, phần quyền sở hữu của mỗi chủ sở hữu chung không được xác định đối với tài sản chung. Do không thể biết được số tài sản của mình trong số tài sản chung nên mỗi người có quyền ngang nhau đối với tài sản chung đó. Đồng nghĩa với việc số tài sản bằng nhau thì phần quyền, nghĩa vụ của các bên là ngang nhau, không có sự thiệt hơn ở đây.
Đối với tài sản chung thì sự chuyển nhượng tài sản cho người khác là điều không thể xảy ra, tài sản thuộc sở hữu chung hợp nhất hoặc là các chủ sở hữu chung cùng giữ, hoặc giao cho một người trong số họ, hoặc giao cho người thứ ba giữ tài sản chung. Nếu có sự phân chia tài sản thì sẽ chấm dứt việc sở hữu chung. Ví dụ tài sản của hai vợ chồng là tài sản thuộc sở hữu chung hợp nhất, khi họ ly hôn thì tài sản chung của họ sẽ bị chia ra cho hai vợ chồng.
Sở hữu chung theo phần là sở hữu chung mà trong đó phần quyền sở hữu của mỗi chủ sở hữu được xác định đối với tài sản chung. Đó là tải sản được chia thành các phần có thể bằng nhau hoặc khác nhau phụ thuộc vào sự thỏa thuận hoặc vốn góp của các bên trong khối tài sản chung ấy. Tương ứng với số vốn góp vào tài sản chung thì quyền, nghĩa vụ của người đó sẽ được nhiều hay ít.
Có thể thấy rõ trong công ty cổ phần, số vốn góp của ai nhiều hơn sẽ có quyền cao hơn hay tỷ lệ biểu quyết sẽ cao hơn, hay khi chịu trách nhiệm, nghĩa vụ thì sẽ tương ứng với số tài sản mà mình góp. Bên cạnh đó đối với sở hữu chung theo phần có thể chuyển giao quyền sở hữu cho cá nhân là đồng chủ sở hữu hoặc người ngoài chưa là chủ sở hữu, việc chuyển giao đó cần
Sở hữu chung trong tiếng Anh được hiểu là Joint ownership.
Định nghĩa sở hữu chung trong tiếng Anh được hiểu như sau:
” Joint ownership is a form of ownership between two or more entities over the common property. The joint owners have equal rights to exploit the utility and enjoy the yields and profits from the common property unless otherwise agreed. Disposition of consolidated property shall be made according to the agreement between the owners or according to the provisions of law. Joint ownership includes two types of divisible joint ownership and indivisible joint ownership.”
2. Sở hữu chung theo phần:
Sở hữu chung theo phần là sở hữu chung mà trong đó phần quyền sở hữu của mỗi chủ sở hữu được xác định đối với tài sản chung. Mỗi chủ sở hữu chung theo phần có quyền, nghĩa vụ đối với tài sản thuộc sở hữu chung tương ứng với phần quyền sở hữu của mình, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.
Các nguyên nhân làm hình thành sở hữu chung theo phần khá đa dạng như hai người cùng mua một tài sản; một người bán hoặc tặng cho một người khác một phần quyền sở hữu tài sản của mình; nhiều người cùng thừa kế một di sản; một công ty đã giải thể và tài sản công ty đang chờ được phân chia giữa các thành viên;… Ở nước ta, sở hữu chung theo phần đối với di sản chưa chia là hình thức sở hữu chung rất phổ biến, có ý nghĩa rất lớn về kinh tế và đạo đức.
*) Thứ nhất, thành phần cấu tạo của khối tài sản thuộc sở hữu chung theo phần:
Khối tài sản thuộc sở hữu chung theo phần bao gồm tài sản có chung và tài sản nợ chung của tất cả các chủ sở hữu chung.
Tài sản có
Khối tài sản có thuộc sở hữu chung theo phần không bất biến, cũng không khép kín. Thế nhưng không giống như khối tài sản chung của vợ, chồng (gia tăng nhờ các tài sản do vợ hoặc chồng tạo ra trong thời kỳ hôn nhân), khối sở hữu chung theo phần không thể sáp nhập các tài sản mà một chủ sở hữu chung tạo ra trong thời kỳ tồn tại của sở hữu chung; mà đó là tài sản riêng của người này. Vấn đề được đặt ra ở đây là khi tài sản thuộc sở hữu chung được chuyển nhượng hoặc có hoa lợi, lợi tức phát sinh thì giá trị chuyển nhượng cũng như phần hoa lợi, lợi tức đó sẽ được xác định chủ sở hữu như thế nào.
