Gửi tiền tiết kiệm là việc cá nhân hoặc tổ chức gửi tiền của mình vào ngân hàng và các tổ chức tín dụng nhằm mục đích hưởng lãi suất định kỳ theo mức lãi suất mà ngân hàng đã ấn định. Vậy theo quy định của pháp luật hiện nay, muốn rút tiền gửi ngân hàng khi chủ sở hữu đang hôn mê như thế nào?
Mục lục bài viết
1. Rút tiền gửi tiết kiệm khi chủ sở hữu đang hôn mê thế nào?
Hiện nay, gửi tiền tiết kiệm ngân hàng là một trong những phương thức bảo quản số tiền chưa dùng tới được nhiều người lựa chọn. Tuy nhiên trong quá trình gửi tiền tiết kiệm ngân hàng, nhiều người đã gặp các vấn đề liên quan đến sức khỏe như qua đời, ốm đau, hôn mê … Tình trạng hôn mê có thể xảy ra do nhiều nguyên nhân khác nhau, đây là tình trạng bất tỉnh kéo dài. Một người rơi vào trạng thái hôn mê sẽ không có bất kỳ phản ứng nào với kích thích từ bên ngoài, nằm bất động một chỗ dù có bị tác động như thế nào, hay nói cách khác khi hôn mê thì bệnh nhân sẽ mất khả năng thức tỉnh.
Căn cứ theo quy định tại Điều 10 của Thông tư 48/2018/TT-NHNN, có quy định cụ thể về đồng tiền nhận và chi trả tiền gửi tiết kiệm. Theo đó:
– Đồng tiền nhận tiền gửi tiết kiệm được xác định là đơn vị đồng Việt Nam hoặc ngoại tệ. Các tổ chức tín dụng và ngân hàng sẽ xác định cụ thể loại ngoại tệ nhận tiền gửi tiết kiệm;
– Đồng tiền chi trả tiền gửi tiết kiệm được xác định là loại đồng tiền mà người gửi tiền đã gửi trước đó. Việc chi trả đối với ngoại tệ là sẽ được thực hiện theo hướng dẫn cụ thể của các tổ chức tín dụng;
– Đối với tiền gửi tiết kiệm bằng đơn vị đồng Việt Nam của công dân Việt Nam là cá nhân cư trú, người gửi tiền và tổ chức tín dụng toàn toàn được thỏa thuận việc chi trả gốc và lãi vào tài khoản thanh toán bằng đơn vị đồng Việt Nam của chính người gửi tiền đó;
– Đối với tiền gửi tiết kiệm bằng đơn vị đồng Việt Nam của công dân Việt Nam là cá nhân không cư trú gửi từ tài khoản thanh toán của người gửi tiền, người gửi tiền vào các tổ chức tín dụng hoàn toàn có quyền thỏa thuận với nhau chi trả gốc bằng số tiền đã gửi và lãi tương ứng vào tài khoản thanh toán bằng đồng Việt Nam của chính người gửi tiền đó;
– Đối với tiền gửi tiết kiệm bằng đơn vị ngoại tệ của công dân Việt Nam là cá nhân cư trú gửi từ tài khoản thanh toán của người gửi tiền, thì người gửi tiền vào các tổ chức tín dụng hoàn toàn có quyền thỏa thuận với nhau để chi trả gốc bằng số tiền đã gửi và lãi suất tương ứng vào tài khoản thanh toán bằng ngoại tệ của chính người gửi tiền.
Đồng thời, hôn mê không đồng nghĩa với việc người gửi tiết kiệm đã qua đời, vì vậy tài sản của họ sẽ không thể được chia thừa kế theo quy định của pháp luật về dân sự. Theo quy định của pháp luật hiện nay, muốn rút tiền gửi tiết kiệm, thì chủ thẻ tiết kiệm phải trực tiếp thực hiện thủ tục rút tiền gửi tiết kiệm tại ngân hàng, nếu có người muốn rút thay thì cần phải có văn bản ủy quyền hợp pháp của chủ thẻ tiết kiệm.
Trong trường hợp chủ thẻ tiết kiệm đang rơi vào trạng thái hôn mê thì việc rút tiền trực tiếp hay rút tiền thông qua hình thức ủy quyền cho người khác đều không thể tiến hành. Vì vậy, khi người nhà có nhu cầu muốn rút số tiền gửi tiết kiệm khi chủ sở hữu thẻ tiết kiệm đang hôn mê thì cần phải trao đổi lại trực tiếp với ngân hàng để tìm hiểu cụ thể hơn về vấn đề này.