Hoa lợi, lợi tức của tài sản chung
Theo BLDS Điều 222 khoản 1, mỗi chủ sở hữu chung theo phần hưởng hoa lợi, lợi tức từ tài sản chung tương ứng với phần quyền sở hữu của mình, trừ trường hợp có thoả thuận khác hoặc pháp luật có quy định khác. Ta có thể hiểu điều luật đó theo một trong hai nghĩa. Một là, hoa lợi, lợi tức từ tài sản chung tạo thành một khối tài sản thuộc sở hữu chung theo phần, độc lập với khối sở hữu chung theo phần gồm có các tài sản gốc, và sẽ được chia cho các chủ sở hữu chung theo phần theo đúng các tỷ lệ phần quyền sở hữu của mỗi người trong khối tài sản gốc chung. Hai là, hoa lợi, lợi tức sẽ được chia ngay sau khi thu hoạch cho các chủ sở hữu chung theo phần theo tỷ lệ phần quyền của mỗi người trong khối tài sản chung. Dù hiểu điều luật vừa dẫn theo nghĩa nào, thì rõ ràng hoa lợi, lợi tức chưa thu hoạch vẫn là một phần không tách rời của tài sản gốc và, do đó, là một bộ phận của khối sở hữu chung theo phần. Nếu toàn bộ khối tài sản thuộc sở hữu chung theo phần được đem chia trong lúc hoa lợi, lợi tức chưa được thu hoạch, thì phần hoa lợi, lợi tức ấy nằm trong khối tài sản chia.
Tài sản nợ
Nợ riêng của chủ sở hữu chung – Theo BLDS Điều 224 khoản 2, trong trường hợp có người yêu cầu một người trong số các chủ sở hữu chung thực hiện nghĩa vụ thanh toán khi người đó không có tài sản riêng hoặc tài sản riêng không đủ để thanh toán thì người yêu cầu có quyền yêu cầu chia tài sản chung để nhận tiền thanh toán và được tham gia vào việc chia tài sản chung, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác. Nếu không thể chia phần quyền sở hữu bằng hiện vật hoặc việc chia này bị các chủ sở hữu chung còn lại phản đối thì người có quyền có quyền yêu cầu người có nghĩa vụ bán phần quyền sở hữu của mình để thực hiện nghĩa vụ thanh toán.
*) Thứ hai, quản lý tài sản thuộc sở hữu chung theo phần:
Như đã nói ở trên, sở hữu chung theo phần đối với di sản chưa chia là hình thức sở hữu chung rất phổ biến trong thực tiễn đời sống ở nước ta. Việc quản lý di sản thuộc sở hữu chung cần phải tuân thủ một số nguyên tắc do luật định cũng như tôn trọng nội dung thỏa thuận của các chủ sở hữu chung của di sản đó.
Các nguyên tắc do luật định
Nguyên tắc nhất trí – Theo BLDS Điều 221, các chủ sở hữu chung cùng quản lý tài sản chung theo nguyên tắc nhất trí, trừ trường hợp có thoả thuận khác hoặc pháp luật có quy định khác. Tuy nhiên, nguyên tắc này sẽ bị loại bỏ trong một số trường hợp cần thiết để bảo vệ lợi ích cộng đồng, lợi ích chung của các chủ sở hữu (chẳng hạn như: kiện đòi chấm dứt hành vi cản trở trái pháp luật đối với việc thực hiện quyền sở hữu, quyền chiếm hữu hợp pháp; bán tài sản dễ hư hỏng; sửa chữa tài sản theo định kỳ; khắc phục sự cố…). Các chủ sở hữu chung không nhất thiết tự mình quản lý tài sản chung. Họ có thể uỷ quyền cho một chủ sở hữu chung (thậm chí một người thứ ba) để quản lý và sử dụng tài sản hoặc để xác lập một giao dịch nào đó liên quan đến tài sản.
Quản lý tài sản chung theo thỏa thuận
Theo BLDS Điều 681 khoản 2, mọi thoả thuận của những người thừa kế đều phải lập thành văn bản. Như vậy, sự thoả thuận giữa những người có quyền sở hữu chung theo phần về việc quản lý một khối di sản chưa chia phải được lập thành văn bản. Các chủ sở hữu chung có thể thoả thuận về việc loại bỏ nguyên tắc nhất trí trong việc quản lý tài sản chung. Các chủ sở hữu chung cũng có thể thoả thuận về việc cử một hoặc nhiều người đứng ra quản lý khối tài sản chung. Quyền hạn của người quản lý có thể được pháp luật xác định một phần, như trong trường hợp quản lý chính thức di sản chưa chia, nhưng thông thường do cộng đồng các chủ sở hữu chung ấn định. Người quản lý được hưởng quy chế của người được uỷ quyền, đặc biệt là được hưởng thù lao do công việc quản lý của mình.
Quyền của chủ sở hữu chung đối với phần tài sản của mình
Định đoạt – Theo BLDS Điều 223 khoản 1, mỗi chủ sở hữu chung theo phần có quyền định đoạt phần quyền sở hữu của mình theo thoả thuận hoặc theo quy định của pháp luật. Một cách tổng quát, chủ sở hữu chung có quyền chuyển giao phần quyền sở hữu của mình trong tài sản chung cho người khác, có hoặc không có đền bù. Việc chuyển giao có thể có đối tượng là một phần hoặc toàn bộ phần quyền sở hữu đó. Nếu chủ sở hữu chung bán phần quyền của mình trong tài sản chung, thì các chủ sở hữu chung khác có quyền ưu tiên mua.
3. Sở hữu chung hợp nhất:
Khoản 1 Điều 210
“Sở hữu chung hợp nhất là sở hữu chung mà trong đó phần quyền sở hữu của mỗi chủ sở hữu không được xác định đối với tài sản chung.”
Sở hữu chung hợp nhất là hình thức sở hữu của hai hay nhiều chủ thể đối với khối tài sản chung. Các chủ sở hữu chung hợp nhất có quyền ngang nhau trong việc khai thác công dụng, hưởng hoa lợi, lợi tức từ tài sản chung nếu không có thỏa thuận khác. Việc định đoạt tài sản chung hợp nhất được thực hiện theo thỏa thuận của các chủ sở hữu chung hoặc theo quy định của pháp luật.
Sở hữu chung hợp nhất gồm 2 loại là sở hữu chung hợp nhất có thể phân chia và sở hữu chung hợp nhất không phân chia.
*) Sở hữu chung hợp nhất có thể phân chia
Sở hữu chung hợp nhất có thể phân chia là sở hữu chung mà tài sản chung có thể phân chia cho từng chủ sở hữu theo thỏa thuận hoặc theo quy định của pháp luật. Theo quy định của pháp luật hiện hành thì sở hữu chung hợp nhất có thể phân chia là sở hữu chung của vợ chồng.
Sở hữu chung của vợ chồng là sở hữu chung hợp nhất đối với tài sản là thu nhập hợp pháp của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân, tài sản mà vợ chồng được tặng cho chung, thừa kế chung và phần tài sản thuộc sở hữu riêng của vợ hoặc chồng được người đó tuyên bố nhập vào khối tài sản chung.
Vợ chồng có quyền ngang nhau trong việc chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản chung. Tài sản chung của vợ chồng có thể được phân chia khi có yêu cầu của một trong hai bên; khi vợ chồng ly hôn; khi một trong hai bên chết; khi có người có quyền yêu cầu một người trong số các chủ sở hữu chung thực hiện nghĩa vụ thanh toán và người đó không có tài sản riêng hoặc tài sản riêng không đủ để thanh toán.
Tài sản chung của vợ chồng được chia đều cho mỗi bên, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác hoặc pháp luật có quy định khác.
*) Sở hữu chung hợp nhất không phân chia
Sở hữu chung hợp nhất không phân chia là sở hữu của nhiều người đối với tài sản nhằm thỏa mãn lợi ích chung hợp pháp của tất cả mọi thành viên trong một cộng đồng dân cư nhất định, bao gồm:
– Sở hữu chung của cộng đồng dân cư: là sở hữu chung của các thành viên trong một cộng đồng dân cư đối với tài sản được hình thành theo tập quán, tài sản do các thành viên của cộng đồng cùng nhau đóng góp, quyên góp, được tặng cho chung hoặc từ các nguồn khác phù hợp với quy định của pháp luật nhằm mục đích thỏa mãn lợi ích chung hợp pháp của cả cộng đồng. (Điều 211
– Sở hữu chung của dòng họ: là sở hữu chung của các thành viên trong một dòng hộ đối với tài sản được hình thành do thành viên dòng họ đóng góp, tạo dựng, được tặng cho chung hoặc từ các nguồn khác phù hợp với quy định của pháp luật nhằm mục đích dùng vào việc thờ cúng hoặc mục đích hợp pháp khác.
– Sở hữu chung của cộng đồng tôn giáo: là sở hữu chung của các thành viên trong một tổ chức tôn giáo nhất định đối với tài sản được hình thành do đóng góp, cung tiến của thành viên nhằm phục vụ cho vấn đề tâm linh theo từng dòng tôn giáo nhất định.
– Sở hữu chung trong nhà chung cư: là sở hữu chung của tất cả chủ sở hữu các căn hộ trong nhà chung cư đối với phần diện tích, trang thiết bị và các tài sản khác dùng chung trong nhà chung cư. (Điều 214 Bộ luật dân sự 2015).
Kết luận: Trong cuộc sống, tài sản là sở hữu chung của nhiều chủ sở hữu có rất nhiều ví dụ như tài sản chung của vợ chồng, tài sản công ty, tài sản chung của hội, phường, xã…Việc xác định rõ sở hữu chung đó là loại gì giúp việc giải quyết tranh chấp phát sinh (nếu có) được thực hiện một cách thuận lợi và đơn giản nhất.