2. Vợ đang hôn mê thì chồng có thể rút tiền trong sổ tiết kiệm của vợ có được không?
Trước hết, căn cứ theo quy định tại Điều 24 của Luật hôn nhân gia đình năm 2014 có quy định về căn cứ xác lập đại diện giữa vợ và chồng. Theo đó:
– Việc đại diện giữa vợ và chồng trong xác lập, thực hiện hoặc chấm dứt giao dịch dân sự sẽ được thực hiện theo quy định của luật hôn nhân gia đình, bộ luật dân sự và các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan;
– Vợ, chồng có thể ủy quyền cho nhau để xác lập, thực hiện hoặc chấm dứt giao dịch dân sự theo quy định của pháp luật hôn nhân gia đình, bộ luật dân sự và các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan, đồng thời bắt buộc phải được sự đồng ý của cả hai vợ chồng;
– Vợ, chồng có thể đại diện cho nhau khi một bên bị mất năng lực hành vi dân sự mà bên còn lại có đầy đủ điều kiện để làm người giám hộ hoặc khi một bên bị hạn chế năng lực hành vi dân sự mà bên còn lại được cơ quan nhà nước có thẩm quyền đó là tòa án chỉ định trở thành người đại diện theo pháp luật cho người đó, ngoại trừ trường hợp theo quy định của pháp luật thì người đó phải tự mình thực hiện quyền và nghĩa vụ có liên quan;
– Trong trường hợp một bên vợ, chồng bị mất năng lực hành vi dân sự mà bên còn lại có yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền đó là tòa án giải quyết thủ tục ly hôn thì căn cứ vào quy định về giám hộ trong Bộ luật dân sự năm 2015, tòa án chỉ định người khác trở thành người đại diện cho người bị mất năng lực hành vi dân sự để giải quyết thủ tục ly hôn đó.
Đồng thời, căn cứ theo quy định tại Điều 22 của Bộ luật dân sự năm 2015 có quy định về vấn đề mất năng lực hành vi dân sự. Theo đó:
– Khi một người bị bệnh tâm thần hoặc mắc các chứng bệnh khác dẫn tới trường hợp không thể nhận thức và không thể điều khiển hành vi của mình thì theo yêu cầu của người có quyền lợi ích liên quan hoặc theo yêu cầu của cơ quan, các tổ chức hữu quan, tòa án sẽ ra quyết định tuyên bố người này trở thành người mất năng lực hành vi dân sự dựa trên kết luận giám định pháp y tâm thần;
– Khi không còn căn cứ tuyên bố một người là người mất năng lực hành vi dân sự thì theo yêu cầu của chính người đó hoặc theo yêu cầu của người có quyền lợi liên quan, hoặc theo yêu cầu của các cơ quan và tổ chức hữu quan, tòa án sẽ ra quyết định hủy bỏ quyết định tuyên bố một người là mất năng lực hành vi dân sự;
– Giao dịch dân sự của người mất năng lực hành vi dân sự bắt buộc phải do người đại diện theo pháp luật của họ xác lập và thực hiện.
Theo đó thì có thể nói, trong trường hợp một người bị hôn mê, gia đình muốn rút được số tiền trong tài khoản ngân hàng gửi tiết kiệm thì gia đình cần phải yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền đó là tòa án tuyên bố người vợ bị mất năng lực hành vi dân sự hoặc bị hạn chế năng lực hành vi dân sự căn cứ theo quy định tại Điều 378 của Bộ luật dân sự năm 2015. Theo đó:
– Trong trường hợp chấp nhận đơn yêu cầu thì cơ quan nhà nước có thẩm quyền đó là tòa án cần phải ra quyết định tuyên bố người đó bị mất năng lực hành vi dân sự, bị hạn chế năng lực hành vi dân sự hoặc có khó khăn trong nhận thức và làm chủ hành vi;
– Trong quyết định tuyên bố một người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự, tòa án bắt buộc phải xác định người đại diện theo pháp luật của người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự và xác định rõ phạm vi đại diện của người đó;
– Trong quyết định tuyên bố một người có khó khăn trong nhận thức và làm chủ hành vi thì tòa án bắt buộc phải chỉ định người giám hộ, xác định cụ thể quyền và nghĩa vụ của người giám hộ.
Sau đó, khi người vợ đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền đó là tòa án ra quyết định tuyên bố bị mất năng lực hành vi dân sự hoặc bị hạn chế năng lực hành vi dân sự, hoặc bị tòa án tuyên bố là người có khó khăn trong nhận thức và làm chủ hành vi, thì tòa án sẽ đồng thời xác định người đại diện theo pháp luật của người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự và xác định rõ phạm vi đại diện của người đó. Trong trường hợp này, người chồng sẽ đương nhiên trở thành người đại diện theo pháp luật của người vợ khi người vợ đó bị hôn mê bất tỉnh, gia đình lúc này có thể trình bày những khó khăn về mặt tài chính mà gia đình đang gặp phải với ngân hàng, cần tiền để thực hiện thủ tục phẫu thuật cho người vợ, để tòa án xem xét và giải quyết phạm vi đại diện của người chồng được quyền thực hiện giao dịch rút tiền gửi tiết kiệm của người vợ đang hôn mê, tức là người chồng sẽ có quyền thay mặt cho người vợ rút tiền gửi tiết kiệm tại ngân hàng.
Vì vậy, không phải trong bất kỳ trường hợp nào người vợ đang hôn mê thì chồng cũng có thể tự ý rút tiền trong sổ tiết kiệm của vợ, việc chồng có được rút tiền trong sổ tiết kiệm của vợ khi vợ đang hôn mê hay không hoàn toàn phụ thuộc vào quyết định của tòa án và phạm vi đại diện của người chồng đó.
3. Nguyên tắc thực hiện giao dịch tiền gửi có kỳ hạn như thế nào?
Căn cứ theo quy định tại Điều 5 của Thông tư 48/2018/TT-NHNN, có quy định cụ thể về nguyên tắc thực hiện giao dịch tiền gửi có kỳ hạn. Theo đó:
– Tổ chức tín dụng nhận tiền gửi có kỳ hạn phù hợp với phạm vi hoạt động được phép theo quy định của pháp luật và theo giấy phép hoạt động, giấy phép thành lập của tổ chức tín dụng đó;
– Khách hàng chỉ được gửi, nhận chi trả tiền gửi có kỳ hạn thông qua tài khoản thanh toán của khách hàng đó;
– Khách hàng thực hiện hoặc thông qua người đại diện hợp pháp để thực hiện hoạt động gửi tiền, nhận chi trả tiền gửi có kỳ hạn theo hướng dẫn cụ thể của các tổ chức tín dụng phù hợp với quy định của pháp luật. Riêng đối với khách hàng là người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự hoặc khách hàng là người bị mất năng lực hành vi dân sự theo quy định của pháp luật, hoặc khách hàng chưa đủ 15 tuổi thực hiện hoạt động gửi tiền, nhận chi trả tiền gửi có kỳ hạn thông qua người đại diện theo pháp luật, người có khó khăn trong nhận thức và làm chủ hành vi theo quy định của pháp luật sẽ thực hiện thủ tục gửi tiền và nhận chi trả tiền gửi có kỳ hạn thông qua người giám hộ;
– Đối với tiền gửi chung có kỳ hạn, khách hàng gửi tiền và nhận chi trả tiền gửi có kỳ hạn thông qua số tài khoản thanh toán chung của tất cả các khách hàng. Người cư trú và người không cư trú sẽ không được thực hiện thủ tục gửi tiền gửi chung có kỳ hạn. Tổ chức và khách hàng sẽ không được thực hiện thủ tục gửi tiền gửi chung có kỳ hạn bằng ngoại tệ;
– Thời hạn gửi tiền sẽ được thực hiện theo sự thỏa thuận giữa khách hàng và các tổ chức tín dụng. Đối với khách hàng là tổ chức và cá nhân nước ngoài là người không cư trú, cá nhân nước ngoài là người cư trú, thì thời hạn gửi tiền sẽ không được phép kéo dài hơn so với thời hạn có hiệu lực còn lại của giấy tờ xác minh thông tin căn cứ theo quy định tại Điều 4 của Thông tư 48/2018/TT-NHNN;
– Đồng tiền chi trả gốc, lãi tiền gửi có kỳ hạn là đồng tiền mà khách hàng đó đã gửi ban đầu.
Các văn bản pháp luật được sử dụng trong bài viết:
– Thông tư 48/2018/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định về tiền gửi tiết kiệm;
– Bộ luật Dân sự năm 2015.
THAM KHẢO THÊM: